Kỳ 5: Vì sao Mỹ không ủng hộ Nguyễn Cao Kỳ đảo chính?

Kỳ 5: Vì sao Mỹ không ủng hộ Nguyễn Cao Kỳ đảo chính?
Sau khi Đà Nẵng thất thủ, một tuần tiếp theo các lực lượng quân đội và chính quyền Sài Gòn tháo chạy khỏi Nha Trang. Đến thời điểm này, tương quan lực lượng đã thay đổi nhanh chóng có lợi cho quân đội Bắc Việt.

Những người cộng sản đã bước lên con đường dẫn đến “thắng lợi hoàn toàn trong thời gian ngắn nhất có thể”. Thắng lợi cuối cùng của họ đã nằm trong tầm với một cách dễ dàng.

Kỳ 5: Vì sao Mỹ không ủng hộ Nguyễn Cao Kỳ đảo chính? ảnh 1
Tư lệnh không quân Nguyễn Cao Kỳ (hàng đầu bên phải) và Trung tướng Ngô Quang Trưởng (trái) Tư lệnh Quân khu 1 trên tàu sân bay Midway của Mỹ

Như vậy, chỉ trong thời gian chưa đầy một tháng, 150.000 binh lính, dân binh của chính quyền Sài Gòn đã bị giải tán, bỏ rơi, hoặc bị tiêu diệt. Trong đó, 16.000 lính chính qui quân đội Sài Gòn tháo chạy khỏi quân khu 1.

Ngoài ra, trong số 2 sư đoàn ở quân khu 2, chỉ còn lại hai trung đoàn và một lữ đoàn không vận đóng quân ở phía Tây Nha Trang là còn đủ sức chiến đấu. Chỉ trong một thời gian ngắn 15 tỉnh của chính quyền Sài Gòn đã lọt vào tay quân giải phóng cùng với vũ khí, thiết bị quân sự trị giá 1 tỷ USD bị phá hủy hoặc từ bỏ.

Trong số vũ khí, thiết bị chiến tranh này có gần 200 chiếc máy bay các loại bao gồm cả 12 chiếc máy bay chiến đấu F–5 còn nguyên trong hộp xốp. Bộ máy tình báo của chính quyền Sài Gòn tại các Quân khu 1 và 2 hoàn toàn bị xóa sổ.

Phía bên kia chiến tuyến, Bắc Việt có hơn 300.000 quân đã hoặc sắp di chuyển vào miền Nam để chuẩn bị cho trận tấn công cuối cùng. Đến đầu tháng 4/1975 ít nhất 18 sư đoàn của quân đội Bắc Việt đã tham chiến, 5 sư đoàn khác đang trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh vào Nam tăng cường.

Chỉ riêng trong tháng 4/1975, quân đội Bắc Việt đã tung vào chiến dịch này tổng cộng khoảng 30.000 quân chính qui các loại. Báo cáo đánh giá tình hình của CIA tại Sài Gòn gửi về Washington cho rằng tương quan lực lượng bộ binh giữa quân đội Sài Gòn và  lực lượng cộng sản lúc này là 1 chọi 4, lợi thế nghiêng về phía quân đội Bắc Việt.

Khi xây dựng chiến lược “Nhẹ đầu nặng đuôi”, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu hy vọng lập được phòng tuyến phòng vệ vòng ngoài mở rộng từ Tây Ninh ở phía tây đến Nha Trang vùng duyên hải. Nhưng giờ đây khi quân đội Bắc Việt đã phá vỡ phòng tuyến này, thâm nhập sâu được vào Quân khu 2 thì rõ ràng chiến lược nói trên của Thiệu cần phải điều chỉnh.

Tướng Mỹ Weyand được giao nhiệm vụ nghiên cứu vấn đề này giúp Thiệu. Weyand gợi ý rằng cần phải xây dựng một phòng tuyến mới mở rộng từ Xuân Lộc đến Phan Rang để bảo vệ Sài Gòn. Tổng thống Thiệu đang bí, không có sự lựa chọn nào tốt hơn bèn đồng ý ngay với đề nghị của tướng Weyand.

Ngày 3/4/1975, tại một cuộc họp với Đại sứ G.Martin và một số tướng Mỹ trong đó có Weyand, Nguyễn Văn Thiệu đề nghị Mỹ cho máy bay B – 52 ném bom để chặn đường tiến quân của đối phương vào Sài Gòn. Cố vấn hậu cần Von Marbod trả lời ngay rằng điều này không thể được.

Sự phản ứng này của phía Mỹ khiến Thiệu rất ngạc nhiên như bị dội một gáo nước lạnh. Von Marbod cảm nhận được điều thất vọng này trên mặt Thiệu bèn nói thêm: Tuy nhiên, phía Mỹ có thể cung cấp cho  quân đội Sài Gòn các loại vũ khí tối tân khác như bom phát quang “Daisy Cutter” và bom chùm CBU nhằm tăng cường sức mạnh cho không lực Việt Nam cộng hòa.

