Mạ ơi, đừng đánh con

Mạ ơi, đừng đánh con
TP - Cùng ở làng Cồn Nâm, xã Quảng Minh (Quảng Trạch, Quảng Bình) nhưng không mấy người biết tên thật của chị Nguyễn Thị Ngụ. Người làng quen gọi Ngụ là Vịt.

Bởi, Ngụ bị tật từ nhỏ, không di chuyển được như người bình thường mà phải bò lẹt bẹt nên giống dáng đi của vịt. Bọn trẻ trong làng thường chạy theo trêu mỗi khi chị ra đường “ê con vịt, con vịt què bây ơi”. Và không biết từ lúc nào người làng cứ thế gọi chị là Vịt.

Mạ ơi, đừng đánh con ảnh 1
Những bước di chuyển vất vả của chị Ngụ. Ảnh: MT

Chuyện đời đầy nước mắt

Trên con đường lầy lội dẫn đến nhà chị Ngụ, anh Nguyễn Văn Sơn - trưởng thôn Cồn Nâm ngậm ngùi kể: Nhà chị Ngụ giờ chỉ có hai mẹ con. Bà Nguyễn Thị Thay (mẹ chị Ngụ) năm nay hơn 60 tuổi, bị bệnh tâm thần hơn hai chục năm nay.

Điều lạ là, mỗi khi lên cơn, bà Thay không đập đánh ai trong làng mà chỉ hành hạ mỗi con mình là chị Ngụ. Hành hạ con xong bà Thay phá phách đồ đạc trong nhà rồi sau đó trèo lên ngồi vắt vẻo trên cây.

Ngót hai chục năm qua, cuộc sống của hai mẹ con bữa đói, bữa no, bữa rau bữa cháo gần như phó mặc vào tấm thân tàn, lết lê trên đất của chị Ngụ. 

Nhà hai mẹ con chị Ngụ nằm sát một con hói (ngòi) chạy qua giữa làng. Ngôi nhà nhỏ trống hoác, mà theo anh Sơn là được nhà nước hỗ trợ và dân làng đóng góp theo chương trình “nhà Đại đoàn kết” dựng cho hai mẹ con cách đây ba năm.

Hai mẹ con chị Ngụ đang ngồi bên bậu cửa. Thấy người lạ, bà Thay lấm la, lấm lét nhìn rồi chạy ra sau vườn. Đối diện tôi là người đàn bà với đôi mắt mờ đục, thân hình quắt queo, ước chừng cân nặng chỉ trên dưới 30 kg. Duy chỉ có hai cánh tay to chắc khác lạ. Hai đầu gối và hai gan bàn tay chai sần do phải thay đôi chân di chuyển.

Chị kể chuyện đời mình, câu chuyện không đầu không cuối và được chắp nối bởi những giọt nước mắt.

Chị Ngụ sinh năm 1968 (Mậu Thân). Đến giờ chị không biết mình bị tật từ lúc nào. Bởi hình như từ khi sinh ra cho đến nay, chị không nhớ cái cảm giác được đứng lên để đi lại như một người bình thường.

Nỗi nhớ mãi cứ vẹn nguyên là nhà chị nghèo nhất làng. Cha chị là ông Nguyễn Văn Hải thật thà chân chất, cùng mẹ chị lam lũ trên đồng đất bạc màu quanh năm thiếu nước nên dù thấy con tàn tật cũng không đủ điều kiện để chữa trị cho con và thế là số phận buộc chị phải đi bằng bốn chân.

Chị bảo, hồi đó nhiều đêm thức giấc cứ thấy cha ngồi bó gối và lặng lẽ khóc. Ông khóc cho sự nghèo túng và bất lực của mình trước phận bạc của đứa con gái duy nhất.

Năm chị lên mười, cha chị không thể ra đồng được nữa vì căn bệnh ung thư. Không thuốc thang, không chữa trị vì trong nhà chẳng còn thứ gì có thể bán được. Chỉ được một thời gian rất ngắn, cha chị qua đời. Cuộc sống của gia đình chị lại tiếp nối u buồn và bi thảm...

