Lời thỉnh cầu từ những mảnh đời bất hạnh

Lời thỉnh cầu từ những mảnh đời bất hạnh
TP- Họ không chỉ gánh trên vai nỗi khổ vì đói nghèo, mà còn bị tật bệnh hành hạ về thể xác lẫn tinh thần. Cuộc sống của họ lặng lẽ, u buồn...

Tôi dừng lại trước ngôi nhà của ông Chu Văn Thỏa (xóm Bắc Sơn 1, xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Ngôi nhà nằm úp mặt vào đồi thông, sau lưng là đồng ruộng.

Ông Thỏa đang giúp vợ dọn cơm chiều. “Nhiều hôm nhìn bữa ăn của hàng xóm mà tôi ứa nước mắt, chú ạ! - Ông Thỏa nói - Người ta thì cá, thịt, nhà tôi quanh năm chỉ có ngô, khoai và rau. Đói quá! Tôi thì khổ quen rồi, chỉ thương mấy đứa con!”.

Nhà ông có 5 người, tất cả đang quây quần bên mâm “cơm”. Hớt phần khoai độn bên trên cho vào bát của mình, ông Thỏa cẩn thận xúc từng hạt cơm cho vào bát của vợ và ba đứa con. Bữa cơm được nấu từ những hạt gạo cứu tế chính quyền xã Nghi Quang vừa phân phát.

 “Cả thảy được 6 kg. Tiêu chuẩn 1 lạng gạo/người/1 bữa ăn, gia đình tôi cố gắng cầm cự trong một tuần” - Ông Thỏa kể.

“Trong nhà còn gạo nữa không? Hết chỗ gạo này, bác và các con sống bằng gì?”- Tôi hỏi. “Chưa biết!”- Ông Thỏa đáp. Vừa xới vài lưng cơm cho mọi người, đáy nồi đã trống không.

Anh Chu Văn Thành hướng đôi mắt về phía khách, ước ao: “Tôi thèm một bữa ăn no, anh ạ!”.

Bà Lương Thị Đăng, vợ ông Thỏa vừa xong bữa “cơm” chiều, hai tay đu lên chiếc ghế nhựa xê dịch chậm rãi ra phía giếng nước rửa mặt. 77 tuổi, cột sống bị liệt, hai chân cũng bất động, mỗi lúc di chuyển bà phải vịn vào chiếc ghế. Từ ngày đổ bệnh, bà Đăng chẳng ra khỏi ngõ nhà mình vì đi lại quá khó khăn. Nhà nghèo, đến chiếc xe lăn cũng không mua nổi.

Ông Thỏa hơn vợ 3 tuổi, tóc bạc, lưng còng, khuôn mặt chi chít những nếp nhăn khắc khổ. Họ ở với nhau gần 60 năm, sinh hạ được 7 người con. Bốn người đã lập gia đình, trong nhà giờ còn lại 3 chị em mù lòa.

Ông Thỏa nhớ lại: “Chu Thị Hợi (SN 1964) khi sinh ra đã có tật ở mắt, nhìn không rõ. Lớn lên, Hợi bị mù hẳn. Còn Thành và Tới thì mù do bệnh đậu mùa biến chứng”.

Anh Thành, anh Tới thi thoảng lại lên Hội Người mù huyện Nghi Lộc sản xuất tăm tre, mang tăm đi bán rong. Chị Chu Thị Hợi hằng ngày lên rừng thông nhặt củi. Mắt mù, chị Hợi phải dùng que dò đường. Nhiều hôm mưa gió rét mướt, chị lạc đường. Nửa đêm, ông Thỏa lại lọ mọ xách đèn đi tìm con.

Xã Nghi Quang chia cho gia đình ông Thỏa bà Đăng mấy sào ruộng. Khi còn sung sức, vợ chồng cày cấy đồng trên bãi dưới, đủ gạo ăn. Giờ thì sức cùng lực kiệt, lại nuôi 3 đứa con bệnh tật, cuộc sống của họ đang bị đe doạ từng ngày. “Năm trước, tôi cho người khác thuê ruộng.

Nhưng gần đây giá phân bón, giá thuốc trừ sâu tăng, họ bảo làm thì lỗ nên chẳng ai thuê nữa”- Bà Đăng nói. Nguồn sống của gia đình nông dân nghèo khổ này là dựa vào chế độ trợ cấp xã hội. Bốn mẹ con bà, mỗi người được hưởng 120.000 đồng/tháng. 480.000 đồng nuôi 5 nhân khẩu...

