Lớp học 'trọc đầu' giữa Sài Gòn

Lớp học 'trọc đầu' giữa Sài Gòn
TP - 5 năm qua, tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, một lớp học tình thương dành cho các bệnh nhi ung thư đã ươm mầm và không ngừng phát triển ngay tại nơi sự sống gần như héo úa này.

> Cô giáo gần 20 năm nằm nghiêng… dạy học
> Lớp học đặc biệt giữa rừng U Minh Thượng

Lớp học đặc biệt

Đó là lớp học tình thương của cô Đinh Thị Kim Phấn và các tình nguyện viên dành để dạy chữ cho các bệnh nhi ung thư ở Khoa Nội III, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Lớp học cứ thế đều đặn mở cửa vào chiều thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần.

Cô Đinh Thị Kim Phấn đang dạy các bệnh nhi tập hát
Cô Đinh Thị Kim Phấn đang dạy các bệnh nhi tập hát.

Thăm lớp học tình thương này vào những ngày đầu tháng 12/2013, khi mà không khí Noel đang đến, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi những điều đặc biệt mà lớp học mang lại. Không khí lớp học nhộn nhịp hẳn lên bởi các bạn tình nguyện viên, sinh viên đang bắt tay vào trang trí cây thông Noel, làm bong bóng, dây kim tuyến… khắp phòng học, làm cho Khoa Nội III của BV Ung Bướu trở nên rực rỡ lung linh.

Cô Kim Phấn, một trong những người thành lập lớp học cho hay: Tháng 9/2009, cô cùng với các nhà hảo tâm mở lớp, dạy chữ cho các em với mong muốn giúp các em biết đọc, biết viết, tạo môi trường vui chơi để các em quên đi nỗi đau bệnh tật.

 Sau 5 năm, giờ lớp học cho các bệnh nhi ung thư trở thành máu thịt, không thể bỏ được bởi nó mang đến cho bản thân tôi niềm vui, lẽ sống.

Đinh Thị Kim Phấn nói

Ban đầu lớp học có 50 em đăng ký học với một lớp 1, giờ sau 5 năm, lớp học không ngừng phát triển, hiện đã dạy học cho hơn 300 lượt bệnh nhi với trình độ từ lớp 1 đến lớp 9.

“Các em học ở đây giờ có em đã mất; có em đã về nhà nhưng vài ba bữa lại phải quay vào viện để điều trị. Cũng có em coi bệnh viện như là ngôi nhà thứ hai của mình, bởi phải điều trị dài ngày. Chính vì thế, bản thân tôi cũng như các tình nguyện viên ý thức rằng, lớp học không chỉ là nơi dạy chữ mà còn là nơi giúp các em vui chơi trong những chuỗi ngày dài chống chọi với bệnh tật”, cô Phấn tâm sự.

Đặc biệt ở lớp học này, đa phần các em đều trọc đầu, nhiều người nói vui là lớp học của những thầy tu. Các em trọc đầu là do thuốc điều trị mạnh nên tóc bị rụng, cũng có em thì phải cạo đầu để mổ…

Rồi lớp học không có đồng phục, nhỏ có, lớn có và mỗi em mang mỗi bệnh trong người. Rồi lớp học có giáo viên là những người về hưu, những tình nguyện viên là sinh viên, người đi làm… nhưng đặc biệt hơn cả là lớp học hình thành ngay giữa bệnh viện Ung Bướu, nơi mà sự sống rất mong manh với các em.

Nghị lực phi thường và sự hồn nhiên tuổi thơ…

Gắn bó với lớp học 5 năm, cũng là từng ấy năm cô Đinh Thị Kim Phấn chứng kiến học sinh của mình rời lớp với những kỷ niệm vui buồn không cách nào tả được.

Cô Phấn kể: “Ấn tượng thì nhiều lắm, nhưng chắc là không bao giờ tôi quên được một bệnh nhi mà tôi đã dạy học, bởi nụ cười rất tươi và đôi mắt của em luôn sáng dù cơ thể của em mỗi ngày mất đi một thứ gì đó, kể cả lúc em sắp qua đời. Đó là em Hồ Khương Đằng, 13 tuổi, quê ở Long An”.

