Làng có nhiều người điên

Trưởng thôn Trần Xuân Hạ trăn trở về quê hương mình. Ảnh: T.T.H
Trưởng thôn Trần Xuân Hạ trăn trở về quê hương mình. Ảnh: T.T.H
TP - Nhiều người biết đến núi Đọi thuộc xã Đọi Sơn (Duy Tiên - Hà Nam) với chùa Long Đọi Sơn nổi tiếng. Nhưng ít ai biết rằng, dưới chân núi ấy chếch phía Tây Nam có một thôn với tên gọi kiêu hãnh: Đọi Nhất. Nhưng giờ đây, vẫn với thôn ấy, người ta gọi là làng có nhiều người điên...
Trưởng thôn Trần Xuân Hạ trăn trở về quê hương mình. Ảnh: T.T.H
Trưởng thôn Trần Xuân Hạ trăn trở về quê hương mình. Ảnh: T.T.H.


Thương cảm làng điên!

Từ cầu Câu Tử, đi vòng khoảng 3Km về phía Bắc là gặp cổng chùa Long Đọi Sơn chất ngất. Không khí uy nghi linh thiêng bao phủ một vùng đất. Ngay dưới chân núi là thôn Đọi Nhất với không khí khác hẳn, trầm buồn và u ám bởi những con người không may mắc bệnh tâm thần vật vờ đầu xóm, cuối thôn.

Trưởng thôn Đọi Nhất, ông Trần Xuân Hạ thấy chúng tôi đến làng đã hy vọng: “Lạy trời, cuối cùng thì cũng có người đến với làng có nhiều người điên. Các chú xem cho thế nào chứ cứ tình hình thế này thì cả làng bỏ nhà bỏ cửa đi hết...”.

Ông Hạ cho hay, cả thôn chỉ có 800 nhân khẩu với khoảng 200 nóc nhà thế mà số người bị tâm thần lên đến hàng chục. Đấy là số còn sống chứ nếu tính cả những người đã vĩnh biệt cõi trần thì nhiều lắm. Không biết làng tôi ăn phải cái gì mà lụn bại dần mòn ghê gớm như vậy. Nói rồi ông sốt sắng dẫn chúng tôi đến từng nhà có người bị tâm thần để mục sở thị.

Gia đình ông Trần Đ. Đ. ở gần cuối thôn có 3 thế hệ mắc bệnh tâm thần. Em gái ông là bà Trần T. M. (61 tuổi) không biết vì sao, tự dưng phát bệnh rồi cuồng loạn hát hò như ma nhập. Bao nhiêu năm nay, chữa trị khắp nơi nhưng bệnh ngày càng nặng.

Khi các lò gạch đốt lò, thôn Đọi Nhất phải hứng chịu tất cả khói bụi
Khi các lò gạch đốt lò, thôn Đọi Nhất phải hứng chịu tất cả khói bụi.

Con trai ông Đ., anh Trần Đ. L. to khỏe vạm vỡ, nước da bánh mật mai mái là kết quả của những đêm nằm gió hứng sương. L. từ khi sinh ra lớn nhanh vù vù, thông minh hiếu học... Đến năm 22 tuổi bỗng dưng có vấn đề, suốt ngày hết khóc lại cười vật vã. Gia đình đưa L. đi chữa trị ở bệnh viện một thời gian, bệnh tình đỡ hẳn, anh lấy được vợ, sinh được 2 con bụ bẫm. Thế rồi, một đêm mùa đông giá buốt, L. nhìn vợ mình mà tưởng là gà, xuống bếp mài dao đòi... thịt.

Gia đình lại lục tục đưa L. đi chữa trị tại BV Tâm thần T.Ư I (Thường Tín - Hà Nội). Khi bệnh tình thuyên giảm, L. về nhà và được vợ tảo tần chăm sóc. Thế rồi một ngày, L. lừ đừ xuống bếp, lấy dao phay chém giữa đầu vợ rồi cười khanh khách. May sao lúc ấy, gia đình đưa cô con dâu cấp cứu kịp thời.

Ông Đ. cho biết, giờ thì bệnh tình Lượng đỡ rồi nhưng vẫn không giấu được sự ngây ngô. Thấy chúng tôi cầm máy ảnh, L. cười toét miệng xin chụp vài kiểu kỷ niệm. L. khoe, “em chém vợ một lần rồi nhá, thế mà nó không chết anh ạ! Em được đi Thường Tín 8 lần, Cao Đà 5 lần, chắc lại sắp đi nữa đấy”.

Ông Đ. không giấu giếm, ông linh cảm rằng đứa con của L. cũng sẽ chẳng khôn ngoan gì vì giờ đây, cháu đang có những biểu hiện giống y hệt cha nó khi mới phát bệnh.

Chị B., sinh năm 1953
Chị B., sinh năm 1953.

Cách nhà ông Đ. vài mái ngói là gia đình của 2 anh em dị nhân Trần Đ. Ch. - Trần T. B. Hôm chúng tôi đến, anh Ch. đã bỏ đi lang thang đâu đó từ sáng sớm. Chị B. yếu hơn, chỉ ngồi một góc sân cười khó hiểu. Chị B. sinh năm 1953 nhưng chỉ cao chưa đầy một mét. Khuôn mặt già ngô nghê, từ khi sinh ra đến giờ không biết làm gì để ăn.

Cậu anh tên Ch. cũng vậy, suốt ngày chỉ ngơ ngác lang thang hết nghĩa địa này đến nghĩa trang khác. “Vừa rồi xã có làm cho hai anh em ngôi nhà tình nghĩa nhưng hầu như chẳng bao giờ thấy họ ở trong nhà” - Ông Hạ cho hay.

