Kỷ niệm 45 năm Quân chủng Phòng không, Hải quân nhân dân đánh thắng trận đầu - Kỳ III

Lần gặp E. Alvarez ở Hỏa Lò

Lần gặp E. Alvarez ở Hỏa Lò
TP - Khoảng tháng 3/1993, tôi không nhớ ngày, từ bửng tưng, thượng tá Nguyễn Hoắc, giám thị trại tạm giam Hỏa Lò, gọi điện bảo tôi đến ông có việc gấp.

>> Kỳ II: Có một con đường mang tên Nguyễn Bá Phát
>> Kỳ 1: Tả hữu bên Người

Lần gặp E. Alvarez ở Hỏa Lò

Lần gặp E. Alvarez ở Hỏa Lò ảnh 1

E. Alvarez (trái) trong đoàn làm phim tại Hỏa Lò 3/1993 và hai cha con Ben Purcen. Ảnh: Xuân Ba

Quen tính ông bạn già vốn nhiệt thành với cánh báo chí, tôi chắc có sự chi hay hay hấp dẫn thì mới có việc nhắn nhe gấp như vậy. Thời điểm đó, được phép của Chính phủ, một liên doanh nước ngoài sẽ đập bỏ trung tâm giam giữ phạm nhân lớn nhất nước số 1 Hỏa Lò để xây dựng tại đây một trung tâm dịch vụ du lịch trong đó có khách sạn nhiều tầng năm sao.

Trại giam Hỏa Lò chỉ giữ lại một phần nhỏ để làm bảo tàng còn tất tần tật được rinh ra ngoại thành để cho vị trí mới của thời buổi kinh tế thị trường chiếm chỗ.

Khi tôi đến nơi thì một cảnh tượng chưa hề thấy ở trước cái cổng chính của nhà pha Hỏa Lò, mấy chiếc xe du lịch sơn màu rất tươi tương phản một cách tệ hại với bức tường xám, cánh cổng xám của trại giam.

Từ trên xe, khoảng hai chục người nước ngoài đang lễ mễ khiêng xuống lỉnh kỉnh những là hòm xiểng, mà nhắc qua ai cũng đoán ra qua cung cách ăn mặc, qua cụ bị đồ đạc của họ, là một đoàn làm phim chuyên nghiệp.

Cánh cổng chính nặng nề chắc khừ của trại giam từ từ kin kít mở toang. Đoàn làm phim lần lượt bước vào. Mọi ngày, tôi vẫn thường thấy ông thượng tá giám thị xuề xòa trong bộ sơvin. Nhưng bữa nay, ông ăn mặc cực chuẩn, quân hàm quân hiệu đàng hoàng.

Ông giám thị giải thích ngay cú điện thoại hồi sáng: “Đây là đoàn làm phim của Mỹ, sau khi được phép của Chính phủ ta, đã đến Hỏa Lò thực hiện bộ phim “Tết Việt Nam, hòa giải”. Họ sẽ làm việc ở đây một ngày”.

Chủ lẫn khách vẻ dè dặt bắt tay nhau. Qua giới thiệu, tôi được biết cái ông cao lênh khênh đang tất tả vác chiếc máy quay to kềnh đi đi lại lại có cái tên Punman là đạo diễn kiêm quay phim. Còn ông Olêch - enoai có vóc dáng kềnh càng đang khư khư chiếc máy đo sáng trong tay kia là người viết kịch bản. Còn được giới thiệu thêm ông vốn là đại úy lính thủy đánh bộ từng tham chiến ở Đà Nẵng.

Thượng tá Hoắc chỉ thêm cho tôi một người thấp bé nhất trong đám khách Hỏa Lò, rằng có biết ai đây không. Thấy tôi lắc, ông cũng lắc theo, vẻ mặt thất vọng. Hóa ra, đấy là viên phi công Mỹ có thâm niên lâu nhất Hỏa Lò. Tôi suýt kêu lên Alvarez... Thượng tá cười, đúng cái ông mà trông có dáng như bác phó mộc ấy đấy...

Lựa lúc đoàn làm phim giải lao, khi được ngồi cùng Everett Alvarez, tôi suýt bật cười trước sự so sánh của ông thượng tá Hoắc. Dáng thấp nhỏ so với người Mỹ, da bánh mật, tóc bạc lốm đốm, bộ quần áo xoàng xĩnh có cái màu tờ tợ như thứ đồng phục bảo hộ lao động, ở ông toát lên vẻ giản dị chân chất.

