Mẹ khuyết tật của 75 thành viên bất hạnh

Mẹ khuyết tật của 75 thành viên bất hạnh
TP - Từ chỗ chỉ có thể di chuyển bằng đôi tay, chị Đặng Thị Ngọc Ánh (40 tuổi) đã mở một cơ sở (Cty Tâm Thiện – 54B Hồ Xuân Hương – TP Đà Nẵng) để cưu mang 75 đứa trẻ khuyết tật, bất hạnh.

Không những thế, chị còn là VĐV cầu lông, bơi lội từng giành nhiều HCV tại các kỳ đại hội thể thao dành cho người khuyết tật.

Mẹ khuyết tật của 75 thành viên bất hạnh ảnh 1
Ngọc Ánh (áo vét sẫm) và các thành viên tật nguyền

Lang thang mưu sinh trên... đôi tay!

Năm 1985, tròn 16 tuổi, Ngọc Ánh đã bỏ nhà vào Nam để học nghề may khi chỉ còn 20 phần trăm sức khỏe và chỉ có thể di chuyển bằng đôi tay. Gia đình nghèo khó với bảy anh chị em của Ánh (ở phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng như chới với theo... 

Không người quen, không chỗ ngủ, Ngọc Ánh lần mò đi kiếm việc làm từ lau chùi nhà, rửa chén bát thuê, làm Ô sin để được ngày hai bữa cơm. Một chủ tiệm may nhận cô vào làm công việc cắt, bấm chỉ. Không ai ngờ cô gái khuyết tật lại có năng khiếu cắt may, để rồi chủ tiệm may nhận cô chính thức để truyền nghề.

Đến nay Ngọc Ánh giành được tổng cộng 21 huy chương vàng và gần 40 huy chương bạc ở nội dung cầu lông và bơi lội.

Di chuyển đã khó, học may càng khó khăn gấp ngàn lần. Đôi chân yếu ớt khó để có thể đạp nổi bàn may.

Năm 1998, Ngọc Ánh trở về Đà Nẵng, mở cơ sở may Ngọc Ánh và âm thầm đi khắp thành phố và các tỉnh lân cận để tìm các em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, nhận về để dạy nghề. Ban đầu chỉ thu nhận được 23 em chủ yếu trên địa bàn thành phố.

Ngọc Ánh bắt đầu tập luyện để phục hồi chức năng cho chính mình bằng cách tập bơi và đánh cầu lông. Bãi biển trở thành sân tập của Ánh, bất kể nắng mưa. Từ việc phải di chuyển bằng tay, chị có thể đứng lên bằng đôi nạng gỗ, nẹp chân.

Năm 2005, trong một lần tập cầu lông ở bãi biển, Ngọc Ánh lọt vào mắt của một HLV cầu lông và được mời tham gia đại hội thể dục thể thao toàn quốc dành cho người khuyết tật tổ chức tại Huế.

Thật bất ngờ Ngọc Ánh mang về cho đoàn Đà Nẵng tấm huy chương vàng nội dung cầu lông đơn và huy chương bạc bơi lội. Cũng từ đó Ngọc Ánh trở thành vận động viên Paragames của đội tuyển Việt Nam và có thêm biệt danh: “Ánh quả cầu bò” bởi mỗi lần thi đấu Ngọc Ánh phải di chuyển bằng cách bò giữa sân để đánh cầu.  

Đến nay sức khỏe của Ngọc Ánh tăng lên 41 phần trăm và cáng đáng toàn bộ công việc của cơ sở may.

Mẹ của 75 trẻ

Năm 2004, ngôi nhà của chị phải chứng kiến nỗi đau khi lần lượt Lê Thanh Hùng (16 tuổi) và Lê Văn Hùng (26 tuổi) ra đi bởi cả hai đều mắc chứng bệnh não. Năm 2007, Trần Thị Thuý Hoàn (27 tuổi) qua đời vì di chứng dioxin.

“Giá như mua được bảo hiểm và được chữa trị kịp thời, chúng không phải sớm ra đi như vậy!”. Chị nhiều lần xuống địa phương để mua bảo hiểm nhưng đến đâu cũng nhận được câu trả lời: “Bảo hiểm chỉ dùng cho người khuyết tật nghèo!”.

Năm 2005, cơ sở may Ngọc Ánh được đổi tên thành Cty TNHH Tâm Thiện với 46 thành viên, hầu hết bị khuyết tật.

Đến nay công ty của Ngọc Ánh có tới 75 thành viên trong đó có sáu em bị khiếm thị, 12 em bị câm, số còn lại đều có mức thương tật từ 65 – 90 phần trăm. Tất cả đều gọi Ngọc Ánh bằng mẹ.

Ngọc Ánh phải lặn lội khắp nơi để gọi các con về. Từ Vĩnh Phúc, Hưng Yên cho đến Gia Lai, Nha Trang. Nghe ở đâu có trẻ tàn tật, chất độc da cam là Ngọc Ánh đều tìm đến để vận động gia đình và các em về trung tâm để dạy nghề và tạo việc làm miễn phí.

Vốn liếng đều một mình chị xoay xở và cáng đáng, từ chi phí ăn ở, đi lại cho các con và tìm mối đặt hàng cho công ty. “Mở công ty không phải ham gì danh lợi mà chỉ để là cơ sở pháp lý cho việc tìm mối và tiêu thụ sản phẩm của các cháu dễ mà thôi.

Những ngày đầu lập công ty cũng khó khăn đủ bề, xin mãi mới được cấp đất và giảm thuế. Đi đâu nghe người khuyết tật làm kinh tế, người ta đều ngại” - Ngọc Ánh nói.

Công việc hàng ngày của Ngọc Ánh bắt đầu từ sáng sớm, chăm lo cơm nước ăn uống cho các con và kết thúc lúc các con an giấc ngủ. Tất cả chi phí ăn uống và sinh hoạt hằng ngày đều tự chị bỏ ra.

“Tụi nhỏ đây đều con nhà nghèo hoàn cảnh khó khăn cả. Trước đây địa phương có hứa cấp đất hỗ trợ để xây dựng nơi ăn chỗ ở cho các cháu nhưng mỏi mắt chờ mãi mà không thấy” - Ngọc Ánh nói.

Hiện tại, tất cả thành viên công ty đều thành thạo việc may mặc và có thu nhập từ 600.000 - 900.000đ/tháng.

MỚI - NÓNG