Kỳ lạ Kơ-nia !

Kỳ lạ Kơ-nia !
TP - Trước đây, ở Tây Nguyên đâu đâu cũng thấy Kơ-nia. Những bóng Kơ-nia lừng lững ven dọc đường đi, trầm tư trên triền đồi nương, ấp iu quanh các buôn làng... luôn là hình ảnh quen thuộc thân thương trong mắt mọi người. Nhưng giờ đây...
Kỳ lạ Kơ-nia ! ảnh 1
Cây kơ-nia bên cạnh nhà rông

Kơ-nia phát triển hết cỡ có thể cao đến 30 - 40 mét, đường kính vòng thân trên dưới nửa mét. Tán lá luôn vun hình quả trứng (bầu dục), vươn thẳng lên trời, xanh tốt quanh năm vì không có mùa thay trụi lá. Hoa từ 4 đến 5 cánh nhỏ trắng phớt, hương thơm thoảng.

Hoa kết trái khoảng tháng 5 tháng 6 (mùa mưa Tây Nguyên) đến tháng 10 – 11 (mùa khô) trái rụng. Trái từa tựa quả táo, hạt cứng hình êlíp, để vài năm không hư. Ghè đập hạt lấy nhân ăn bùi ngậy, trẻ em Tây Nguyên rất ưa.

Kơ-nia có bộ rễ cọc (rễ chuột) cắm thẳng sâu xuống lòng đất dài bằng độ cao thân cây phía trên, nên rất vững chắc trước nắng mưa gió bão. Gỗ Kơ-nia không phân biệt giác lõi, xoắn xoáy vào nhau. Muốn hạ cây, thợ sơn tràng phải thấm nước vào lưỡi cưa mới dứt xẻ được, vì nhựa rất dẻo.

Ván Kơ-nia khi khô rất cứng, đinh đóng vào đều quẹo gập cả. Thế mà lại rất mau bị mối mọt và dễ cong vênh, không hiểu vì sao! Người ta không dùng gỗ Kơ-nia vào việc làm nhà cửa hay chế tác đồ gia dụng, chỉ để hầm than, vì than rất chắc và đượm.

Bà con bản địa không bao giờ chặt hạ Kơ-nia. Dù không có một sự tích, truyền thuyết hay một yếu tố lễ nghi, tín ngưỡng gì liên quan đến Kơ-nia, nhưng có lẽ do dáng hình vạm vỡ um tùm “cây cao bóng cả” của nó mà bà con cho đó là nơi trú ngụ của thần linh, nơi đi về nghỉ ngơi của vong hồn người chết, nên không đụng đến.

Sau chiến tranh, cuộc sống khó khăn khiến những người di cư từ nơi khác đến Tây Nguyên thấy có nhiều cây to đứng khơi khơi “vô tích sự”, phí của, bèn hạ xuống hầm than bán buôn kiếm sống!

Vô tình Kơ-nia đã cứu giúp một số người thoát nghèo vượt khó trong giai đoạn nhất định, nhưng cũng từ đó Kơ-nia dần vắng bóng và lùi ra xa những khu dân cư, nhất là quanh vùng đô thị!

Thời chiến tranh, Mỹ rải hàng triệu triệu lít thuốc khai quang lên đại ngàn Trường Sơn, cây cối núi rừng bỗng chốc trọc trơ đất đá. Thế nhưng vẫn sừng sững những bóng Kơ-nia đứng chơ vơ cô độc giữa trời.

Sức “chịu trận” của Kơ-nia là thế, nên được dùng để ví von với tính cách và sức sống Tây Nguyên!

Mà trông dáng đứng Kơ-nia quả thật cũng rất là kiêu dũng và độc lập! Kơ-nia không mọc tập trung, chỉ đứng riêng lẻ từng cây, quá lắm cũng chỉ một nhóm vài ba cây.

Đặc biệt, Kơ-nia chỉ mọc và phát triển khi có tán rừng che chắn. Bây giờ nạn phá rừng tràn lan làm cho Kơ-nia khó có môi trường, điều kiện để “di truyền” nòi giống! Do vậy Kơ-nia đã được liệt tên trong Sách Đỏ Việt Nam, cần bảo vệ và nhân giống.

(Tháng 11-2009, tại thành phố Buôn Ma Thuột – Đăk Lăk có cuộc Hội thảo về “Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và một số hoạt động bảo vệ môi trường ở Tây Nguyên” do Tiến sĩ Bế Trường Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội chủ trì, trong đó dĩ nhiên ngầm hiểu là có vấn đề cây Kơ-nia)!