Có cảm giác Alvarez khuôn mặt không mấy đổi thay qua 29 năm dâu bể, nếu đem so với tấm hình khi bị bắt từng một thời xuất hiện trên báo chí xứ mình.

Cung cách cùng chất giọng, câu chuyện về 29 năm trước của Alvarez làm người nghe có cảm giác cứ ngỡ như vừa mới bữa qua. Chiếc máy bay của trung úy Everett Alvarez cùng bảy chiếc khác cất cánh từ tàu sân bay Constellation được lệnh đến bắn phá căn cứ hải quân Việt Nam tại Bãi Cháy, thị xã Hòn Gai. Alvarez tham gia đợt công kích thứ ba.

Không hề có cảm giác sợ. Alvarez, cũng như các phi công tiêm kích khác đều nghe đến nhàm vũ khí phòng không của Bắc Việt chỉ là những khẩu pháo có từ chiến tranh thế giới lần thứ nhất lẫn thứ hai, với làm sao tới những tầm bay của những chiếc phi cơ siêu hiện đại của không lực Hoa Kỳ. Nhưng chỉ mấy phút sau, Alvarez đã có cảm giác nhột bụng bởi quanh mình nhằng nhịt những vệt lửa của các cỡ súng phòng không.

Từ độ cao 3.000m, Alvarez chọn góc 30 độ bổ nhào phóng rocket rồi định bay về phía Hà Tu để kịp thoát thân. Nhưng, ngay lập tức, khói đen òa khắp buồng lái. Lạy chúa, mình bị rồi.

Chàng trai 26 tuổi mới cưới vợ được sáu tháng hoảng hốt tìm đến công tắc bung dù. Alvarez trong tích tắc bật ra khỏi chiếc Chim ưng nhà trời đang bùng bùng như một bó đuốc. Chưa kịp hoàn hồn để gọi máy bay cấp cứu, vừa ngoi khỏi mặt nước, Everett Alvarez đã thấy trước mặt một tốp thuyền đánh cá với những người tay cầm súng vây chặt.

Người đầu tiên dùng tiếng Anh để hỏi chuyện Alvarez là một người đàn ông đã đứng tuổi có nước da nâu. Ở ông toát lên vẻ sang trọng lịch lãm mà sau này E Alvarez mới biết đó là Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng, thời điểm ấy đang đi kinh lý mạn Đông Bắc. Còn người chụp ảnh đầu tiên mà Alvarez không biết được là nhà nhiếp ảnh Công Vượng, một phóng viên của vùng mỏ.

Sau này, tôi có gặp thì anh Công Vượng cho hay, thấy anh lăm lăm cái máy ảnh, mới đầu tên này cũng nhâng nháo lắm. Nhưng thấy anh trừng mắt lên hắn cụp mắt cúi đầu xuống. Trong tư thế đó, bức ảnh viên phi công Mỹ bị bắt đầu tiên ngày 5/8/1964 đã truyền đi khắp thế giới.

Mãi khi về nhà tù Hỏa Lò thì Alvarez mới bàng hoàng được biết, người bạn cùng phi đội, trung úy Richard Christan cùng nhiều phi công khác tham gia trận đánh này đã thiệt mạng.

Từ Hòn Gai, Everett Alvarez được đưa về Hà Nội bằng ô tô. Bộ đồ bay, những trang bị của phi công và mảnh xác chiếc máy bay A-4 giờ đã trở thành những hiện vật tại Bảo tàng Quân đội. Ông cho tôi biết thêm, ngày hôm qua, ông cùng đạo diễn Punman được phép đến Bảo tàng để ngó lại bộ đồ bay và đội lại chiếc mũ phi công ngày ấy...

Bữa nay về lại Hỏa Lò, chẳng phải đợi ai hướng dẫn, từ cổng Alvarez xăm xăm đi vào và xộc thẳng vào khu có buồng giam số 6. Alvarez bước dài bước ngắn, mặt lúc thì rạng rỡ, lúc thì ngơ ngác, bần thà bần thần.

