Chiêm quan Bạch Long Vĩ

Kỳ III: Để yêu Bạch Long Vĩ

Kỳ III: Để yêu Bạch Long Vĩ
TP - Hình như Bạch Long Vĩ (BLV) đã làm trước, đón đầu quyết sách lớn của Trung ương Đảng (mãi gần đây mới ban hành) là nghị quyết về chiến lược biển nêu rõ định hướng đưa nước ta thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.

>> Kỳ 1: Thử giải mã dự cảm của nhạc sĩ Huy Du
>> Kỳ II:  Đôi hồi bên phên dậu quốc gia

Việc thành lập huyện đảo BLV trực thuộc thành phố Hải Phòng như sự khẳng định tầm quan trọng của BLV trong thực hiện chiến lược Biển Đông- hải đảo tạo cơ sở tiền đề để xây dựng BLV phát triển toàn diện về kinh tế  - quốc phòng- an ninh (KT- QP-AN), trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ, một pháo đài tiền tiêu bảo vệ vững chắc vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.

Cần lắm thay một con tàu pha sông biển vừa chở được người và hàng hóa để nối liền BLV với đất liền. 130 cây số đường biển từ BLV đến Hải Phòng là khoảng cách diệu vợi, thậm chí hiểm nguy cho những trường hợp cần kíp như cấp cứu chẳng hạn.

Không lâu sau khi thành lập huyện đảo, Hải Phòng quyết định đóng mới một con tàu đâu như hơn trăm tấn mang tên Bạch Long Vĩ. Ngày hạ thủy đã đến. Con tàu lừ lừ hạ thủy nhưng bất đồ đã chao nghiêng. Người ta nhanh chóng khắc phục bằng cách cho chất nhiều tấn bê tông để lấy lại sự thăng bằng cho tàu. Nhưng oái oăm, nó vẫn nghiêng hết ấy mấy về... một bên như thế.

Sau một thời gian dài khắc phục, nhận thấy, nếu cứ mang Bạch Long Vĩ lướt sóng biển Đông nối liền thành phố hoa phượng đỏ với pháo đài thép BLV như thế sẽ không an toàn Bạch Long Vĩ được đổi tên thành Bạch Long Hải và nghe đâu được chuyển sang những hải trình ngăn ngắn... May mà sau đó trên kịp sắm cho Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) một con tàu khác chức năng cũng na ná như Bạch Long Vĩ!   

Cách BLV gần hai hải lý, nếu may gặp buổi trời trong,  đảo đột ngột hiện ra trong đường chân trời hình thù như con cá mực, rồi thoắt mờ ảo với hình bàn tay khổng lồ nhưng thon thả úp trên mặt biển xanh. Gần hơn, vật đầu tiên mà người trên tàu nhìn rõ ngoài cột radar ngất nghểu giữa chính đảo là chĩnh chiện một hình hài với nhiều người là lạ mắt bởi dưới gầm trời nam ít đâu có. Thấp hơn cột ăngten radar. Trắng muốt. Tóm lại là cái chong chóng khổng lồ với ba cánh thuôn dài.

Ấy là cột phong điện mà nhiều người không lạ khi qua nhiều quốc gia châu Âu, nhất là Hà Lan, thực chất là nhà máy dùng sức gió để sản xuất điện. Nguồn nguyên liệu sạch và dồi dào ấy, may mắn thay, BLV lại rất sẵn. Một dự án táo bạo và lãng mạn được đưa ra  BLV phải có nhà máy phong điện để tận dụng sức gió, thứ nữa để chủ động được nguồn điện mà từ trước đến nay chỉ trông chờ vào máy phát. Nhà máy phong điện hình như lần đầu tại Việt Nam và ở ngay BLV này, tại sao không?

Sau bốn năm miệt mài thi công, dự án nhà máy phong điện gồm một turbine công suất 800 KVA và hai máy phát diesel công suất 414 KVA/máy cùng hệ thống mạng lưới, nhà điều hành hoàn thành. Thời điểm khánh thành, qua các phương tiện truyền thông, cả nước hân hoan chia vui với huyện đảo BLV.

Kỳ III: Để yêu Bạch Long Vĩ ảnh 1
Quà đất liền tặng đảo  Ảnh: Xuân Ba
 

Ngần ấy nguồn điện dẫu còn khiêm tốn nhưng quý giá xiết bao đối với một hòn đảo vời xa đất liền những 130 cây số. Và có lẽ từ đây sẽ mở ra một triển vọng phát triển nguồn điện đối với những hòn đảo xa xôi cách trở, mà ngành điện lực Việt Nam đang bấn bíu với bài toán năng lượng chưa thể giải.

Nhưng niềm vui ngắn chả tày năm. Nhà máy đang vận hành ngon lành bỗng trục trặc. Trục trặc thì sửa. Chuyên gia Tây Ban Nha được tức tốc điều đến. Qua nhiều ngày xoay xỏa khắc phục sự cố, nhà máy phong điện vẫn ì ra. Nghe đâu nguyên nhân trục trặc hỏng hóc là do khâu vận hành. Đại để phụ tải phải đạt 350 KVA thì mới được vận hành phong điện còn dưới mức ấy thì không được nóng ruột.

