Lý Sơn, tam tấu bè trầm

Lý Sơn, tam tấu bè trầm
TP - Những yếu tố địa lý và lịch sử không hẹn mà nên đã logic và nhuần nhuyễn trong việc hợp sức cấu thành bằng chứng, Hoàng Sa là một bộ phận không thể tách rời của non nước Việt.
Lý Sơn, tam tấu bè trầm ảnh 1
Phần trên tượng Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại đảo Lý Sơn  - Ảnh: Xuân Ba

Bằng chứng về việc quản lý khai thác Hoàng Sa của nhà Nguyễn là một Hoàng Sa rộng khoảng 15.000km2, hơn 30 hòn đảo, bãi, cồn... là sự tiếp nối tự nhiên từ thềm lục địa Việt Nam ra biển.

Hơi nôm na, nếu mực nước biển hạ xuống khoảng 700 m, thì Hoàng Sa lẫn Trường Sa sẽ dính vào Việt Nam như một khối thịt liền! Hoàng Sa cách đất liền lục địa Việt Nam 135 hải lý, cách Cù Lao Ré (tức đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) chỉ có 123 hải lý!

Cũng nên nhắc lại rằng, trong khi đó khoảng cách đảo gần nhất của Hoàng Sa tới bờ đảo Hải Nam xa tới 140 hải lý, nếu tính tới đất liền lục địa Trung Hoa còn xa hơn nhiều, tối thiểu là 235 hải lý.

Ba chuyện ghi được ở Cù Lao Ré, tên cũ của huyện đảo Lý Sơn tạm coi là tam tấu bè trầm, mạo muội cái việc trích đoạn bản giao hưởng hoành tráng nhưng còn dang dở về một Hoàng Sa!

Kỳ I:  Sắp đến thời khắc hô thần nhập tượng

Lý Sơn, tam tấu bè trầm ảnh 2
Hoàn thiện tượng Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại đảo Lý Sơn Quảng Ngãi

Hình như cũng có chút duyên chi đó để đến được với Cù Lao Ré, tên cũ của huyện đảo Lý Sơn cách đất liền non 30 cây số để nằm một đêm với ông cựu nghị sĩ Hà Trí Dũng.

Nói duyên bởi mười mấy năm trước, cũng mò về núi Chí Linh, Hải Dương để coi ông nghị sĩ kiêm điêu khắc gia này thực hiện tượng đài Đức Thánh Trần bằng đá xanh được coi là lớn nhất nước.

Bây chừ Hà Trí Dũng đang hoàn tất những chi tiết cuối cùng của nhóm tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại đảo Lý Sơn đây. Lại duyên và may nữa, kè kè bên Hà Trí Dũng là Phạm Viết Hoàn, nghệ nhân đá làng Ninh Vân của Ninh Bình.

Cũng xin trích ngang lý lịch của hai vị này một tẹo. Điêu khắc gia Hà Trí Dũng từng một thời gian làm ở Hội Văn nghệ Thái Bình. Những năm cuối 80 đầu 90  đã khá nổi danh, tác giả  của  những tượng đài Lê Quý Đôn, Nguyễn Đức Cảnh nay vẫn không lạc mốt.

Lý Sơn, tam tấu bè trầm ảnh 3
Điêu khắc gia Hà Trí Dũng (phải) - Ảnh: Xuân Ba

Hà Trí Dũng là ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội  khóa X (1997-2002). Thời gian ĐBQH khóa X, tôi không rõ giới truyền thông biết đến ông nghị sĩ này nhiều hơn trong việc phối hợp với báo chí tuyên truyền này khác hay Dũng là tác giả của bức tượng đài nổi tiếng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn? (Phần điêu khắc hàng trăm mét vuông gốm nhằm làm tôn tượng do điêu khắc gia Hoàng Nhân thể hiện).

Đêm ấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đích thân xuống Côn Sơn, để sáng hôm sau kịp làm lễ khai móng tượng Hưng Đạo Đại Vương mé trước Đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu trên núi An Phụ. Hà Trí Dũng bữa đó cũng được theo hầu Đại tướng... 

Còn Phạm Viết Hoàn? Trên cả chọn mặt gửi vàng là nhà điêu khắc phải chọn được hiệp thợ nào đó thể hiện được ý tưởng điêu khắc của mình, để tránh những sai lạc, thất thố. 

Hồi đục tượng Trần Hưng Đạo ở An Phụ cho Hà tiên sinh, Phạm Viết Hoàn là nghệ nhân nhưng nay chững chạc ở vị thế đứng đầu một tổ hợp, một công ty chuyên sản xuất - thể hiện tượng, Công ty Hoàn Hảo (Hảo là tên con gái Hoàn).

Có lẽ nghệ nhân Phạm Viết Hoàn đã lập một kỷ lục về cái sự khai mở hồn đá của nước Việt?  Chỉ kể ra những cái được coi là lớn... Nhóm tượng đài quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Tượng Hoàng Văn Thụ ở Lạng Sơn. Tượng Đức Thánh Trần. Tượng đài Bình Định Vương Lê Lợi ở thành phố Thanh Hóa. Tượng Bác Hồ ở thành phố Vinh v.v... 

Lý Sơn, tam tấu bè trầm ảnh 4
Nghệ nhân Phạm Viết Hoàn

Bây giờ, nhóm tượng Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được thể hiện bằng thứ đá xanh lấy tận Thanh Hóa. Thứ đá mà ngày trước tiền nhân từng dùng để  vạc nên thế rồng chầu ở điện Kính Thiên, thuở vua Lý ở thành Thăng Long và giăng giăng hàng bao công trình ở đất thần kinh xứ Huế.