Punman quát mọi người lui ra đắc chí bấm máy chắc mẩm chẳng cần phải đạo diễn dặn dò chi cả mà Alvarez diễn y chang và quá đạt so với kịch bản! Nhưng lúc sau, ông bỗng lắc đầu quầy quậy rồi quay ra. “Sao vậy” Punman cáu kỉnh đóng máy.

“Không phải buồng này, buồng bên”, Alvarez chỉ vào căn phòng bên cạnh. “Sao biết? Anh có dám chắc không?” “Chắc chứ. Vì cái này - Alvarez chỉ tay lên cửa sổ tầng 2 (phòng bên không có cửa sổ) thỉnh thoảng anh công an Việt Nam ở tầng trên vẫn ném kẹo và thuốc lá xuống cho tôi, mặc dù anh ta biết không được phép làm như vậy”.

Punman vẫn chưa tin, yêu cầu ông Donovance phụ trách MIA (trưởng đoàn tìm kiếm người Mỹ mất tích ở Việt Nam có mặt trong đoàn làm phim) để hỏi tỉ mỉ. Donovance mang cả sơ đồ ra tra cứu rồi gật đầu xác nhận chính căn buồng Alvarez đã từng ở.

“Trở lại Việt Nam lần này ông thấy thế nào?”, Alverez sau khi bị đạo diễn Punman quần cho nửa buổi mệt nhoài, trên khuôn mặt tai tái xam xám lấm tấm mấy giọt mồ hôi, hít một hơi dài, cười: “Lần này tôi tới Việt Nam là khách, còn trước đây thì... (cười).

Nơi tôi ở trước đây (ông khoát một vòng tay quanh vườn hoa trước buồng giam số 6), bây giờ khá hơn nhiều. Trước đây, chỉ có mấy gốc nho già thôi. Bây giờ thì có hoa. Người Hà Nội bây giờ cũng đẹp hơn.

Hồi ở Hỏa Lò mỗi khi Noel, tết cổ truyền Việt Nam, chúng tôi đôi lúc cũng được ngồi xe đi dạo phố. Người Hà Nội lúc ấy hơi bé, đàn bà mặc quần đen, đàn ông áo bốn túi đóng kín cổ. Bây giờ không thấy nữa...

Lần gặp E. Alvarez ở Hỏa Lò ảnh 2
E. Alvarez lúc bị bắt tại Vịnh Hạ Long ngày 5/8/1964. Ảnh: Đức Vượng

Sau khi về Mỹ, Everett Alvarez vẫn tiếp tục phục vụ trong lực lượng hải quân Mỹ. Năm 1980, Everett Alvarez được nghỉ hưu với quân hàm trung tá. Hiện, ông sống tại Rockvill bang Maryland.

Ông viết cuốn sách Chim ưng bị xiềng xuất bản tại Mỹ năm 1978. Cuốn sách kể về cuộc sống trong những ngày bị giam tại Hỏa Lò. Sau một năm nằm điều trị chữa răng và cột sống, ông cưới ngay một cô vợ mới tinh. Từ bấy đến nay, ông góp cho nước Mỹ hai công dân, một trai một gái, đẹp như thiên thần.

Chẳng an phận với chuyện nhà cửa, vợ con, Alvarez có thời gian lọ mọ ở chính trường là chủ tịch hội đồng vận động bầu cử Tổng thống G. Bush bố. Hiện thời, ông làm cho công ty tư vấn của một tổ chức y tế phi chính phủ ở Mỹ.

Trong câu chuyện có vẻ cởi mở, Alvarez cho biết thêm, chuyến đi Việt Nam về Mỹ, “tôi sẽ được các nhà báo Mỹ hành hạ đây”. Họ muốn cho nhiều triệu người Mỹ biết được suy nghĩ cảm tưởng và những điều mắt thấy tai nghe của một phi công Mỹ từng bị giam ở Việt Nam lâu nhất.

Trong câu chuyện  với đạo diễn Punman, ông cho biết, lý ra bộ phim phải được thực thi từ năm 1992 nhưng có nhiều nguyên nhân khiến công việc trục trặc, mà trong đó có lý do quan trọng là tài chính để “Tết Việt Nam hòa giải” sớm hoàn thành gần như là một sức ép để chính phủ Mỹ mau chóng bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam.

