Mé Ban

Mé Ban
TP - Từ Hà Nội có một bến xe dành riêng đi Sơn La. Suốt buổi sáng, cứ nửa giờ lại một xe xuất phát. Những chiếc xe đẹp, sạch sẽ. Tôi đi trên chiếc xe nhỏ, thậm chí khó tin đó là xe khách chạy đường trường, hơn ba trăm cây số. Giá vé 78.000 đồng mỗi người.
Mé Ban ảnh 1
Cánh đồng Mé Ban. Ảnh: T.N.A

Đi lên mạn ngược tôi chẳng cần quan tâm lắm đến việc người ngồi bên cạnh mình cầm cái gì. Nhưng lúc quay về xuôi chắc không “vô tư” thế.

Một tờ báo mới đưa tin: Công an tỉnh Sơn La đã bắt được đối tượng L.Q.H, “một người nghiện ma túy nặng, đang ngồi trên xe khách có biển kiểm soát 26K-3113, tay cầm cuốn sách đã được cắt ruột tạo hộp đựng ma tuý: “Kiểm tra, Công an tỉnh Sơn La đã thu được 3 gói nilon heroin, có trọng lượng 265g, một điện thoại di động Nokia và một triệu đồng tiền mặt”. 

Con đường lên Sơn La được sửa chữa và mở rộng gấp đôi. Những khúc cua gấp ở đèo ít đi, thời gian dừng tránh nhau giảm hẳn, xe chạy nhanh và êm. Rừng cây bên đường tái sinh nhanh sau chủ trương cấm làm nương rẫy trên đồi có độ dốc cao. Xanh lại rồi. Màu xanh cây cối nơi nơi. Nóc nhà Tổ quốc được lợp. Nhưng, người đồng hành ngồi cạnh lại bảo: “Nghe nói một vài nơi người dân tái trồng thuốc phiện”.

Mọi người nói: “Ngày xưa từ Hà Nội lên Sơn La mà mất vài ngày!”. Bây giờ đi một buổi đã gần tới thị xã. Chiếc xe khách mini dừng lại giữa đường. Hai bên là những ngọn núi nhỏ cây cối xanh tươi, khí hậu trong lành. Nắng chiều vàng nhạt phủ cái bản nhỏ thấp thoáng sau ruộng ngô non.

Mấy người đang quây quanh chiếc xe máy ngã quay ngang giữa đường. Một thanh niên chừng 20 tuổi gầy gò da trắng bị khóa trái tay đang đứng nhăn nhó. Một thanh niên khác vùng lên, xô cái xe máy Trung Quốc, nhảy, rú ga, chạy. Có người cầm bộ đàm ném vào lưng anh ta, nhưng cũng có tiếng la: “Gọi bộ đàm! Gọi bộ đàm!”.

Cái xe máy vọt đi. Chiếc xe khách đầy người chạy cùng chiều cũng tham gia vụ đuổi bắt, nó tăng tốc lao theo. Nhiều người tặc lưỡi: “Xe to làm sao đuổi kịp cái đám mang thuốc phiện thuê ấy chứ!”.

Qua cao nguyên Mộc Châu đang hè mà lạnh quá. Tới Sơn La “lại nóng như Hà Nội!”. Càng lên cao càng nóng - đó là Sơn La, Điện Biên - những vùng chịu gió khô. Mọi người bảo: “Mộc Châu đang là điểm nóng nghiện ma túy”.

 * * *

Gặp một cán bộ ở tỉnh, chị bảo: “Mừng anh lên Sơn La”. “Hầu như chúng tôi chẳng ai không biết một người nghiện ma túy, chẳng trong gia đình thì trong dòng họ, chẳng nội thì ngoại, chẳng nội ngoại thì ở chỗ làm việc, chỗ công tác”. “Lúc nào cũng phải nghĩ”.

Chị tiếp chuyện đến tận lúc chiều muộn dù đang có thai đứa thứ hai. Chị nói: “Chẳng đâu xa, ngay trong nhà tôi, em chồng của tôi cũng bị nghiện, chú ấy đang cai nghiện lần thứ tư. Chúng tôi giữ chú ở nhà, chú ngoan lắm”.

Về nguyên nhân chị bảo: “Chú đi lái xe cho công trình, lâu lâu mới về, chắc là thị xã, nhớ nhà, với lại… hình như người yêu bỏ chú ấy”. Gia đình chồng chị buôn bán cũng có kinh tế. Chắc người thanh niên kia sẽ cai được, sẽ có người yêu mới.

Chị nói: “Theo kinh nghiệm của tôi, cứ nhà mặt phố càng to, nguy cơ con cái nghiện càng lớn”. “Buổi tối xem ti vi mục tin buồn, cứ đầu hai đầu ba qua đời vì bệnh hiểm nghèo hầu như cái chết trắng. Nghĩa trang của thị xã có khi rất nhiều vòng hoa trắng. Cái này nó lạ, nhiều khi con nhà giàu lại lăn ra trước, chích quá liều đấy”.