Nằm ở vị trí đắc địa, giữa thôn có ngõ vào dài lát gạch đỏ là hộ ông Trần V. D. có mẹ già là cụ Lê T. H. đã 83 tuổi bị bệnh tâm thần. Ông Dư cho biết, bà cụ bị bệnh đã lâu lắm rồi, con cháu đưa đi chữa trị hết bệnh viện này đến bệnh viện khác mà không khỏi. Các bác sĩ cho biết, bà cụ bị thần kinh mãn tính không thể chữa khỏi.

Anh Đ. T. P. (Lác)
Anh Đ. T. P. (Lác).

Trong khi chúng tôi đang nói chuyện tại nhà ông D. thì một cậu bé hớt hải chạy đến báo tin cho ông Hạ trưởng thôn, rằng nhà Lác đang có chuyện. Khi chúng tôi có mặt, một thanh niên đang vơ bát đũa ném tứ tung, đập phá đồ đạc trong nhà. Sau một hồi lựa thế, ông Hạ đã khống chế được anh thanh niên đó. Đó là Đ. T. P. (người làng hay gọi là Lác) sinh năm 1967, bị tâm thần phân liệt khá nặng.

Nhà Lác có 3 người bị tâm thần. Mẹ anh đã chết cách đây khá lâu sau một thời gian dài bị bệnh tâm thần hành hạ. Chị dâu của Lác cũng thắt cổ tự tử sau khi lên cơn cách đây vài năm. Giờ thì Lác ở với bố nhưng cả ngày hết lảm nhảm rồi lại đập phá, tự xé quần áo rồi lại nằm ra ăn vạ.

Cảnh la hú đập phá ở làng điên không phải là điều xa lạ. Thế cho nên, người Đọi Nhất từ bao nhiêu năm nay luôn đi tìm nguyên nhân để giải thoát cho làng khỏi tiếng điên. Hết nguyên nhân này đến tác nhân khác được đặt ra...

Dân làng Đọi Nhất lưu truyền cho nhau nguyên nhân khiến làng có nhiều người điên là vì từ đận những năm 1960 người ta lấp đi chín cái giếng mắt rồng (cửu long cửu tỉnh - chín cái mắt rồng - PV) và phá mất sáu ngôi đền, miếu. Trong đó, có những ngôi đền thiêng như đền Thánh Ông.

Cụ Trần Đăng Xích một cao niên trong làng tổng kết, có một điều lạ lùng là một nửa thôn Đọi Nhất ở phía Tây Nam thì rất nhiều người bị điên, còn ở phía Bắc thì không ai bị bệnh tâm thần cả.

Đến nay, L. đã đi BV tâm thần điều trị 13 lần
Đến nay, L. đã đi BV tâm thần điều trị 13 lần.


... Môi trường bị ô nhiễm

Sau tất cả những lời lý giải xoay quanh vấn đề tâm linh, người thôn Đọi Nhất nghi ngờ nguyên nhân môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi các lò gạch luôn trong tình trạng nhả khói và khí độc.

Nhiều người dân địa phương bức xúc cho biết, 4 lò gạch chỉ cách khu dân cư không xa nên khi đốt lò, khói bay mù mịt biến cả một vùng dưới chân núi Đọi thành chảo khói, bụi. Đặc biệt là những ngày có gió Tây Nam, khói và bụi từ các lò gạch cứ thế bám quyện chặt từ tối đến sáng, hết ngày nọ đến ngày kia... khiến vùng quê này chưa một ngày bình yên.

Đồng nghĩa với việc ô nhiễm không khí là nguồn nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nước từ các sông quanh khu vực, thậm chí cả trong bể nước mưa của một số hộ gia đình đều bị bụi gạch bám đỏ ngầu. Tại thôn Đọi Nhất, ngoài số lượng người bị tâm thần, số lượng người chết vì ung thư phổi cũng rất cao. Theo tổng kết của ông Hạ, từ năm 2000 đến nay số người chết và đang bị ung thư phổi lên tới hàng chục người.

 Ông Hạ cũng như người dân thôn Đọi Nhất đang mong muốn các cấp thẩm quyền, các ngành chuyên môn về địa phương để khảo sát nguyên nhân gây bệnh ung thư cũng như bệnh tâm thần. Mong muốn thôn mình không phải là làng điên - làng chết có lẽ là ước muốn lớn nhất của người dân nơi đây

Sau nhiều lần dân kiến nghị, năm 2006 chủ lò gạch đã phải bồi thường cho người dân 186 triệu đồng vì gây thiệt hại hoa màu. Đầu tháng 5 vừa rồi, chủ lò gạch tiếp tục phải bồi thường 48 triệu đồng vì gây cháy lúa quanh khu vực...

Nhiều người dân thôn Đọi Nhất khẳng định, sở dĩ thôn có nhiều người điên cũng một phần do các lò gạch gây ra. Thực tế đã chứng minh, mỗi khi các lò gạch nhả khói tỏa vào nhà dân cả tuần thậm chí hàng tháng trời là thời điểm các bệnh nhân tâm thần phát cơn cuồng loạn...

Có lẽ vì sợ bản thân hay gia đình sớm muộn cũng sẽ bị tâm thần nếu còn ở trên đất của thôn Đọi Nhất nên hiện nay, hàng chục nóc nhà trong thôn bị bỏ hoang. Các chủ hộ đã chuyển đi một nơi khác an toàn hơn, yên tâm hơn cả về chuyện tâm linh lẫn khói bụi trong thực tại.

MỚI - NÓNG