Lần này, được sự ủng hộ giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam, êkip làm phim của ông đã có mặt ở Việt Nam, tuy rằng, có hơi muộn. Trong êkip của mình, ông chọn hầu hết những nhân vật không phải là vô danh tiểu tốt ở Mỹ.

Ngoài E. Alvarez ra, còn có Thoressnecs, Thượng nghị sĩ tiểu bang Washington, thiếu tá từng bị giam ở Hỏa Lò, và Ben Purcen vốn là trung tá cũng ở Hỏa Lò ba năm, một nhân vật có thế lực trong giới kinh doanh Mỹ hiện nay mà, khi đoàn dừng ở Bangkok, Ben Purcen được Thái tử Thái Lan mời cơm thân mật.

Cô con gái xinh đẹp của Ben Purcen đi cùng. Hiện, cô làm ở một hãng truyền hình tư nhân. Cuộc gặp với TNS Ben Purcen hôm đó để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Có thể nói là rất hiếm hoi trong số tù binh Mỹ ở các trại giam Bắc Việt Nam, ông đã hai lần vượt ngục.

Lần thứ nhất trong một đêm mưa, ông đã thoát khỏi trại giam ở Cầu Biêu Thanh Trì, lần theo đường số 1, mò đến Đại sứ quán Pháp nhưng gần đến cổng Đại sứ quán thì bị bắt lại. Lần thứ hai ở Vĩnh Phú, qua một tuần chui bờ rúc bụi, Ben lại mò đúng vào một đơn vị bộ đội. 

Ấn tượng nữa, ngày hôm ấy tại Hỏa Lò, tôi cũng đã gặp Nguyễn Đạt, phi công VNCH từng nhiều lần ném bom miền Bắc có hơn 2.000 giờ bay. Nguyễn Đạt bị bắt ở Quảng Bình và giam ở Hỏa Lò từ mùa hè năm 1966 đến tháng giêng năm 1973. Nguyễn Đạt cũng là diễn viên cuối cùng của đạo diễn Punman.

Và không thể không kể đến Trần Vân làm thông dịch cho đoàn làm phim.  Năm 1970 - 1975, Trần Vân là Bộ trưởng Bộ xây dựng & Đô thị của Chính quyền Sài Gòn. Tại Hội nghị Paris, Trần Vân là thành viên của phái đoàn Việt Nam Cộng hòa.

Một con số khó tin nhưng có thực, từ năm 1975 đến nay, anh đã về Việt Nam 55 lần và là người tích cực trong cộng đồng người Việt ở Washington, California, hô hào chính phủ Mỹ bỏ lệnh cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Vì quá hăng hái nên Trần Vân bị bọn xấu trong cộng đồng phục kích giết hụt sáu lần. Đến lần thứ bảy, anh bị bắn thủng ngực phải nằm chữa trị mấy tháng trời. Nghe tin hội cựu chiến binh Mỹ tổ chức làm phim Việt Nam hòa giải, anh tình nguyện xin đi phục vụ đoàn.

Hôm sau, tôi đã gặp lại cái vẻ chân chất của E. Alvarez trong buổi gặp mặt kỳ lạ của một bộ ba tại sân chùa Trấn Quốc theo sáng kiến của đạo diễn Punman: Đại tá về hưu Chu Hoàng Bích ngày 5/8/1964 là anh thiếu úy trẻ măng bộ đội địa phương Quảng Ninh dẫn giải tù binh Alvarez về Hà Nội. Trung tá Nguyễn Hợp năm 1964 là anh lính trẻ người đầu tiên trực tiếp hỏi cung E. Alvarez.

Ngót ba mươi năm, cuộc đời biết bao tao loạn thăng trầm, mái đầu cả ba người lính đều đã bạc. Đại tá Bích, trung tá Hợp đều nói được tiếng Anh. Cả ba sải những bước thơ thẩn trong sân chùa. Vòm bồ đề trên đầu họ khẽ rung rinh trong làn gió xuân Hà thành.

Từ bấy đến giờ, 14 năm đã qua, tôi chưa có dịp gặp lại E. Alvarez dù mấy lần có qua Mỹ cũng có ý ngóng hỏi này khác. Chao ôi những bóng chim tăm cá...

Tiết sớm mùa xá tội vong nhân
Xuân Ba

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.