Mỗi sáng một chuyến tàu

Minh họa: Trương Phương Hoa.
Minh họa: Trương Phương Hoa.
TP - Truyện ngắn dưới đây của Trần Nguyễn Anh có âm hưởng của một tiếng thở dài. Toàn bộ không gian và con người, đoàn tàu và bình nguyên đều chìm trong hoài niệm. Một chút lưỡng lự, một chút e dè, thế là cả một mối tình từ từ trôi vào dĩ vãng. Nhưng, có lẽ vì thế, tất cả dường như còn sống mãi với thời gian.L.A.H

Mình sẽ chờ bạn cho tới chuyến tàu cuối cùng của mùa hè này”. Đôi khi Hạt nghĩ đó chỉ là lời nói đùa của Nguyệt thôi. Tại sao không phải chờ đợi mãi mãi mà chỉ là cuối cùng? Muộn một chuyến tàu mà mất hết hay sao? Hạt không tin. Họ đã chờ đợi nhau qua những mùa hè đầy sao đêm mòn mỏi câu hò, những ngày nắng đỏ lửa, cây cối xác xơ. Một buổi chiều, trong bảo tàng cũ kỹ, anh nói với nàng: “Hè này mình sẽ lên nhà Nguyệt và sẽ nói chuyện với bố mẹ”. Nguyệt bảo: “Nhớ nhé, đừng quên, Hạt”. Rồi mùa hè năm ấy đi qua, mùa hè năm sau cũng đã đi qua. Những ngôi sao sáng trên cao kia vẫn đứng đó, chờ đợi những bước chân của chàng đi vào cái ngõ xanh mướt những cây tre cao vút và đầy tiếng chim. Ôi những mùa hoa cứ lụi tàn cuối chân trời.

Nhà họ không ở xa, cách một con đèo và những nông trường thôi, một con suối Kiền Kiền và một mặt trời đang đi vào giấc ngủ cuối ngày. Những cơn gió thổi qua đầu nhau, những cơn mưa đi chậm hơn dòng suối. Mùa xuân, rừng già đầy sương, các vị thần tiên chơi cờ cười vang trên đỉnh núi cao mây phủ trắng. Con đường nhỏ chở trên mình đầy chuối và dứa, những chiếc xe lầm lụi nối đuôi nhau đôi bữa chở cả những thùng súng đạn.

Mỗi lần từ thành phố về nhà, nàng đều đi qua cửa nhà chàng, cái ngõ có hàng cây xoan quả chín trên cao. Một quán nước nhỏ bà nội già cặm cụi với cuốn sổ ghi nợ mấy anh lính đã ra quân tự lúc nào. Trên những chuyến xe lắc lư, nó chở ti vi đen trắng và những chiếc radio thay vì những cây gỗ còn thơm phức như lúc nó về xuôi, Nguyệt muốn nói bác tài dừng lại để vào thăm nhà người bạn học. Ngần ngừ, nàng muốn chờ bạn thực hiện lời hứa trước. Bác tài lại đánh xe đi, lắc đầu ngán ngẩm. Nàng về nhà, chờ anh ở cuối con đèo kia, trong cái ngõ xanh biếc. Mẹ bảo: “Làm gì như mất hồn thế hả?”. Từng ngày của mùa hè đến, theo bước chân mặt trời, rồi qua đi khi mặt trời thấm mệt sau cây đa cổ thụ trên dãy Trường Sơn.

Mọi thứ rồi sẽ đi qua chứ, tuổi trẻ, danh vọng, những niềm vui, cả nỗi buồn nữa… chẳng có gì là vĩnh cửu cả. Ấy thế mà có một chuyến tàu đã không bao giờ đi qua.

