Mắt bão, mắt người

Mắt bão, mắt người
TP - Thảm kịch bão số 6 dẫn đến hậu quả hàng trăm ngàn người dân bỗng chốc trở nên không nhà cửa, nhất là khi đa phần họ đều là lao động nghèo, “ăn bữa nay lo bữa mai”...   
Mắt bão, mắt người ảnh 1
Bộ đội giúp dân lợp nhà

Số liệu ngày 3/10 của Ban chỉ huy PCLB TW: Bão số 6 đã làm sập 6.256 ngôi nhà và làm tốc mái, hư hại nặng 220.975 ngôi nhà của 7 tỉnh miền Trung, trong đó Quảng Nam và Đà Nẵng bị sập 5.129 nhà, tốc mái hư hỏng nặng 164.917 nhà.

Cồn Thông – Những chiếc giường giữa đêm mưa ngày nắng

Xoáy sâu vào tôi là đôi mắt của cô bé 13 tuổi học lớp 7 Trần Thị Thơ đang ngồi trên chiếc giường duy nhất còn sót lại giữa đống đổ nát mà mấy ngày trước em vẫn gọi là “nhà”.

Đêm bão, bé Thơ là chị đầu, cùng 2 em gái 10 tuổi và 8 tuổi kinh hoàng ôm cứng lấy mẹ khi bão đang nhào lộn trên đầu. Ba em là Trần Nhiễu lúc đó phải cầm cự trên chiếc thuyền đậu ở ven sông Hàn để sống chết bảo vệ nguồn sống duy nhất của cả gia đình.

Gần sáng 1/10, nhà em đổ sập, vừa lúc 4 mẹ con kịp nhào ra ngoài. Cũng lúc đó, ba em bị thương nặng ngoài thuyền, được người ta đưa đi cấp cứu. Giờ thì mẹ đang ở bệnh viện chăm sóc ba cùng với đứa em út.

Dẫu sao ở bệnh viện vẫn tránh được mưa nắng, còn lại hai chị em Thơ đã mấy đêm rồi ngủ giữa đống gạch vụn dưới tấm tôn che tạm. Không có chỗ ngủ, vì nhà bà nội, bà ngoại cũng bị sập hoặc tốc mái mất rồi. Hỏi chuyện đi học, Thơ lắc đầu, ngơ ngác. 

Thảm kịch của cô bé cũng chính là bi kịch khủng khiếp của cả tổ 37 phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), nơi vẫn được gọi bằng cái tên Cồn Thông này. Cả xóm có 33 ngôi nhà thì bị sập cả! Chị Trần Thị Gái (34 tuổi), nói không ra tiếng: “Sạch trơn rồi mấy anh ơi! Cả trăm người già con nít mấy đêm nay phải che bạt, che tôn xúm nhau giữa mưa gió ngồi đợi trời sáng.

Không quá xa Ủy ban phường, nhưng có cảm giác xóm Cồn Thông này như một “hoang mạc” bị bỏ quên sau bão. Ông Đặng Văn Hùng bức xúc: “Đêm qua mưa to, tụi tôi phải chạy qua núp nhờ Trạm trộn bê tông của công trình cầu Thuận Phước sau lưng. Thằng em tui là chủ tịch phường này (ông Đặng Đình Hưởng – PV), nhưng có thèm vác mặt qua cho dân 1 miếng tôn, miếng nước nào đâu, quá tệ!”. Ông Hùng và nhiều người dân cho biết xóm này nằm trong dự án Sơn Trà - Điện Ngọc, nhưng đã bị “treo” đã 4 năm nay.

Một vòng quanh con đường Trần Hưng Đạo tráng lệ ven bờ Đông sông Hàn, hàng loạt những ngôi nhà tạm dựng lên bên vỉa hè từ những thanh gỗ, miếng tôn còn vót vét được sau bão.

Bà Lê Thị Trung (tổ 13 Nại Nghĩa, phường Nại Hiên Đông) cho biết thuộc diện giải tỏa, giờ phải xin phép phường cho dựng nhà bên hè đường để che mưa nắng.

