Kỳ II: Chuyện rước mười một vị Chúa về quê Biện Thượng

Kỳ II: Chuyện rước mười một vị Chúa về quê Biện Thượng
Tháng 9 năm Giáp Ngọ khi được tiến phong đại Nguyên soái Tổng quốc chính (1714) Trịnh Cương vào bái yết Thái miếu và chầu vua Lê được coi là biết điều không quá mức lấn quyền như các chúa khác.

Trịnh Cương rất chăm chỉ lo toan việc nước. Chúa trọng dụng ba đại thần còn rất trẻ là Lê Anh Tuấn- Nguyễn Công Cơ- Nguyễn Công Hãng. Có khi giữa đêm Chúa còn đánh thức hai ông đến bàn việc. Nhiều buổi bàn việc kéo dài qua trưa là sự thường.

Người ta khuyên dùng màu vàng thay cho màu tía. Chúa nói màu vàng là màu Vua mình dùng màu tía là được rồi! Gia thuộc họ Trịnh có quân riêng nhưng Trịnh Cương cho giải tán.

Năm 1724 Trịnh Cương được thay vua tế đàn Nam Giao. Người đương thời rất tin phục! Những điều yết lên bảng phải xuất phát từ lẽ công bằng cả loạt đều cùng một giọng. Người nào yết phép theo ý riêng mình khen chê bậy bạ sẽ trị tội (Lời Chúa Trịnh Cương).

Chúa cho tổ chức thi cử lại đánh hạng những kẻ gian lận hoặc nhờ chạy chọt. Có lần Chúa cho đánh rớt hạng 28 người, trong đó có cả con tham tụng Lê Anh Tuấn, con Huân Quận công Đặng Đình Giám ... Bọn này được đưa xuống Pháp đình trị tội thật nặng!

Nguyễn Công Cơ vì dám nói thẳng được phong chức Thiếu bảo. Tháng 10 năm Đinh Mùi (1727) còn tự soạn bài Bảo huấn để răn dạy con. Về già Chúa hay đi tuần du viễn cảnh. Năm Kỷ Dậu (1729) Chúa đi chơi chùa Phật Tích  cảm nặng rồi mất.

Một vị Chúa có sắc diện nhẹ nhõm thanh tao là Dụ Tổ thuận vương Trịnh Giang (1729-1740) con cả Trịnh Cương. Sau 6 năm quyền bính, Chúa nhường quyền cho em là Doanh 17 tuổi (Bính Thìn-1736) còn mình rảnh rang ăn  chơi...

Xây cất xong cung quán chùa chiền, Chúa càng thích du ngoạn... Người bấy giờ đã bảo các chùa cổ danh sơn chỗ nào cũng có vết xe dấu ngựa nhà Chúa! Chúa thường đóng hành cung ở Quế Trạo huyện Quế Dương Bắc Ninh. Thường bị hoạn quan Hoàng Công Phụ thao túng.

Nhân một lần bị sét đánh nên chúng đào đất làm  hầm cho Chúa ở gọi là cung Thưởng trì tới hơn 20 năm!

Năm Canh Thân 1740, Trịnh Doanh lên ngôi Chúa lấy hiệu là Minh Đô Vương. Trịnh Giang ở ngôi Chúa được 10 năm  cộng 20 năm ở cung Thưởng trì thọ 51 tuổi.

Vị Chúa thứ bảy đang để nánh ra một góc chờ sơn thếp là  Nghị tổ Ân vương Trịnh Doanh (1740-1767) Trịnh Doanh con thứ 3 của Trịnh Cương. Trịnh Giang cầm quyền lâu mà vẫn chưa có con nối dõi nên truyền ngôi cho em là Doanh.... Quan hệ giữa hai anh em khá hòa thuận...

Trịnh Doanh là một tướng tài. Nhưng lỗi lầm là quá tin dùng quân Thanh Nghệ và hậu hoạ nảy sinh là nạn kiêu binh. Lịch sử ghi nhận những năm Chúa nắm quyền là những năm đất nước ổn định và thịnh đạt. Tháng Giêng năm Đinh Hợi (1767) Trịnh Doanh mất. Giữ ngôi Chúa 28 năm.

Con trưởng của chúa Trịnh Giang, Thánh tổ Thịnh Vương Trịnh Sâm (1767-1782). Cứng rắn thông minh quyết đoán. Từ nhỏ Trịnh Sâm đã được học hành đến nơi đến chốn.

Đây là vị Chúa mà hậu thế đã tốn không ít giấy mực và những lời bàn. Văn võ kiêm tài? Bạo chúa? Minh chúa? Nhưng nói gì thì vẫn là vị Chúa độc đáo nhất vì đã để lại hàng trăm bài thạch thi- thơ khắc trên đá hiện còn giăng giăng từ Bắc tới Nam! Lại liên tài. Thù tạc ngâm vịnh, quan hệ như bạn bè với những danh sĩ như Nguyễn Khản, anh của thi hào Nguyễn Du... Năm Tân Sửu 1781 mất thọ 44 tuổi, 16 năm ở ngôi Chúa.