27 năm sau. Họ gặp lại nhau bên hồ nước xanh biếc trước một ngôi đình. Quán nước nhỏ vắng lắm, bà của anh đã qua đời từ lâu và quán nước xưa đã không còn ai bán. Thành phố phồn hoa cũng chẳng liên can gì tới một con đèo đầy hoa. Họ ngồi bên nhau mà chẳng nói gì, chẳng có công việc gì, chẳng dự định cũng chẳng quá khứ, trong một buổi chiều, họ chỉ nói những câu bâng quơ để chờ đến lúc chia tay không hẹn ngày gặp lại. Hạt bảo: “Mình có một người đàn anh bảo rằng điều tối kỵ là gặp lại người yêu cũ, điều đó đem đến sự thất vọng và đổ vỡ của một giấc mơ dài. Cái gì thuộc về quá khứ thì không bao giờ thuộc về hiện tại”. Nàng lắc đầu: “Người yêu cũ? Quá khứ?”. Anh đính chính: “Bạn cũ”.

Anh chưa bao giờ nói với Nguyệt rằng anh đã yêu và mãi mãi yêu. Nguyệt có lẽ cũng chẳng bao giờ nói ra điều đó. Cơ hội chỉ đến với họ có một lần, chao ơi, một cuộc đời chúng ta chỉ có một cơ hội thôi sao? cho một chuyến tàu. Một chuyến tàu không bao giờ chạy nữa. Họ chắc chắn đã là bạn và mãi mãi là bạn, bạn tốt của nhau. 

“Mỗi buổi sáng đều có một chuyến tàu – nàng nói – Mình vẫn chờ đợi, cho đến khi con tàu lại về xuôi”. Con tàu sẽ đi qua nhà nàng, từ trên đồi cao, nàng thấy con tàu gỗ nhỏ với vài ba toa chở khách len lỏi giữa những rừng cao su và cà phê. Nó vào ga, người xuống kẻ lên. Tàu nằm chờ khách đi chơi ở phố núi, tới trưa, họ lục đục lên tàu để về xuôi. Theo hẹn, một người từ sân ga nhỏ ấy đi bộ qua cánh rừng cà phê và tới cái ngõ đã được quét dọn sạch tinh từ sáng sớm. Trong nhà, một ấm trà pha sẵn, ngoài vườn, những hoa trái treo trên cây. Mẹ bảo: “Bạn của con vẫn chưa lên à? Thôi, quên nó đi”.

Rất nhiều người tới với Nguyệt. Nàng kể lại với chàng, đó là những thầy giáo, cán bộ huyện, bác sĩ và cả doanh nhân nữa. Tiếp không xuể đâu, người nào cũng muốn làm quen cô sinh viên vừa tốt nghiệp đại học đang muốn kiếm một tấm chồng cho bố mẹ mừng chứ. Nhưng tất cả đều tới vào buổi tối. Còn sáng mai, khi con tàu gỗ từ dưới xuôi chạy lên, hừm, nó vẫn chạy mỗi ngày một chuyến đó chứ.

Thật khó tin, nhưng họ đều nghe tin rằng bạn của mình đã có người yêu. Cuối cùng, chuyến tàu nàng chờ chẳng bao giờ tới và rồi theo tháng năm và sự phát triển của đường bộ, tuyến tàu chở khách cũng bị hủy bỏ chỉ dành cho tàu chở gỗ đá. Cuốn sách nào cũng đến trang cuối cùng và bài hát nào mà chẳng tới câu kết, huống hồ một chuyến tàu sớm mai.

Chính Nguyệt đã tìm Hạt khi nàng ra thành phố, khi ấy nàng đã có gia đình và nàng ngạc nhiên khi người bạn tốt của mình vẫn độc thân với đám bạn bè suốt ngày sáng tác, hát hò và làm thơ. “Mình cứ nghĩ bạn đã lấy vợ lâu rồi!”. Nàng nói không rõ mình vui hay buồn. Biết nói làm sao nhỉ, Hạt cùng nàng đi ăn trưa ở một cái quán rất nóng và đông người gần đền Hai Bà Trưng. Họ không nói gì về chuyến tàu bị bỏ lỡ. Không, thực sự họ đã và đang là bạn tốt của nhau. Chuyến tàu ấy đã chẳng bao giờ đi đến ga.

