Mâm tất niên ở nhà cụ Tô Hoài

Mâm tất niên ở nhà cụ Tô Hoài
TP - Tết Kỷ Sửu này cụ tiên chỉ làng văn được tròn 90 tuổi ta và chẵn 60 năm tuổi Đảng. Cụ bà đây cũng cỡ bát tuần…
Mâm tất niên ở nhà cụ Tô Hoài ảnh 1
Nhà văn Tô Hoài chiều 30 Tết Kỷ Sửu

Đâm quen lệ chiều 30 Tết phôn cho nhạc sĩ Nguyễn Xuân Đào, con trai thứ nhà văn Nguyễn Tuân đến thăm “cụ tiên chỉ” Tô Hoài nhưng ông lử khử mà rằng biết cụ có còn ở Nghĩa Đô Nghĩa Tân nữa không hay đã thiên di về Đoàn Nhữ Hài? Rồi ông lệnh cho tôi rằng cứ phải hỏi lại cho chắc... Tiện vòng xe, tôi rẽ qua Đoàn Nhữ Hài.

Bên cái ụ đất sát tường mé tay trái trống trơn chả thấy xe cộ gì. Cái ụ đất trước cửa nhà văn Tô Hoài này không biết có tự bao giờ? Có dạo mởn xanh vài thứ húng ớt. Có đợt lại nhổng lên mấy búi hành. Có thời lại chĩnh chiện trên đó một gốc đào phai hay cụm cúc vạn thọ, thứ cúc mà bây giờ rất hiếm gặp ở Hà thành.

Lắm khi ngó cái ụ đất, chợt mường tượng ra chỗ đầu hồi  hay lối đầu cầu thang  của nhà sàn mạn ngược, dân Thái dân Mông cũng dành một khoảng con con để mấy chậu hành hoặc gia vị. Ông lão sai người nhà bày biện ra cho vui hay có ý quyến nhớ xứ đồng rừng chả biết? 

Cánh cửa sơn xanh khép hờ chỉ dấu chưa chắc hai cụ đã từ Nghĩa Tân về mà có khi  con cháu đến thắp hương ngày Tết cũng nên. Người mở cửa cho tôi là cụ bà. Không gian òa ra một khoảng ấm sực. Thứ hương chi đó nhà thắp rất ngát.

Cụ ông với nụ cười hom hóm cố hữu đang ngồi bên bàn nước có chậu cúc làm sáng cả gian nhà. Căn nhà ở khu tập thể Nghĩa Tân mạn Nghĩa Đô cữ Tết tạm đóng cửa. Hai cụ lại về phố về Đoàn Nhữ Hài ăn Tết. Lệ ấy có gần mươi năm nay...

Đèn nến sáng trưng trên bàn thờ đặt chính giữa nhà. Gọi là mâm cơm cúng tất niên cũng được nhưng tôi để ý trên cả mâm cúng là ngay ngắn là lớp lang là trật tự những thức cúng, những be nậm, những đồ nấu đồ xào kho rán bày biện khéo léo chừng mực trong những đĩa những bát...

Khoanh giò, bát miến, bát bóng kia không còn dậy lên sự bắt mắt bắt mũi của thú ẩm thực mà như vật chứng cho tài lẫn tâm của gia chủ vậy! Thế mà cụ bà còn chẹp miệng nói rằng là mới từ Nghĩa Đô về hai hôm nay chưa kịp chuẩn bị cho chu tất...

Một dư vị thuần Việt đặc Việt dường như đang toát lên từ bàn thờ gia tiên hồng ấm. Dư vị ấy có thể do mùi hương cụ bà thửa riêng quyện với thứ rượu trắng dùng để cúng. Dư vị đặc thù đặc trưng của những Tết Việt, những giỗ Việt... Cái dư vị của những nền nếp của những nếp nhà từng bền chặt, từng trụ vững với những nhố nhăng hỗn mang của cơ chế thị trường!

Vi vút rợn rạc ngoài kia là cái lạnh tám độ của chiều 30 Hà thành chỉ làm tôn thêm lên màu với hương của mâm cúng tất niên. Tôi thấy mình có chút thất thố bởi tự dưng ngưng nghỉ câu chuyện với cụ tiên chỉ mất một lúc vì đang chùng đang buông một cảm giác là lạ. 

Tết Kỷ Sửu này, cụ tiên chỉ làng văn được tròn 90 tuổi ta và chẵn 60 năm tuổi Đảng. Cụ bà đây cũng cỡ bát tuần. Người Nghĩa Đô mạn ngoại thành ấy là trước đây, giờ đương nhiên cũng là Hà Nội gốc. Trong làn khói hương vấn vít được thư thả ngồi nhấp chén trà sen được hầu chuyện hai cụ tuổi trời cho đã tám chín chục chợt thấy mình như đang trúng một cơ may!

Không gian òa ra một khoảng ấm sực. Thứ hương chi đó nhà thắp rất ngát. Cụ ông với nụ cười hom hóm cố hữu đang ngồi bên bàn nước có chậu cúc làm sáng cả gian nhà. Căn nhà ở khu tập thể Nghĩa Tân mạn Nghĩa Đô cữ Tết tạm đóng cửa. Hai cụ lại về phố về Đoàn Nhữ Hài ăn Tết. Lệ ấy có gần mươi năm nay...

Lẩn thẩn nghĩ thêm đến quan điểm dứt khoát của một người bạn chuyên nghiên cứu về món phong tục học rằng, nếu là một nhà thuần Việt, một người Việt thì dứt khoát những cái bàn thờ gia tiên phải được ngay ngắn chĩnh chiện đặt giữa nhà như cụ Tô Hoài đây! 

