Đội Cảm Tử ở An Bang

Lại về Trường Sa

Lại về Trường Sa
TP - Xuân về, chúng tôi lại theo những chuyến tàu chở hàng đến với các chiến sỹ đảo Trường Sa. Câu hát không xa đâu Trường Sa ơi  xóa nhòa mọi nỗi gian truân vất vả.
Lại về Trường Sa ảnh 1
Đưa hàng Tết ra đảo Đá Lát  Ảnh: Minh Thùy

16 giờ kém 15 phút, ngày 15/12/2008, sau hồi còi báo hiệu vang cả vịnh Cam Ranh, lần lượt ba chiếc tàu rẽ sóng hướng ra biển Đông.

Những cái vẫy tay như muốn gửi thêm tin yêu cho các chiến sĩ yên tâm công tác.

Hơn 1.000 tấn hàng được sắp xếp ngăn nắp trong hai khoang hàng của con tàu lừng lững tiến về phía trước.

Sáng 17/12/2008, tàu đến đảo Đá Lát, một hòn đảo chìm ở cánh Nam nằm sừng sững giữa biển Đông.

“Cả tàu chú ý do sóng lớn, không được ai ra mạn tàu, các đội neo tàu, bốc hàng… trên tay phải cầm bộ đàm khi có lệnh của trưởng đoàn là bắt tay vào việc”, lời Thượng tá Nguyễn Viết Thuân, Phó chỉ huy trưởng đoàn Trường Sa – Quân chủng Hải quân, như một mệnh lệnh. Trưởng đoàn đi cánh Nam Trường Sa với các chiến sĩ trong đội bốc hàng tàu Trường Sa 20 trước khi rời vịnh Cam Ranh, (Khánh Hoà)

Hơn ba giờ trôi qua, những cuộn sóng vẫn tiếp tục dâng cao hất nước ướt cả buồng lái, các chiến sĩ trong đội bốc hàng vẫn bám vị trí chờ lệnh trưởng đoàn. Hơn hai giờ chiều, trưởng đoàn Nguyễn Viết Thuân tay trái cầm bộ đàm, tay phải là chiếc micro, truyền lệnh cho các bộ phận.

20 chiến sĩ dàn trận. Người lái cẩu, người hạ xuồng chuyển tải, người mở thùng hàng… Từng bịch hàng bọc cẩn thận trong túi nilon chuyên dụng được cẩu vào thuyền chuyển tải. Ba chiến sĩ lái xuồng mang áo phao nhảy xuống xuồng đỡ hàng.

Đúng lúc đó, từng đợt sóng lớn dồn dập đánh mạnh vào chiếc thuyền chuyển tải, dội ra những âm thanh chói tai. Xuồng chao đảo, ba chiến sĩ vẫn hướng về là những bịch hàng lớn lửng lơ, trên đầu.

Hơn mười phút, chiếc xuồng chuyển tải đầy ắp bao tải hàng phủ bạt tránh nước. Phía trên là gần chục chiến sĩ áp tải. Chiếc xuồng máy kéo xuống chuyển tải đang lách sóng lao vào quăng dây kéo.

Trước sự năn nỉ của nhiều phóng viên, đoàn công tác đành nhân nhượng cho anh em ngồi lẫn với các chiến sĩ áp hàng chuyển tải trên người áo phao được thắt chặt.

Vừa xuống xuồng, cả đoàn bị sóng tạt ướt, nhiều phóng viên lần đầu đi xuồng phải nhắm mắt lại chịu những đợt sóng mới tạt vào. Khi xuồng vào gần bờ san hô, sóng càng lớn thêm, thủ trưởng Thuân hô lớn chỉ đạo chiến sĩ lái xuồng “bình tĩnh chờ đợt sóng hết rồi tăng tốc chạy thộc vào mạn trái ụ san hô”.

Lúc này năm chiến sĩ trên đảo Đá Lát lội bộ hơn 300 m đứng sẵn ở mép sóng chờ xuồng vào ném dây hỗ trợ. “Tăng tốc…giữ vững tay lái…tất cả ngồi im…”, tiếng thủ trưởng Thuân vang lên.

“Lạnh cả người, lần đầu tiên trong đời mắt thấy sóng cao tận nóc nhà”, Tất Khoa, quay phim của Đài Truyền hình Việt Nam, thốt lên.

Chiến sĩ trên đảo Đá Lát khi gặp thủ trưởng cùng các thành viên trong đoàn công tác, những túi quà của Bộ Quốc phòng, Hội Phụ nữ TPHCM, Lữ đoàn...,vui mừng khôn tả. Bữa cơm tối trên đảo chúng tôi được thưởng thức những món canh rau cá bò, cá mú…

Đại uý Đoàn Đức Ngọc chính trị viên đảo Đá Lát cho biết: “Hôm nay cường độ sóng giảm nhiều”. “Chúng ta tiếp tục chinh phục những con sóng lớn hơn chiều nay phải không thủ trưởng”, Thiếu úy Nguyễn Mạnh Hưng, Báo Quân đội nhân dân, lần đầu tiên ra đảo quay sang hỏi trưởng đoàn Nguyễn Viết Thuân.