27 năm sau, trong một quán nước nhỏ vàng ánh nắng chiều, thật bất ngờ sau nhiều năm xa cách, Nguyệt vô tình nhắc đến chuyện tàu xe năm xưa. “Hồi ấy, ở quê tớ, mỗi sáng có một chuyến tàu”.

***

Bà nội là người hiểu cháu mình hơn cả. Bà nói: “Hãy kể cho bà nghe. Cô ấy là người thế nào? ở xa đây hay không?”. Trắng trẻo, khuôn mặt hơi bầu, rất ít nói, quá ít nói, chẳng nói gì cả. Nếu bà muốn, bạn ấy sẽ xuống thăm bà vào ngày mai. Chàng tâm sự với người duy nhất trong nhà. Bà mỉm cười: “Con hãy lên thăm bạn ấy ngay đi”. Bà lại bảo: “Vào dịp hè, những chuyến xe chở sinh viên về quê, bà thường thấy một cô bé nhìn vào nhà ta từ ô cửa đầy bụi. Khuôn mặt cô ấy khá tròn, đôi mắt đen mở to. Bạn học của con?”.

Bà nội mua cho chàng một bộ quần áo mới, áo ngắn tay, một cái quần tây. “Bà gửi cho Nguyệt 5.000 đồng”, bà dúi tiền vào tay đứa cháu như thể bắt buộc nó phải rời khỏi nhà ngay lập tức lên chuyến tàu sắp sửa vào ga. Chàng ngần ngừ, lưỡng lự muốn ở nhà: “Con chưa bao giờ đi một chuyến như thế này. Con không biết phải ăn nói thế nào”. Ai cũng như vậy cả thôi, bà động viên.

Ga tàu nhỏ nằm bên khe Kiền Kiền, từ đây lên nhà người bạn học chỉ vài chục cây số thôi. Con tàu sẽ đưa chàng tới nơi hẹn, chàng sẽ thực hiện lời hứa của một mùa hè nào đó như còn nguyên mùi nắng gió và cát bên sông. “Có lẽ Nguyệt đã quên lời mình từng hứa lên nhà bạn ấy, nhưng mình vẫn sẽ đi. Lần này quyết sẽ đi, chẳng có gì mà phải ngại cả. Mình sẽ lên và mình sẽ nói với Nguyệt điều gì đó mà hiện giờ mình còn chưa nghĩ ra”.

Mười phút nữa tàu sẽ tới nhé mọi người. Nhân viên bán vé đưa cho Hạt chiếc vé nhỏ viết chi chít chữ bút bi. Cô là mẹ người bạn thân của Hạt, hỏi dò: “Cháu đi chơi một mình thôi hả? trưa lại về hay mai? Này, đi thăm người yêu à?”. Trời ạ, yêu đương gì, chưa biết nói lời đó bao giờ đâu cô ơi. Cháu đi chơi, cháu đi thăm nông trường. Chàng đỏ mặt, xốc lại cái ba lô đựng vài cuốn sách. “Cho cô mượn một cuốn, trưa về cô trả”. Hạt lấy từ ba lô ra cuốn tiểu thuyết đưa cô rồi lên tàu. “Cô hỏi nữa, mình không biết trả lời sao”-  chàng mừng thầm trong bụng.

Con tàu bằng gỗ, những chiếc ghế gỗ đã sờn, nhưng thích nhất là được đứng nơi lan can đầu toa, gió thổi lồng lộng và mùi hương thơm rừng núi ngây ngất. “Mình sẽ đón Nguyệt xuống nhà chơi, hai đứa sẽ đứng chỗ này nói chuyện cùng nhau”.