Lời thỉnh cầu từ những mảnh đời bất hạnh ảnh 1
Chị Dương Thị Tiến bị mù, câm, điếc và bại liệt

Cám cảnh cho một gia đình

Rời Nghi Quang, tôi đến xã Nghi Yên tìm nhà ông Dương Văn Lưu. So với hoàn cảnh của gia đình ông Thỏa, gia đình ông Lưu cũng chẳng khá hơn.

Suýt đột quỵ sau ca tai biến, ông Lưu thành người tàn phế, bán thân bất toại. Nghèo thuộc diện “cùng đinh” trong làng, người thân chỉ đủ tiền đưa ông lên Bệnh viện huyện Nghi Lộc điều trị mấy tuần rồi quay về. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Hán (75 tuổi) tai không nghe rõ, mắc chứng lú lẫn đã lâu.

Họ sinh được 5 con gái, 3 người đã lập gia đình. Người theo chồng về Quảng Ninh mót than; người ở lại Nghi Yên cằn khô. Ai cũng đói, thương bố mẹ nhưng chẳng giúp gì được. Ông Lưu, bà Hán hiện đang sống với 2 con gái Dương Thị Tiến, Dương Thị Luyên. Chị Tiến mù, câm, điếc, bại liệt... Bốn mươi tuổi, cũng là 40 năm chị Tiến nằm liệt một chỗ.

Chị Luyên trở thành lao động duy nhất trong gia đình 4 nhân khẩu. “Giờ mà nó đổ bệnh là cả nhà chết đói!”- Ông Lưu lo lắng. 38 tuổi, quá lứa lỡ thì, chị Luyên ở vậy làm lụng nuôi cha mẹ già và chị gái. Trời cho chị sức khỏe nhưng số phận bất hạnh đã cướp đi của chị một con mắt.

Chị Luyên gia nhập hội người mù huyện, thỉnh thoảng đi bán đũa, bán tăm. “Từ sáng đến tối đi bộ hàng chục cây số, trừ ăn uống, lãi được 10.000 đồng. Chịu khó làm vài ngày cũng đong được cân gạo đưa về nuôi cha mẹ và nuôi chị gái đang bệnh tật”- Chị Luyên cúi nhìn xuống đất, nước mắt lưng tròng.

Chiều hè oi ả, nắng như đổ lửa. Nhà ông Lưu ở cuối đường. Bên trong, trên chiếc chõng tre, một người phụ nữ gầy guộc đang phe phẩy chiếc quạt mo cau, miệng cười vô hồn. Tuổi 40 mà chị Dương Thị Tiến chỉ nặng chừng 30kg, cao chưa đầy 1m.

Từ lúc sinh ra cho đến nay, chân chị chưa hề chạm đất, mắt chị chưa từng nhìn thấy ánh sáng, suốt ngày thui thủi trong nhà, hết nằm lại ngồi, hết ngồi lại nằm. “Thỉnh thoảng chị ấy lại lên cơn điên, vớ được cái gì ném cái nấy. Có khi đang ngồi bỗng lăn đùng ra chiếu, lên cơn co giật!”-Chị Luyên nói.

Vừa lo kiếm gạo chạy ăn từng bữa, vừa chăm sóc chị gái mù lòa, bại liệt, sức của chị Luyên ngày càng cạn kiệt. Mới 38 tuổi mà trông chị đã già lắm, da ngăm đen và đôi mắt luôn quầng thâm.

Xã Nghi Yên chia cho 2 sào ruộng, 2 sào trồng hoa màu, mình chị làm quần quật như con thoi nhưng cuối vụ vẫn không đủ ăn. “Hai sào lúa nhà tôi nằm sát chân núi, nước không dẫn vào được, đến giờ vẫn chưa thể xuống mạ. Trồng ngô, khoai, năm được năm mất, chẳng bõ bèn gì!”- Chị Luyên nói rồi quẩy quang gánh đi ra ngõ.

Trên đường về TP Vinh, tôi chạnh nhớ đến bữa “cơm” chiều đạm bạc của gia đình ông Thỏa, tấm lưng còng của ông, người vợ bại liệt và ba đứa con mù lòa. “Thèm một bữa ăn no, anh ạ!”- Tiếng anh Thành như váng vất đâu đây, lạc trong tiếng gió thổi rát hoàng hôn. Và nữa, tiếng quạt mo cau thảng thốt trong căn nhà chật hẹp, nơi 40 năm qua chị Tiến cô độc một mình. Đôi mắt như hai hõm sâu u buồn.

Những phận đời ấy đã chạm đến tận cùng bất hạnh. Họ thực sự cần bàn tay giúp đỡ của cộng đồng, để xoa dịu những thiệt thòi, bất hạnh.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.