Lên xứ Mường 'gieo' chữ

Lên xứ Mường 'gieo' chữ
TP- Đó là các nhà giáo người Hà Nội đã sẵn sàng lên với vùng cao, về miền hẻo lánh lập nghiệp, gieo con chữ cho đồng bào.

Nghe tên đã nhiều nhưng mãi tôi mới có dịp tìm về xứ Mường để gặp thầy Danh Giao, người mà mấy mươi năm trước đã một ba lô, cả bầu nhiệt huyết bước lên xe thẳng tiến: “Khi nào xe đỗ, tôi xuống”… bỏ lại ngôi nhà khang trang và những cơ hội có được công việc tốt ở Thủ đô.

Mường Khến (Tân Lạc, Hòa Bình) những năm 1990 buồn vắng, cả ngày mới có một chuyến xe chạy qua và toàn huyện cũng chỉ có hơn 20 học sinh học lớp 10. Không hiểu ngày đó thầy Giao lấy đâu nhiều can đảm thế để trụ lại trong cảnh đêm xuống không điện đóm, chỉ hun hút núi rừng, cái lạnh sương muối. Bạn bè lên cùng đợt với anh chịu không thấu đã lần lượt bỏ đi nơi khác làm ăn. Còn lại thầy Giao bám trụ đất Mường.

Năm 1997, thầy Giao trở lại Hà Nội để học… thạc sĩ. Xa lạ trong chính ngôi nhà mình, thầy buồn vui xen lẫn khi bạn bè giờ đây nhiều người đã thành danh còn mình vẫn cứ kỳ cụi với đề tài “Đặc điểm truyện cười Mường”. Luận án được các GS, TS đánh giá rất cao bởi tính sáng tạo.

Về đợt này, thầy Giao gặp và cưới cô gái quê lụa Kim Thị Hiên. Ở nhà một thời gian làm luận án, vợ chồng phải làm trái nghề để kiếm thêm tiền để chào đón đứa… con đầu lòng. Thế rồi, sau đó thầy Giao quyết định “điều” vợ lên tận Chiềng Sơ (Sơn La) dạy học còn mình ở lại Tân Lạc vừa công tác vừa “gà trống” nuôi con. Vợ chồng xa nhau hơn 300 km đường rừng, chỉ có thể liên lạc bằng thư.

Mãi cho đến năm ngoái, vợ thầy Giao mới có điều kiện chuyển về dạy học gần nhà… 15km và họ mới có điều kiện sinh thêm một cậu con trai kháu khỉnh. Giờ đây, hai cháu Danh Đông, Danh Nam là niềm tự hào của ông bố “gàn” tóc đã kịp bạc trắng này.

Hiện tại, thầy Danh Giao đang nghiên cứu và gấp rút hoàn thành cuốn sách tham khảo về văn hóa dân gian dành cho giáo viên và học sinh miền núi. Có bằng thạc sĩ rồi, cuộc sống và công tác của thầy Giao không có gì thay đổi, vẫn từng ấy lương, vẫn từng ấy trang giáo án mỗi ngày lên lớp và “bổ túc” văn hóa Mường cho chính người Mường… Lũ học trò chỉ thấy tóc thầy mỗi ngày lại thêm sợi bạc…

Lên xứ Mường 'gieo' chữ ảnh 1
Cô giáo Hồng Mai

Hoa hậu xứ Mường

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Tây bây giờ) vẫn còn heo hút. Vùng đất thưa người, thừa sỏi đá ngày ấy đã may mắn đón về một cô giáo người Hà Nội nhỏ nhắn, xinh đẹp và nhiệt tâm với nghề.

Cha là một vị tướng lão thành cách mạng, cô Mai lớn lên từ khu phố Hoàng Diệu trong một gia đình nền nếp. Tốt nghiệp ĐH Sư phạm TPHCM, tương lai xán lạn rộng mở trước mắt nếu cô lập nghiệp ở TPHCM. Nhưng không, Hồng Mai quyết định trở ra Hà Nội. Theo sự phân công, cô một mình một xe đạp mướt mải lên với vùng đất thưa người, thừa sỏi đá. Và rồi mọi người thêm một lần ngỡ ngàng khi sau hai năm “thử thách”, Hồng Mai tuyên bố không về Hà Nội nữa.

Đồng nghiệp và bà con nơi đây đều yêu mến gọi cô là “Hoa hậu xứ Mường”. Những năm đầu còn nhiều khó khăn, ít học sinh chịu… đi học, cô Mai ngoài giờ lên lớp lại cặm cụi đạp xe đến từng nhà học sinh trong xã vận động, thuyết phục cả học sinh lẫn phụ huynh để con em họ đến trường.

Chuyện họp phụ huynh ngày đó cũng khác bây giờ. Học sinh được xếp lớp học theo từng xã, đến kỳ họp là giáo viên chủ nhiệm và phó chủ nhiệm phải xuống xã lớp mình phụ trách mượn văn phòng UBND để tiếp xúc, làm việc với phụ huynh.

Cô Hồng Mai mải mê với học sinh, trường lớp mãi đến gần 30 tuổi mới lập gia đình, thời đó tuổi này xem như… ế nặng. Hàng ngày cô vẫn kéo các em học sinh yếu kém về nhà kèm cặp thêm, học sinh giỏi cũng có riêng một nhóm đến nhà cô học bồi dưỡng. Có những đêm đông cả nhà đã tắt đèn đi ngủ rồi học sinh còn gọi cửa hỏi bài, cô giáo không nề hà chong đèn cùng trò xoay vần với những con tính, cách giải.

Giờ đây, cô Mai không còn duy trì được mô hình lớp học “miễn phí” nữa do thường xuyên bị căn bệnh thấp khớp hành hạ. Năm 2005, cô giáo Mai vinh dự được nhận huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”.

MỚI - NÓNG