Một đời "Cái bang"

Bà Diện, người có thâm niên hành khất lâu nhất nước cùng cháu Thanh
Bà Diện, người có thâm niên hành khất lâu nhất nước cùng cháu Thanh
TP - Chồng bà Diện từng có một đời vợ. Với người vợ trước, 14 lần sinh hạ, cả 14 đứa con đều chết. Bà Diện 5 lần sinh, chỉ nuôi được một cô con gái. Chồng bà Diện mất, không nghề nghiệp, không có cái ăn, hai mẹ con bà phải dắt díu nhau đi xin ăn.

Gần 50 năm trôi qua, người đàn bà khổ hạnh tay gậy tay bị khắp làng trên xóm dưới. Hai cuộc đời buồn tủi, như hai chiếc bóng lặng lẽ bên nhau…

Bà Diện, người có thâm niên hành khất lâu nhất nước cùng cháu Thanh
Bà Diện, người có thâm niên hành khất lâu nhất nước cùng cháu Thanh.


Hỏi vợ cho chồng

Ông Trần Hữu Nam, thôn Cầu Đá dẫn tôi đến nhà bà Diện. “Cách đây chục năm, nhà bà Diện ở thôn Song Hồng!”, tôi nói và chợt nhớ mái lều tranh xiêu vẹo dựng bên đường, từng là chỗ che mưa trú nắng của hai mẹ con bà. “Bà Diện đói khổ nhất làng này, cám cảnh mẹ góa con côi, xã vừa xây cho căn nhà tình nghĩa”, ông Nam nói, rồi thoăn thoắt, dẫn vào xóm nhỏ cuối thôn Cầu Đá trước đây là khu đất chế biến hải sản, nay san sát tường gạch, nhà dân.

Cửa vẫn mở nhưng trong nhà tối tăm. Mất điện. Cả tuần nay, Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) điện cúp liên miên. Gió Lào khô hanh, bụi tung mù mịt, bốn phía nóng hầm hập như chảo lửa. Trước sân nhà bà Diện, bé gái chừng 6 tuổi đang hí húi lau chùi mâm bát đĩa. Gian nhà chật chội chỉ có ba chiếc chõng tre, một chiếc đã chân gãy. Mớ quần áo bẩn vứt ngổn ngang trên nền gạch, bên đống vỏ sò, ốc, hến.

“Dậy! Có người!”, thằng con phát vào đùi mẹ đánh đét. Bích Phường thiêm thiếp ngủ, giật mình choàng tỉnh, càu nhàu: “Đang ngủ ngon! Đứa nào đến, kệ mẹ nó!”. Tôi biết Phường đã lâu. Tính cô vẫn vậy, cau có, văng tục, chửi đổng. Động một tý là cáu gắt, chửi đổng.

Cậu con trai tót ra ngõ, chơi đánh đáo với lũ bạn. Bích Phường ngái ngủ, lồm cồm bò dậy. “A chú Nam! Đến sửa điện cho nhà tui!”. Bà Diện nghe nói có người đến sửa điện, luống cuống bước ra: “Chú sửa giúp nhà tui cái điện. Túi (tối) om, nóng không chịu nổi!”. Tôi nhìn quanh. Nhà bà nghèo kinh niên, chẳng có lấy một chiếc quạt.

Bà Diện, vẫn tóc tai rối bời, vẫn khăn tổ quạ, chiếc váy nhuộm nâu trùm đến mắt cá chân như mấy chục năm về trước. “Tui họ Ngô, quê ở thôn 8, xã Tân Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Tui về xã Xuân Liên làm vợ ông Hóa năm mô, tui không nhớ. Chồng họ chi, đằng nội anh em họ hàng có những ai, cũng chẳng nhớ nữa!”, bà Ngô Thị Diện kể về quá khứ của mình, đứt quãng. Nỗi lo cơm áo, sấp ngửa mưu sinh, cuộc đời bà luôn chìm trong bóng tối. Dường như, bà Diện sinh ra ở đời này là để chuốc lấy mọi khổ hạnh, đắng cay.

Ông Hóa quê ở Xuân Liên, giáp với xã Cương Gián, hai làng cách nhau cái nghĩa địa, một bãi đồng hoang. Vợ chồng ông Hóa sinh được 14 đứa con, cả 14 người đều chết đứa bị đói, đứa bị bệnh. Người vợ nói với chồng: “Ông hãy bỏ tôi, đi tìm một người khác, ông cần có con để thờ tự!”. Gắn bó với vợ thì khổ mãi, nhưng thương bà, ông Hóa chẳng nỡ lòng nào dứt áo ra đi.

Bà Ngô Thị Diện ở Tân Lộc, cách nhà ông Hóa mấy ngôi làng. Bạn của bà, tên Đậu, thường đi bán nước mắm ở Xuân Liên, tình cờ gặp vợ ông Hóa. “Chị làm ơn kiếm cho chồng tôi một cô vợ, tôi sẽ trả ơn chị chiếc áo sồi!”, vợ ông Hóa bảo bà Đậu. Bà Đậu đem chuyện mách với bà Diện. Nhà nghèo, đợi mãi mà chẳng thấy người đàn ông nào lai vãng, bà Diện bèn gật đầu đồng ý, nhắm mắt đưa chân.

Bị vợ thúc sau lưng, ông Hóa đành rời Xuân Liên, vào Tân Lộc ở rể. Được vài năm, vợ chồng họ dắt díu nhau về xã Cương Gián lập nghiệp. Không anh em thân thích, không bạn bè, không chòm xóm, hai vợ chồng dựng một túp lều ở thôn Song Hồng. Lều dột tứ tung, gió lùa xiêu vẹo.

Bà Diện 5 lần vượt cạn, 4 đứa con lần lượt ra đi, chỉ giữ được cô con gái tên là Bích Phường. Bích Phường tính tình thất thường, ốm đau dặt dẹo, chẳng được tới trường buổi nào. Phường lên 5 tuổi thì bố mất.

Mẹ góa con côi, không có lấy một sào ruộng, cũng chẳng biết chài lưới. Đói. Đứt bữa xoành xoạch. Mặc dầu vậy, mẹ con như hình với bóng. Bích Phường suốt ngày bám váy mẹ, chẳng rời nửa bước. Mẹ đi đâu, con theo đấy.

Từ ngày chồng chết, đời bà Diện bắt đầu những ngày giông tố. Dân làng Cương Gián quen gọi bà là em Diện. Ngày xửa ngày xưa, lúc Ngô Thị Diện là gái một con, người làng quen gọi là em Diện. Nay, bà đã ngoài 80 tuổi, lại gọi là em Diện. Bà em Diện chống gậy đi xin ăn hơn 50 năm nay. Con gái bà, Bích Phường, tiếp nối bước đường lưu lạc của mẹ già, suốt đời làm Cái bang.

Một đời Cái bang

Ba mươi năm đã trôi qua. Thẳm sâu tiềm thức, tôi không quên được hình ảnh túp lều tranh xiêu vẹo dựng bên đường, nơi trú thân của mẹ con bà em Diện, hành khất làng.

Túp lều, mái lợp bằng mấy mảnh nilon vá chằm vá đụp. Tường thưng bằng chiếu rách. Giường là những tờ giấy cũ, ghẻ cáu bẩn. Nghề Cái bang bữa đực bữa cái, kiếm ăn lần hồi, gia tài của mẹ con bà em Diện chỉ có hũ gạo dự phòng. Nhiều hôm, gạo trong nhà chẳng còn một hạt. Đói đến mức phải nhịn ăn, hoặc rau cháo cầm hơi, với mẹ con bà là chuyện thường ngày.

Tôi lên bảy tuổi, bà em Diện đã đi xin ăn. Cương Gián chia hai nửa bán sơn địa. Phía gần núi, gần sông, làm ruộng; Dân bờ biển thì chài lưới. Mẹ con bà Diện ăn mày theo mùa vụ, lúc lên rừng, lúc xuống biển. Mùa nông dân gặt lúa, mẹ con bà đứng chực ở đầu cầu Đại Đồng, ngửa tay xin thóc, xin sắn xin khoai. Thuyền nan cập bến, bà lại dắt con lần lần ra bờ biển giơ nón xin cá.

Ngày đông tháng giá, mưa gió triền miên, đói đầu gối phải bò, hai tấm thân cơ cực lặn lội trong mưa lũ đến từng nhà xin hạt gạo, củ sắn cầm hơi. Thương cảnh mẹ góa con côi, dân làng Cương Gián sẵn lòng đổ vào chiếc nón mê thưng gạo. Chẳng ai nỡ lòng xua đuổi mẹ con bà.

Căn nhà tình nghĩa của mẹ con bà Diện
Căn nhà tình nghĩa của mẹ con bà Diện.

Gia đình bà em Diện được liệt vào danh sách hộ nghèo... không thể nghèo hơn tại xã Cương Gián. Năm 2008, UBND xã chia cho mẹ con bà suất đất 50m2 tại thôn Cầu Đá, xây tặng một căn nhà tình nghĩa. Có nhà mới, không còn lo chỗ che mưa trú nắng, nhưng cơm áo vẫn là nỗi lo thường trực của mẹ con Cái bang.

Không nghề nghiệp, không tấc đất cày cấy, phận đàn bà không thể dong thuyền ra khơi, chẳng biết làm gì hơn, mẹ con bà em Diện lại tiếp tục bài ca truyền thống: Đi xin ăn!

Hơn nửa thập kỷ nón mê trên đầu, chầu chực cầu Đại Đồng, lang thang bờ biển ngửa tay xin ăn, đói nghèo, đìu hiu, mẹ con bà em Diện có lẽ là người có thâm niên hành khất lâu nhất nước.

Mẹ góa con côi

Bích Phường không nhờ ai cắt tóc bao giờ. Cô cũng không thích tóc dài. Mọc lên sợi nào, Phường dùng kéo xén đến đấy. Hồi nhỏ đầu đầy sài ghẻ, cô cạo trọc, nom rất kỳ dị. Lớn lên, có lọn tóc nào đều bị cô cắt trụi lụi. Cô thường để tóc ngắn. Từ xa đến gần, Bích Phường y như con trai. Có người gọi đùa là thằng Bích Phường.

Bích Phường
Bích Phường.

Mười sáu, đôi mươi, rồi hai lăm, ba mươi tuổi, Phường vẫn độc thân. Đám trai làng, chẳng ai để ý đến cô gái con nhà Cái bang. Gái trong làng thanh tú, tóc quăn tóc dài, quần là áo lượt, có cô con nhà tử tế còn ế chồng, huống hồ nghèo có thân phận nghèo kinh điển như Bích Phường. Vì thế, chồng con đối với Bích Phường là điều cô chưa bao giờ màng đến. Tuổi xuân âm thầm trôi đi trong đói rách, cơ hàn.

Bích Phường tuổi ngoài 40, chẳng đám nào để mắt tới. Hai lần hoang thai, Bích Phường sinh được một trai, một gái. Hai đứa trẻ sinh ra không biết bố mìnhlà ai. Chẳng người đàn ông nào trong làng đứng ra nhận mình là cha của hai đứa trẻ.

Những ngày hè, mẹ con bà em Diện thường rủ nhau ra bờ biển hóng mát. Đêm khuya thanh vắng, tiếng sóng du dương, bên mẹ, Bích Phường thiếp đi lúc nào chẳng hay. Nửa đêm, tỉnh dậy, cô phát hoảng khi thấy một người đàn ông ghìm chặt người mình. Mọi phản kháng đều vô vọng.

Và khi thấy bụng con gái ngày một lớn bà Diện hỏi: “Kiếp ăn mày, mi đẻ, lấy chi mà nuôi?”. “Kệ! Cứ đẻ! Trời sinh voi, trời sinh cỏ!”, Bích Phường thủng thẳng. Chín tháng mười ngày, cô sinh một đứa con trai, đặt tên là Hiệu. Hiệu lớn lên, hoạt bát, khôi ngô tuấn tú, nhưng em không biết cha mình là ai.

Sáu năm sau, một đêm mưa gió, tại căn nhà dột nát của mẹ con bà em Diện, Bích Phường lại bị một người đàn ông đột nhập. Lần này, cô sinh hạ con gái, đặt tên là Thanh.

Tuy làm nghề Cái bang, nghèo rớt mùng tơi, nhưng mẹ con bà em Diện vẫn cố gắng cho con đến trường học chữ. Đám non nít trong làng, từ ngày có Hiệu, chúng thôi không trêu ghẹo hai mẹ con ăn xin nữa. Hiệu quây quần giữa đám bạn, bình đẳng, chan hòa.

Cương Gián, làng quê nghèo đói rũ bỏ cơ hàn, thay da đổi thịt, nhà tầng san sát, điện đóm tưng bừng, đường nhựa phẳng phiu, hàng nghìn lượt thanh niên trai tráng đi XKLĐ ở Hàn Quốc, Nhật, Malaysia, Đài Loan, ngoại tệ chuyển về quê hằng năm ngót nghét trăm tỷ đồng. Duy chỉ mẹ con bà em Diện vẫn như hình với bóng, ngày ngày nón mê đội đầu cắp rá đi xin ăn...

* Tên nhân vật có thay đổi.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).