Tôi ghé Tỉnh Đoàn, một cán bộ trẻ cung cấp tờ tạp chí “Bản tin Tuổi trẻ Sơn La” số 2 năm 2006 in bài viết về phòng chống ma túy. “Ma túy thực sự là một hiểm họa cho gia đình và xã hội, 9.478 người nghiện trên địa bàn tỉnh Sơn La là vô cùng lớn nhưng đó mới chỉ là những số liệu thống kê được, còn con số người nghiện trên thực tế trong xã hội cao hơn rất nhiều, vậy mà tỉnh Sơn La đã có tỷ lệ số con nghiện trên dân số cao nhất cả nước…”.

“Theo số liệu được điều tra thì mỗi năm đối tượng nghiện ma túy làm thiệt hại khoảng 180 tỷ đồng, một số tiền không nhỏ đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Sơn La…”.

Sơn La có phong trào tố giác người nghiện. Mọi người đều nói: “Phần lớn tố giác đều đúng người. Hơn nữa các cơ quan chức năng còn dùng nhiều biện pháp để xác định chứ không dựa vào đơn tố giác không đâu”.

Một cán bộ Tỉnh Đoàn cho biết: “Tôi mới xuống công tác ở trại cai nghiện và gặp một thầy giáo hiệu phó. Thầy này vào tận trong Nam để cai, thành công trở về, thế nào lại tái. Bây giờ, tiếp tục vào trại của tỉnh để cai”.

Tôi lại nhớ một thông tin: Số giáo viên mắc nghiện, liên quan đến ma túy ở Sơn La cũng tăng khá nhanh, năm 2002 là 51, năm 2004 là 92, đến tháng 3/2005 lên tới 132”. Học sinh và đồng nghiệp có đến trại thăm thầy hiệu phó của mình không nhỉ?

“Ta gùi một gùi ngô nặng, xuống chợ đổi được một ít muối. Nó gùi một gùi nhẹ tênh, mua được bao nhiêu thứ!”. Một người cán bộ nói: “Dân bản than phiền như vậy”.

Nhiều người đồng ý mang giùm ma túy giao cho ai đó, bên chuyên môn gọi là “vận chuyển ma túy”. Bề ngoài đó là công việc chẳng mấy vất vả thậm chí không cần vốn liếng gì cả, nhưng kết quả nhiều người đưa ma túy cho kẻ khác lại đem ma túy về chính nhà của chính mình.

Các phụ huynh, một chị nói: “Trước đây chỉ lo cho con vào đại học. Bây giờ, phải lo làm sao nó đừng về cạy tủ, đừng bị còng tay”. Một người khác lắc đầu: “Không ai dám nói chắc. Mình phải theo dõi, để ý, hàng ngày”. Đấy là công việc của một số người vợ có chồng hay la cà cùng chúng bạn.

Phong trào tố giác người nghiện và nghi nghiện trong công sở là rất hay. Nhưng có chị tắc lưỡi: “Nghiện làm sao được! Tận mắt nhìn bao nhiêu cảnh như thế mà còn dám nghiện nữa à! Có còn là một con người nữa hay không!”.

* * *

Mé Ban ảnh 2
ĐVTN là lực lượng xung kích đi đầu trong nhiệm vụ triệt phá cây thuốc phiện. Ảnh:Tư liệu Tỉnh Đoàn  Sơn La

Phó chủ tịch xã Chiềng Cơ (giáp thị xã Sơn La) đồng thời là chủ nhiệm câu lạc bộ 03 (giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng). Ông nói: “chúng tôi có 8 bản, 4 tiểu khu. 160 đối tượng nghiện, cộng cả số nghi nghiện là hơn 300”. “Xã chúng tôi được chọn làm điểm của tỉnh, đã đưa đi cai nghiện 93 trường hợp”.  “Hiện chưa thấy có dấu hiệu tái nghiện, tình hình rất khả quan”.

Câu lạc bộ 03 do ông làm chủ nhiệm tháng sinh hoạt một, hai lần. Được cấp tăng âm loa đài, ngoài ra chưa có kinh phí gì cả. Câu lạc bộ chia những thanh niên nghiện ra năm nhóm, thi văn nghệ, thể thao, cầu lông, bóng đá, bóng bàn. Thanh niên của ông thích chơi trò Tó Má Lẹ, đặt quả má lẹ trên gối rồi búng đi.

Ông nói: “Chúng tôi là một xã nghèo. Muốn đưa nguồn này sang nguồn kia, nhưng mà khó quá”. Theo ông: “sẽ cho hội viên đi làm thuê gây quỹ vậy. Các cháu nó cũng không yếu lắm đâu”.