Chúng tôi bệt trên chiếc chiếu  dưới chân tượng đài, đặt trước nhà bảo tàng Hoàng Sa mới xây còn nồng vôi vữa. Toàn bộ kíp dựng tượng của Dũng, Hoàn đưa từ Bắc vô sinh hoạt ngay trong nhà Bảo tàng. 

Lý Sơn chưa có điện lưới, phải dùng máy nổ cấp điện cho toàn đảo từ 5 giờ chiều đến 11 giờ đêm. Vắng ánh điện nên vô tình tôn thêm lợi thế của nhóm tượng Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

Trên bệ đá cao gần 4 thước, bộ ba, một cai đội và hai dân binh như vừa từ đá bước ra, như vừa sau chuyến đi Hoàng Sa trở về nghiêm trang đĩnh đạc đứng đó ngó lại chút chặng hải trình của mình. Tất thảy hằn trên nền trời đêm biển đảo Lý Sơn trông càng ấn tượng và hoành tráng. Vời vời phía tay người cai đội chỉ là Hoàng Sa...

Ngay từ  nửa đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn tổ chức đội Hoàng Sa và Bắc Hải lấy người từ xã An Vĩnh của Hòn Cù Lao Ré - Lý Sơn này thuộc huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi và xã Cảnh Dương (Bình Thuận) ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa  thu lượm hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc nạn và đánh bắt hải sản quý hiếm mang về dâng nộp. Đó là công việc của Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. 

Cùng với nhiệm vụ khai thác hải sản và hàng hóa trên hai quần đảo, nhà Nguyễn còn tổ chức đo đạc, khảo sát, dựng bia, cắm mốc, trồng cây trong các năm 1834, 1835 và 1836.

Thông qua việc khai thác tài nguyên trên đảo  liên tục hàng thế kỷ, trên thực tế cũng như về pháp lý, nhà Nguyễn đã làm chủ hai quần đảo từ khi chúng chưa thuộc về lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào, làm cho hai quần đảo trở thành bộ phận không thể tách rời của non nước Việt!

Trong âm thanh ràn rạt của gió lẫn sóng bể ập vào cù lao, câu chuyện dựng tượng của Dũng của Hoàn nghe chừng cũng hơi hướng sóng gió.

Tôn vinh công lao to lớn của tiền nhân về ý thức chủ quyền cương vực quốc gia lãnh thổ, đã đành. Nhưng bằng hình thức gì đây? Ý tưởng một cụm tượng đài về Hải đội Hoàng Sa đã được thai nghén...  Mà bắt đầu từ năm 2001.

Những nhà chức việc, những cơ quan có trách nhiệm của Quảng Ngãi, của Hà Nội đã chọn Hà Trí Dũng, tạo điều kiện để Dũng thực hiện công việc, nói đúng hơn để thể hiện ý tưởng sáng tạo của mình... Trong đó có TS Nguyễn Đăng Vũ - PGĐ Sở VHTT Quảng Ngãi và nhiều vị khác, như mọi lương dân của nước Việt bằng một tình cảm tự nhiên về lòng tự hào chủ quyền cương vực quốc gia  đã tìm đã gặp ở nhà điêu khắc Hà Trí Dũng nhiều sự đồng cảm, đồng điệu...

Dũng được tiếp cận với những mô hình thuyền buồm, các vật dụng sinh hoạt mà người lính Hoàng Sa đã sử dụng. Dũng từng phủ phục khấn khứa lẫn quan sát các cuộc tế lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Âm Linh Tự trên đảo Lý Sơn v.v...  Những mẫu tượng khác nhau được hoàn thành. Cái sau hoàn chỉnh bắt mắt hơn cái trước.

Từ mẫu tượng đến phác thảo tỷ lệ 1/1 đã khó khăn. Để thành hình khối vuông vức sinh động như bây giờ là cả một việc trần ai. Tám năm trời công trình xiết kể mấy mươi... Nội cái việc ra ra vô vô, biết bao đường đất. 

Tôi nhẩm riêng việc đưa hơn 40 tấn đá thành phẩm, những phần thân tượng chính cao 4,5 mét đặt trên bệ đá cao 3,7 mét...  Rồi phần cánh buồm cao 14 mét (mặt sau cánh buồm cách điệu khắc dòng chữ của Vua Minh Mạng bằng chữ Hán Việt đặt song song Bản Quốc Hải Cương Hoàng Sa Xứ Tối Thị Hiểm Yếu). Họ phải thuê một chuyến tàu đặc biệt của Hải quân  từ nơi phóng tượng là Ninh Bình xa ngái lênh đênh để ra được Cù Lao Ré này...

Trông đã hồn cốt sinh sắc lắm khi ngắm ngó nhóm tượng Đội Hoàng sa kiêm quản Bắc Hải hằn trên trời đêm Lý Sơn- đảo Mẹ của chuỗi quần đảo Hoàng Sa.

Ấy là tôi nói hơi vội. Còn phải đợi đến thời khắc hô thần nhập tượng nữa thì Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải mới làm chức phận tâm linh vĩnh hằng của tượng! Thủ tục đó không thể thiếu ví như tượng ở các đình chùa miếu mạo, phải đến công đoạn đến thủ tục điểm nhỡn thì tượng mới linh!

Tôi nghe Hà Trí Dũng nói lại, UBND huyện đảo Lý Sơn sẽ phối hợp với các hòa thượng đại đức long trọng lẫn nghiêm cẩn cử hành thủ tục hô thần nhập trước khi đưa vào khánh thành Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

---------------------

Còn nữa

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.