Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn (1/10/1908 - 1/10/2008): Trập trùng huyền thoại

Kỳ cuối: Chuyện ông tướng võ dịch văn

Kỳ cuối: Chuyện ông tướng võ dịch văn
TP - Dự Lễ kỷ niệm trăm năm ngày sinh của Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn, có rất nhiều tướng lĩnh quân đội. Trong số đó có một thiếu tướng trong bộ quân phục màu sáng là thẳng nếp, tóc chỉ còn một ít sợi bạc, dáng đi mau mắn nhanh nhẹn, chất giọng sang sảng dường như tương phản với vóc dáng lẫn tuổi tác mà sau này tôi mới biết đã 76.
Kỳ cuối: Chuyện ông tướng võ dịch văn ảnh 1
Dịch giả Hoàng Hà nhớ Hồng Hà thương (ngồi đầu) trong Lễ kỷ niệm 100 ngày sinh tướng Nguyễn Sơn

Tò mò, tôi có hỏi bà Nguyễn Thanh Hà, con gái đầu của tướng Nguyễn Sơn với bà Hằng Huân, thì bà cười rằng cũng là con cháu của cụ nhà (tướng Nguyễn Sơn) cả! Ông ấy là dịch giả cuốn Hoàng Hà nhớ Hồng Hà thương.

Bà cụ thân sinh ra ông là con cô con cậu với tướng Nguyễn Sơn. Hình ông có thừa hưởng chút gen bên ngoại ở cái tính ngay thẳng? Trò chuyện với đám ký giả, ông  sang sảng giao hẹn ngay là không có đưa lên báo biếc gì nhé!

Rằng hỏi chuyện thì ông kể nghe cho vui thôi. Mà chuyện ông thì vui thật. Tôi có cảm giác chất giọng hài hước kia dường như đang hóa giải cho nhẹ nhõm những nhọc nhằn gian nan mà tướng quân từng nếm trải.

Ông kể lại cảm giác lần đầu được gặp người bác, tướng Nguyễn Sơn, cuối năm 1945 khi Nguyễn Sơn mới về nước ra sao...  Khi ấy ông Nguyễn Sơn đường đột bất ngờ đến thăm bà chị của mình. Tóc rễ tre, khuôn mặt rám nắng vẻ dày dạn sương gió.

Giọng oang oang luôn nói cười và cũng rít thuốc liền miệng. Ngó ông vừa sợ vừa thích. Sợ vì từng nghe danh tiếng ông. Thích vì ông Nguyễn Sơn hóa ra rất bình dị vui tính. Khâm phục tự hào là bên họ ngoại mình có một người từng tham gia Vạn lý trường chinh từng cùng ăn tuyết nằm sương với những người như Mao Trạch Đông, Diệp Kiếm Anh, Bành Đức Hoài...

Cảm giác ấy càng nhân lên thêm khi cậu thiếu niên ấy nghĩ về lực lượng Vệ Quốc đoàn chúng ta có thêm những người như ông bác mình từ tận Trung Quốc, được bác Mao trực tiếp cử về tham gia chiến đấu. Những cảm giác cảm xúc bấy bớt bồng bột ấy như chắp cánh cho cậu thiếu niên sau này hăng hái nhập ngũ...

Ông không có vẻ quan tâm gì nhiều đến những câu hỏi về những bước đường phấn đấu này khác. Ông chỉ san sẻ cho chúng tôi vài mẩu chuyện vui vui thời gian ông theo học Trường Lục quân trên đất Trung Hoa. Chuyện ông đã phải khổ công học hành ôn luyện tiếng Trung như thế nào.

Riêng ông mải mốt với mục đích thạo tiếng Trung, ngoài việc nâng cao chất lượng học tập, ông phấn đấu có trình độ để đọc được bằng nguyên bản Tam Quốc, Thủy Hử - những cuốn sách mà ông rất khoái từ bé.

Ông biết để nâng cao trình độ ngoại ngữ, một trong các cách hữu hiệu  nhất là hòa mình với dân ngoài doanh trại. Nhưng kỷ luật khi đó nghiêm lắm, chỉ có thể tận dụng tối đa sự nhiệt tình của giảng viên người Trung Quốc mà thôi. Sự khổ công miệt mài ấy đã không phụ chàng trai thông minh ham học, ham đọc. Kết thúc khóa học ở trường Lục quân bên nước bạn, ông đã có vốn liếng tiếng Trung khá vững.