Đội Cảm Tử ở An Bang

Trên chuyến hải trình chúng tôi nghe nhiều chuyện về những khó khăn khi đưa hàng lên đảo An Bang - hòn đảo bị sóng vây quanh năm. Tối 26/12/2008, nghe bản tin thời tiết xong, trên đảo Đá Đông C, trưởng đoàn Nguyễn Viết Thuân quyết định xuất phát trong đêm đến đảo An Bang. Mờ sáng 27/12/2008, những ngọn sóng cuồn cuộn vỗ vào mạn tàu.

Năm giờ sáng, Thiếu tá Vũ Văn Vui, thuyền trưởng tàu Trường Sa 20, chỉ đạo anh em thả neo. Bước từ buồng lái ra trên khuôn mặt của thuyền trưởng Vui, thâm niên gần 20 năm đi tàu, mồ hôi nhễ nhại: “Thả neo năm đến bảy lần kéo dài cả ngày trời ở đảo An Bang quá bình thường. May hôm nay thả một lần trúng ngay”.

Đón chúng tôi, từ phía đảo có gần 30 chiến sĩ xếp hàng chờ. “Đảo gọi tàu…đảo gọi tàu…đội cảm tử đã sẵn sàng”, lời của thiếu tá Nguyễn Cát Khôi đảo trưởng đảo An Bang nói qua bộ đàm vọng ra từ buồng lái tàu. Khi xuồng chuyển tải cách đảo hơn 30m, cơn mưa dữ dội kéo tới; đằng sau là những đợt sóng to như những mái nhà ùn ùn đổ về phía đảo.

“Đồng chí đội trưởng đội cảm tử sẽ bơi phía phải xuồng để ném dây. Ném xong, bám chặt vào dây. Mọi người ngồi im…”, lời thiếu uý Nguyễn Đình Huân, tay lái xuồng cừ khôi của tàu Trường Sa 20 át tiếng sóng.

Khi xuồng chuyển tải đang lướt trên mặt sóng cách bờ gần chục mét, đội trưởng đội cảm tử tay phải cầm cuộn dây, tay trái giữ chặt kính nước trên mắt lao thẳng vào con sóng. Dây đến được xuồng chuyển tải.

30 chiến sĩ trong đội cùng hò dô dốc hết sức để kéo xuồng tránh bị những con sóng tiếp tục đánh. Xuồng được kéo thốc, nằm trơ trên cát. Các chiến sĩ vẫn nhoài người đạp mạnh hai chân vào đất tiếp tục lấy đà.

Bất ngờ từ sau một con sóng bổ trùm lên xuồng. Đâu đó tiếng hô lớn giữ căng dây. Xuồng được nhấc bổng cách chỗ cũ thêm 5m. Cả 30 chiến sĩ ướt sũng nằm luôn trên bãi cát, cười.

Trung tá Nguyễn Xuân Minh, chính trị viên đảo An Bang, cho biết, trước đây một số chuyến hàng khi đưa vào gần đảo bị sóng đánh lật, hàng trôi dạt theo sóng. Các chiến sĩ bàn nhau nghĩ cách làm thế nào để đưa xuồng chuyển tải vào bờ nhanh, tránh sóng và Đội cảm tử ra đời từ đó.

Từ đó trong mỗi phân đội chọn ra những chiến sĩ tiêu biểu để đưa vào đội cảm tử huấn luyện. Lịch trình được thống nhất vào các buổi sáng chủ nhật, đội chia làm hai đội nhỏ với các bài tập kéo co, chạy nhanh, bơi lội...

Các thành viên chia nhau ngồi quan sát từng con sóng để tính toán các phương án tiếp cận sóng, cách tránh sóng… “Khi lao ra cứu xuồng, phải lặn sâu tránh sóng rồi ước khoảng thời gian thoát lên mặt nước để ném dây chính xác”, chuẩn úy Nguyễn Văn Tuân, người đưa ra nhiều kinh nghiệm tránh sóng cho đội, tâm sự.

Còn nhờ chuyện về đội văn công đi cùng đoàn công tác ra thăm và kiểm tra đảo An Bang năm 2007. Sóng lớn, đoàn không vào được đảo. Đành nghĩ ra sáng kiến hát ngay tại tàu để các chiến sĩ trên đảo đứng nhìn từ phía xa. Âm thanh được phát qua hệ thống bộ đàm đến tai các chiến sĩ. Các chiến sĩ chuyền tay nhau chiếc bộ đàm để nghe tiếng hát văn công.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".