Chả nói nếp của người Hà Nội gốc, khối nhà, quê kiểng thôi nhưng bàn thờ bao giờ cũng đặt chính giữa. Hình như thường ngày mọi sự vụ đến nết ăn nết ở cho chí nếp nghĩ của con cháu đều được tổ tiên ông bà chứng cho lẫn tiện ngay việc phù hộ lẫn uốn nắn nữa là những đận hương khói? 

Cái  thời chi chút chật chội thì không nói làm chi. Nhưng giờ khối nhà rủng rỉnh với điều kiện này khác, nhà nghiên cứu phong tục bạn tôi rất chi là dị ứng với cái thói cái tật cứ rinh bàn thờ gia tiên tít lên tầng thượng.

Đành một nhẽ là có mượn thầy mượn thợ bày, đặt hướng bàn thờ cho. Nhưng mỗi bận giỗ Tết, vợ chồng con cái cứ làm nhanh nhanh phận sự thắp hương, lên nhang với hoá vàng rồi tất tật chủ khách kéo nhau xuống tầng trệt hoặc phòng nào đó mà rôm rả đánh chén.

Mà vắng đi sự chứng kiến coi sóc của các cụ, hình như những sự bàn thảo nó cũng bỗ bã, táo tợn quyết liệt lẫn riết róng hơn thì phải? Mà hình như sự xuống cấp này khác cũng khởi sự từ việc thưa vắng đi ánh mắt vô hình nhưng nghiêm khắc của tổ tiên cha ông vốn thường dõi theo từng bước của cháu con trên dương gian trần thế? V.v và v.v...

Ngắm ngó lượt nữa khoảng bàn thờ gia tiên ấm sáng đèn hương chiếm đáng kể trong lòng ngôi nhà cấp 4 chả phải là thênh thang lắm của nhà văn Tô Hoài, tôi chợt nhớ lắm người đã nhắc đến cái dung dị bình dân, thậm chí xuề xoà trong sinh hoạt của nhà văn. Đã đành tính cách ấy là hành trang bao năm nay để cụ miễn dịch với những thứ nhiêu khê này khác để thung dung tự tại đến bây giờ.

Dưng hình như vẫn tiềm ẩn trong cụ sự nghiêm cẩn của những trật tự với lớp lang? Không nghiêm cẩn thì những chi tiết những tình huống những cơn cớ này khác trong hơn một trăm tác phẩm của cụ tiên chỉ làng văn này dễ mà yểu mệnh trong đời sống người đọc lắm!

Bây giờ nhác qua những lớp lang những trật tự trên bàn thờ gia tiên buổi chiều tất niên này chợt phát lộ thêm thứ tầng vỉa mới của một trữ lượng Tô Hoài? Dịp đại thọ này cụ ông đi lại có khó khăn do bệnh gút chi đó, đã đành việc chợ búa nấu nướng có con cháu trợ giúp nhưng có sức để mà bày biện để mà coi sóc những thứ lớp lang thứ tự như thế này thì cũng mừng cho hai cụ lắm lắm!

Mâm tất niên ở nhà cụ Tô Hoài ảnh 2
Bên bàn thờ gia tiên

Bên tôi lại vẫn âm sắc rủ rỉ cố hữu ấy... Chợt nhớ thêm tiết thanh minh một năm xa, cụ Kim Lân chủ trì lẫn chủ chi một bữa ở ngay nhà hàng gần nhà cụ ở Hạ Hồi. Có các cụ Tô Hoài, Hoàng Cầm, Nguyễn Xuân Khánh...

Có một khoảng lặng trong bữa, nói là lặng bởi bằng chất giọng rủ rỉ cố hữu,  nhà văn Tô Hoài đã khiến các bậc cao lão dự cơm buông đũa chăm chú nghe thêm về cái tinh cái sạch lẫn cái khéo và khoa học của cánh thợ chuyên nấu cỗ cưới cỗ cúng Hà Nội xưa. Nói nghe thêm bởi đề tài này với các cụ không mới. Nhưng có thể cụ Tô Hoài nhớ và biết nhỉnh hơn? Có thể cụ có cách riêng cảm cổ phỏng kim trong việc bình tán...

Tôi nhớ chuyện xong nhiều cụ thở dài. Thở dài có thể vì tiếc những cái đẹp đã phai lẫn đã mất. Lại có thể vì sợ bởi thời buổi nấu nướng ẩm thực xô bồ hỗn tạp này miếng ngon kề miệng nhưng cứ ngần ngại vì những cơn cớ vệ sinh phòng dịch này khác?

...Đâm tiếc vì những hời hợt lẫn non nớt trong chuyến đi mấy tỉnh Tây Bắc vừa rồi khi trong câu chuyện vội nhưng nhà văn vẫn chu đáo và minh mẫn chỉ ra. Ngay địa danh Mường Giơn tôi từng băn khoăn trong Mường Giơn giải phóng nhà văn cũng chu đáo giải thích ngay chính là Mường Giôn cụ viết chệch đi. Vừa nghe vừa gẫm lại vừa hoảng...

Giẫm lại vết chân của tác giả Truyện Tây Bắc có lẽ lớp hậu sinh khó mà đo và so với sức đi theo nghĩa đen chứ nói chi đến sức nghĩ sức viết. Mong sao cuốn tự vị sống về Tây Bắc nói riêng và miền rừng nói chung cứ sừng sững sống động cho lứa chúng tôi được lật giở dài dài! 

Có cảm giác như mắt hom hóm ấm áp của cụ tiên chỉ từ bên bàn thờ gia tiên dõi tiễn ra tận cái ụ đất. Nhớ thêm trong câu chuyện hồi nãy, bên ụ đất này chiều 30 những năm xa đã từng hồng lên những xác giấy màu điều.

Tiết lập xuân năm Sửu

MỚI - NÓNG