Mắt của Trường Sa

Mắt của Trường Sa
TP - Ở vùng bờ biển và đảo từ Chóp Chài (Phú Yên) đến Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) có những con mắt thần đang ngày đêm canh gác cho Trường Sa thân yêu, cho những mỏ dầu, những ngư trường lớn.
Mắt của Trường Sa ảnh 1
Buổi trực máy tại một trạm ra-đa

Cao, xa đầy gió

12 giờ sau khi xuất phát từ Cam Ranh, tàu HQ 633 tới đảo Phú Quý (Bình Thuận). Trạm radar N75 là điểm đến đầu tiên của đoàn cán bộ Vùng D Hải quân đi kiểm tra công tác và chúc tết. Rã rời sau một đêm say sóng trên tàu, một số nhà báo theo đoàn không còn đủ sức leo dốc lên đài quan trắc, điểm cao nhất của đảo Phú Quý.

Chặng từ Phú Quý đến Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) dài hơn. Đài quan trắc ở độ cao 575 m trên đỉnh núi Thánh Giá, cách trạm radar bốn km đường dốc.

Thiếu tá trạm trưởng Huỳnh Văn Nhị nói vui, xe đạp của đơn vị không cần có xích, nhưng cần tới ba bộ phanh. Khi thồ đồ lên đài chỉ có cách đẩy chứ không thể đạp xe, còn khi xuống, phải có thêm cành cây kéo lê đằng sau xe để giảm tốc độ… 

Trạm N65 trên đảo Hòn Tre chỉ cách trung tâm Nha Trang chừng bảy km, nhưng gian khổ của lính ở đây chẳng hề kém. Trên đỉnh núi cao 483m, gió lồng lộng suốt ngày đêm, mùa này qua mùa khác, như muốn thổi bay mọi thứ xuống vịnh Nha Trang.

Cây cối anh em trồng quanh trạm, hoặc không sống được, hoặc không thể ra hoa đậu quả. Trạm có một con ngựa để chuyển thực phẩm, vật dụng qua đoạn đường năm km từ bến thuyền ở Bãi Suốt lên trạm. Không chịu nổi điều kiện khắc nghiệt, nó chết cách đây một tháng… 

Hoạt động độc lập, liên tục ở điểm cao, nơi xa xôi và đầy gió, nhiều trở ngại trong việc đi lại và thiếu thốn đủ thứ, đó là nét chung của các trạm radar Vùng D, trải dài trên một vùng bờ biển và đảo từ Chóp Chài (Phú Yên) đến Côn Đảo.

Mắt thần

Nhiệm vụ trọng tâm của các trạm radar Vùng D là phát hiện mục tiêu trên biển và trên không tầm thấp, kịp thời báo cáo để chỉ huy các cấp chỉ đạo xử lý kịp thời, có hiệu quả những tình huống phức tạp xảy ra ở vùng biển quần đảo Trường Sa và vùng thềm lục địa phía Nam.

“Theo dõi mục tiêu, tôi có thể biết khá chính xác đâu là tàu cá hay tàu buôn bình thường, đâu là tàu quân sự hay tàu thăm dò, khảo sát, của ta hay của nước ngoài.” – Trung úy Nguyễn Văn Phương cho biết.

19 năm làm lính radar của Vùng D, anh có 15 năm công tác tại Trạm N75. Xen giữa những năm đó là hai lần làm nhiệm vụ tại đảo Đá Lát (1992 – 1994) và đảo Nam Yết (2003 – 2005) của quần đảo Trường Sa. Hầu như không trực tiếp thấy bằng mắt, nhưng anh xác định được tính chất mục tiêu qua cách di chuyển, phạm vi, quy luật hoạt động…

Ở các trạm radar khác của Vùng D đều có những trắc thủ đầy kinh nghiệm, gắn bó lâu năm như Trung úy Lưu Kim Chung (Trạm N90), Trung úy Nguyễn Kim Sơn (Trạm N65), Trung úy Ngô Việt Anh (Trạm N85)… Họ cũng từng làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa xen giữa những năm ở trạm đảo ven bờ.        

Lính radar Vùng D, người tạm xa vợ như Đại úy Vũ Đình Ngọc (Trạm trưởng N65), người làm rể của dân đảo như Trung úy Phương, Đại úy Nguyễn Khả Hồng (Trạm N75), người đón vợ ra đảo như Thiếu tá Hồ Văn Phan (Trạm trưởng N75)…

Nhưng ngay cả khi có gia đình ở đảo, họ vẫn có lúc phải chịu cảnh vợ chồng ngâu khi được cử đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Có người đặt tên con mình là Trường Sa như Thiếu úy Trịnh Xuân Đặng (trạm N90, đang công tác ở Trường Sa ).

“Cả đời lính của tôi chắc là gắn bó với Vùng D, với Trường Sa rồi.” - Trung úy Kim Chung, người có 13 năm ở trạm N90, sáu năm ở các đảo Phan Vinh, Sinh Tồn, Đá Đông tâm sự.         

Trên những đỉnh cao đầy gió, những con mắt thần đang canh gác cho Trường Sa thân yêu, cho những mỏ dầu, cho những ngư trường lớn, cho cả nước vui xuân.

MỚI - NÓNG