Lọt vào kho thư tịch lớn nhất Thăng Long

Một góc khu để thác bản
Một góc khu để thác bản
TP - Tự dưng lẩn thẩn chiết tự chữ văn hiến, văn là thư tịch, là sách vở, hiến là hiền tài là nguyên khí của quốc gia! Lẩn thẩn bởi may mắn được lọt vào kho sách Hán Nôm lớn nhất Thăng Long và cũng là cả nước.
Một góc khu để thác bản
Một góc khu để thác bản.

Hình bóng tiền nhân

May mắn và cũng có chút ưu ái bởi nhân 40 năm thành lập Viện nghiên cứu Hán Nôm, tôi đã được lọt vào kho sách của Viện ở gần gò Đống Đa. 40 năm qua, Viện đã tạo ra một không gian hoành tráng của hàng ngàn, hàng vạn thư tịch (những sách những văn khắc, văn bia, những bản sao) có tuổi thọ hàng chục, hàng trăm cho đến hơn ngàn tuổi.

Giăng giăng bên tôi là những giá những kệ đựng bản gốc, bản sao của thư tịch cổ. Phảng phất như có cái mùi đặc trưng rất khó tả. Nó không hề có ở các thư viện hiện đại mà có lẽ chỉ ở những kho chứa đồ cũ cái mùi lưu cữu của thứ giấy má để lâu ngày?

Chợt nhớ cụ Trần Văn Giáp, nhà sử học danh tiếng thời đương đại. Từ một cậu bé coi kho rồi chép sách thuê ở Viễn Đông Bác cổ (EFEO) Trần Văn Giáp đã mày mò tự học rồi năm 1927 được sang Paris thụ giáo các thầy tại các trường danh tiếng như khoa ngữ văn sử học và tôn giáo của Cao học thực hành Sorbonne rồi Viện cao học Hán Văn (khoa thư mục học) tiếp nữa là Đại học văn khoa Paris. Sau đó là trường đại học Pháp (khoa ngữ âm thực hành) rồi trường Ngôn ngữ Đông phương.

Có thể nói phần lớn những sách cổ kiêm các văn khắc hiện đang lưu trong kho dường như còn đượm hơi tay của nhà thư tịch học kiêm nhà sử học Trần Văn Giáp. Từ năm 1920, cụ đã vào làm ở kho sách Ecole Francaise d’Extrême Orient Hanoi (Viễn Đông Bác cổ Hà Nội).

Sau khi học hành thành đạt ở Pháp về, cụ vẫn tiếp tục làm việc tại đây. Hoà bình, ở chiến khu về cụ vẫn tiếp tục công việc tại EFEO này. Năm 1958, cụ là thành viên đắc lực trong công tác đàm phán với đại diện Pháp ở Hà Nội về việc tiếp thu EFEO và nhà Bảo tàng Loui Finot ( nay là Bảo tàng Lịch sử).

Chính tay cụ tỉ mẩn ghi từng thư mục tiếp thu 3 kho sách Tây văn, Trung văn, Hán Việt ( Hán, Nôm, quốc ngữ) và một kho tư liệu gồm ảnh, thác bản bia từ EFEO chuyển giao cho chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa!

Nói Trần Văn Giáp là nhà thư tịch học ( ông là chuyên gia lớn về kinh tịch chí, thư chí học, thư mục học...) là nhà sử học đều đúng cả. Nhà sử học đích thực Trần Văn Giáp đã nắm vững gia tài sách vở người xưa truyền lại. Nhà sử học đã dành phần lớn cuộc đời mình cho việc nghiên cứu những sử tịch, bi ký, minh chung... nên có vốn kiến thức cực kỳ phong phú.

Có chuyện hy hữu, một lần Bác Hồ đã trực tiếp gặp nhà sử học Trần Văn Giáp để nhờ cậy một việc. Có một sử gia Trung Hoa là Dương Duy Cương gửi Hồ Chủ tịch một tài liệu về cái gọi là Thẻ ngọc An Dương Vương(!?) Trần Văn Giáp đã vạch rõ đây là một ngụy thư, một tài liệu giả mạo qua công trình Một vài ý kiến về An Dương ngọc giản và vấn đề Thục An Dương Vương.

Hậu thế nay còn tấm tắc chỉ một công trình này đủ đưa tên tuổi Trần Văn Giáp lên vị trí hàng đầu của những nhà khảo chứng học Việt Nam!

Thầm nghĩ, nếu ngành sử nước nhà chưa có một giải thưởng chi đó đại loại như giải Trần Văn Giáp, có lẽ cái kho sách của Viện nghiên cứu Hán Nôm đây (trong phạm vi hẹp của Viện) nên mang tên kho sách Trần Văn Giáp có lẽ cũng chẳng sợ sái ?

Vượt cả Viễn Đông Bác cổ?

Tôi bắt chuyện với ông chủ kho sách có tên gọi Phòng bảo quản Viện Hán Nôm, TS Hán Nôm học Nguyễn Hữu Mùi. Ở xứ nhiệt đới ẩm mốc, chuột bọ, kiến, gián này giữ sao cho những trang giấy bản mỏng mảnh có tuổi thọ hàng trăm năm kia bền được là cả là một kỳ khu.

Mỗi một cuốn sách mỗi một thác bản đang nằm trong kho đây phần lớn đã từng qua những tao loạn trận mạc. Thoát được đận ẩm mốc chuột bọ trong các hang lạnh những năm sơ tán bom đạn ác liệt, lại trằn mình tiếp những năm sau 1975 rồi thời bao cấp... Bây giờ yên hàn may mắn còn đây, về đây.