Triển khai kế hoạch này, Nguyễn Văn Thiệu giao cho tướng Nguyễn Văn Toàn - Tư lệnh Quân khu 3 chịu trách nhiệm bảo vệ Phan Rang. Tướng Toàn liền chỉ thị cho tướng Nguyễn Vĩnh Nghi (bạn thân của Toàn, và  là cựu Tư lệnh Quân khu 4 mới bị cách chức vì tham nhũng) xây dựng các căn cứ có sự tham gia của sư đoàn không vận.

Tướng Toàn cũng triển khai một lữ đoàn xe bọc thép cùng vài đơn vị biệt kích ở khu vực tây Quân khu 3 để tăng cường cho Sư đoàn 18 tại cửa ngõ then chốt Xuân Lộc...

Vào thời điểm này để cứu vãn tình hình Mỹ muốn thấy một cuộc cải tổ trong Nội các Nguyễn Văn Thiệu. Không phải nhằm loại bỏ Thiệu mà là mở rộng Nội các để đưa vào Chính phủ một số nhân vật ôn hòa, thậm chí có thể bao gồm một số nhân vật đối lập không cộng sản nhưng vô hại.

Mục đích là để trong trường hợp phải thương lượng với cộng sản thì đã có một lực lượng chính trị đứng sau chính phủ. Hai sĩ quan CIA Shackey và Caver được giao nhiệm vụ thăm dò quan điểm của Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, người luôn tỏ ra ủng hộ Mỹ trong mọi trường hợp.

Lần này Khiêm cũng đồng ý hoàn toàn với các cố vấn Mỹ về việc cải tổ mở rộng nội các. Khiêm tới gặp Tổng thống Thiệu nói rằng trong khi lực lượng quân sự của chính quyền Sài Gòn còn tương đối mạnh đủ để mặc cả với đối phương thì nên chủ động đề nghị với phía Hà Nội một giải pháp hòa bình. Thiệu chưa hiểu đầu đuôi ra sao nên lưỡng lự thì Thủ tướng Khiêm dọa sẽ từ chức nếu Tổng thống không tán thành. Cuối cùng Thiệu cũng chấp nhận cải tổ mở rộng nội các. 

Trong khi đó, phe đối lập tiếp tục gây sức ép lên chính quyền Thiệu. Một ngày sau khi Nha Trang thất thủ, Thượng viện thông qua với 100% phiếu thuận một nghị quyết kêu gọi thành lập một chính phủ mới. Nguyễn Cao Kỳ cho rằng nếu chỉ kêu gọi như vậy thôi thì vô dụng, ông ta bắt đầu vận động một cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Thiệu.

Do phe cánh trong không lực của ông ta không đủ mạnh, Kỳ đi tìm sự ủng hộ thêm của các bạn bè cũ trong quân đội như tướng Lê Minh Đảo - Tư lệnh Sư đoàn 18 bảo vệ Xuân Lộc. Tướng Đảo từ chối tham gia nếu không có sự ủng hộ của Bộ Tổng tham mưu liên quân.

Đến nước này, Nguyễn Cao Kỳ đành phải vận động Tổng tham mưu trưởng liên quân, tướng Cao Văn Viên tham gia. Tướng Kỳ gặp tướng Viên vào giữa trưa, trình bày quan điểm và đề nghị Viên ủng hộ. Tướng Viên tỏ ra thận trọng hứa sẽ trả lời Kỳ trong một vài ngày tới.

Từ giã Kỳ, ngay chiều hôm đó Cao Văn Viên đến gặp Thủ tướng Khiêm thông báo với ông ta nội dung mà Kỳ đã trao đổi. Tổng tham mưu trưởng liên quân đề nghị Thủ tướng cho kiểm tra xem người Mỹ có đứng sau âm mưu đảo chính của Nguyễn Cao Kỳ hay không? Trần Thiện Khiêm liền hỏi Thomas Polgar - Chỉ huy trưởng CIA thì được trả lời một cách rõ ràng là Mỹ không ủng hộ một cuộc đảo chính do Nguyễn Cao Kỳ và cộng sự của ông ta tổ chức. Lý do là cả Nguyễn Cao Kỳ và những người cùng âm mưu làm đảo chính với ông ta chẳng ai có lập trường ôn hòa hoặc trung dung để có thể thương lượng với Hà Nội.

Trong khi đó, từ một nguồn tin ở Học viện quân sự Thủ Đức, em họ của Nguyễn Văn Thiệu là Hoàng Đức Nhã biết việc Kỳ đến vận động tướng Đảo làm đảo chính. Nhã báo điều này cho Tổng thống Thiệu. Ngay hôm sau, Nguyễn Văn Thiệu lên truyền hình quốc gia công bố một cuộc “làm sạch ngôi nhà chính phủ” mà không cần tham khảo Thủ tướng Trần Thiện Khiêm.

Việc làm của Thiệu khiến Khiêm khó chịu liền xin từ chức. Không ngờ Thiệu chấp nhận ngay tức khắc sự từ chức của Khiêm. Trong cuộc cải tổ Nội các của Thiệu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Bá Cẩn được bổ nhiệm làm Thủ tướng của một chính phủ mới “chiến tranh và liên minh dân tộc”; Phó Thủ tướng Trần Văn Đôn kiêm thêm chức Bộ trưởng Quốc phòng. 

(Còn nữa)

Kỳ sau: Những toan tính quanh “con bài” Nguyễn Văn Thiệu.

MỚI - NÓNG