Ông Nguyễn Diệp (tổ 17B) cả nhà 8 người gồm con nít, người già cho biết đêm qua phải che mưa ngủ ngoài trời. Tại khu nhà liền kề thành phố xây cho dân nhà chồ, chúng tôi gặp ông Mai Văn Đải – cán bộ phụ trách kế hoạch – giao thông của phường Nại Hiên Đông.

Ông cho biết: “Khu nhà này cả thảy có 312 hộ, bị tốc mái và sập nhiều, dân được đưa vào chung cư Vũng Thùng ở tạm”. “Còn về lâu dài thì sao?” –

Chúng tôi hỏi. “Đúng là khu chung cư này chỉ để dành cho cán bộ công chức, còn dân nhà chồ thì được bố trí vào chung cư khác, gồm trên 4.000 căn hộ”.

Tuy nhiên ông Đải cũng cho biết dân không chịu vào ở chung cư này, vì căn hộ quá chật (chỉ 30m2), hệ thống nước thải từ tầng trên tắc nghẽn đổ xuống tầng dưới ...    

Đêm trắng Thanh Khê

Mắt bão, mắt người ảnh 2
Những đứa trẻ này phải qua đêm trên chiếc giường này

Đêm 2/10, chúng tôi có mặt ở tổ 14 phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê). Hàng mấy chục người ngủ vạ vật trên những tấm bìa các tông, gỗ ván bên cạnh đống đổ nát vốn là “nhà” của họ.

Mẹ con chị Nguyễn Thị Thuyền đang lui hui nhúm lửa trên mấy viên gạch bắc giữa trời để nấu mì tôm. Chị Thuyền có chồng bị tật ở chân nhưng vẫn gắng đạp xe thồ nuôi gia đình. Ba đứa con, thì hai đứa nhỏ đêm nay gửi tạm nhà ngoại cũng thuộc diện giải tỏa phải ở nhà thuê, còn đứa đầu ở “nhà” với anh chị.

Loáng một lúc đã thấy thằng con 16 tuổi vô tư nằm ngủ khì trên tấm bìa các tông, còn anh chị thì ngồi bất động như đang lo lắng về tương lai mờ mịt trước mặt. Một dãy dài những người đàn ông rì rầm trên những chiếc chiếu bên vệ đường, dưới trời mưa lất phất. Có lẽ không ai trong số họ biết ngày mai sẽ ra sao...   

Hàng trăm ngàn người dân hiện lâm vào cảnh bơ vơ, màn trời chiếu đất. Với số lượng người khổng lồ như vậy thì kiếm một chỗ nương náu khi đêm về ở trong trường học, cơ quan nhà nước... là không thể.

Thống kê cho thấy có trên 3.800 ngôi nhà ở quận Liên Chiểu bị sập gần như hoàn toàn, tuy nhiên, theo ông Dương Thành Thị - Chủ tịch UBND quận thì có cố gắng hết sức cũng không thể giải quyết xong chỗ ăn, nghỉ cho hàng trăm ngàn người dân đang lâm vào cảnh bơ vơ.

Cùng có câu trả lời như trên là ông Huỳnh Văn Thanh – Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn. Tại đây, có hơn 2.000 ngôi nhà bị sập và hư hỏng nặng, và con số người dân chịu cảnh “màn trời chiếu đất” là chưa thể thống kê được.

Ông Thanh nói: “Chúng tôi đang khẩn trương dựng nhà tạm cho dân bằng cách thu gom những mảnh tôn sót lại, nhưng dù có thế nào thì hết tuần nay, cũng chỉ giải quyết chỗ ngủ 50% số dân gặp nạn”.            

Nơi không có đêm ngày

Mắt bão, mắt người ảnh 3
Nhóm lửa nấu ăn giữa trời đêm

Tôi trở lại ốc đảo Đông Bình của xã Duy Vinh, nơi đây chừng một tháng trước khi thảm họa Xangsane ập đến tôi về viết bài “Làng sắp trôi ra biển”. Chiếc ghe tròng trành băng qua sông Ly Ly đang chảy như tháo khoán.

