Lớp học đặc biệt của cô Tâm

Lớp học đặc biệt của cô Tâm
TP - Trời miền tây Quảng Trị đã vào mùa mưa lạnh, ban đêm không mấy người ra khỏi nhà, vùng cao cứ thế im bặt và buồn bã. Thế nhưng trong con xóm nhỏ ở khu phố 6, thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa vẫn nghe vang tiếng đánh vần tập đọc đều đều. Đó là lớp dạy xóa mù chữ của cô giáo Hồ Thị Thanh Tâm - giáo viên trường tiểu học Pa Nho.

Học trò đã lên tuổi… bà

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, cô giáo Vân Kiều Hồ Thị Thanh Tâm trở lại với mảnh đất Khe Sanh, nơi mình sinh ra để công tác. Chồng là bộ đội biên phòng thường xuyên phải ở trong đơn vị, vài ba tháng mới về thăm nhà nên một mình cô vừa xoay xở chăm lo hai con nhỏ, vừa thu xếp công việc gia đình để đi dạy cả ngày lẫn đêm.

Đầu năm học này, ngoài việc làm chủ nhiệm một lớp, cô giáo Tâm còn nhận thêm một lớp dạy xoá mù chữ rất đặc biệt nữa. Học viên là chị em phụ nữ đã vào tuổi cài trâm, thậm chí đã làm bà, và đều là người dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô, một số người gốc Lào lấy chồng Việt. Cuộc sống khó khăn, không có điều kiện nên tới nửa đời người họ mới mon men đi tìm con chữ.

Những đêm đầu lên lớp, một số học viên thấy chán và mệt sau một ngày lên rẫy tối về phải hí hoáy tập viết, tập đọc, cô giáo Tâm phải làm công tác tư tưởng, đi đến tận từng nhà vận động. “Mình phải nói cho chị em biết có cái chữ nó hay thế nào, đi học là vui thích, thú vị ra sao họ mới chịu nghe” . Sau cuộc vận động ấy, lớp học đầy đủ với 31 học viên, “trò” thân cô, cô nhớ hết mặt “trò” nên chẳng cần điểm danh cũng biết lớp đủ hay không.

Chúng tôi đến lớp cô Tâm dạy vào một tối mưa to, ngôi trường nằm dưới chân con dốc tối om, sân ngập ngụa nước, phải quen chân mới dám bước. Gần 8 giờ, một học viên tay cầm vở tay kéo váy bước vào. Cô Tâm hỏi: “Sao chị đi học muộn thế ?”. “Con nó sốt, mình mới trên viện về” học viên này. Nói xong, cả hai cười, như thể chị em thân.

“Giờ vào lớp là 7g15 phút tối từ thứ Hai đến thứ Sáu, nhưng giờ kết thúc thì vô chừng. Có khi 10 giờ, có khi hơn. Có hôm mình mải dạy, chẳng biết đã khuya, đến khi có một chị đứng dậy xin: Cô ơi, cho về trước, chồng đau, lên viện ngủ với chồng. Khi ấy xem đồng hồ đã 11 giờ tôi xin lỗi và cho lớp nghỉ. Nhưng cả lớp chỉ cười với nhau, họ thật thà lắm chứ chẳng khi nào khó chịu cả” - cô Tâm kể.

Chương trình lớp 1 của các học viên được dạy trong 12 tuần, song không thể hoàn toàn phụ thuộc vào giáo án, mà phải linh động cách giảng bởi họ chưa một lần đụng tới bút vở, mà bàn tay thì đã chai cứng vì làm lụng. Chị Nguyễn Thị Thương, một học viên người Pa Cô cho biết: “Cô Tâm dạy hay, vui, thương bọn mình”.

“Không có cô Tâm thì ở nhà đi làm cỏ thôi !”

Đó là câu trả lời chung của các học viên khi chúng tôi hỏi: Nếu cô Tâm không dạy, các chị có định đi học chữ ở đâu không?

Phụ nữ ở vùng cao là vậy, sáng ra lên rẫy làm thuê, mặt trời sắp lặn mới về nhà gùi củi ra chợ bán, rồi lo cho chồng, con…những trở ngại khiến họ không tài nào đến lớp được. Không chỉ khó khăn, họ còn chịu thêm một thiệt thòi rất lớn: Vì mang tính chất là khu phố của một thị trấn, nên phụ nữ nói riêng và toàn bộ người dân nói chung (là người dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô) ở khu phố 6 này không được hưởng các chế độ, chính sách ưu tiên cho người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa như cử tuyển, chương trình 135…

Những đôi tay còn lấm lem bùn đất của các bà, các chị, các cô cũng viết được những dòng chữ đều, sạch, đẹp Ảnh: Thanh Hiền
Những đôi tay còn lấm lem bùn đất của các bà, các chị, các cô cũng viết được những dòng chữ đều, sạch, đẹp Ảnh: Thanh Hiền .

Éo le vậy, họ vẫn quyết tâm đi tìm con chữ. Từ khi ổn định với 31 học viên, chưa đêm nào học viên không tới lớp. Họ đến lớp đều và bắt đầu thấy thú vị với việc học. Trong giờ học, mọi người trao đổi với nhau bằng tiếng Kinh, những khi không diễn đạt được, họ lại dùng tiếng dân tộc mình để hỏi, và rất may mắn vì cô giáo nói được cả hai thứ tiếng Vân Kiều và Pa Cô. Không có khoảng cách giữa cô và trò, chỉ có sự đồng cảm của những người có cùng một vạch xuất phát: là người dân tộc thiểu số, sinh ra từ cái khó cái nghèo. Không chỉ dạy, cô Tâm còn là người lắng nghe, chia sẻ những vui buồn. Có hôm, phải nán lại vài phút để an ủi một chị có chồng đi theo vợ bé, có hôm phải bày cách xem đồng hồ để họ khỏi thao thức cả đêm canh trời sáng kịp gùi hàng ra chợ…

Đưa chúng tôi xem quyển vở tập viết của một học viên trong lớp, cô phấn khởi khoe nét chữ ấy chỉ mới được rèn trong khoảng vài chục tuần thôi. Thật bất ngờ khi nhìn bàn tay sần sùi, đen sạm tưởng chỉ quen cầm cuốc rựa lại viết được những dòng chữ đều, sạch, đẹp đến thế. Rồi những quyển vở khác từ đầu tới cuối lớp cũng được các bà, các cô, các chị mạnh dạn đem khoe với chúng tôi, họ chỉ vào đấy, nhỏ to: “Bữa ni biết chữ, vui rồi, nhờ cô Tâm mà”.

Chia tay lớp học khi trời vẫn còn mưa, cô giáo Tâm tiễn chúng tôi về xuôi với một lời tâm niệm: “Mình chỉ mong họ biết đọc, biết viết để đi ra với xã hội, và cũng mong được sự quan tâm hơn của các cấp chính quyền, vì họ còn khổ lắm. Dạy hết lớp 1 mình sẽ dạy tiếp, đi tiếp trên con đường tìm chữ cùng họ”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.