Một bệnh nhi đang được các TNV dạy học bài
Một bệnh nhi đang được các TNV dạy học bài.

Khương Đằng bị bệnh u sợi thần kinh, khi em vào viện cũng là lúc em phải dừng việc học của mình ở năm lớp 6. Do bị bệnh nên tính tình của em có phần khác biệt. Em không thích vẽ, không thích viết mà chỉ thích học văn.

Vào viện không lâu thì em phải cắt mất chân trái, sau đó người ta tiếp tục cắt chân phải của em để điều trị, đến khi khai giảng năm học 2012 thì em chỉ còn lại hai cánh tay.

Chưa dừng lại ở đó, tháng 3/2013, em tiếp tục phải cắt tay trái, trên cơ thể em giờ chỉ còn cánh tay phải nhưng em vẫn vui vẻ, nụ cười vẫn tươi và nhất là đôi mắt vẫn sáng mỗi khi cô giáo hay các bạn tình nguyện viên đến thăm, đọc sách cho em nghe.

Một bác sĩ Khoa Nội III cho biết: “Hiện khoa có khoảng 140 em đang điều trị nội trú và mỗi ngày có khoảng 20 em điều trị ngoại trú. Việc điều trị cho các em là lâu dài nên có một lớp dạy học ngay tại bệnh viện là giải pháp hay, tích cực, giúp các em vui tươi, góp phần chống chọi với bệnh tật”.

Cô Phấn kể thêm: “Khương Đằng rất sáng tạo, bởi như các bạn cùng trang lứa, khi làm văn các em thường tả về mẹ hoặc cô giáo của mình, còn Khương Đằng thì ngược lại, em tả về một cô bạn hàng xóm thường sang nhà chơi với lời văn rất mộc mạc, sâu sắc. Rồi khi em thấy một người bị cướp trên đường thì em nghĩ ngay ước mơ của mình sau này là trở thành một cảnh sát để bắt cướp…

Tuy nhiên, tháng 9 vừa qua, Khương Đằng đã ra đi, để lại cho mọi người trong lớp học một niềm thương tiếc, nhưng hơn ai hết, bản thân tôi cũng như các tình nguyện viên nơi đây luôn nhớ về Khương Đằng với một nghị lực phi thường, một cậu bé có đôi mắt sáng và nụ cười rạng rỡ”.

Hay như em Đỗ Thị Mai Linh (15 tuổi, quê ở Bình Phước) bị ung thư máu từ năm 2010, bố mẹ làm nông, gia đình rất khó khăn nhưng em vẫn không từ bỏ việc học của mình.

Linh kể: “Lúc em vừa học hết lớp 5 thì gia đình phát hiện em bị ung thư máu nên đưa vào bệnh viện Ung Bướu để điều trị suốt hơn 5 tháng. Tiếp đó, em nghỉ học 1 năm để điều trị ở nhà. Đến khi sức khỏe có tiến triển thì em bắt đầu đi học lại.

Giờ cứ 1- 2 tháng, em lại từ Bình Phước lên TPHCM để điều trị từ 3- 5 ngày, bữa nào đúng ngày lớp học mở cửa là em có mặt để nhờ cô giáo và các anh chị tình nguyện giảng bài chứ không em sợ mất kiến thức lắm”. Mai Linh khoe thêm: “Năm học vừa rồi em được học sinh khá đó”.

Còn bé Nguyễn Thị Ngọc Linh (5 tuổi, quê ở Bến Tre) bị bệnh ung thư máu đã hơn 1 năm nay nhưng bé vẫn vui vẻ, hồn nhiên và thích đi học lắm. Chị Nguyễn Thị Bé Trâm, mẹ bé Linh nói: “Nhiều lúc đang ngủ nhưng nghe mấy anh chị đến gọi đi học là cháu vùng dậy đòi đi cho bằng được. Học về cháu còn hát, múa cho mẹ với mấy cô chú trong phòng nghe nữa nên thấy cháu vui vẻ khi tới lớp học vợ chồng tôi cũng vui lắm”.

