Lầm lụi than trôi

Lầm lũi đãi những hạt than trôi
Lầm lũi đãi những hạt than trôi
TP - Vùng than Quảng Ninh từ lâu có một nghề đặc biệt đó là đi mót và đào đãi than trôi. Bao nhiêu cuộc đời đứng lên từ đó và cũng từ đó không ít những thân phận bị than bụi nhấn chìm.

>> Bài 8: Nhật Lệ tương phản

Lầm lũi đãi những hạt than trôi
Lầm lũi đãi những hạt than trôi.


Công dân nhí của bãi thải

Từ sáng sớm, em Đồng Văn Hùng, 14 tuổi, trú tại tổ 20, khu 2, Hà Trung, TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã cùng mẹ, chị chuẩn bị bữa sáng rồi lặng lẽ buộc chặt bao tải, thúng nhỏ, xuống đường chờ một người quen đưa ra bãi thải Cty Than Núi Béo cách nhà khoảng 6km để nhặt than.

Hùng kể rằng, từ hơn hai năm nay, mỗi khi được nghỉ học, em lại cùng mẹ lên bãi thải đầu đường nhặt than. Hôm nay là thứ bảy, em nghỉ học thêm nên cùng mẹ và chị gái đi vào bãi than phụ giúp mẹ. Vòng vèo trong những con ngõ nhỏ, qua vài trạm gác, đi sâu thêm vào trong núi, hai bên đường hiện ra bãi thải khổng lồ được tích tụ hàng chục năm của ngành than. Nhiều bãi dựng đứng hàng chục mét.

Chị Đồng Thị Tân, 46 tuổi, mẹ của Hùng bảo, ngày trước, chúng tôi thường xuống dưới chân bãi thải để nhặt than. Cứ có xe đổ thải là chúng tôi lao vào bất chấp hiểm nguy. Nhiều người bị đá đè, đá lăn vào người thiệt mạng. Bây giờ người ta không cho xuống đó bòn mót than nữa.

Tới một bãi đất bằng phẳng, hàng chục người dân đã tập trung chờ những xe chở thải đầu tiên.

Khi những chiếc xe chở xít, đất đá và than đổ xuống bãi, Hùng cùng mẹ và chị lập tức lao vào. Thoăn thoắt bới, tìm những hòn than nhỏ để vào chiếc rổ nhỏ. Không khó để Hùng nhận ra những hòn than dù chúng được phủ kín dưới bùn than đen. Hùng bảo, than thì nhẹ hơn xít và đá nên cầm lên biết ngay. Giữa cái nắng như thiêu hầm hập trên bãi thải, hàng chục con người vẫn cần mẫn cào, đào bới để tìm những hòn than lấp lánh. Hùng bảo càng nắng càng tốt vì khi mưa ít xe đổ xít than.

Hùng cho biết, khoảng hai năm nay em đã theo mẹ ra bãi thải, tranh thủ những ngày hè giúp mẹ kiếm thêm. Nhà có 4 chị em. Từ lâu người cha đã không có mặt trong ngôi nhà này. Mưu sinh oằn lên vai mẹ. Vì thương mẹ thương em, chị gái của em là Đồng Thị Hà năm nay 16 tuổi đã bỏ học theo mẹ đi nhặt than. Mỗi ngày quần quật từ sáng tới chiều cả nhà kiếm được hơn 50.000 đồng. Có hôm chỉ được 30.000 đồng thôi. Nếu không đi làm phụ mẹ thì gánh nặng áo cơm, sách vở, bút giấy đầu năm học mình mẹ không kham nổi.

Hùng chỉ là một trong số hàng chục đứa trẻ ở phường Hà Trung cùng gia đình kiếm hòn than để nuôi giấc mơ con chữ. Một người dân tại tổ 4, khu 1, phường Hà Trung chỉ ra phía sau nhà nơi có khai trường, bãi thải của Cty Than Núi Béo cho biết, trước đây những đứa trẻ khu này đi làm than, nhặt, mót đông lắm, bây giờ thưa hơn vì than không còn sẵn.

Cùng bố mẹ lo cuộc mưu sinh, cổng trường ngày một dần xa
Cùng bố mẹ lo cuộc mưu sinh, cổng trường ngày một dần xa.


Mùa than trôi

Mùa mưa, với nhiều người dân nghèo tại phường Cẩm Phú, TX Cẩm Phả (Quảng Ninh) là mùa than trôi. Mưa khiến than từ các khai trường của các Cty Than Cọc Sáu, Đèo Nai... trôi vào các suối rồi đổ về các mương thoát nước. Cứ mưa lớn, hàng trăm người dân già, trẻ lại mang những chiếc rổ mắt nhỏ được đan bằng thép ra suối đãi than.

Tại mương nước này, chúng tôi bắt gặp hai em nhỏ đang thoăn thoắt nhặt những hòn than lẫn trong xít được xe đổ xuống suối để làm đường cho xe gầu xuống nạo vét dòng chảy. Hàng chục người phụ nữ quây lấy một đống xít dưới mương thoát nước, và hình ảnh hai đứa trẻ nhỏ thó cũng lao vào bới tìm miệt mài khó lẫn. Chiếc xe gầu cứ lừng lững tiến tới nhưng các em cũng chẳng quan tâm. Có lẽ lúc đó trong đầu các em chỉ là làm thế nào kiếm được những hòn than hiếm hoi trong đống xít.