Câu lạc bộ có quy chế: “Ra ngoài 20 ngày phải báo cáo, nếu không được đồng ý không được ra ngoài”. Đã ba tháng, không ai tái nghiện. Nhưng cám dỗ rình rập thường xuyên: Công an đã bắt 3 ổ nhóm bán lẻ ma túy ở bản Là, bản Mé, bản Buổn và tiểu khu 3.

Người cán bộ này nói: “Dân chúng tôi ở miền núi mà hầu hết không có việc làm, đất ít. Các doanh nghiệp lấy đất nhiều rồi. Mỗi khẩu của chúng tôi chỉ có 360 m2 đất canh tác. Có bản như bản Là bản Pột thậm chí hầu như không còn đất canh tác. Núi dốc 15% theo quy định không cho làm rẫy nữa”.

Theo ông, số thanh niên không có việc làm chiếm khoảng 60%. Năm ngoái có mở một lớp đan lát 30 hội viên. Sau không bán được sản phẩm.

Quàng Văn Chăn làm phó bản Mé Ban. Bản anh gồm 153 nóc nhà mà có tới 60 người đã nghiện hoặc đã sử dụng ma túy.

Anh Chăn nói: “Xoong nồi chảo đi hết. Gà vịt mèo, cây cối nữa, không cánh mà bay. Đang nấu xôi, mất cả nồi. Bây giờ yên ổn rồi”. Anh Chăn làm bên an ninh trật tự, trong nhà có cái còng số tám. Nhưng... chính em trai của anh lại nghiện và buôn bán ma túy. Anh Chăn: “Không triển khai chương trình phòng chống ma túy bản tôi sẽ chẳng còn thanh niên nữa”. Em trai của Chăn đã chết.

Đưa chúng tôi vào thăm bản Mé là Luyến - dân quân xã. Thật ngạc nhiên khi cả người anh lẫn người em của Luyến đều nghiện hút. Cả hai người đang cai ở trại chưa về. Luyến nói: “Dạo trước ống tiêm chích vứt khắp bản”.

Người Mé Ban chỉ được 200 m2 đất canh tác cho mỗi khẩu. Một con số ít ỏi ngay cả với người miền xuôi trình độ thâm canh cừ khôi. Trong quy hoạch thời gian tới hầu hết đất đai canh tác của bản sẽ được lấy đi để xây dựng mở rộng thị xã. Thị xã cần được mở rộng. Nhưng như thế vùng ven càng khó khăn, thiếu việc làm, thanh niên dễ sa vào nghiện hút.

H sinh năm 1985. Chị lập gia đình năm ngoái, với Q. Chị biết Q nghiện. Nhưng vượt lên mọi lời can ngăn chị vẫn nhận lời lấy Q.

Chị nói: “Nghiện là do cái chợ cát. Anh ấy đi xúc cát. Ngày nào cũng thừa một ít tiền lẻ, chia nhau thì chẳng đáng bao nhiêu. Tụ tập rượu chè, rồi hút, chích”. Người vợ trẻ này nói: “Bây giờ em cấm! Đi châm cứu rồi, cai được rồi!”, “em nói gì cũng phải liệu mà nghe chứ”.

Nhưng rồi chị cũng bảo: “Cai xong, lại quay về chợ cát”. “Không thì làm gì, ở chỗ nào?”. Mỗi ngày xúc cát được vài chục nghìn.

Người Bí thư Đoàn xã nói: “Mé Ban có thể phát triển nghề trồng cây cảnh. Thanh niên vẫn lên rừng lấy cây hoa về bán rất rẻ”. Nhưng anh Chăn thì không nói gì.  Người Bí thư Đoàn chở khách ra thăm cái chợ cát. Chợ cát chỉ là một khoảnh đất bằng, người ta đổ cát xuống đó thành từng đống lớn. Ai có nhu cầu sẽ tới mua, lại xúc lên xe, chở đi. Cái chợ bán lẻ cát ở giữa phố núi Sơn La, như một phần của đời sống đô thị hóa nơi núi non hiểm trở. 

Trời lất phất mưa. Thanh niên đã tản mát đâu hết. Chúng tôi không gặp được chồng của H. Người bí thư Đoàn nói: “Đầu mối gây ra nghiện ngập chính là ở chợ cát này đây”.

Chúng tôi ra sau chợ cát chụp ảnh cánh đồng Mé Ban. Cánh đồng nằm trước bản, lúa chín vàng rực. Bên kia đồng là thị xã với những ngôi nhà xây lên từ cát mua ở chợ bên này…  

07/06

Ký sự của Trần Nguyễn Anh

MỚI - NÓNG