Lên cổng trời Trường Sơn nghe hát

Lên cổng trời Trường Sơn nghe hát
TP - Không chỉ đánh guitar bằng tay trái điêu luyện, chàng trai mù Blúp Âu (ởcổng trời Tây Giang, nơi tiếp giáp với nước bạn Lào) còn biết thổi sáo, đàn môi. Chỉ một chiếc lá nhỏ đặt lên miệng, anh cũng có thể tạo ra những âm thanh da diết...

“Giàng bắt hắn mù để chỉ quanh quẩn bên xó bếp nhưng hắn không chịu, vẫn đi làm ruộng, làm rẫy, đi rừng, bẫy thú, còn nhanh hơn cả người sáng mắt. Bọn con trai, con gái trong làng mê tiếng đàn, tiếng hát của hắn lắm. Hắn còn biết ai đang lội qua con suối Mr’ téh để vào làng nhờ đôi tai thính hơn con thú trong rừng” – Đó là lời già làng Blúp Ứ nói về Blúp Âu trong men rượu tà vạc ấm áp.

Lên cổng trời nghe hát

Mờ sáng, từ Đà Nẵng, chúng tôi theo quốc lộ 14B hòa vào tuyến đường Hồ Chí Minh “thon gầy tay thì con gái”. Rong ruổi vượt qua thị trấn P’rao của huyện Đông Giang, thêm khoảng 50 km đường dốc núi quanh co, đến được cổng trời Tây Giang, nơi tiếp giáp với nước bạn Lào thì trời đã xế trưa.

Bên kia dòng A Vương đỏ quạch do nạn khai thác vàng sa khoáng ở thượng nguồn, thôn R’ bhượp (xã Atiêng, huyện Tây Giang) nép mình phía sau làng truyền thống Cơ Tu độc đáo, nơi lưu giữ bản sắc văn hóa của tổ tiên người bản địa.

Đón chúng tôi ngay trước sân nhà Gươl, già làng 70 tuổi Blúp Ứ trầm trồ: “Thằng Âu tài thiệt, tự dưng hồi sáng hắn nói sắp có khách dưới xuôi vào thăm dân bản”.

Cách đó khoảng mấy nóc nhà, tiếng ghi ta hòa quyện với giọng hát lúc trầm, lúc bổng. “Nó lại tập bài hát về Bác Hồ cho lũ trẻ đấy” -  già Ứ nói.

Lần theo tiếng hát, chúng tôi bước vào ngôi nhà gỗ nơi Blúp Âu đang say sưa hát cùng đám trẻ. Âu chợt ngừng giọng cúi chào khách rồi hẹn tụi nhỏ ngày mai đến tập tiếp. Cây đàn guitar cũ được treo gọn vào góc nhà, Blúp Âu rót nước mời chúng tôi gọn ghẽ như bao chủ nhà sáng mắt.

Cách đây bảy năm, có người thợ mộc tên Sáo quê ở tận miền chiêm trũng Hà Nam lang bạt đến miền sơn cước này làm nhà cho dân bản. Ngoài những cưa, bào, khoan, đục, dùng để làm nghề, anh Sáo còn mang theo cây guitar bầu bạn những lúc vui buồn.

Nghe tiếng đàn bập bùng trong những đêm trăng sáng, đôi chân của Blúp Âu không thể ngồi yên, anh lội suối tìm đến nơi anh Sáo chơi đàn và chăm chú lắng nghe một cách kì lạ.

Người thợ mộc cảm động bày cho Âu mấy nốt cơ bản và cho mượn luôn cây đàn về nhà tập. Hôm sau, anh Sáo không thể tin nổi người học trò mù đã có thể đàn được một đoạn ngắn với tiết tấu khá hay.

“Xưa nay, người làng chỉ quen với cái chiêng, cái trống; chỉ có thằng Âu là biết đánh Ư - Jưưl (đàn guitar) thôi. Đám trai làng cũng thích lắm nhưng không học được” - Ông Blúp Yêng tự hào về người con tật nguyền.