Tôi rất muốn gạn ở ông những chuyện mà  có được giới thiệu loáng thoáng, ông là  một cán bộ cứng của Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng, rồi sau này chững chạc ở cương vị Cục Phó Cục tác chiến. Những lần gặp sau, ông đều khéo léo chuyển sang chuyện khác.

Còn tôi thì cố lái đến đoạn ông là dịch giả cuốn hồi ký Hoàng Hà nhớ Hồng Hà thương của người bác dâu Trần Kiếm Qua, phu nhân Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn. Nhưng ông cứ lảng, rằng chấp chi chuyện một ông tướng võ dịch văn!

Chắc người đọc cũng chia sẻ với cảm giác với nhận xét của nhà văn Ngụy Nguy từng nhận xét về cuốn Hoàng Hà nhớ Hồng Hà thương rằng ai đọc cuốn sách này cũng đều cảm thấy ngọt bùi lẫn thương cảm.

Và tác giả, bà Trần Kiếm Qua đã phát biểu (có in trong sách) là dịch giả đã làm việc một cách tinh tế và chuẩn xác (Hoàng Hà nhớ Hồng Hà thương, NXB Văn học, 2004. Tái bản có sửa chữa. Trg. 7). Một ấn phẩm có giá của NXB Văn học, từng tái bản 2 lần trong một thời gian ngắn.

Sự hấp dẫn cuốn hút khiến người đọc đôi khi đã quên bẵng đi những lao tâm khổ tứ của người dịch! Hấp dẫn từ cái tên sách, Hoàng Hà luyến Hồng Hà tình thành ra ngay sự nhuần nhuỵ của tiếng Việt Hoàng Hà nhớ Hồng Hà thương.

Việc ông được tiếp cận với nguyên bản là cả một câu chuyện dài. Như đã nói, ông chả muốn kể nhưng qua bà Thanh Hà cùng chị Trịnh Thị Diệu, người biên tập cuốn sách cùng mấy người vốn là con cháu của Tướng Nguyễn Sơn, tôi thử chắp nối lại, đại để như thế này:

Tiết Thanh minh năm 1998, Phu nhân tuớng Nguyễn Sơn  là Trần Kiếm Qua và hai con trai Tiểu Phong, Tiểu Việt đã qua Việt Nam tảo mộ cho ông. Khi  những xúc động của cuộc gặp gỡ sum họp tạm lắng dịu, bà Trần đã hé lộ một tâm sự.

Bà cho hay gần 20 năm nay, bắt đầu từ thời điểm cách mạng văn hóa, bà bắt tay vào viết một cuốn hồi ký về tướng Nguyễn Sơn, đến nay bà gần như đã hoàn thành và nguyện vọng mai kia sau khi xuất bản ở Bắc Kinh, cuốn sách sẽ được dịch sang tiếng Việt để Hoàng Hà hùng dũng sục sôi đã ghi lại trong chúng tôi biết bao nhiêu tình, Hồng Hà mãi chảy xuôi đã mang đi của tôi biết bao nỗi nhớ... ( Sđd. Trang 17).

Trong câu chuyện thân tình chỗ bà con người nhà  với nhau, bà Trần Kiếm Qua ngỏ cái ý, tìm cho bà một dịch giả ngõ hầu đảm nhận việc dịch cuốn hồi ký này. Có mặt trong cuộc gặp với tư cách là người nhà ấy, ông đã có ngay một ý định táo bạo nhưng chưa nói ra. Ông hứa sẽ giúp bà Kiếm Qua tìm dịch giả...

Khi bà Trần Kiếm Qua hoàn thành cuốn hồi ký và sau khi được tiếp xúc với bản thảo, ông đã đề nghị xin được dịch thử cuốn sách này. Không hiểu sao bà bác Trần Kiếm Qua lại đồng ý cho ông cháu vốn là một tướng võ, người chưa từng dịch một tác phẩm nào một việc hệ trọng như vậy. Chắc phải có duyên do nào thì mới có chuyện  chọn mặt gửi... bản thảo đối người cháu Việt Nam này.

Công việc được tiến hành khẩn trương. Chẳng bao lâu khi Hoàng Hà luyến, Hồng Hà tình được NXB Thế giới đương đại của Trung Quốc xuất bản thì bản dịch Hoàng Hà nhớ Hồng Hà thương cũng được ông hoàn tất. Để làm gì? Đưa đến một trong các nhà xuất bản? Không phải.

Như đã nói, ông có xin phép bà Trần Kiếm Qua dịch cuốn hồi ký nhưng với mục đích là in vi tính cho con cháu trong nhà tướng Nguyễn Sơn đọc có tính chất tham khảo nội bộ thôi chứ không xuất bản. Toàn bộ bản dịch được in vi tính và lưu lại ở nhà bà Nguyễn Thanh Hà.