Một thác bản văn bia
Một thác bản văn bia . Ảnh: XB

Ngạc nhiên khi được biết cai quản cả khu vực rộng thênh ăm ắp các loại thư tịch cổ này chỉ có 4 nữ 2 nam. Nhưng khối luợng công việc họ đã và đang đảm trách không nhỏ chút nào. Nội cái việc công phu gần đây họ làm hộp bảo quản cho các sách Hán Nôm, mỗi quyển (bộ) sách được đặt trong hộp để trên giá để tránh ẩm mốc. Tiến hành sao chụp nhân bản kho sách. Mỗi sách được nhân thành 3 bản, các bản để phân tán ở các kho khác nhau nhằm phục vụ bạn đọc bằng bản photocopy, bản gốc đưa vào kho lưu trữ theo chế độ bảo tàng.

Tôi biết hiện ở kho sách công tác số hoá với công nghệ mới đã được tiến hành từ lâu. Nhưng không phải tất tật đều được số hóa! Có nhiều tư liệu quý hiếm, quý đến nỗi phải có lệnh của trên thì những độc giả trong phạm vi nghiên cứu hẹp, rất hẹp thì mới được phép tiếp cận bởi có nhiều lý do. Mà lý do tối thượng vẫn là an ninh chủ quyền lãnh thổ!

...San sát bên tôi là những kệ, những giá giành cho khu vực để thác bản. Những bao những gói giăng tít tắp. Mỗi bao gói mỏng manh hay dầy cộp kia là công sức hằng bao nhiêu ngày của các viện sĩ của quân trong Viện. Mỗi một tấm bia, bức chạm, quả chuông... ngoài những tấm ảnh chụp đặc thù của mỗi loại thì phải có thác bản văn khắc để ghi lại.

Nội thực hiện thác bản bia cũng nhiêu khê lắm lắm. Sau khi dùng bàn chải hoặc giẻ lau vệ sinh bia, họ dùng cái gì biết không, chuối! Mà phải chuối tiêu (sao lại không phải là chuối ngự hay chuối tây nhỉ?) chín bóp nát ra thoa đều lên mặt bia. Đợi bao lâu cho se mặt bia thì chỉ có người chủ sự mới biết, họ dùng giấy xuyến chỉ ( loại giấy đặc biệt trong văn phòng tứ bảo - mực , giấy, nghiên bút, mà người xưa gọi bằng tuyên chỉ, thứ giấy dùng trong việc giấy má hành chính của triều đình nên có tên gọi ấy chăng?) hoặc giấy dó ( không biết loại nào đắc dụng hơn?) áp nhẹ lên mặt bia.

Không biết họ có còn dùng thêm thứ nước thứ bột hay dạng hoá chất gì không mà ngó đơn giản chỉ có chuối tiêu với giấy, những thứ cổ tự hoặc họa tiết cần đọc đã được lôi lên khỏi mặt bia, trán bia mà thể hiện giấy như thế!

Hồi nãy ngồi với các yếu nhân của Viện như TS Viện trưởng Trịnh Khắc Mạnh, TS Viện phó, Nguyễn Công Việt tôi được tường thêm những nguồn mới của các thư tịch và những cung chặng hành trình để các thư tịch về Viện ra sao.

Có lẽ thời buổi này hiếm muộn, thưa thớt việc hiến tặng (đâm nhớ tiếc cái thời những thư viện gia đình của các danh nhân như Cao Xuân Dục, Cao Xuân Huy sốt sắng tặng sách cho nhà nước) nên Viện đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc phát hiện, sưu tầm. Có nguồn rồi, mua được là quý. Nếu không gặp may thì đành photo lại. Có những thư tịch tài liệu hiếm quý phải uyển chuyển sáng tạo trong việc tiếp cận sưu tầm...

Đáng kể nhất là thời gian qua Viện đã tiến hành điều tra cơ bản và thu thập các văn khắc Hán Nôm hiện có trong cả nước. Viện đã sưu tầm văn khắc Hán Nôm ở 2400 xã ở nhiều tỉnh thành trong nước. Gần đây kho sách của Viện cũng thêm giá trị bởi các đơn vị mộc bản của những văn bia thời Lý Trần, hơn 80 văn khắc khu vực phố Hiến và vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung...

Đặc biệt kho sách của Viện còn được bổ sung nhiều bản văn khắc, bản photocopy giá trị từ Pháp, Hoa Kỳ, Nhật... qua quá trình tìm tòi nghiên cứu công phu của cán bộ nghiên cứu của Viện của các cộng tác viên. Số lượng thác bản thu về kho lưu trữ của Viện nghiên cứu Hán Nôm nhiều hơn cả số lượng mà Viện Viễn Đông Bác cổ đã làm trước đây!

...Ngoài kia là dòng chảy là nườm nượp những sắc màu rực rỡ của Đại lễ Thăng Long ngàn tuổi. Trong khu nhà góc Gò Đống Đa này dường như không khí vẫn có hơi hướng phong cách khiêm cung của các cụ đồ? Tại kho sách Hán Nôm lớn nhất thành Thăng Long này, những nhà nghiên cứu vẫn lặng lẽ vào ra ý chừng muốn tìm chất liệu cùng hồn cốt cho vùng đất ngàn năm tuổi...

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.