Ai đó nói chuyện: “Ga này, thời chiến tranh bom đạn ác liệt, có bữa đoàn tàu trúng bom, văng ra cả toa chở đầy sữa hộp”. Trên trời máy bay địch thả bom, quanh ga, những trận địa pháo ta bắn lên, bảo vệ cho đoàn tàu trúng đạn vẫn chạy tiếp vào khe núi. Chàng nhìn thấy những toa tàu hỏng nằm cuối sân ga. Tạm biệt nhé, tôi đi thăm bạn thân đây.

Con tàu gỗ chỉ có vài toa thưa khách, mọi người chạy tới chạy lui. Mấy người nhân viên túm tụm trò chuyện. Bọn trẻ đu mình trên chiếc ghế gỗ. Vài người bán hàng rong mời món kẹo kéo và cả nước chè xanh. Chàng ngoái lại nhìn cái ngã ba nhỏ nằm dưới chân rặng núi xanh biếc, không hiểu sao mỉm cười một mình. Hẳn bà nội biết mình đang đi thăm bạn, giữ lời hứa đã lâu. Bà mong trưa nay, khi chuyến tàu trở về, sẽ không chỉ đem theo một đứa cháu của bà mà cả bạn học nó nữa, cái đứa thường nhìn vào nhà mình qua ô cửa xe khách đầy bụi mỗi dịp hè.

Có tiếng reo hò ầm ỹ, hóa ra cả mấy con chim bay lạc vào toa tàu. Chúng đuổi theo nhau hay đuổi theo đoàn tàu mà lạc vào tay bọn nhỏ. Tiếng chim hót lảnh lót, chúng không sợ hãi mà sung sướng khi bọn nhỏ vây đuổi. Những người buôn cá thu nướng vẫn ngồi khoanh chân trên ghế nói với nhau một câu chuyện gì đó ra vẻ nghiêm trọng còn những người già nhai trầu không mỏi như thể vị hiền triết cố tìm ra bản chất của tự nhiên.

Chàng chẳng thấy gì cả đâu, con tàu vượt đèo lọt thỏm giữa hai vách núi dựng đứng phơi đầy đất đá đỏ vàng. Hạt nhớ bố của mình một lần chở con đi học trường chuyên ở huyện bảo rằng đường tàu này vốn là một con kênh đào từ thời Hồ Quý Ly. “Sự nghiệp ngắn ngủi của Hồ Quý Ly khiến con kênh đào dang dở, nếu không, có thể nơi đây đã trở thành thành quách của nhà Hồ”. Núi non hiểm trở khiến Hồ Quý Ly muốn đào một con sông nhân tạo để xoay đổi tự nhiên khiến vùng đất hiểm yếu trở nên thuận tiện lưu thông, nhưng điều đó không xảy ra. Nhà Hồ trị vì ngắn ngủi nên mọi công việc của họ đều dừng lại ở nơi mới bắt đầu.

Con tàu qua khe núi và tiến lên đỉnh đèo với những ngọn núi chất ngất nơi chứa đựng câu chuyện thần tích về các vị tiên chơi cờ trên đỉnh núi cao. “Trên đỉnh núi kia có bàn thờ tiên, vào những ngày đẹp trời, các tiên thường chơi cờ trên đó”. Mọi người nhoài mình ra cửa cố nhìn lên những ngọn núi cao, kết luận: “Đúng là sướng như tiên”. Một cuộc sống vui vẻ giữa đám mây, bên bàn cờ không cần phân thắng bại, bỏ mặc mọi lo âu muộn phiền dưới chân núi của chúng con.

***

“Tàu sắp vào ga!” - Tiếng nhắc nhở vang lên từ cuối toa cho mọi người chuẩn bị hành lý. Chẳng có hành lý gì cả. Mọi người đều đi tay không, một chuyến đi chơi phố núi, những người phụ nữ cẩn thận cắp theo chiếc nón mới. Hạt xuống ga, tay cầm cuốn sách vẫn chưa mở trang nào.