Duy Vinh được xem là bị nặng nhất của huyện Duy Xuyên và Đông Bình là nơi bị nặng nhất xã. Trong khi chờ ghe bên kia tấp bến, tôi tạt vào nhà anh Trần Quốc Trị ở ngay bến sông.

Vài ba tấm cót, tre pheo, tôn gãy vụn, tất cả vun thành đống, bày la liệt nền nhà. Chị vợ anh chưa cần nghe khách hỏi đã nói ngay: “Đêm qua có ngủ được chi mô. Mưa gió ướt nhèm”. Vợ chồng con cái quây tấm bạt giữa đống đổ nát, nửa đêm mưa kèm gió, hất bay mất. Anh làm nghề chài lưới, chị vá lưới thuê cho thuyền xa bờ, mỗi tháng thuyền về một lần mới có việc làm.

Con số mà thôn phó Đông Bình là Huỳnh Tiến cấp cho tôi, nghe bần thần: 245/315 nhà sụp và tốc mái. Có đến 185 hộ đang thiếu đói. Dân Đông Bình sống bằng nghề dệt chiếu, mỗi người làm cả ngày được chừng 10 ngàn đồng. Căn nhà tạm một đời chắt chiu của họ có giá trị ngang như nhà đúc của người ta, giờ tan bọt nước.

Khi nãy, vừa gặp tôi hỏi ngay anh Trần Văn Năm, Chủ tịch xã chuyện cứu trợ, anh nói: “Chưa có một kg lương thực nào về xã cả, bà con tự giúp nhau là chính, trong khi cả xã có đến 900 ngôi nhà bị bay mái và sập. Hôm nay xã mới đi khảo sát, tính chuyện xin cứu trợ”.

Ghé nhà bà Nguyễn Thị Bốn, nghe bà nói: “Bữa ăn bữa nhịn em à, mì tôm là chính”, rồi khóc. Nhà bà cũng tan tành một đống. Tôi vào đúng lúc bà đang xếp ngói nằm bẹp dưới đất, cố lôi dưới đống đổ nát lên chiếc gối của đứa con. 4 mẹ con đêm qua ngồi trong căn nhà trên nhưng không dám ngủ, bởi nó chưa sụp nhưng bão giật trống hoác, mưa tạt như cầm chĩnh mà đổ. “Đồ đạc chừ nằm hết dưới đống tre, tôn kia em ơi”.

Có cái gì đó dữ dằn hơn khi bão đến. Ý nghĩ đó ập đến trong tôi khi nhớ lại dáng ngồi vô vọng thâu đêm của bà Võ Thị Siêng, thoáng chốc trở thành người không nhà cửa. Hướng biển, mây đùn lên đen xám. Đêm nay trời sẽ mưa nữa. Sẽ có bao nhiêu con mắt ngồi trông trời sáng để rồi tiếp tục ngồi. Mắt bão đã đi qua, để lại trên mắt người vũng sâu đau đớn.

Dẫu nay mai nhà cửa có được dựng lại thì cơn bão lật nghiêng đêm ấy vẫn còn y vết chém đó, xoáy vào những phận đời chưa một lần biết đến chuyện sống sướng ở dải đất này. Hôm kia có tin mấy người dân ở Bình Minh (Bình Đào-Thăng Bình), bão vừa tan đã chạy về xem cái nhà của mình ra sao, mở cửa bước vào thì nó sụp cái rầm, bị thương nhiều lắm.

Làm sao trách họ chủ quan, mà đó chính là nỗi lo không nhà rướm máu bất cứ ai cũng đều nghĩ nếu đặt mình vào đó.

Tôi rời Đông Bình khi nghe tin chiều nay bộ đội Trung đoàn 143 sẽ vượt sông sang giúp bà con dựng nhà...

MỚI - NÓNG