Làm nông giữa… phố

Làm nông giữa… phố
TP - Sông Sài Gòn chẻ nhánh chảy quanh co tạo nên bán đảo Thanh Đa- Bình Quới. Một nửa bán đảo sầm uất, nửa còn lại người dân phố khai phá trồng lúa.
Nghỉ hè vợ chồng anh giáo Tâm tranh thủ xuống đồng cấy lúa. ảnh: Gia Huy
Nghỉ hè vợ chồng anh giáo Tâm tranh thủ xuống đồng cấy lúa. ảnh: Gia Huy.

“Sau 36 năm, từ xóm thành phường thuộc quận Bình Thạnh, năm 2000, nhiều nhà đầu tư tính đổ tiền xây dựng nhưng rồi nghe đâu phá sản bỏ đi với những mảnh đất đã quy hoạch, rồi cuộc sống vẫn vậy, vẫn chính hiệu nông dân”- thầy giáo Tâm nói.

Thầy Tâm tay cầm bó mạ, mắt nhìn ra sông Sài Gòn ầm ầm tàu chở container, bên kia sông là quận 2, nhiều nhà cao tầng, lung linh ánh sáng. Bên này vẫn gà, lợn, vịt, cá, rau và lúa. Anh Trần Mạnh Tâm, 35 tuổi, giáo viên một trường cấp ba, công dân ấp 10 cũ, nay là tổ phố 10, phường 28, quận Bình Thạnh.

Xóm phố vào mùa cấy

Quận Bình Thạnh tiếp giáp quận 2, Thủ Đức, Gò Vấp, quận 3 và quận 1. Phường 28, quận Bình Thạnh gần trung tâm nhất nhưng cũng quê kiểng nhất giữa chốn Sài Gòn hoa lệ này.

Tôi theo anh giáo ra đồng. Dáng cao gầy, bộ quần áo đầy bùn đất, thêm cây cuốc, không ai nói anh là thầy giáo: “Chú đi cẩn thận, tôi mới đắp lại bờ nên trơn dễ té lắm”. Bờ, rạ mục mềm bước đi. Chiều, nắng xiên, có cảm giác đang đi trên cánh đồng vùng thuần nông một miền quê Nam bộ.

Khi vào xóm, tôi gửi xe nhà chị Cúc, lúc về lấy xe, trên xe gài sẵn mớ rau muống to và con trắm cỏ. Hỏi chị Cúc, chị cười, rau nhà trồng, cá ao nuôi làm quà cho chú không phải trả tiền. Vừa cho đàn lợn 13 con, mỗi con khoảng 50kg ăn, chị vừa khoe: “Trước tôi từng làm y tá tại trạm y tế phường, lương chẳng đủ xăng xe đi làm. Tôi bỏ việc về nhà cùng chồng bám vào mấy sào ruộng, cái ao con, nuôi lợn hóa lại dư dả. Nhà có hai ao rau muống, một ao rau kèo nèo thỉnh thoảng cắt bán lấy tiền chợ, lúa cấy ngoài đồng cũng đủ gạo ăn. Cá tươi thì vác cần câu ra sông Sài Gòn. Thời buổi này, sống vậy là nhất đó chú ạ”!...

Lúp xúp bụi cây, dây leo chằng chịt bung lên những chùm hoa dại. Ruộng sâu bỏ hoang, cỏ vạm mọc lên xanh mượt. “Cỏ này cắt về cho cá trắm ăn mau lớn lắm”. Anh giáo nhìn tôi thủng thẳng thông tin như một nông dân chính hiệu: “Chiều nào sau giờ lên lớp tôi lại cầm liềm ra cắt cỏ về cho cá ăn”.

“Làm anh giáo thời buổi này đói lắm chú ạ. Hai vợ chồng cùng làm nghề gõ đầu trẻ vậy mà lương cũng không đủ nuôi hai con ăn học và đảm bảo cuộc sống. May có mấy sào ruộng khoán này chứ không cuộc sống gay go to chứ chẳng chơi. Mỗi năm làm hai vụ cấy, ba sào ruộng cũng kiếm vài tấn thóc mà thuế không phải đóng. Ngoài cấy, hai vụ vợ chồng làm thêm vụ xen rau màu cho đất đỡ bỏ hoang”- thầy Tâm bày tỏ.

Thầy dạy văn, đã đứng lớp 13 năm nay, vợ kém thầy ba tuổi, giáo viên dạy toán cấp hai của một trường quốc tế tại quận Tân Bình. Hai vợ chồng lấy nhau năm 1998, hai đứa con cũng theo đó mà ra đời. Thế nhưng bao năm đứng lớp với nghề, chiều về anh chị lại tăng gia với ba sào lúa và cái ao cá cùng đàn lợn.

“Thời buổi kinh tế khó khăn thế này, ở trường chúng tôi thuộc diện khá giả đó chú ạ. Không phải vì cái đồng lương giáo viên mà khá giả nhờ mấy sào ruộng, mấy con heo tăng gia này. Lương giáo viên ba cọc ba đồng sống sao nổi”- vừa còng lưng cấy lúa, vợ thầy Tâm vừa kể.

Mạ cao gang tay, vợ chồng chú Thanh 54 tuổi, công nhân nhà máy nước Thủ Đức tranh thủ nhổ cấy. Những ngày này, trên cánh đồng của phường đang mùa ải nên không khí thật khẩn trương. Người thì rẫy cỏ, kẻ thì cuốc đất chạt bùn. Vợ chồng chú Xiển ở thửa ruộng bên có năm sào đất. Chú nói: “Ở đây gieo mạ rồi nhổ lên cấy mới được ăn. Nếu sạ thì vứt”.