Hạt đi giữa bạt ngàn những đồi cà phê xanh biếc, xa xa là những rừng cao su, những đồi cam vô tận. Xa xa nữa, các thị trấn nông trường nho nhỏ với con đường đỏ au chạy miên man. Mùi rừng cà phê, hương cam ngây ngất những đàn ong tìm mật. Dòng sông, nơi nước khe Kiền Kiền đổ về đây, đượm phù sa. Từ trên đồi cao, chàng nhìn thấy ngôi nhà xinh xinh của Nguyệt ngay ngắn nằm sau vườn hoa đồng tiền.

Anh dừng lại dưới gốc cao su, nhìn ngôi nhà mới sơn trắng nổi bật giữa màu xanh ngút ngát. Anh đã mơ ước biết bao lần sẽ bước chân vào cái ngõ kia, như bạn anh vẫn mong bước vào ngõ của nhà anh vậy. Nơi đó có bố mẹ già, có những đứa em.

Mọi người đều biết tên anh qua câu chuyện của Nguyệt, một bữa cơm trưa sẽ dọn ra cho chàng. Anh sẽ nói những điều gì đó về một ngày mai, một tương lai và những dự định của anh với nàng. Mọi người sẽ nhận xét, sẽ góp ý và biết đâu đấy, mẹ sẽ phản đối hay một đứa em sẽ khóc òa lên. Cũng có thể, chàng sẽ chẳng biết nói gì. Chàng chưa bao giờ chuẩn bị cho mình một câu chuyện về hạnh phúc, về một giấc mơ sẽ thành hiện thực bằng cách nào và như
thế nào?

Hạt ngồi dưới gốc cây cao su, tự nhủ: “Mình đã 21 tuổi rồi, mình chẳng còn bé bỏng gì nữa, mình phải biết nói gì vào lúc này chứ. Chẳng nhẽ im như hạt thóc cho đến lúc trở lại ga tàu?”. Hãy quyết tâm, hãy nói một điều gì đó thật là hay và thật đúng chỗ. Mình sẽ làm được. Mình tin mình sẽ làm được.

Hạt thích xem bóng đá, chàng biết nhiều người mong đợi được nhận trọng trách đá luân lưu ở loạt cuối cùng để giành chiến thắng và trở thành người hùng, nhưng rất nhiều người hùng lại từ chối hay đúng hơn là không dám nhận quả bóng ấy. Chẳng có ai ở trong rừng để cỗ vũ cho chàng đứng lên chấm phạt đền. Những con chim ríu rít trên cao, những dòng suối ầm ỹ vô nghĩa và cả những cơn gió tự đâu đó mát lịm khiến chàng bối rối.

Có ai đó ra sân, đi trên cái ngõ nơi lưng đồi. Nguyệt đi tới đi lui, dáng vẻ vừa nhanh nhẹn vừa ngập ngừng. Bạn ấy sắp đi đâu ấy nhỉ? Bạn ấy đợi ai thì phải? có cần thiết phải đi lại như con thoi trong cái ngõ giữa rừng cà phê như thế không? Hỉnh như Nguyệt đang nhìn lên phía sân ga tàu. Chết thật, Nguyệt đã nhìn thấy mình chưa nhỉ? Hy vọng là chưa. Hạt nấp sau những cây cao su được trồng từ thời Pháp thuộc. Chàng vẫn cố nghĩ ra một bài nói, một bài diễn thuyết chăng, hay đơn giản chỉ là lời tâm sự bộc bạch, về bản thân mình, về lý do và mục đích của chuyến viếng thăm mà mình nhiều lần lỡ hẹn.

Nguyệt và Hạt đều học hành về văn chương. Họ đã viết những sáng tác đầu tay của mình. Nhưng chưa bao giờ họ nói với nhau hay viết một cái gì cho nhau. Mỗi bận gặp, chỉ là một nụ cười bâng quơ, một vài câu hỏi vô nghĩa. Nguyệt nhận được khá nhiều hoa quà tặng từ các bạn học khác, nàng chẳng biết phải từ chối như thế nào nên đều nhận và quẳng chúng vào sọt rác. Còn chàng, chưa bao giờ tặng nàng dù một bông hoa, chàng không biết mình sẽ nói điều gì và làm gì cho khác với những người bạn kia. Có thể chàng vụng về trong thể hiện, cũng có thể tình cảm của chàng lớn hơn là một món quà và những lời nói ngọt ngào lúc hoàng hôn.

