Hồi ức về người cộng sản kiên trung miền biên ải (Bài 1)

Linh thiêng “hương ngàn” xứ sở

Khu lưu niệm Hoàng Đình Giong tại thành phố Cao Bằng. Ảnh: Trung Nguyên
Khu lưu niệm Hoàng Đình Giong tại thành phố Cao Bằng. Ảnh: Trung Nguyên
TP - Đảng bộ, quân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 115 năm ngày sinh của đồng chí Hoàng Đình Giong người chiến sỹ cộng sản, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của non nước Cao Bằng.

Chúng tôi đến Khu lưu niệm Hoàng Đình Giong ở xóm Nà Toàn, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng). Khi đến ngôi nhà sàn nhỏ nằm trong những tán lá vũ sữa, cọ, đa, dẻ ngào ngạt hương dịu có cảm giác mát lành, thanh tịnh đến lạ thường.

Mỗi lần đến đây, mọi người đều bắt gặp một ông lão nom chất phác, khiêm nhường cặm cụi làm các công việc quét dọn nhà cửa, sân vườn, chỉnh trang các đồ vật, lưu niệm và đon đả pha nước mời khách đến thăm nhà lưu niệm. Ông là Hoàng Văn Thép, năm nay đã 60 tuổi, dân tộc Tày.

Với giọng nói đặc trưng vùng non nước Cao Bằng, ông Thép giới thiệu với chúng tôi: “Hoàng Đình Giong là ông chú của tôi. Từ khi xây dựng nhà lưu niệm này (năm 2007), ngành Văn hóa mời tôi làm công việc coi sóc khuôn viên. Gia đình tôi sinh sống kề cận nhà lưu niệm nên công việc cũng thuận tiện”.

Ông Thép dừng công việc quét những chiếc lá vàng rơi rụng xuống nền sân rồi dẫn khách đến xem những hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của người cộng sản Hoàng Đình Giong.

Trên tường trong ngôi nhà sàn có treo trên 70 bức tranh, ảnh miêu tả hình ảnh, cuộc sống và những đồ vật gần gũi hàng ngày cùng một số hình ảnh, tư liệu quý như hang Roỏng Thốc, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, Cao Bằng nơi Hoàng Đình Giong thường qua lại trong những năm hoạt động cách mạng 1927, 1933, 1936. Làng Phò Phiệt (nay thuộc thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) nơi Hoàng Đình Giong dạy học và tuyên truyền tư tưởng yêu nước năm 1924...

Linh thiêng “hương ngàn” xứ sở ảnh 1 Ông Hoàng Văn Thép trước tượng đài Hoàng Đình GiongẢnh: Trung Nguyên
Chỉ về phía chiếc nôi đã xám màu thời gian song vẫn ánh lên sự bền chắc, gụ vàng của cây mây quê hương, ông Thép nhớ lại và bảo: Ngày xưa, thân phụ ông vào các ngày lễ tết thường kể về kỷ niệm xưa. Những câu chuyện này do các bậc tiền nhân kể lại và nó được nối từ đời này sang đời khác, như những thước phim tư liệu vô giá.

Theo lời kể của ông Thép, bố của ông là Hoàng Đình Cường (SN 1922. Ông Cường là cháu ruột Hoàng Đình Giong) hay nhắc đến lúc sinh thời của người chiến sỹ cộng sản. Những kỷ niệm đó, dòng tộc, ai cũng nhớ như in.

Lúc ấy vào giờ Thìn (khoảng 9 giờ sáng), ngày 1/6/1904, bà con thôn Nà Toàn, xã Xuân Phách (nay là phường Đề Thám, TP Cao Bằng), thấy ông nông dân người Tày Hoàng Văn Vượng gương mặt sáng ngời, đôi mắt ánh lên niềm vui sướng, hạnh phúc cầm dao chặt một cành xương rồng rồi treo lên cầu thang ngôi nhà sàn. Đây là phong tục tập quán địa phương để báo tin có con trẻ, vừa xua đuổi tà ma.