Nghe nói, có nhiều phương án đang được đặt ra. Có thể chuyên gia nước ngoài đề xuất phương án là đem về cố quốc sửa chữa thay tháo gì đó, hoặc để cho đơn vị nào trong nước đảm nhận việc sữa chữa khắc phục sự cố... Mọi thứ điện tiêu dùng trên đảo bây giờ vẫn cứ phải trông chờ vào nguồn máy phát như trước.

Có lẽ sau điện, BLV cần nữa là nguồn nước ngọt. Vậy nên dự án biến nước mặn, nước biển thành nước ngọt được huyện đảo nhanh chóng đưa ra để cân nhắc. Dự án khai thác nước ngầm ở độ sâu tận 200 mét thì nhiêu khê và tốn kém quá... Vậy nên phương án biến mặn thành ngọt được thông qua không mấy khó khăn. Nhưng, nghe đâu, quy trình hô biến nước biển thành nước lã là cả một thứ nhiêu khê tinh vi và tầm cỡ thế giới nên, chả bao lâu, nhà máy, tạm gọi thế, đành phải đóng cửa do nhiều phen trục trặc.

Bữa nay tất thảy các cô thanh niên xung phong đều mặc áo dài. Bàn tay chai sạn cuốc xẻng làm lụng chắp lại thoắt như những búp sen. Họ thành kính hướng về phía ban thờ ngạt ngào hương khói, mà dưới ban thờ kia, tất thảy các viên gạch đều được yểm dòng chữ nước CHXHCN Việt Nam. Một  ngôi chùa Việt tại đảo BLV  ở giữa ngàn trùng khơi Vịnh Bắc Bộ, như thứ mốc chủ quyền tâm linh của Tổ quốc.       

Chiều muộn, tôi đứng trong gian nhà trống hoác không mái không tường trước đây từng dùng để chứa những thiết bị hô biến. Ngay kế bên cũng một gian trống hoác nhưng nhỏ hơn. Hỏi ra mới biết nơi đây từng lắp đặt thiết bị làm đá nhưng không rõ tại sao không thành.

Trong ánh chiều nhập nhoạng, non chục cái téc chứa dầu nằm kề bên nhau đang lên cái màu tang thương vàng ệch sét gỉ... ( Xứ BLV này, vật dụng bằng sắt thép chả cần nhúng xuống biển mới là vàng ệch này khác. Tôi để ý thấy hầu như tất tật vành bánh xe máy đều nhuốm màu nhuôm nhoam của thứ tiền gỉ sét). Lại hỏi tiếp thì được biết, đây là một trong những công trình thành phố đầu tư cho BLV để phục vụ cho dự án biến BLV trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá.

Đích thị những bể téc kia dùng để chứa xăng dầu. Xăng dầu giữa trùng trùng bể khơi này là của hiếm, dịch vụ thứ thiết yếu này tại sao lại cũng không thành? Không rõ nhiều tàu thuyền ghé qua âu tàu BLV này  (thời điểm cao nhất, âu tàu BLV chứa gần 1.000  tàu thuyền) họ nạp và đong nhiên liệu ở đâu? Và nước đá để sơ chế hải sản nữa chứ?

Thôi thì nhà máy phong điện trục trặc rồi cũng sẽ tìm ra những hỏng hóc để mà khắc phục. Rồi việc biến mặn thành ngọt cũng sẽ được thu xếp (hoặc sẽ đầu tư thiết bị khác tiên tiến hơn chả hạn hoặc đành chịu khó tốn kém dùng phương án khai thác nước ngầm). Rồi chỗ nền đắc địa ngay sát âu tàu đang đặt mấy cái téc dầu rỗng kia cũng sẽ thay bằng dự án dịch vụ khác... 

Sau này có tò mò hỏi thêm các nhà chức việc (trong đó có cả cơ quan pháp luật của thành phố) thì, may thay, tất cả những sự bày biện kể trên không phát hiện ra sự xà xẻo nào. Duyên do là nóng vội, là sốt ruột, mong muốn những con người đang đứng chân tại vị trí tiền tiêu của Tổ quốc phải được hưởng sớm, nào phải cao sang gì, ấy là điện là nước thứ tối thiểu như mọi lương dân Việt khác trong đất liền.

Có nhiều cách để yêu đảo, yêu Bạch Long Vĩ. Mà đã yêu thì chẳng thể vội vã lẫn nóng ruột. Mà trong tình thế này, trong cơ chế thị trường xô bồ cùng với sự đặc thù của đảo, chỉ có thể chầm chậm và thận trọng nghe ngóng?

Còn có một cách yêu, cách quý Bạch Long Vĩ. Ấy là đoàn nhà báo của Hội Nhà báo Việt Nam ra thăm và tặng quà cho đảo được mời  dự lễ khánh thành ngôi chùa khá bề thế đặt ngay sau ngôi Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Ấn tượng chưa hẳn là phật tử Hải Phòng và khắp nơi công quả nhiều tỷ đồng để hoàn thành một ngôi chùa khang trang và thuê hẳn một chuyến trực thăng (chi phí khoảng 200 triệu đồng) để chở một số Hòa thượng đại đức trong đất liền ra làm lễ, mà là những động thái chắp tay thành kính  của các cô TNXP đang đứng chân trên đảo lâu nay.

>> Kỳ cuối: Chớ phụ những tấm lòng với đảo

MỚI - NÓNG