Chiếc đồng hồ nhắc nhở Hạt về chuyến tàu. Chàng vui vẻ trở lại sân ga, như được giải thoát khỏi một tảng đá nặng khổng lồ. Chàng lên con tàu gỗ và nhận ra mình đã hoàn toàn bị đánh mất ngôn ngữ. Hình như người ta đánh giá rất cao ngôn ngữ, bởi “khởi thủy là lời nói”, nếu anh chưa thể nói thì mọi thứ đều bế tắc và dang dở. Chàng đã không thể tìm được ngôn ngữ của mình để mà bước vào ngôi nhà thân yêu kia.

Nguyệt chẳng bao giờ biết câu chuyện về chuyến tàu năm ấy, rằng người bạn tốt của mình đã đứng nhìn mình từ rừng cao su trước nhà, như mải mê ngắm bức tranh cổ tích. Tay anh ta cầm 5.000 đồng bà nội gửi cho Nguyệt, đôi mắt nhìn vào chiếc kim đồng hồ đang tiến về điểm giờ tàu rời sân ga. 

“Hạt là người không giữ lời hứa, hoặc là Hạt không coi trọng lời hứa với Nguyệt”. Mãi mãi Hạt không bao giờ tiết lộ về chuyến tàu sớm đi giữa rừng hoa. Rằng chàng đã từng lên tàu, như lời hẹn, để rồi không thể diễn đạt gì về những suy nghĩ của mình sáng hôm đó, cho tới khi tàu nổi hồi còi rời sân ga. Chàng đã đánh mất ngôn ngữ mà không biết phải tìm nó từ đâu. Hạt cũng không biết sự kiên nhẫn của bạn mình cũng có giới hạn và sự im lặng của chàng chẳng khác gì dấu chấm hết cho một người lỗi hẹn.

27 năm sau, Nguyệt bảo: “Có lẽ mẹ cũng chẳng còn nhớ tới lời hẹn của Hạt mùa hè năm ấy nữa đâu”. Chàng chỉ biết nói rằng: “Xin lỗi mẹ nhé. Hôm ấy mình bị nhỡ tàu. Ngày hôm sau, mình đi xa để nhận công việc được phân công khi ra trường”.

Không, Hạt không chỉ nhỡ một chuyến tàu đâu, anh đã nhỡ nhiều thứ còn lớn hơn một chuyến tàu. Cô bán vé đón anh ở cửa để trả cuốn tiểu thuyết: “Cháu đi chơi vui không? Có gặp được bạn cháu không?”. Chàng thật thà đáp: “Chán quá, cháu chẳng gặp được ai cô ạ, cũng chẳng đi chơi được đâu, cháu bị lạc trong rừng. Cháu đã đi lạc mất rồi cô ạ”.

Nhiều năm sau, ngẫm lại, Hạt mới biết điều mà chàng muốn nói với mẹ của bạn mình thật đơn giản thôi: “Con muốn ở lại đây, suốt cả cuộc đời và chẳng bao giờ đi đâu nữa! Chắc chắn như vậy”.

Nhưng, chàng đã không thể nói được những lời ấy, khi sau lưng chàng vẫn liên tục vọng vang những tiếng còi tàu. Rồi chàng trở lại chính cái ghế gỗ đã tróc sơn. Đón vị khách cuối cùng, con tàu nhỏ cắt còi rồi chạy mất hút vào giữa những rừng cam bất tận, bên ô cửa, chàng thấy thấp thoáng một ngôi nhà nhỏ nhắn nằm sau những luống hoa đồng tiền.   6/2018

 
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.