Không chỉ đánh guitar bằng tay trái điêu luyện, Blúp Âu còn biết thổi sáo, đàn môi. Chỉ một chiếc lá nhỏ đặt lên miệng, anh cũng có thể tạo ra những âm thanh da diết.

Mấy năm trước có cô giáo Linh từ miền xuôi lên đây dạy chữ đã bị tiếng đàn, tiếng hát của Âu mê hoặc. Một thời gian sau, cô giáo được chuyển đến trường khác, từ đó tiếng đàn của chàng trai mù như có một nỗi niềm luyến tiếc, day dứt.

“Cô giáo Linh chỉ thích nghe mình hát thôi chứ không phải thích mình đâu” - Blúp Âu thẹn thùng giải thích.

Lần trước tham gia vào đội văn nghệ của xã Atiêng được cử đi biểu diễn, Blúp Âu khiến cả hội trường cảm động khi vừa đàn vừa hát bài “Miền Trung nhớ Bác” tuyệt hay. Sau đó, đích thân ông Bí thư huyện Nguyễn Hữu Sáng lội suối sang thăm vì cảm phục ý chí vượt lên số phận nghiệt ngã của chàng trai Cơ Tu.  

Mỗi bài hát, Âu chỉ cần nghe qua hai lần là thuộc hết và nhớ rất lâu. Đến bây giờ, anh đã sưu tầm được hàng trăm bài hát nhờ chiếc đài radio bán dẫn cũ kĩ.

Những bài hát nói về Đảng, Bác Hồ, về quê hương đất nước khiến Âu thích nhất. Đôi lúc cao hứng, chàng nghệ sĩ mù còn cải biên lời bài hát cho gần gũi với cảnh núi rừng Tây Giang hùng vĩ.

Sau một hồi tư lự, Blúp Âu đứng dậy với lấy cây đàn và bắt đầu hát một cách say sưa như để chào đón người khách xa: “Anh đưa em về thăm lại quê anh, về ngã ba sông rừng nắng hồng. Sống cho hiền hòa, cho người yêu thương. Tây Giang ơi ! Sống mãi quê mình…”.    

Lên cổng trời Trường Sơn nghe hát ảnh 1
Đường vào thôn R’ bhượp, xã Atiêng, huyện Tây Giang bùn lầy trơn trượt      

Vượt lên bi kịch

Blúp Âu sinh năm 1985, là con thứ ba trong gia đình có đến chín anh em nhưng ba người trong số đó bị Giàng bắt mất. Lúc nhỏ, Âu tỏ ra nhanh nhẹn, thông minh hơn hẳn những đứa trẻ cùng lứa trong làng và đặc biệt là rất mê hát. “Cứ mỗi trưa, mỗi tối phải bật đài cho hắn nghe hát hắn mới chịu ngủ” - Ông Yêng nhớ lại. 

Năm lên hai tuổi, Âu bị chứng đau mắt đỏ kéo dài. Mẹ Âu, bà Alăng Thị Chín băng rừng hái về đủ loại lá thuốc chữa trị nhưng đôi mắt của cậu  bé vẫn đau nhức, sưng vù tội nghiệp.

Lục tìm trong nhà thấy có lọ mật gấu ngựa lâu nay vẫn dùng để chữa nhiều loại bệnh, bà Chín vội lấy nhỏ vào mắt con. Sau mấy ngày điểm mật gấu, đôi mắt cậu bé từ chỗ còn lờ mờ nhìn thấy ánh sáng đã chuyển sang mờ đục rồi tối hẳn.

“Hắn làm không đúng rồi, mật gấu ngựa nóng lắm. Mắt thằng Âu không chịu nổi đâu” - Già làng Blúp Ứ giải thích.

Ít lâu sau, dân làng lại chứng kiến cái chết của bà Chín. Vụ mùa năm 1994, một loài sóc lạ từ đâu kéo đến phá sạch ngô, lúa sắp sửa thu hoạch. Các già làng họp lại, huy động thanh niên trai tráng đặt bẫy, săn bắn tiêu diệt loài thú lạ. Để mấy đứa con không bị đói, khi bắn được sóc, ông Yêng lại vượt núi mang chúng sang các làng khác đổi lấy lương thực.