Nói về việc nhân giống Kơ-nia thì theo bài viết của nhà thơ – nhà báo Văn Công Hùng: Ở Gia Lai có kỹ sư lâm sinh Nhữ Văn Vẻ công tác ở một Trung tâm Dự án trồng rừng, là người duy nhất lâu nay âm thầm ươm giống Kơ-nia và đã trồng thử nghiệm thành công một số cây tại khuôn viên Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai, ở Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai – Kon Tum…

Kơ-nia của kỹ sư Vẻ được Lãnh đạo Tỉnh dùng làm quà tặng các đoàn khách mang về trồng các nơi như Đền Hùng, Tam Đảo, sân Học viện Hành chính quốc gia, sân Đại học An Ninh v.v…

Ở Lăng Bác cũng có Kơ-nia, nhưng là cây Kơ-nia được bứng thẳng từ mảnh đất Tây Nguyên mang ra góp mặt chứ không phải cây qua ươm giống.

Theo bài báo của tác giả Lê Quang Hồi thì giữa năm 2002, đoàn Đại biểu tỉnh Gia Lai chuyển gỗ ra Hà Nội góp phần tu bổ Lăng Bác, nghe đồng chí Tư lệnh Bảo vệ Lăng nói vui “Cây của mọi miền đất nước đã tụ họp về bên Người, chỉ còn thiếu cây Kơ-nia của Tây Nguyên”! Bà Rơ Châm HDéo, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai về báo cáo lại.

Lãnh đạo Tỉnh quyết định cho tìm bứng 9 cây Kơ-nia con mọc tự nhiên từ 9 xã của huyện Kon Chơ-ro, giao cho “Kỹ sư Kơ-nia” Nhữ Văn Vẻ chỉ đạo kỹ thuật thực hiện và bà Rơ Châm HDéo lại dẫn đầu một đoàn mang ra Hà Nội.

Bốn cây trồng tại khu vực Nhà sàn của Bác, 3 cây trồng ở khu di tích K 84 và 2 cây trồng ở Nhà khách Công đoàn.

Ít người biết rằng Kơ-nia cũng là một loại cây có dược tính tốt. Bà con dân tộc bản địa dùng vỏ thân cây, vỏ rễ cây rửa sạch thái nhỏ, nấu nước uống tươi, hoặc phơi khô dùng dần, chữa được các chứng no hơi, đầy bụng, sốt rét ngã nước…

Nhân của hạt Kơ-nia ngoài chuyện cung cấp một thứ thức ăn nhấm nháp “chơi vui” rất khoái khẩu cho lũ trẻ con Tây Nguyên (và cả người lớn nữa), nó còn được các nơi ép lấy tinh dầu làm bơ gọi là “cay cay di ka” (Theo Từ điển Bách khoa tiếng Việt)!

Kơ-nia là một trong những hình ảnh biểu trưng độc đáo của Tây Nguyên (bên cạnh nhà rông, nhà sàn, rượu cần, thổ cẩm v.v…). Sự hiện diện của nó cũng giống như cây đa ở miền xuôi.

Thật ra Kơ-nia cũng… lặng lẽ âm thầm như “cây đa bến nước sân đình” ngàn đời nay mà thôi. Có thể nói, chỉ bắt đầu từ giữa năm 1971 cả nước mới nghe đến tên, mới được nhắc nhở nhiều, mới “tò mò thắc mắc” tới Kơ-nia, và nó lập tức nổi tiếng.

Ấy là bởi từ ca khúc “Bóng cây Kơ-nia” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Ngọc Anh, do ca sĩ Măng Thị Hội trình bày thành công một cách đặc biệt.

Bài hát lập tức được phổ biến rộng rãi qua các giọng ca vàng khác như Rơ Chăm Pheng, Thu Minh, Tường Vy… cứ vang xa loang rộng mãi.

Hình tượng thơ tuyệt hay, giai điệu âm nhạc tuyệt hay, thanh giọng ca sĩ tuyệt hay, nên nó đã “đi cùng năm tháng” đến tận bây giờ!...

Bây giờ… Kơ-nia không chỉ là “thương hiệu” độc tôn của các nhạc sĩ, thi sĩ, ca sĩ, cũng không là “thương hiệu” của riêng Tây Nguyên nữa, mà đã thành “thương hiệu” của chung rất nhiều sinh hoạt ngành nghề trong khắp nước. Ví dụ ở tỉnh Bình Dương có “Phố Thương mại Kơ-nia Town” tọa lạc tại khu công nghiệp Mỹ Phước 2.

Ở thành phố Hồ Chí Minh có “Công ty trách nhiệm hữu hạn Kơ-nia” 107E Trương Định, Quận 3, chuyên cung cấp cáp điện, đồ công nghiệp.

Có quán “Cà phê Kơ-nia” 48A Nguyễn Văn Đậu quận Bình Chánh được đầu tư kỳ công kiểu cách. Rồi cũng ở Sài Gòn hoa lệ còn có quán cà phê - ẩm thực tên “Sành điệu Kơ-nia” rất là sang trọng nữa!...

Lại có cả một trang web mang tên “Tình ca dưới bóng Kơ-nia” làm nơi giao lưu của những người làm thơ lấy cảm xúc từ Tây Nguyên đại ngàn…

Kơ-nia “nổi tiếng” như thế, nên khách xa đến Tây Nguyên thường hỏi tìm xem cho bằng được cây Kơ-nia. Nhưng như đã nói, quả thật hiện nay ở ngay “vương quốc” của nó là đất Tây Nguyên cũng đã trở thành quý hiếm!

