Mẹ của những đứa 'con dưng'

Mẹ của những đứa 'con dưng'
TP- Hễ nơi nào có trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, do mẹ chết sau khi sinh, hoặc sắp mất mạng về hủ tục, chị hị đều kịp thời có mặt để nhận các cháu về nuôi.

“Cho dù phải bán hết tài sản, mình vẫn quyết tâm nuôi các con nên người” - Đó là tâm sự của cựu nữ TNXP Y Chảy người dân tộc Jẻ-Triêng làng Măng Lon, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei (Kon Tum).

Hiện nay chị có ba người con nuôi, mỗi cháu  một hoàn cảnh éo le...

Nghĩa cử

Khoảng 12 giờ trưa ngày 4/8/1989, chị còn nhớ như in khi bà Y Ui người cùng làng Măng Lon hớt hải chạy đến nói không ra hơi: “Chảy ơi! Mày ra chỗ nhà rông Nú Kon mà xem kìa, thằng nhỏ sắp chết đến nơi, mày có cách gì giúp nó”.

Y Chảy đang ăn cơm, buông chén đũa chạy ra nhà rông làng Nú Kon (xã Đăk Môn), thấy một người đàn ông đang ôm thằng bé đã kiệt lả vì đói và đang trong tình trạng hấp hối ! Y Chảy lập tức giành bế thằng bé vào lòng.

Người đàn ông mặt mày rũ rượi, ôm mặt khóc kể lại câu chuyện đứt quãng: “Mình tên A Ram lấy vợ bên làng Tà Book (xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi), do hai vợ chồng mình cưới nhau chưa đầy một năm mà đã sinh con, nên bố vợ cho rằng như vậy là điềm gở, làm bà ngoại đau ốm.

Ông ngoại cho rằng vợ chồng mình đã gây ra tội lớn nên đuổi mình và thằng nhỏ ra khỏi nhà! Chẳng biết đi đâu, mình đến ở đỡ nhà rông này”.

Thấm thoắt đã 18 năm. Trước mặt chúng tôi bây giờ, A Trình - Đứa bé đỏ hỏn ngày nào giờ đã ra dáng một thanh niên vạm vỡ, khỏe mạnh. “Hồi đầu năm, chị đau ốm liệt giường, tưởng chết – Chị Y Chảy bồi hồi - A Trình đang học lớp 10 trường dân tộc nội trú huyện Đăk Glei liền vội về chăm sóc chị. Cháu chăm mẹ giỏi lắm. Nó cứ ôm mình mà khóc: “Mẹ chết, con và các em rồi biết ai nuôi”.

Thấy chúng tôi để ý bé gái có nước da trắng hồng, khác xa với các bạn cùng trang lứa đang đùa trước sân, Y Chảy nói nhỏ : “Mình đặt cháu tên Y U Sin. Mẹ đẻ cháu là Nguyễn Thị Thắm, người tận ngoài tỉnh Thanh Hóa cơ.

Hồi đó chị Thắm đang làm công nhân cho nông trường Đăk Ba, có bầu và sinh nở cháu xong thì nhất quyết không chịu nuôi con và bảo rằng “không đủ điều kiện chăm sóc”.

Sáng ngày 16/12/1995, có anh Trung người của nông trường chạy vào năn nỉ: “Chị Chảy ơi! Thắm đẻ con mà không chịu nuôi con, chị vào coi... nuôi giúp!”.

Ngày Y Chảy mang cháu về, cả nhà ai cũng vui vì gia đình có thêm một thành viên mới. Tôi hỏi: “Từ dạo đó đến nay mẹ cháu có hay vào thăm cháu không ?”.

“Trước đây có đến vài lần nhưng cách đây đã lâu không thấy đến nữa, mình cũng không dám nói, sợ cháu biết nó sẽ buồn ! Năm nay Y U Sin đang học lớp 6A2 trường xã Đăk Môn”.

Được coi là em út trong gia đình, người cùng làng Măng Lon với gia đình chị Y Chảy, đó chính là bé Y U Ni. Y Chảy kể lại, ngày cứu nó về nuôi đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn sợ!. Mẹ cháu là Y Xương, một tiếng đồng hồ sau khi sinh cháu (8 giờ sáng ngày 4/6/1999) thì qua đời do băng huyết.