Hôm đó, trên đường mang gạo, muối trở về, ông nghe tiếng chiêng trống dồn dập báo điềm chẳng lành vừa mới xảy ra. Ông tức tốc chạy về làng thì hay tin bà Chín vợ ông đã chết vì chính khẩu súng săn lúc chiều ông để quên trên gác bếp.

“Bà Chín đang nướng thịt sóc thì thằng Âu, lúc đó lên chín tuổi, mò mẫm đến bên bếp lửa đòi ăn. Không ngờ quờ quạng trúng cò súng khiến mẹ nó đổ gục xuống nền nhà sau tiếng nổ” - Một già làng kể.

Sau cái chết của bà Chín, dân làng tự nguyện nộp súng cho cán bộ địa phương và cam kết không dùng súng để săn bắn nữa.

Lúc Blúp Âu tròn 20 tuổi, có một cô gái ở thôn Atép đem lòng yêu thương vì thấy Âu dù mù lòa nhưng vẫn có thể làm nương, làm lúa, đi rừng; không như đám trai làng học đòi ăn chơi.

“Ván, gỗ này hắn tự đi vào rừng vác về làm nhà đấy. Công trình thủy lợi của xã hắn cũng chống gậy gùi xi măng giúp sức. Lần trước hắn còn bắt được cả con trút (tê tê - PV) bán hai triệu đồng, mua gạo chia cho cả làng” – Bh’ riu Thị Chem (29 tuổi), chị dâu của Âu cho biết.         

Cưới vợ từ mùa đông năm 2006, sống với nhau được năm tháng thì Blúp Âu bị một trận ốm thập tử nhất sinh, đôi chân không còn khỏe mạnh để đi nương, đi rẫy. Sau đó, vợ anh bỏ về làng cũ.

“Vợ mình không phải người hiền hậu. Mình không muốn nhắc lại nữa. Bây giờ chỉ yêu tiếng đàn, tiếng hát, yêu đất nước Bác Hồ và bản làng này thôi” - Chàng trai Cơ Tu bất hạnh thổ lộ.

Ước mơ của chàng trai mù

Một lần có đoàn văn nghệ quần chúng của tỉnh về Tây Giang biểu diễn, Blúp Âu được nghe tiếng đàn lạ còn hay hơn cả tiếng guitar. Anh mò mẫm lại gần đứng nghe mê mẩn.

Hiểu được ước muốn của chàng trai mù, cuối buổi văn nghệ, anh cán bộ phòng văn hóa – thông tin xin ban tổ chức cho Âu được bấm thử vài phím trên chiếc đàn Organ hiện đại.

“Mình chỉ bấm mấy cái thôi, bấm nhiều sợ hỏng đàn của cán bộ. Nếu có tiền, mình cũng mua một cái về đánh cho bà con dân bản cùng nghe” - Âu nói.

Nghe chúng tôi nhắc đến Hội Người mù của tỉnh, Blúp Âu hồ hởi bày tỏ ước mơ được về đó để làm việc kiếm tiền nuôi bốn đứa em đang đi học và được giao lưu với những người cùng cảnh ngộ như mình.

Rồi anh chỉ tay về phía đứa em trai nói: “Nếu không có tiền, phải bắt thằng Nhíu nghỉ học thì tội lắm. Cả làng hy vọng vào hắn”. Blúp Nhíu đang học lớp 11, trường THPT Tây Giang.

Chia tay Blúp Âu khi cơn mưa chiều càng trở nên nặng hạt, anh dặn chúng tôi phải cẩn thận khi lội suối vì con nước mùa này đổ về nhanh lắm. Trở về trên con đường đất đỏ bùn lầy trơn trượt, nghe tiếng guitar vẫn còn bập bùng vang vọng giữa đại ngàn: “Sống cho hiền hòa, cho người yêu thương…”, lòng bỗng thấy nhẹ tênh.

Khi viết bài này, chúng tôi nuôi hy vọng những người có thẩm quyền ở Hội Người mù Tỉnh Quảng Nam, những nhà hảo tâm, biết đến hoàn cảnh của Âu và giúp đỡ chàng thanh niên mù thực hiện được ước mơ nhỏ bé.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.