Ông đặt tên cho con trai là: Hoàng Đình Giong. Mới 14 tháng tuổi, Giong đã nói sõi, không ngọng nghịu như đứa trẻ Tày, Nùng trong bản. Lên 5 tuổi, bố đọc truyền miệng cho nghe thơ chữ Nôm, Giong học đâu nhớ đấy. Ông bà Vương vui mừng, quyết định cho con theo học thầy Phan Luân, một thầy đồ quê xứ Nghệ nổi danh đang dạy học ở Cao Bằng.

Năm 15 tuổi, Giong đã học hết “kệ sách” quý do ông nội gìn giữ bao năm để lại. Anh kể vanh vách cho các bạn cùng trang lứa về lịch sử nước nhà, về những anh hùng hào kiệt có công đánh giặc giữ nước. Từ đây, ngọn lửa yêu nước được hun đúc rực sáng trong con người Hoàng Đình Giong.

Hạt giống Ðỏ

Gắn đời mình với hoạt động cách mạng của Hoàng Đình Giong có thể nói bắt đầu từ cuối tháng 2/1926, sau khi nghe tin nhà chí sĩ Phan Chu Trinh từ trần, khi đó Giong đang học trường Bách Nghệ (Hà Nội). Anh và một số bạn thân bàn chuyện vận động học sinh, sinh viên tham gia bãi khóa, tổ chức rầm rộ lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh.

Hoảng sợ trước phong trào học sinh, sinh viên Hà Nội, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp. Phần lớn học sinh trường Bách Nghệ bị đuổi học, trong đó có Hoàng Đình Giong.

Sau đó, Hoàng Đình Giong trở về Cao Bằng và bắt đầu dấn thân vào việc gây dựng phong trào cách mạng ở cái nôi vùng Việt Bắc.

Theo cuốn “Hoàng Đình Giong- Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng 1904-1947) (NXB Chính trị quốc gia - Sự thật do Tỉnh ủy Cao Bằng xuất bản năm 2014), trong hai năm 1926-1927, Hoàng Đình Giong tích cực gặp gỡ thanh niên, công nhân ở các huyện Hòa An, Quảng Uyên, Đông Khê, Sóc Giang, Hà Quảng, thị xã Cao Bằng và vận động họ vào “Hội thanh niên yêu nước”. Rất nhiều “hạt giống đỏ” đã xuất hiện trên mảnh đất quê hương Cao Bằng.

Vào một ngày đầu thu năm 1927, Hoàng Đình Giong và một người bạn cùng chí hướng quyết định rời Cao Bằng sang Trung Quốc hoạt động cách mạng để tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lê Nin, xây dựng cơ sở Đảng.

Tại Long Châu (Trung Quốc), Hoàng Đình Giong được tham dự các lớp huấn luyện của “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” và được kết nạp vào tổ chức này vào ngày 19/6/1928. Tháng 12/1929, Hoàng Đình Giong được kết nạp vào Đông dương Cộng sản Đảng và thành lập Chi bộ Hải ngoại Long Châu, giữ vai trò Bí thư chi bộ.

Sau khi cơ sở cách mạng ở Cao Bằng, Long Châu phát triển mạnh mẽ, từ năm 1933 đến 1936, Hoàng Đình Giong được cử về chỉ đạo tổ chức đảng và phòng trào cách mạng ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Năm 1936, người chiến sĩ Hoàng Đình Giong bị địch bắt đày đi tù ở châu Phi sau đó khôn khéo thoát khỏi ngục tù về nước tiếp tục hoạt động cách mạng...

          (còn nữa)

Thế hệ trẻ thường xuyên đến khu lưu niệm Hoàng Đình Giong để tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của đồng chí Hoàng Đình Giong và góp phần tuyên truyền giáo dục về lịch sử, truyền thống của địa phương, khơi dậy lòng tự hào về quê hương, đất nước.

MỚI - NÓNG