Làng rươi

Làng rươi
TP - Ai qua quốc lộ 18 đoạn cầu Cầm thuộc xã Hưng Đạo, Đông Triều (Quảng Ninh) hẳn phải chú ý tới cái chợ bên đường ken đặc người bán, mua chỉ một loại hàng hóa – rươi.
Làng rươi ảnh 1
Ngày cao điểm, giá rươi lên đến 300.000 - 400.000 đồng/kg

Nhắc tới rươi hẳn không ít người nhớ tới Món ngon Hà Nội của Vũ Bằng. Bất giác người viết nhớ tới cảm giác đầy miệng của một kẻ chưa từng nếm món rươi và từng thèm thuồng qua trang viết của nhà văn tài hoa. Nhận lời mời của một người bạn, tôi về vùng đất đệ nhất rươi…

Vớt của trời cho

Tháng chín 20 tháng mười mùng 5 để chỉ mùa rươi đến. Tôi đến  thôn Vân Quế, Hưng Đạo, Đông Triều nơi được mệnh danh là đất rươi. Nơi đây rươi nhiều nhất, ngon nhất và cũng có một nghề không giống ai – vớt rươi.

Rươi là giống thủy sinh, tên khoa học là Neridiae, một loại giun nhiều tơ. Có khoảng 500 loài chủ yếu sống ở nơi nước lợ. Đặc điểm của rươi là có thể tái sinh từ những đoạn đứt trên cơ thể thành một con rươi hoàn chỉnh dài từ 3-7cm. Từ lâu rươi là thức ăn bổ dưỡng của người  Bắc. Khi chế biến, có vị béo ngậy, thơm, và nhiều đạm.

Rươi ở làng Vân Quế chỉ có thể vớt được vào ngày 18-20/9 và cũng ngày đó tháng 10 - 11  âm lịch. Rươi nổi, đông đặc như trấu vãi trên sông và trong khoảng hơn một giờ là rươi lặn. Những ngày rươi nổi, hai bờ sông Cầm, chân các ruộng ken đặc người đi vớt rươi.

Tôi theo chân anh bạn ra ngoài đê sông Cầm. Người vớt rươi đứng đầy chân đê. Ai cũng mang theo vợt và xô chậu. Những người cầm vợt bắt không được nhiều, chủ yếu tranh thủ kiếm rươi về ăn với độ dăm ba cân.

Bắt được nhiều rươi nhất phải là những chiếc lưới săm ngăn sông có thể lên đến cả tạ. Mỗi bộ săm dễ đến chục triệu đồng.  Cứ vài chục mét lại có người giăng lưới săm để bắt rươi, ước tính chỉ hơn một km sông Cầm, có hơn chục chiếc săm.

Ông Nguyễn Văn Hải 55 tuổi thôn Vân Quế, chủ một cái săm trên sông và theo nghề vớt rươi gần 30 năm, cho biết, “đông như rươi” nhưng cũng “hiếm như rươi”. Rươi làng Vân Quế vẫn được coi là ngon nhất. Nơi này không xa cửa biển nhưng gần núi. Rươi ở đây vỏ mỏng, sữa nhiều.

Chỉ xuống mấy lưới săm hình chiếc phễu được thả xuống nước, ông Hải trầm ngâm, rươi là cái giống trời cho chẳng ai nuôi được, đào được. Biết dưới chân ruộng có lỗ nứt là có rươi, nhưng không ai có thể thấy được nó. Chỉ khi nó chui khỏi lỗ ruộng, trôi ra sông mới vớt được.

Để bắt được rươi, những nhà có ruộng ngoài bãi đã ke bờ đắp đất để chuyên nghề rươi. Cũng ở khúc sông này, không phải săm nào cũng thu hoạch như nhau, dù khi nước nổi mênh mông rươi nổi đen đặc như vãi trấu. Trời cho sao được vậy.

Có điều lạ là từ ngày dân quây bờ bắt rươi nhiều, ruộng ngoài đê không cấy được nữa. Hạt lúa lép không thu hoạch được. Thế nhưng đến mùa vẫn phải cày ải cho đất tơi xốp.

Khi nước sông bắt đầu chảy mạnh cũng là lúc rươi nổi. Ban đầu chúng nổi từ các ruộng phía trong, sau đó chúng trôi ra sông. Tôi hỏi nghe bảo dùng ánh sáng là chúng bu đặc lại chỉ việc vớt.

Ông Hải cười, rươi không như những loài khác thấy ánh sáng là say. Việc chúng nổi lên, di chuyển theo dòng là việc trời định thế. Chỉ có một thứ bất định là, cứ đúng ngày, đúng nước, nó nổi lên. Những con rươi đủ màu sắc loăng quăng bơi và chỉ chút nữa sẽ chui cả vào những chiếc săm quây kín cả dòng sông Cầm…

Cứu cánh của dân nghèo

Tháng chín ăn rươi/ Tháng mười ăn nhộng hay Bao giờ cho đến tháng mười/ Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy… Rươi có nhiều ở các sông vùng đồng bằng Bắc Bộ. Dân gian còn gọi là rồng đất.

Ngày xưa do khó khăn về giao thông nên rươi chưa phổ biến và cũng ít người biết. Nay thì khác, mùa rươi, người mua đặc kín chợ rươi bên chân cầu Cầm. Khách mua rươi đủ mọi thành phần, từ bình dân tới người đi ô tô sang trọng. Điều khá khôi hài là bây giờ rươi không còn là thức ăn của người nghèo nữa vì giá quá đắt. Người nghèo bắt được rươi không dám ăn, mà để bán.

Anh bạn tôi bảo, người Đông Triều xưa nay có thói quen đến mùa rươi phải tìm mọi cách để gia đình ăn một bữa rươi cho đỡ nhớ. Rươi bây giờ được giá, ngày cao điểm lên tới hơn 300-400 nghìn đồng/kg. Vợ chồng anh bạn không đi vớt rươi nữa mà chuyển sang buôn. Có ngày anh mua hơn 50 triệu đồng tiền vốn, hai vợ chồng đưa rươi cho các nhà hàng. Khách ăn đông lắm, chủ yếu là đại gia.

Món rươi xào, món nấu, món chiên trở thành lỗi thời rồi. Giờ đây vào nhà hàng, rươi được chế biến thành lẩu rươi. Chiêu ngụm nước chè, anh khoe, làng Vân Quế xưa nay thuần nông, dân đông, ruộng ít.

Mấy năm gần đây, nhờ trời, con rươi được giá, cuộc sống nhiều người trong làng cũng khá hơn. Chỉ hai cân rươi bằng sáu tháng làm ruộng mà không phải đầu tư phân bón, công sức. Từ đầu mùa có người thu nhập gần 30 triệu đồng tiền bán rươi, bình thường cũng được 3-7 triệu đồng.

Mấy năm lại đây, câu nói tháng 9 hai mươi, tháng 10 mùng năm không còn chính xác nữa vì rươi nổi theo con trăng, thủy triều. Mỗi tháng rươi chỉ nổi nhiều khoảng hai ngày vào ban ngày, còn lại nổi vào mấy tối sau nữa nhưng ít. Mỗi đêm giỏi lắm bắt được 1-2 kg.
MỚI - NÓNG