Chuyện một cảm tử quân Ngã ba Đồng Lộc - Bài II

Lang thang

Lang thang
TP - Ông Chương hàng chục năm lang thang, lẩn thẩn lúc nhớ lúc quên, sau nhiều lần bị nạn bước đi không vững, gặp ai cũng vái lạy, ngửa tay xin.

>> Bài I: Chuyện một cảm tử quân Ngã ba Đồng Lộc: Chiến công và bi kịch

Lang thang ảnh 1
Hai chị em Hương và Quỳnh tại gầm cầu Đông Hà nơi gần 10 năm gia đình cư trú

Qua điện thoại di động, chúng tôi nói chuyện với bà Võ Thị Xuân, 60 tuổi, là vợ đầu của ông Nguyễn Thế Chương, hiện trú tại Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk.

Bà Xuân nhớ lại, khoảng giữa năm 1977 khi đứa con đầu Nguyễn Thị Vân lên bốn tuổi và con thứ hai Nguyễn Thị Hải vừa sinh được tám tháng, gia đình nhận được tin ông Chương, đang lái máy ủi trên công trường đường 8 Việt - Lào, bị bệnh tâm thần bỏ đi biệt tăm.

Gia đình cho người đi tìm khắp nơi không được, cứ nghĩ chắc ông đã chết. Ba mẹ con bà Xuân đành phải dắt díu nhau vào Nam sinh sống.

Bà Lê Thị Nguyện - vợ thứ hai của Nguyễn Thế Chương, hồi tưởng, sau giải phóng miền Nam khoảng dăm năm, hồi ấy Nguyện khoảng 17 -18 tuổi, nhà nghèo thất học, làm nghề buôn cá từ xã Quảng Nham - Quảng Xương lên chợ thị xã Thanh Hóa.

Vốn ít, chỉ đủ mua một gánh cá, bị phòng thuế bắt, trắng tay. Về nhà, bố mẹ rầy la, Nguyện bỏ nhà lên tàu chợ vào Nam, sống lang thang khắp các chợ Đông Hà, Đà Nẵng. Gặp ông Chương râu, hai bên gá nghĩa với nhau.

Năm 1987, bà có bầu và sinh con trai đầu Nguyễn Thế Cường. Năm 1988, lại sinh con gái thứ hai là Nguyễn Thị Hương. Đến 1992, sinh tiếp Nguyễn Thị Quỳnh.

Gần 20 năm, cả nhà sống vô gia cư, lang thang khắp các chợ nhiều tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Bình Định. Nơi cư trú lâu nhất là gầm cầu Đông Hà.

Nguyễn Thị Hương nhớ lại, năm Hương khoảng sáu tuổi, mẹ sinh thêm bé Quỳnh tại Đà Nẵng. Hồi ấy, bố bị tai nạn ô tô phải nằm viện. Quỳnh mới được vài tháng, mẹ bọc em vào tấm áo rách rồi dùng chiếc nón đậy lại để bên góc công viên, bảo Hương ngồi trông em còn mẹ dắt anh Cường đi xin.

Lang thang ảnh 2
Ông Nguyễn Thế Chương trở lại Đồng Lộc năm 2009

Năm Hương lên chín tuổi, bố phục hồi đôi chút, cả gia đình bồng bế, dắt nhau về sống ở một góc chợ thị xã Tam Kỳ. Ngày đi ăn xin, tối về ngủ trên những chiếc bàn của các bà bán hàng rau, cá. Có năm bị lụt nước ngập hết chợ, chỉ còn mô đất cao, mấy mẹ con lên ngồi. Dưới chân rắn rết bò lổm ngổm. Thời gian sống ở đây khoảng hai năm.

Sau trận lụt ấy, gia đình từ Tam Kỳ dắt díu nhau trở ra Đà Nẵng. Được cô Phụng bán gạo cưu mang, nhưng vẫn ngủ bên vỉa hè.

Hồi ấy, chính quyền địa phương thông báo sẽ đưa những người sống lang thang ra khỏi thành phố. Bà Nguyện định đưa gia đình trở lại chợ Tam Kỳ, chưa kịp thì cả nhà bị đưa lên xe chở ra Lăng Cô. Cả năm nhân khẩu phải quây nylon sau góc khuất của biển báo giao thông để sinh sống. Hết mùa nắng, sang mùa mưa, cả nhà lại dắt nhau trở lại gầm cầu Đông Hà.

Đây là nơi yên thân nhất, nhưng vào mùa mưa lũ, mỗi người tìm lấy một vị trí dưới dầm cầu, nép mình chơi vơi trên mặt nước.

Bị quên lãng

Ông Nguyễn Thế Lương, em trai ông Chương, kể: “Cuối năm 1997 tôi còn ở quân đội, nhận được thư nhà biết tin anh Chương bị tâm thần bỏ nhà đi biệt tăm. Anh em tôi nhiều lần đi tìm nhưng không kết quả.

Tháng 3 /1998, Quảng Trị có đợt ra quân quyết liệt đưa những người vô gia cư dưới gầm cầu Đông Hà về quê. Xe Quảng Trị chở anh Chương cùng vợ và ba con về Hà Tĩnh. Xe tỉnh chở về huyện, xe huyện chở về xã.

Lang thang ảnh 3
Giấy xác nhận và đề xuất làm chế độ cho ông Chương từ năm 1998 vẫn còn nằm trong tủ Sở LĐTB&XH

Hồi ấy, gia đình tôi đông con, kinh tế còn khó khăn. Chế độ chính sách không có, anh Chương bị thần kinh đi lang thang. Chị Nguyện chưa bao giờ làm ruộng. Các cháu còn nhỏ. Cơm gạo hàng ngày tôi phải lo.