Lúc Y Chảy có mặt tại nhà A Ban – Bố của cháu, bà con dân làng đã có mặt đông lắm. Mọi người đều thống nhất cho đứa nhỏ chết để chôn luôn cùng mẹ nó.

Nghe vậy, Y Chảy ra sức phản đối, chị bảo nếu giết nó chị sẽ báo công an bắt hết, ai giết trẻ em sẽ phải đi tù! Nghe vậy, nhiều người tỏ ra không bằng lòng. Chị quay sang hỏi hai bên nội ngoại của cháu bé: “Có ai nhận cháu về nuôi?”. Tất cả im lặng.

 “Nếu được già làng chấp thuận, đứa nhỏ sẽ là con mình, mình đưa nó về nuôi” – Chị cương quyết.

Trước thái độ mạnh mẽ của chị, mọi người phải nhượng bộ. Vài tiếng nói nhỏ: “Thôi để Y Chảy đưa về nuôi đi, đừng giết nó nữa” Thế là Y Chảy trở thành người đầu tiên trong xã Đăk Môn dám bước qua hủ tục có từ bao đời nay của người Jẻ-Triêng ở vùng đất này.

“Có khi nào anh A Ban đến thăm con mình không?” - Tôi hỏi. “Chưa! chưa một lần nó gặp hay hỏi thăm con hắn.

Có lần mình gặp và bảo: “Ban này, mày bớt chút thời gian đến thăm con mày chứ, để nó bớt đi nỗi buồn. Nó chẳng nói, chẳng rằng gì cả và cũng không đến.

Chỉ có ông bà ngoại của cháu vẫn thường xuyên thăm hỏi, cho quà cáp, giúp đỡ công việc nương rẫy. Bây giờ A Ban đi “bắt vợ” mới rồi và đã có thêm hai đứa con gái”.

Hiện nay, cháu Y U Ni đang học lớp 2 trường tiểu học Đăk Môn. Chị Y Chảy khen mãi về đức tính hiếu thảo, siêng năng của Y U Ni. Bây giờ ngày lên rẫy, chiều trở về sẽ có “cơm ngon, canh ngọt” nhờ vào bàn tay khéo léo của U Ni tự làm lấy.       

'Bà mụ vườn' mát tay

Trong huyện, ngoài xã mỗi khi có phụ nữ nào mang thai mà đẻ khó, họ đều tìm đến chị Y Chảy. Chị lật giở những trang nhật ký về tên, tuổi của các nữ sản phụ danh sách dài dằng dặc.

Tôi đếm sơ sơ phải hơn ... 125 người! Hầu hết những chị em này được chị đỡ đẻ an toàn. Tiếng lành đồn xa nên việc đỡ đẻ của chị ngày càng bận rộn. Đang nói chuyện với tôi, lại có người tận xã Đăk Nhoong đến nhờ chị giúp đỡ đẻ.

Biết đỡ đẻ là nhờ hồi đi TNXP hỏa tuyến chị được bộ đội dạy cho, bất kỳ ở chiến trường hay hậu cứ, khi có chị em nào sắp vượt cạn, chị đều có mặt giúp đỡ.

Những năm 1970, chị luôn sát cánh cùng quân chủ lực đánh các trận nổi tiếng ở Đăk Pek, Đăk Pao, Đăk Sút... Những năm tháng ác liệt, chị vẫn ngày đêm tải đạn mặc cho bom rền đạn nổ, tiếp tế lương thực cho bộ đội một cách an toàn.

Một thời gian dài, đội TNXP của chị còn được cử đi làm nhiệm vụ tận dưới tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng. Sau đó chị được rút về làm cấp dưỡng tại văn phòng huyện H40 (huyện Đăk Glei bây giờ).

Sau giải phóng, chị là những người đi tiên phong về xây dựng nông trường Đăk Ba, xã Đăk Môn ngày nay.

Cho dù kinh tế gia đình chị Y Chảy đang khó khăn trăm bề, nhưng bằng tấm lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, người nữ cựu TNXP đã dám vượt qua “lời nguyền” hủ tục để chở che những sinh linh bé nhỏ, nuôi dưỡng và cho các cháu ăn học nên người, điều chưa từng có ở tỉnh cực bắc Tây Nguyên.

MỚI - NÓNG