Lòng mẹ

Lòng mẹ
TP - Hai phụ nữ mà chúng tôi gặp đều có cùng nỗi đau khi chất độc da cam/dioxin cướp đi sự lành lặn của những đứa con mà họ mong ước.
Lòng mẹ ảnh 1
Bà Xuân đang tập cho Loan tự cầm muỗng để ăn cơm mỗi ngày. Ảnh: Lê Nguyễn

Đã mấy mươi tuổi đầu, những đứa con mà họ nuôi nấng bằng tình yêu thương bao la vô bờ bến vẫn thơ dại, ngây ngô.

Ngôi nhà nhỏ, tuềnh toàng của bà Đào Thị Kiều lọt thỏm giữa bốn bề ruộng nước ở ấp Bình Thạch, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, nơi nương náu của một người mẹ già với sáu đứa con mang hình hài da cam.

Lâm Kim Liên - con thứ nhì của bà Kiều năm nay đã 40 tuổi, nhưng cái nhìn của chị khờ dại, ngờ nghệch như  một đứa trẻ sơ sinh. Chân tay Liên co quắp, thân hình gầy gò, tiều tụy vì những cơn bạo bệnh khiến chị co giật triền miên.

Cô em Lâm Ngọc Hường, 36 tuổi cũng có hình hài và số phận nghiệt ngã như người chị khi suốt mấy chục năm trời không biết mình đang tồn tại trên cõi đời này. Trong căn nhà sơ sài, chỉ vỏn vẹn bộ bàn gỗ cũ kỹ, là một góc phòng dành cho hai chị em Liên và Hường sinh sống.

Dẫn chúng tôi vào thăm hai người con chỉ biết nằm ngồi trên giường hàng chục năm nay, mắt bà Kiều ngấn lệ: “Hai con ơi có mấy cô chú đến thăm”.

Trong ánh sáng lờ nhờ của căn phòng nhỏ chừng 10m2, hai thân hình bé nhỏ, tiều tụy đang nằm co quắp trên giường, ánh mắt khờ dại không biểu lộ cảm xúc. “Đứa lớn tên là Liên, đứa em tên Hường cũng đã 36 tuổi nhưng chưa một lần gọi mẹ” - bà Kiều nghẹn ngào.

Tai họa ập xuống gia đình nghèo này đã lâu lắm rồi. Đứa con đầu lòng bỏ bà ra đi năm lên hai tuổi. 12 năm sau, ba người con khác cũng lần lượt giã từ cuộc đời.

Một mình lặn lội đi làm thuê nuôi ba con còn lại cùng người chồng quằn quại trong nỗi đau của căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, cho đến khi bước sang tuổi 60, bà Kiều vẫn chưa một ngày được hạnh phúc, bình yên. Mới đây, người chồng cũng ra đi vì chứng ung thư cuống họng.

“Ngày ngày tôi đi làm phu đá ở trại đá Long Bình để đập đá thuê, nửa buổi phải chạy về nhà lo cho hai đứa. Cho con ăn, tắm rửa chờ con ngủ rồi lại cuốc bộ hàng cây số”. Bốn mươi năm nay, ai mướn gì bà Kiều làm nấy để lo cho các con.

Lòng mẹ ảnh 2
Bà Kiều vẫn ngày ngày mưu sinh bằng đập đá để nuôi hai con nhiễm dioxin 40 năm nay

8 giờ sáng, điện thoại cô  Nguyễn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/dioxin Đồng Nai reo lên từng hồi báo có tin nhắn. Cô Hạnh bật máy đọc hai câu thơ từ một nạn nhân nhiễm chất độc da cam gửi cô vào mỗi sáng đi làm.

“Con bé Loan” - cô Hạnh nói với chúng tôi- “Nó hay đáo để, sáng nào cũng nhắn tin cho cô. Nó còn làm thơ nữa, hay lắm!”.

Lôi từ trong ngăn tủ ra mảnh giấy với những dòng chữ nguệch ngoạc, cô Hạnh cho biết đó là những câu thơ mà Loan làm gửi tặng những người ở Hội Nạn nhân Chất độc Da cam tỉnh Đồng Nai.

Từng chiến đấu ba năm tại chiến trường Biên Hòa, ông Đinh Phương, bố của Loan, ngụ ở khu phố 2, phường Quang Vinh, TP Biên Hòa, cũng là nạn nhân của chất độc da cam.

“Bảy lần hồi hộp chờ đón tin con ra đời, nhưng có tới ba lần đôi vợ chồng bất hạnh không thể nhìn thấy mặt con”- cô Hạnh kể trước khi dẫn chúng tôi đến thăm Loan. Trong căn nhà rộng rãi, còn hai vợ chồng già và Loan.

Bà Xuân, vợ ông Phương đẩy chiếc xe lăn đưa Loan ra tận cửa, trên tay vẫn bưng tô cơm đút cho con ăn. “32 năm kể từ ngày Loan ra đời, nó chưa một lần tự đi đứng, chân tay nhỏ bé, yếu ớt nên phải ngồi trên chiếc xe lăn”- bà Xuân nói.

Khi mới có thai bảy tháng, bà Xuân trở dạ rồi sinh con. “Ngay khi ra đời chân tay Loan đã co quắp và chỉ nặng 1,5 kg” - bà Loan nhớ lại.

Năm 2007, một điều kỳ diệu bỗng dưng xảy ra với Loan sau khi cô được điều trị bằng châm cứu. Cũng từ đó, tay của Loan đỡ co quắp hơn và cầm được đồ, rồi Loan bỗng dưng biết làm thơ tặng cha mẹ.

Cô Xuân không cầm được nước mắt khi đưa cho chúng tôi cuốn sổ tay ghi những bài thơ hồn nhiên, nồng ấm được viết bằng những nét chữ nguệch ngoạc mà Loan được cha mẹ chỉ dạy bao năm qua: “Mái tóc bạc ngả màu sương gió. Đôi mắt già nua hằn những dấu chân chim. Thương làm sao đôi tay gầy guộc. Những nhọc nhằn năm tháng nuôi con. Con chợt nhận ra một ngày nào đó. Sẽ không còn được thấy bóng mẹ cha. Con bật khóc khi nghĩ về điều đó. Cầu mong trời mãi mãi chẳng rời xa”…

“Loan tiếp thu được nét chữ nhưng rất chậm” - bà Xuân kể. Giờ Loan cũng biết bấm nhắn tin qua điện thoại, và mỗi sáng đều nhắn tin cho cô Hạnh - người đã giúp đỡ và gần gũi với Loan nhiều năm qua.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.