Nơi gắn kết yêu thương

Lớp học tình thương đặc biệt này hoạt động vào chiều thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần. Thời gian không nhiều vì các em còn phải điều trị bệnh nên mỗi khi đến giờ học, ai nấy đều vui vẻ và hớn hở. Giữa lớp học chưa đầy 30m2 (trước đây là một phòng bệnh), các cô, các tình nguyện viên dìu tay các em tập viết, tập đọc.

Ở một góc bên phải của phòng học, 2- 3 tình nguyện viên đang kèm cho 4- 5 em làm toán; rồi góc bên phải 3-4 tình nguyện viên tập hát, tập múa cho các em; ở giữa thì cô giáo đang chấm bài, kèm cặp các em lớn tuổi… Nhiều lúc cô giáo, tình nguyện viên còn đông hơn các em đi học, giữa họ không có khoảng cách, như anh chị em, cha mẹ với con cái.

Các TNV đang dạy các em học bài
Các TNV đang dạy các em học bài.

Phương Linh (SV năm 3, Học viện Hàng không) chia sẻ: Mới đầu tham gia lớp học, Linh cảm thấy hơi lo và cảm giác trong người như có một bức tường rào ngăn cản giữa bản thân với các bệnh nhi. Tuy nhiên, sau nhiều lần tiếp xúc, Linh dần dần bị cảm hóa bởi sự hồn nhiên, tinh nghịch của các em.

“Do bị bệnh nên có nhiều em bướng bỉnh lắm, nói không nghe lời nên phải năn nỉ, dỗ ngọt để các em học, các em vui, rồi có em do bị tiêm thuốc nhiều nên tay đau, không viết được nhưng các em vẫn rất chăm chỉ đến lớp để học… nhìn thương lắm. Bản thân em thấy mình may mắn hơn các em rất nhiều. Vì vậy tham gia lớp học tình thương này là cách mình để mình tự răn, tự dạy mình lòng nhân ái”, Linh nói thêm.

Tham gia lớp học tình thương hơn 2 năm và cũng là thành viên gắn bó lâu năm với lớp học nhất, Nguyễn Văn Trung (SV năm 4, trường ĐH Bách khoa TPHCM), chia sẻ: “Tham dự lớp học tình thương này là một điều tình cờ đối với mình bởi mình được một người bạn thân giới thiệu và dẫn đi. Mình gắn bó với lớp học từ ngày đó đến giờ”.

Trung cho biết thêm: “Lúc đầu tham gia lớp học với mình chỉ vì lý do tò mò. Tuy nhiên, sau vài lần đến lớp, mình dạy học cho một bé được vài buổi thì bé qua đời nên từ đó trong mình luôn day dứt và khâm phục về nghị lực và sự hồn nhiên của bé, dẫu đến ngày cuối đời bé vẫn vui tươi, ham học hỏi”.

Còn bạn Nguyễn Mai Thanh Tâm chia sẻ trên facebook của mình: “Lớp học chữ là nơi đầu tiên con làm tình nguyện, kể từ khi con đặt chân đến đất Sài Gòn này. Sài Gòn đầy nắng và bụi bặm, là thành phố trẻ năng động... vậy mà trong các bệnh viện, bên lề đường, quán ăn, vẫn còn những người có số phận bất hạnh như vậy.

Nhiều khi đi học về, con cảm thấy tủi thân vô cùng, tủi thân vì sống xa ba, xa mẹ, xa em... lần đầu tiên con nếm trải được thế nào là SỐNG cho đúng nghĩa. Mệt mỏi là vậy, nhưng mỗi khi đến lớp học chữ, con thật sự cảm thấy rất hạnh phúc. Hạnh phúc vì con có thể đem một chút kiến thức ít ỏi của mình chia sẻ cho các em. Hạnh phúc vì được thấy các em vẫn cười vui, đùa nghịch và có lẽ con hạnh phúc vì ba má cho con một cơ thể lành lặn”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG