Môn phái Thái Cực Trường sinh và chuyện của những người “chết đi sống lại”

Môn phái Thái Cực Trường sinh và chuyện của những người “chết đi sống lại”
TPCN - Ông Song Tùng cũng không ngờ sẽ được truyền thụ TCTS trong một chuyến về quê sau thời gian chiến đấu tám năm ở các chiến trường rừng núi Việt Nam, Lào và Campuchia.
Môn phái Thái Cực Trường sinh và chuyện của những người “chết đi sống lại” ảnh 1

Chưởng môn đầu tiên của Thái Cực Trường sinh đã kể lại duyên kỳ ngộ này, một câu chuyện có hơi hướng “rừng xanh truyền đạo”.

Cơ duyên với Thái Cực trường sinh

“Năm 1954, chiến tranh kết thúc, tôi mới 33 tuổi nhưng mang trong mình nhiều bệnh hiểm nghèo: Sốt rét kinh niên, kiết lỵ, đau dạ dày, viêm gan, ruột, vv.. Đặc biệt cột sống bị vôi hóa.

Trở về thăm quê sau nhiều năm xa cách (làng Đan Nhiễm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) tôi đi thăm người thân bạn bè, trong đó có cụ Hoàng Đình Thực, đậu 3 khoa tú tài 1912, 1915 và 1918, là thầy học đồng thời là anh ruột của mẹ tôi.

Tôi kính trọng thầy như cha của mình, ông không những dạy vỡ lòng chữ Hán cho tôi từ năm 1928 mà còn là một vị tiêu biểu về đạo đức, mô phạm, tiết tháo của các vị  lão Nho; ông vừa uyên bác về Nho học, vừa là vị lương y, nhà lý số nổi tiếng.

Ông mặc áo dài khăn đóng, đón tôi ở cổng. Tôi cúi  đầu chào: “Thưa thầy, xa thầy 10 năm. Hôm nay con hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao phó là nhờ công lao của thầy. Con xin cám ơn thầy và chào thầy để đi nhận công tác mới”. 

Thầy chấp tay đáp lễ: “Thầy cũng cám ơn con. Thầy theo dõi hoạt động của con suốt 33 năm, chờ đợi có ngày hôm nay để giúp con một việc. Đó là cơ duyên định sẵn. Con có thể ở nhà được một tháng không?”. “Thưa thầy, chỉ được 15 ngày, con phải ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới”.

Sau một phút suy tư, ông nói với tôi: “Đây là cơ duyên, ta sẽ chữa bệnh cho con và truyền lại môn tu luyện, vì chỉ có một mình con là ta và thầy con (tôi gọi bố tôi bằng thầy) đã lựa chọn”.

Sau khi tôi tiếp thu lý thuyết cũng như luyện tập, tôi từ biệt thầy; phút chia tay thầy nắm lấy tay tôi bịn rịn: “Ta truyền lại cho con chưa đầy đủ vì ta cũng chỉ biết có thế.

Ngài Đan Sơn Đạo Sư là sư phụ của cả ta và con. Sinh giờ Tuất ngày 13/5 Kỷ Mão (5/6/1819) đậu Hoàng Giáp chế khoa, là cố nội của con. Công lao và sự nghiệp của Ngài được ghi vào bia đá ở Nhà thờ tại làng Đan Nhiệm”.

Từ hôm đó bắt đầu học tập ở nơi rừng xanh yên tĩnh, tôi vừa học kinh dịch vừa học lý thuyết vừa luyện tập. Cuối cùng  cụ Hoàng Đình Thực  trao lại nguyên văn bài tổng kết bằng chữ Hán của Đan Sơn đạo.

Sau khi đã nắm  được căn cốt của TCTS, Song Tùng ra nước ngoài làm công tác ngoại giao. 12 năm ở xứ người, ông vừa luyện tập vừa nghiên cứu và ngộ ra nhiều điều về TCTS. Về luyện hình, đã xác định được nhịp âm dương, góc độ bước đi trên Thái  cực đồ và nội dung của 128 nhịp.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: “Tôi tập Thái Cực trường sinh thấy có tác dụng rõ rệt...”

Chưa thành chính quả nhưng bắt đầu từ năm 1966, Song Tùng đã truyền lại TCTS cho nhiều bạn bè trong đó có đồng chí Lê Quang Đạo, sau này trở thành Chủ tịch Quốc hội. TCTS  trở thành một bài tập có tác dụng đủ các chứng tật bệnh  thường hay mắc ở người có tuổi.

Nhưng TCTS  lúc đó cũng chỉ được “lưu hành nội bộ”, chưa nhiều người biết đến nó với những hiệu quả kỳ diệu cho sức khỏe.  Mãi đến năm 1986, Song Tùng nghỉ hưu và quyết định dành toàn bộ thời gian còn lại của cuộc đời cho TCTS.

Ông bắt tay vào viết sách và mở một số lớp học dạy TCTS . Đến học những lớp đầu tiên ấy là cán bộ của Tổng cục Thể dục Thể thao (cũ), Viện Quân y 103, học sinh trường Hà Nội Amstesdam...Và có cả những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như các đồng chí Đỗ Mười, Võ Nguyên Giáp, Vũ Oanh, Nguyễn Đức Tâm...

Đồng chí Đỗ Mười – nguyên Tổng Bí thư khẳng định: “Bản thân tôi tập bài TCTS đã hơn 3 năm, thấy tác dụng rõ rệt trong việc nâng cao sức khoẻ”.

Ông Nguyễn Đức Tâm - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng kể: “Tôi vốn người gầy gò, ốm yếu ngay từ hồi còn nhỏ. Từ khi lớn đến nay tôi đã 3 lần suýt chết: Một lần kiết lỵ trong tù, năm 1954 mổ thận ở Nam Ninh – Trung Quốc: 5 ngày mổ 3 lần, lần thứ 3 phải cắt cả một quả thận, tiếp đó lại rò mủ, mổ 2 lần mới xong. Năm 1995 bị ngã xuất huyết não, tưởng không chết cũng tàn tật suốt đời; đó là chưa kể viêm gan siêu vi trùng A, mổ ruột thừa cũng rất gian nan; rồi các bệnh tim mạch, viêm đại tràng mãn, viêm họng hạt; cuối năm 2002 lại co thắt mạch máu não”. 

Từng ấy bệnh trong cơ thể một ông già trên 80 nghĩ cũng đã quá đủ, mỗi ngày sống như là một cuộc chiến đấu?  Nhưng nhờ luyện tập chăm chỉ, đặc biệt là bài TCTS  mà ông Nguyễn  Đức Tâm vẫn duy trì được sức khoẻ tốt, đẩy lùi bệnh tật.

Một huyện có 30 xã tập Thái cực trường sinh

Anh Nguyễn Như Thục 54 tuổi ở Bắc Ninh cũng đã được TCTS  cứu rỗi. Ngày trước, đi bộ đội ở chiến trường 7 năm, anh bị chấn thương sọ não và cột sống, lại thêm chứng sốt rét kinh niên. Từ chiến trường về, anh gầy yếu như cây sậy, vết thương sọ não đau rất đúng giờ.

Đến hẹn lại đau từ 9 giờ sáng tới 11 giờ trưa. Đêm nằm, một nửa người gần như bại liệt. Bi quan quá, cắn răng nén những cơn đau hành hạ, anh Thục quyết định đi tìm một bài tập mong cải thiện sức khoẻ cho mình.

Anh đã gặp TCTS  và sau một năm luyện tập những cơn đau rất đúng hẹn từ 9 đến 11 giờ đã  lỗi hẹn dần  và đi hẳn. Anh Thục trở nên béo khoẻ như để bù lại quãng thời gian đau yếu liên miên trước đó.

Anh thương binh Nguyễn Như Thục đang leo lắt đau ốm bỗng dưng trở nên khoẻ mạnh như  tìm được thần dược, đã trở thành một sự kiện của cả xã Song Hồ huyện Thuận Thành.

Sau khi được biết “thần dược” chính là TCTS , nhiều người đã tha thiết đề nghị anh Thục  hướng dẫn tập. Chẳng thể từ chối, với lại nhận thấy dạy TCTS  chỉ có lợi cho bà con, anh Thục đã báo cáo lên cấp ủy, chính quyền xã. Ngay sau đó, cấp ủy đã đồng ý và giao cho hội người cao tuổi xã đứng ra tổ chức lớp học TCTS.

Mới đầu, lớp có 25 người tham gia. Chỉ một thời gian sau, những hiệu quả về sức khoẻ chẳng khác nào thần dược đã đến với nhiều học viên. Ông Nguyễn Thế Lục, suy tim rất nặng, khi tập TCTS phải nhờ người dìu, nhưng giờ đây đạp xe thanh niên theo mướt mồ hôi.

Bà Cát, năm nay 65 tuổi ở thôn Đạo Tú xã Song Hồ cơ thể suy nhược, cạn kiệt, tháng 7 trời nắng chang chang vẫn phải mặc áo rét nhưng tập TCTS một thời gian, đã trở nên khoẻ mạnh hồng hào, giã từ  luôn cảnh ngược đời: Mặc áo ấm giữa mùa hè.

Cụ bà Nguyễn Thị Lân  tim mạch và máu nhiễm mỡ nặng, đưa ra bệnh viện Bạch Mai, bác sỹ lắc đầu bảo: Về lo hậu sự kẻo muộn. Con cháu vội chạy lo chụp ảnh thờ cho cụ. Nhưng cụ không tuyệt vọng, vẫn chống gậy ra sân tập TCTS. Bây giờ bệnh tật đã bị đẩy lùi, cụ như được tái sinh, đã tình nguyện làm hướng dẫn viên cho mọi người tập TCTS.

Mới chừng ấy người thoát khỏi các chứng bệnh  gần như “hết thuốc chữa” đã nhanh chóng làm tiếng lành về TCTS đồn xa khắp huyện Thuận Thành rồi cả tỉnh Bắc Ninh. 30 xã của huyện Thuận Thành đăng ký tập TCTS. Phổ biến bài tập TCTS cho người dân đã được cấp ủy chính quyền tỉnh và nhiều huyện ủng hộ. Một số xã còn đưa vào báo cáo chính trị...

Dùng máy “đo” tác dụng của Thái cực trường sinh

Những hiệu quả về chữa bệnh, nâng cao sức khoẻ của TCTS đã rất rõ ràng, có thể tai nghe mắt thấy, nhưng để  thực sự thuyết phục, tháng 4 năm 2001 Viện Khoa học Thể dục Thể thao đã dùng máy “đo” tác  dụng của bài tập này đối với 50 người cao tuổi tại CLB Vườn Hồng- Hà Nội. 

50 cụ đeo máy Cosmed  nặng gần 1 kg– một thiết bị đo về trao đổi khí và nhịp tim, có thể truyền dữ liệu từ xa. Máy Cosmed  trực tiếp đo tần số tim, tần số thở, lượng khí thở cùng nồng độ khí  O2 và C02 trong từng hơi thở của người tập. 

Các số liệu sẽ được tính cho từng hơi thở và hiển thị tức thời trên màn hình máy vi tính bằng giá trị số cũng như đồ thị. Điều này tạo thuận lợi để theo dõi kịp thời diễn biến sinh lí đối tượng trong quá trình tập và xử lý phân tích kết quả đo.

Nghiên cứu, “đo” từ tháng 4/2001 đến tháng 8/2002, kết quả cho thấy bài tập TCTS mang lại hiệu quả lớn đối với sức khoẻ người tập bởi những lý do tăng cường hoạt động của hệ cơ, xương, khớp, tăng trao đổi chất, tiêu hao năng lượng dư, duy trì hoạt động vừa sức của hệ tuần hoàn, hô hấp.

Đặc biệt TCTS có tính chất mở, phù hợp với nhiều lứa tuổi, góp phần làm chậm lại quá trình lão hóa do tuổi tác về mặt trí nhớ, cân bằng quá trình hoạt động thần kinh.

Ngoài ra, Viện Khoa học Thể dục Thể thao đã phỏng vấn 50 người tập về tình trạng sức khoẻ của họ trước và sau 12 tháng tập TCTS. Kết quả cho thấy sau 12 tháng tập, tất cả đều cảm nhận được sự tăng lên về sức khoẻ, các chứng bệnh bị đẩy lùi.

TCTS còn được xem như một phương pháp mới cai nghiện ma túy và đã có không ít thanh niên được bài tập này giúp thoát khỏi “cái chết trắng” như Nguyễn Trọng Hải.

Hải từng là một con nghiện heroin nặng đến mức  phải chích liều cao. Tài sản tiêu tán, thân thể suy kiệt, vợ bỏ đi, Hải tưởng như đã “mờ đời”. Hải tập TCTS  ban đầu để chiều lòng người thân. Nhưng càng tập, lại càng thấy thần diệu, mồ hôi toát ra như tắm, cơ thể trở lại cân bằng.

Hải “mắc nghiện” TCTS và bỏ hẳn heroin. Từ những trường hợp như Hải, nhiều trại cai nghiện trong cả nước đã đưa bài TCTS vào dạy cho các học viên.

Văn phòng của trung tâm UNESCO TCTS trên đường Quán Thánh ít khi ngớt tiếng chuông điện thoại reo và khách qua lại. Một bà già tóc bạc phơ, giọng nói chậm rãi, hiền hậu vẫn hay túc trực ở đây từ sáng sớm tới tối mịt.

Có ai đó đã từng ái ngại chép miệng bà cụ Hoàng Thị Lam này, qua tuổi cổ lai hy rồi mà vẫn phải gánh cái chức Giám đốc trung tâm UNESCO TCTS, để rồi còn bận bịu hơn thời còn đương chức Vụ phó ở Bộ Ngoại giao.

Nhưng dẫu có thoái thác, bà cũng không đành, bởi không muốn phụ tâm nguyện của ông Song Tùng - người chồng thân yêu đã giã từ cõi đời.

MỚI - NÓNG