Hoàn thành bản vi tính, ông yên tâm là công việc của mình đã góp phần nhỏ bé trong việc giáo dục truyền thống cho dòng họ cho nội tộc gia đình Nguyễn Sơn có điều kiện tham khảo hiểu biết thêm về người con của họ tộc, một vị tướng tài ba của hai nước Việt - Trung mà từ hồi còn trẻ ông đã dành bao tình cảm quý mến cảm phục.

Nhưng ông  đâu có ngờ, một bản sao cuốn hồi ký in vi tính ấy đã tình cờ đến được tay một biên tập viên của NXB Văn học, chị Trịnh Thị Diệu vốn là một bà đỡ có trách nhiệm cho nhiều ấn phẩm giá trị của NXB.

Tiếp xúc với bản sao của cuốn hồi ký, như sau này chị nói, đọc lại đến lần thứ ba mà vẫn nguyên vẹn những cảm giác bồi hồi xúc động cảm phục. Cẩn thận hơn, chị đã nhờ một dịch giả nổi tiếng, vốn là cộng tác viên của nhà xuất bản thẩm định.

Khỏi nói ra đây những công sức chị đã làm, trong đó có việc thuyết phục được dịch giả là  ông tướng võ dịch văn vốn khá khó tính kia. Cộng với cả sự động viên thuyết phục của nhiều người trong dòng họ tướng Nguyễn Sơn, cuốn hồi ký của phu nhân Trần Kiếm Qua đã được NXB Văn học cho ra mắt bạn đọc.

...Biết ông tướng võ dịch văn này không thích nhắc lại cuốn sách dịch mà ông nói là duy nhất trong đời, nhưng chuyện chúng tôi lan man thể nào mà lại nói đến một bài thơ độc đáo của tướng Nguyễn Sơn viết từ năm 1939.

Đó là bài thơ tự do non trăm câu viết theo thể thơ bậc thang của Maiakopxki nhưng rất đượm phong thái trào lộng của Nguyễn Sơn. Nhân sự kiện Hồng quân chiến khu Tấn Sát Ký thắng trận giết chết một võ quan cao cấp của quân đội Nhật, Trung tướng Abê Norihide, Nguyễn Sơn khi đó có tên là Hồng Thủy đã gần như ứng tác để có ngay bài thơ điếu Đóa hoa danh tướng trở thành phân bón trên Thái Hàng Sơn (nhân các báo Nhật khi đó có đăng bài Đóa hoa danh tướng đã tàn trên Thái Hàng Sơn của tư lệnh Phương diện quân Hoa Bắc Okamura. Trg 179-180. Hoàng Hà nhớ... Sđd).

Ông tướng dịch văn lắc đầu thở dài mà rằng, cuối những năm 40 – 50 của thế kỷ trước, khi Nguyễn Đình Thi viết những Nhớ, những Đất nước... với những câu thơ tự do không câu nệ vần nhằm sáng tạo đổi mới diện mạo thơ ca để ngay sau đó gánh lấy không ít những kỳ thị dèm pha thì ông Nguyễn Sơn nhà mình đã chơi thể thơ đó từ năm 1939! Tôi nghĩ thêm, chắc với Trung Quốc, thời điểm ấy, thể thơ tự do na ná như của Hồng Thủy - Nguyễn Sơn hẳn còn mới nữa?

Nhân ngồi nghe ông nói chuyện thơ, lại nghĩ thêm, ông tướng cháu đằng ngoại của tướng Nguyễn Sơn này phải là người có cái đế nhất định về ngoại ngữ lẫn văn chương thì mới có cái duyên gặp được tác phẩm của bà bác Trần Kiếm Qua và được bà nhận xét là tinh tế và chuẩn xác.

Lại có nghe một người cháu của tướng Nguyễn Sơn mách rằng, ông còn cái thú dịch thơ Đường nữa. Thật thú vị nếu ông hé ra một phần việc dịch thuật ấy nhưng chợt nhớ ông là người kỹ tính nếu không muốn nói là khó tính.

Nội kể ra cái chuyện việc dịch sách đã vi phạm giao ước, chắc ông sẽ giận lắm đây! Ngay cả việc dùng lại mấy chữ Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại dịch mà NXB Văn học đã ghi ở trang trong cuốn Hoàng Hà nhớ... mà tôi cũng thấy ngài ngại là!

MỚI - NÓNG