Một thành phố Buôn Ma Thuột to lớn, thủ phủ Tây Nguyên mà cũng chỉ còn sót lại mỗi một cây ở cạnh Nhà Văn hóa Trung tâm!

Ở Kon Tum phải đi trên 30 cây số về làng Kon Hring xã Diên Bình huyện Đăk Tô mới được “mục sở thị” chiêm ngưỡng một cây Kơ-nia thuộc hạng “già làng” hùng vỹ!

Nếu ngại đi xa thì đến làng Kon Rơ-Wang ven nội thành, cạnh bờ sông Đăk Bla, ngắm cây Kơ-nia đứng cạnh nhà Rông, cạnh một cây Pơ-lang và một cây đa cổ thụ!

Tuy nhiên cây này còn nhỏ, mới cao chừng 15 mét, chưa đủ nét “kiêu dũng” đặc trưng của “giống nòi” mình! (Là nói thế thôi, chứ theo lời ông A Loi 55 tuổi ở làng này thì khi ông ra đời đã có nó rồi. Nghĩa là “lão cây” này cũng đã vào hàng thượng thọ rồi đấy!).

Cũng ở ngay trung tâm thành phố Kon Tum, một làng đồng bào Ba-na có tên gọi Plei Tơ-Ngia - là cách gọi chệch âm Kơ-nia, tức “làng Kơ-nia” - vì quanh làng xưa kia có rất nhiều tán cây này. Nhưng nay đố còn thấy một bóng Kơ-nia nào để làm chứng tích cho lịch sử của tên làng!...

Đặc biệt, các đô thị Tây Nguyên không nơi nào có hẳn những… “phố Kơ-nia”, mặc dù các công ty Cây xanh đô thị ra sức trồng chăm bao nhiêu thứ “kỳ hoa dị thảo”! Có người đề nghị nên trồng Kơ-nia như một “họ” cây xanh đường phố.

(Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân, Phó Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật Đăk Lăk, mơ ước có hẳn một đường phố ở Buôn Ma Thuột dọc dài theo nó là hàng Kơ-nia thẳng tắp xanh ngời! Hoặc có người đề nghị nên trồng xen Kơ-nia với thông xanh tại quảng trường 17-3 ở thành phố Plei Ku- Gia Lai…).

Cái này cũng nên lắm chứ! Ở tít xa như Đất Tổ Đền Hùng, như Thủ đô Hà Nội… còn trân trọng tìm trồng Kơ-nia thì huống hồ ở ngay xứ sở của loài cây đặc hữu này? Việc các đô thị Tây Nguyên để “trống” bóng dáng Kơ-nia như lâu nay cũng là điều không phải lắm.

Nhưng có lẽ chỉ trồng điểm xuyết một đôi cây tại một số “điểm nhấn” (như các nút giao lộ đầu mối vào ra đô thị, quảng trường trung tâm, các hoa viên công viên có diện tích tương đối…) để làm cảnh quan, để giới thiệu và lưu dấu nét “đặc trưng” vùng miền.

Kơ-nia được ưu điểm là bộ rễ ngang ăn chìm xuống đất, không bung phá mặt bê tông hè phố, lại cho bóng mát tuyệt vời xanh tốt quanh năm.

Nhưng đến mùa trái rụng, thịt trái phân hủy, với số lượng nhiều, nếu không được dọn dẹp kịp thời, mùi xông khó chịu, làm mất mỹ quan đô thị!. Chỉ trồng một ít (mà rất nên trồng) như đã trình bày thì cơ quan Môi trường đô thị mới dễ bề chăm sóc.

Hy vọng là như thế, vì hình bóng Kơ-nia thân thuộc hiền từ nơi đầu buôn cuối rẫy, tỏa bóng mát cho các ngả đường sơn cước, kiêu dũng lặng thầm trên những sườn núi triền đồi… đã ăn sâu vào tâm tưởng, tiềm thức của bà con Tây Nguyên.

Lẽ nào để giờ đây Kơ-nia chỉ còn trong hoài niệm? Và biết đâu chừng, về sau xa nữa, nếu không được “bảo tồn” ngay từ giờ này, thì Kơ-nia có lẽ cũng sẽ chỉ còn là… ký ức!

Kơ-nia là tên gọi của đồng bào Tây Nguyên, người Kinh miền xuôi vùng Nam Trung Bộ gọi cây cầy. Tên khoa học là Irvingia malayana, họ Irvingiaece, bộ Cam routales, nhóm Cây gỗ lớn. Kơ-nia có mặt nhiều nơi ở Đông Nam Á. Tại Việt Nam tập trung quanh khu vực Tây Nguyên (nhiều nhất là Sa Thầy – Kon Tum và Lăk, Buôn Đôn – Đăk Lăk), rải rác dọc xuống Nam Bộ, ra đến tận Côn Đảo, Phú Quốc tít mù khơi!

MỚI - NÓNG