Vị Chúa thứ 9 mệnh yểu  là Điện đô vương Trịnh Cán, ở ngôi được một tháng thì bị kiêu binh hạ bệ.

Vị Chúa thứ 10 là Đoan Nam Vương Trịnh Khải (1782-1786). Trịnh Khải là con trai đầu của Trịnh Sâm. Tháng 6 năm Bính Ngọ 1786, nghĩa quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ ra Bắc... Trịnh Tông bị bắt và đâm cổ tự tử. Làm Chúa chưa được 4 năm thọ 24 tuổi!

Vị Chúa cuối cùng có khuôn mặt đăm đăm thương khó là Yến Đô Vương Trịnh Bồng. Làm Chúa tròn được một năm, từ tháng 9 năm 1786 đến tháng 9 năm 1787. Có thể nói đây là vị Chúa hội đủ kha khá bi kịch! Bồng không muốn làm Chúa đã định đi tu... Nhưng tu cũng chả xong. Lẩn lút chạy về Hữu Lũng. Rồi Lạng Sơn, Cao Bằng... Chúa đã từng than Giàu sang ở kiếp phù sinh đều là cảnh mộng. Bởi vậy ngày xưa đã có người thề xin đời đời đừng sinh vào nhà đế vương!

Dằng dặc 249 năm phụng sự các vương triều nhà Lê của 12 vị Chúa Trịnh đã được ông Trịnh Doanh một hậu duệ của Chúa Trịnh Căn và mấy vị khách chắp nối như thế trong âm thanh cưa đục rộn rã của làng nghề Vũ Lăng thời kinh tế thị trường!

Tôi nán lại lâu hơn để nghe thêm chuyện việc thiện, việc tâm linh có sức lây lan... Khi nghe tin có việc dựng tượng, nhiều chi họ Trịnh, nhiều người hằng tâm hằng sản từ Hà Nam từ Ba Vì, Hà Nội... đã tự nguyện tìm về chỗ ông Doanh. Có người chả biết nói thực hay vui là họ được báo... mộng!?

 Nhưng việc hơn mười hai triệu đồng trong một sớm mà các ông Trịnh Cao Sơn, Trịnh Thế Tài cung tiến cho việc làm tượng là có thực! Tôi cũng nghe thêm thủ tục cuối cùng của việc chế tác tượng là yểm vào sau lưng mỗi vị các thứ linh vật như vàng bạc ngọc trai...

Hoà thượng Thích Đạo Hoà trụ trì chùa Phúc Lâm gần chùa Thày sẽ chủ trì lễ yểm tượng này. Vị hoà thượng họ Trịnh này đã tình nguyện chịu phí tổn cho thủ tục hôm hành lễ.

Kế hoạch đón tượng mười một vị Chúa vào Phủ Trịnh ở quê Biện Thượng đúng dịp giỗ Minh Khang Thái vương mười tám tháng Hai Âm lịch cũng được bàn soạn kỹ càng.  Bí thư Huyện uỷ Vĩnh Lộc Nguyễn Xuân Dũng, Chủ tịch quê Chúa xã Vĩnh Hùng Hoàng Đình Nghị đã cất công ra ngoài này chứng kiến và đang phát biểu sự cảm mến trước sự hằng tâm hằng sản của ông Doanh của bà con họ Trịnh ngoài này đã và đang làm phong phú thêm nơi thờ phụng của một Di tích lịch sử quốc gia!

Huyện nghèo Vĩnh Lộc đang đi lên đang chuyển mình bằng du lịch nữa. Con số khách về Vĩnh Lộc mỗi ngày một nhiều để tham quan hơn 100 danh lam thắng tích trong đó hơn mười hạng mục được xếp hạng là Di tích quốc gia, Phủ Trịnh đang là điểm nhấn điểm nối trong một chuỗi di tích mà mỗi danh lam thắng tích chỉ cách nhau vài cây số như di chỉ khảo cổ và vườn tượng Đa Bút, Động Tiên Sơn, thành nhà Hồ, đền Hoàng Đình ái, Nghè Vẹt, Đền nàng Bình Khương, động Hồ Công, đàn tế Nam Giao, đền Trần Khát Chân, đền Tống Duy Tân, Hoa Long tự vv...

Tôi mường tượng chỉ ít hôm nữa thôi, chiếc xe con của Bí thư Huyện uỷ Vĩnh Lộc sẽ đích thân đưa vị hoà thượng trụ trì Tường Vân tự một ngôi chùa thiêng của đất Vĩnh Lộc cạnh Đàn Tế giao của Hồ Quý Ly ra ngã ba giao hoà giữa đường cái số một và đường 217.

Nơi ngã ba ấy, đoàn xe chở tượng Chúa từ Hà Tây vào do ông Doanh phụ trách sẽ chờ để vị hoà thượng đón rước mười một pho tượng Chúa về Phủ Trịnh làm lễ hô thần nhập tượng ... Sự sốt mến ấy chừng như cũng làm sáng thêm cái ý của ông Doanh rằng có tổ mới có mình và có nhiều tổ thì mới có nước vậy?

Làng Lon, tiết Thanh minh

Kỳ I

MỚI - NÓNG