Quá đau khổ vì sự ra đi đột ngột của cha và tình cảnh quá cùng quẫn, mẹ chị phát bệnh tâm thần. Bệnh tình ngày càng nặng. Bà không làm được bất cứ công việc gì từ ngày đó. Và cứ mỗi khi lên cơn, mẹ chị chỉ biết đánh chị không thương tiếc. Chị cứ thế chịu đòn vì không thể bò nhanh hơn để tránh. Và khi không còn gì để ăn, chị bò lê khắp xóm xin cơm, xin cháo cho mình và nuôi mẹ.

Rồi trong một lần lên cơn, mẹ chị đã đốt cháy nhà bà ngoại. Bà ngoại một mình và quá đau khổ vì thân phận của con nên cũng phát bệnh tâm thần sau vụ cháy nhà đó. Nhà lại có thêm một người điên nữa.

Nhà hai người điên, một người què quặt, chị nghĩ đến cái chết như một sự giải thoát. Nhiều lần, chị đã âm thầm bò ra con hói trước nhà và lăn mình xuống nước, nhưng mấy lần đều được người làng phát hiện và vớt lên.

Mạ ơi, đừng đánh con ảnh 2
Giây phút bên nhau hiếm hoi của hai mẹ con

Tìm cách để sống

Không thể chết được thì phải sống. Thế là chị bắt đầu học cách kiếm sống để nuôi mình, nuôi mẹ và nuôi bà ngoại. Nhà được hai sào ruộng, chị nhờ bà con làng xóm làm đất rồi tự mình gieo trồng và chăm sóc. Vất vả làm lụng quanh năm nhưng thu hoạch cũng chỉ đủ cho ba miệng ăn trong hai tháng.

Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ tìm cách tồn tại, chị quyết định vay mượn làng xóm để sắm một bộ nồi nấu rượu và học cách nấu rượu để bán cho người trong làng. Nghe người làng bày lấy bã rượu nuôi lợn nhanh lớn thế là chị cũng gom góp mua lợn về nuôi.

Làm ruộng, nấu rượu, nuôi lợn bận bịu suốt ngày. Nhiều khi làm mệt lả nhưng bù lại chị có cái để bỏ vào nồi bữa no, bữa đói cho ba người.

Chị tâm sự: “Vất vả thì tui không sợ, nhưng sợ nhất mỗi khi mạ lên cơn là đập đánh, phá phách. Tui bị què, chạy không được khi bị mạ đập chỉ biết kêu để bà con làng xóm đến cứu. Có hôm đang ngồi nấu rượu, mạ xông vô cầm tóc đấm túi bụi rồi dúi tui vô trong bếp. May có người vô kéo ra không thì tui chết cháy rồi.

Từ khi tui nấu rượu đến ni phải mua ba bộ nồi vì bị mạ đập bể. Mạ lạ lắm, khi mô mà đập tui không được lại ra chuồng lợn, phá chuồng rồi đập cho lợn chạy tứ tung. Rứa là tui phải bò đi nhờ hàng xóm tìm và xua lợn vô chuồng. Cả chục lần như thế trong tháng. Lợn cứ chạy rong mãi không lớn lên được”.

Chị bò lẹt bẹt dẫn chúng tôi ra chuồng lợn phía sau vườn. Bốn con lợn, mỗi con chừng 20 kg. Vừa cho lợn ăn, chị vừa tâm sự: “Có được như ri là nhờ bà con, làng xóm cả đó chú à. Thấy tui què quặt ai cũng thương. Có được cái xe lăn của nhà nước cho thì bị mạ phá hư rồi, nên toàn bộ thức ăn hàng ngày, nguyên vật liệu nấu rượu đều được bà con mua giúp, đưa về tận nhà. Như năm trước bà ngoại mất, ma chay đều nhờ bà con làng xóm giúp đỡ cả”.

Đang mải chuyện thì có người hàng xóm đứng ngoài đường gọi với: “Vịt ơi, ra mà kêu mạ về với chứ mạ mi đang ngồi vắt vẻo trên cây phượng đầu thôn”. Nghe gọi, chị lại hốt hoảng, tất tả bò đi tìm mẹ.

Cùng đi với chị trên một đoạn đường, chị Ngụ nói với chúng tôi: “Ngày mô tui cũng đi tìm để đưa mạ tui về. Tui chỉ ước chi mạ đừng đánh tui và đừng phá kẻo cực cái thân tàn tui quá”.

MỚI - NÓNG