Những lúc tôi đi vắng, anh Chương vẫn la cà xung quanh hàng xóm để xin gạo. Bà con thương tình ai cũng cho. Từ 1998, tôi làm hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ thương binh cho anh Chương nhưng mãi đến nay chưa được...”.

Văn bản của ông Trần Quang Đạt - nguyên Phó Chủ tịch phụ trách bảo đảm giao thông Hà Tĩnh thời chống Mỹ, sau này là Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Tĩnh, gửi các cơ quan có thẩm quyền:

“Chiến tranh đã qua đi hơn 1/4 thế kỷ, người tham gia chiến đấu bị tật nguyền nay chưa được giải quyết là một thiếu sót của chúng ta, trong đó tôi cũng có trách nhiệm lớn.

Đề nghị các đồng chí căn cứ vào tờ trình và những người làm chứng, trong đó có ba đồng chí Nguyễn Xuân Lứ (đội phó cảm tử quân Ngã ba Đồng Lộc), Uông Xuân Lý (dũng sỹ lái máy húc, Ngã ba Đồng Lộc), Lê Văn Lúa (cán bộ quản lý phân khu đường bộ 474 thời chiến tranh) cùng tham gia chiến đấu ở Đồng Lộc là nhân chứng xác thực để xem xét làm căn cứ, nhanh chóng giải quyết chế độ cho đồng chí Chương. Đồng chí xứng đáng là người có công. Đừng để kéo dài sự thiệt thòi...”.

Vậy mà những giấy tờ xác thực cho ông Chương vẫn nằm trong tủ của Sở LĐ - TB&XH Hà Tĩnh.

Sống chung với người em trai đông con, thấy không tiện, một đêm, năm người nhà ông Chương lặng lẽ dắt díu nhau vào thị xã Hà Tĩnh, lót ổ phía sau bến xe, tiếp tục ăn xin.

Một tối mùa đông năm 1999, gia đình đang quây tấm nylon che mưa để ngủ dưới gốc phi lao, bỗng có một con cú mèo từ đâu bay đến đậu gần chỗ bà Nguyện nằm, cất tiếng kêu  thảng thốt. Bà Nguyện nóng ruột, nói với các con: “Có lẽ ở quê bà ngoại chết, cần phải về gấp”.

Bốn giờ sáng, năm người dắt díu nhau đi bộ từ Hà Tĩnh. Sau tám ngày, họ về đến Quảng Nham, Quảng Xương, Thanh Hóa. Sự xuất hiện của bà Nguyện cùng ông chồng lẩn thẩn và ba đứa con làm cả làng ngạc nhiên.

Sau gần 30 năm bỏ nhà đi không tin tức, ai cũng tưởng Nguyện đã chết. Khi Nguyện đưa gia đình tìm về thì mẹ Lê Thị Mý mất, đã được xóm làng chôn cất trước đó hơn một tuần.

Sau năm ngày ở quê, gia đình ông Chương, bà Nguyện dắt díu nhau trở lại TP Vinh - Nghệ An cư trú sau tấm pano quảng cáo, bên cửa hàng xe máy. Họ sống ở đây gần hai năm.

Cháu Quỳnh kể: “Bố cháu thành người lẩn thẩn lúc nhớ lúc quên. Sau nhiều lần bị nạn bước đi không vững, gặp ai cũng vái lạy ngửa tay xin tiền”.

Hồi ấy chị Hương đã lớn, không đi xin nữa mà làm thuê. Còn Quỳnh tiếp tục lang thang xuống tận Cửa Lò kiếm sống, nhiều đêm đi bộ xa không về kịp, ngủ lại trên ghế đá bên đường. Đi xin xa không tiện, Quỳnh phải vào các quầy hàng băng đĩa nhạc đổ bô nước tiểu, mỗi lần như vậy được trả công 2.000 đồng.

Anh Cường có dấu hiệu của người nghiện. Hàng ngày hai em gái lao động kiếm được ít tiền bị anh móc túi lấy hết. Có khi Quỳnh gửi tiền cho người khác cũng bị anh bắt lấy về. Không đưa tiền cho anh là bị đấm đá thường xuyên.

Ngoài bị anh Cường đánh đập, Quỳnh còn bị hội con gái tóc he hàng ngày bắt nộp lệ phí mới được đi làm thuê rửa bát, hoặc xin cơm canh ở các quán ăn. Không sẽ bị ăn đòn thường xuyên. Đây là những ngày chị em Quỳnh sống khổ sở nhất. 

Để ly khai Cường ra khỏi môi trường xấu, bảo đảm yên tâm cho hai con gái, bà Nguyện lại đưa cả nhà vào Nam, đi bộ hàng chục ngày trời, về lại gầm cầu Đông Hà sống thêm ở đó bốn năm nữa.  

Năm 2004, Sở LĐ - TB&XH tỉnh Quảng Trị tiếp tục đưa gia đình ông Chương lên ô tô trả về Hà Tĩnh lần thứ hai. 

Xã dành cho gia đình một suất đất. Dịp ấy, Cty Dịch vụ Bay sân bay Nội Bài, giúp đỡ ông Nguyễn Thế Chương một căn nhà tình nghĩa. Mãi đến đầu năm 2009, ông Chương mới có chế độ 202, mỗi tháng được 120.000 đồng. Đem chia bốn khẩu, bình quân mỗi khẩu 30.000 đồng, thuộc diện  đói nghèo dưới đáy.

Bài III: Ba thanh niên mù chữ

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.