Em Lưu Văn Hùng quê tận xã Cẩm Tú, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) năm nay học lớp 9 nhưng người em bé như cậu bé học lớp ba. Cứ nghỉ hè em lại ra Quảng Ninh để phụ giúp bố mẹ. Bố mẹ Hùng ra vùng than làm ăn mấy năm nay đang thuê một căn phòng gần khai trường, gần dòng nước thải. Mùa khô lên bãi mót than, mưa về ra suối đãi than trôi. Cuộc sống lầm lũi, vất vả. Xa quê, xa con cũng không thể đổi đời. Bên đống than cục lổn nhổn có giá khá cao lấy được từ đống xít, Hùng cười tươi và bảo: Đống than này giá 15-16.000 đồng/cân. Hiếm hoi lắm mới có ngày hên như hôm nay. Bình thường đãi than chỉ được dăm ba chục ngàn đồng.

Ở phía dưới dòng nước cạn, em trai của Hùng là Lưu Văn Tuấn học lớp 7 đang dùng chiếc rổ sắt rửa mấy cục than vừa nhặt được. Em bảo, mưa to, lũ về là những lúc thích nhất vì có nhiều than trôi. Có than là có tiền. Cháu chỉ muốn nghỉ học ra đây ở gần bố mẹ nhưng không ai đồng ý.

Những đứa trẻ đổ về bãi than kiếm sống
Những đứa trẻ đổ về bãi than kiếm sống.

Chị Nguyễn Thị Huệ - mẹ của hai em Hùng, Tuấn không khỏi ngùi ngùi khi nhìn các con bon chen cùng người lớn bên đống xít than. Chị cho biết, cuộc sống ở quê khó khăn, lam lũ nhưng kiếm đồng tiền khó lắm. Ở đây vất vả, lam lũ thật đấy nhưng làm có đồng tiền. Dù không muốn đám trẻ phải làm lụng sớm, nhưng thương bố mẹ chúng lại theo chúng tôi đi làm. Thương con nhưng thêm tay thêm chân thì lại có đồng ra đồng vào. Đầu năm học có thêm tiền cho cháu mua sách vở.

Bà Võ Thị Gái, 74 tuổi, trú tại tổ 92 A, khu 6B, phường Cẩm Phú, người có thâm niên đãi than bên dòng mương này cho biết: Những người dân quanh đây chủ yếu có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người mưu sinh trên những bãi thải đầu đường và dòng mương này có thâm niên. Cứ mưa là hầu như cả xóm ra đãi than. Ít thì để đốt, nhiều thì bán. Một thúng 5-10 ngàn đồng. May mắn mỗi ngày cũng có thể kiếm được 70-100 ngàn đồng. Góp nhặt rồi bán cả tấn than thu nhập cũng khá.

Bà Gái bảo, nhiều đứa trẻ ở đây lớn lên từ những hòn than trôi. Giờ thì những đứa trẻ ở đây ít ra đãi than vì bố mẹ chúng không muốn con họ mải mê kiếm tiền rồi thất học, rồi không có nghề nghiệp cha truyền con nối. Vắng đi những đứa trẻ bản địa thì lại nhiều thêm những đứa trẻ tha hương theo bố mẹ ra vùng than dịp nghỉ hè...

Hùng cười tươi bên đống than gom được
Hùng cười tươi bên đống than gom được.


Chập chờn những giấc mơ lạc…

Một cán bộ Cty than ở Hà Tu cho biết, trước đây trẻ em ở trong khai trường rất nhiều. Mùa hè càng đông hơn. Chúng đến từ khắp nơi và trở thành nạn. Chẳng thể khai thác tại khai trường thì chúng ăn cắp than. Ăn trộm, trấn lột bạn đồng lứa là chuyện không hiếm. Bây giờ chuyện này đã hiếm hơn nhưng cứ hè về chúng tôi lại lo vì nhiều đứa rình rập lên khai trường, nơi tàu hỏa chở than, kho than để ăn cắp.

"Một nách nuôi ba đứa con, không nghề nghiệp, cuộc đời tôi gắn liền với bãi thải. Rất buồn trước quyết định bỏ học của các con nhưng không biết làm thế nào. Duy có Hùng là niềm hy vọng của cả nhà. Tuy lam lũ, vất vả nhưng cháu nhiều năm liền là học sinh giỏi..."  - Chị Tân tâm sự

Nhiều đứa gia đình không khó khăn nhưng chúng cũng đi nhặt than, trộm than để lấy tiền chơi game và con đường đi tới nghiện hút, phạm tội là một nguy cơ. Hòn than nuôi sống và chắp cánh ước mơ bao thế hệ người vùng mỏ nhưng cũng từ nó có thể dung dưỡng những giấc mơ lạc nhịp của những đứa trẻ mà đáng ra đang phải vui chơi, tới trường….

Bà Nguyễn Thị Thành, trú tại khu 6, phường Cẩm Phú, TX Cẩm Phả là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu cũng chia sẻ những âu lo. Những hòn than trôi đang được giá. Đồng tiền không quá khó kiếm đang khiến nhiều đứa trẻ lao vào như con thiêu thân. Đi khắp vùng này rất dễ nhận ra những đứa trẻ lấm lem vì than. Than vùng than đang giúp nhiều đứa trẻ bùng cháy ước mơ. Nhưng cũng vọng lại những tiếng than trong lầm lụi bụi than.

MỚI - NÓNG