Triều cường nên nước sông Sài Gòn cao hơn bán đảo Thanh Đa- Bình Quới. Nếu không có bờ bao xung quanh ngăn, nước sẽ tràn vô thì chỗ này chỉ có cách đi thuyền đến từng nhà. Ruộng cũng vậy, chỉ việc mở bờ là nước từ sông chảy vào, nước xâm xấp trên đất bay lên mùi quê thân thuộc. Cái cảnh tấp nập đô hội của phố ngỡ phải cách chỗ này xa lắm. Thế nhưng, chỉ đi xe máy không đến năm phút là hòa vào nhịp hối hả của đô thị phù hoa.

Làm ruộng và chờ

Buông cây cuốc trên luống rau đang làm đất dở, hút điếu thuốc, anh Phạm Công Đủ, 45 tuổi kể, nhà anh ở đây từ đời ông nội, tới đời ba và giờ đời mình.

Ngoài cấy lúa người dân khu phố 10 còn làm đất trồng thêm rau để mang ra chợ bán
Ngoài cấy lúa người dân khu phố 10 còn làm đất trồng thêm rau để mang ra chợ bán.

“Ngày trước chỗ này cách biệt với thành phố lắm. Học hành cũng không để tâm nên lớn chút tôi xin đi làm bảo vệ cho công ty. Rồi công ty làm ăn khó khăn, toàn nợ lương nhân viên, nên tôi quyết bỏ việc về làm ruộng với anh em trong gia đình” – Anh Đủ kể.

 Đợi 20 năm rồi. Chỉ mong có con đường hoàn thiện đi cho đỡ cực, rồi được đến đâu vui đến đó. Đợi hoài… 

Anh Phạm Công Đủ

“Ở cái phường này, lứa tuổi như tụi tui nhiều lắm nhưng đều thất học. Nay quá độ rồi, làm chi được, những thứ nghề ngỗng phải học, phải biết kinh doanh. Mà muốn kinh doanh phải tính toán, có vốn, có mặt bằng. Khó lắm à nghen! Làm ruộng quen rồi, tối ngủ ngon, khỏi nghĩ. Mấy đứa nhỏ trong xóm đi làm công nhân, bảo vệ cũng chỉ đủ ăn. Làm việc này cũng đủ ăn vậy, ước mơ chi to tát cho khổ”- anh Đủ chia sẻ.

Tôi hỏi anh về chuyện dự án trên mảnh đất này, anh đăm chiêu: “Cách chừng mười năm, bên công ty xây dựng Sài Gòn gì đó có về đo đạc làm dự án khu công nghiệp, nhưng mãi không thấy gì. Hỏi ra mới biết công ty phá sản nên quận cho chúng tôi mướn đất trồng lúa, làm ruộng. Các ông ấy nói khi nào có dự án sẽ thông báo đền bù, còn giờ chỉ được trồng lúa và rau màu ngắn ngày chứ không được trồng cây lâu năm”.

Nếu vậy sau này mà được đền bù, anh giàu lắm. Năm sào đất giữa lòng thành phố, tính ra tiền để đâu cho hết. Lúc đó anh có tậu nhà quận 1, mua ô tô con, cho con ăn học trường quốc tế… cũng không hết tiền. Tôi nói. Anh cười: “Bởi vậy cũng ráng đợi. Đợi 20 năm rồi. Chỉ mong có con đường hoàn thiện đi cho đỡ cực, rồi được đến đâu vui đến đó. Đợi hoài...”.

Đường vào ấp 10 quanh co, lôm côm như đường lên bản. Mà gọi là đường cho sang chứ thực ra chỉ là gồ đất đắp cao như bờ ruộng, lâu lâu có đoạn qua nhà dân thì được đổ bê tông cho sạch. Đi bộ thì được chứ xe máy, xe đạp thì hồi hộp như làm xiếc.

Nếu không còn ruộng?

Người dân các quận ngóng chờ tiền đền bù và những dự án mới đầu tư vào khu vực mình sinh sống, nhưng riêng người dân phường 28 lại sợ điều đó.

Bao quanh cánh đồng đang cấy là những ngôi nhà cao tầng đang thi nhau mọc
Bao quanh cánh đồng đang cấy là những ngôi nhà cao tầng đang thi nhau mọc.

Cô Nguyễn Thị Hương, tổ trưởng tổ dân phố 10 cho biết: “Ở tổ này dân không nhiều, trước đây ai cũng có công ăn việc làm, hướng cho con học hành sau này làm ông này bà kia, nhưng vài năm lại đây người dân quay lưng với thành phố và quay về thuê đất làm ruộng. Không mấy ai mặn mà với công việc bên ngoài. Ngay như ba đứa con tôi, hai đứa tốt nghiệp đại học không xin được việc đành về nuôi heo”.

Mỗi lần có cán bộ quận dẫn nhà đầu tư xuống xem đất, người dân lại đổ xô theo dõi nhất cử nhất động của họ. Câu chuyện sau đó là liệu có dự án nào ập xuống cánh đồng này không và khi đó họ sẽ làm gì để sống?

Trong khi chờ đợi một dự án nào đó, người dân vẫn tranh thủ khai phá thêm những mảnh đất cỏ mọc dù đất nơi đây độ phèn khá nhiều. Mảnh đất nào không trồng được lúa người ta trồng rau và dừa. Dân khu phố 10 này có câu: “Hết giờ nhà nước anh làm nông dân/ Trồng lúa, nuôi lợn mới giàu/ Làm công, làm chức sao giàu được đây”.

Nắng tắt trên sông Sài Gòn. Muỗi lớn, muỗi nhỏ bay bay sà vào mặt. Đồng ao vang tiếng côn trùng. Bên kia, nhiều tòa nhà cao tầng đã lên đèn. Tôi chia tay “xóm- phường” để lọt vào trong phố.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG