Một lần làm người Việt ba lô giữa châu Âu

Một lần làm người Việt ba lô giữa châu Âu
TP - Xong việc ở Paris, còn 4 ngày mới phải bay về, tôi quyết định làm một chuyến du lịch kiểu ba lô mà đích đến là hai thành phố Brussels (Bỉ) và Amsterdam (Hà Lan).

Không có kế hoạch cụ thể, không đặt khách sạn trước. Ở Thủ đô Bỉ hi vọng có giúp đỡ, còn Amsterdam thì theo phương châm “cứ đến rồi tính tiếp”.

Khởi đầu không suôn sẻ

Nhờ một người bạn dẫn đi mua vé tàu khứ hồi từ hôm trước, tôi trả phòng sáng sớm rồi rời khách sạn Normandy ở gần trung tâm Paris ra ga tàu hỏa với quỹ thời gian xông xênh. Nhưng khi ra đến ke ga bỗng giật mình: Để quên chiếc điện thoại cầm tay ở khách sạn.

Nhìn đồng hồ: Còn 40 phút. Một thoáng suy nghĩ: Vứt quách? Không được, quá nguy hiểm, vì như thế cũng có nghĩa mất luôn liên lạc mà những nơi sắp đến lại hoàn toàn xa lạ. Tôi hộc tốc quay lại khách sạn bằng tàu điện ngầm, phương tiện ít nguy cơ tắc đường hoặc trục trặc nhất. Phải một lần chuyển tuyến đường, tôi chạy ở tất cả những nơi có thể. May mà ở đây, chạy cho kịp tàu là chuyện quá bình thường.

Về đến khách sạn, trình bày được đúng một câu, lễ tân đã đưa ngay chìa khóa và bảo: Tự lên mà tìm. Tôi kinh ngạc bởi sự dễ dãi, tin người của cái khách sạn 4 sao này.

Tìm được điện thoại, tôi hộc tốc ngược lại ga. Đến đường có con tàu phải lên thì các nhân viên phục vụ tàu đã tuýt còi báo hiệu tàu chuẩn bị chuyển bánh. Tôi còn cách đích khoảng non 200 mét. Lại chạy thục mạng. Bỗng một nhóm ba cảnh sát chặn tôi lại. Sau một câu hỏi lịch sự để xác định người nước nào, họ yêu cầu kiểm tra giấy tờ và đồ đạc.

Tôi cười méo xệch với ý nghĩ chua chát: Thôi thế là nhỡ tàu, mấy trăm euro tiền vé đi đứt! May mà lại có hồi còi tuýt lên giục giã. Cô nữ cảnh sát moi qua loa chiếc túi du lịch và túi ni lông xách tay của tôi (va li tôi đã gửi lại) trong khi hai đồng nghiệp nam của cô xem lướt tấm hộ chiếu và visa. Rồi họ giục tôi: Thôi chạy nhanh lên! Đương nhiên là tôi chạy như một vận động viên cự li ngắn.

Ai bảo người Tây cứng nhắc, không linh động? Anh chàng nhân viên toa thứ nhất không cần biết vé của tôi chỗ nào, toa mấy, chỉ ngay lên cửa đầu tiên, quát: Lên nhanh! Tôi vừa nhảy lên, hít mấy hơi cho đỡ tức ngực thì cửa đóng lại và tàu chuyển bánh. Tôi đứng một lát lấy lại tinh thần và nhịp thở đều đặn rồi lần về toa và chỗ ngồi của mình. Chỉ khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ sau, tôi đã ở thủ đô của Vương quốc Bỉ.

Một lần làm người Việt ba lô giữa châu Âu ảnh 1
Tượng "cậu bé tè" ở Brussels - Ảnh lấy từ Internet

Mất sạch đồ ở Brussels

Từ ga phía đông Brussels, tôi hỏi đường rồi được một phụ nữ người Philippines sống ở đây bảo đi cùng đường dẫn tôi đi tàu điện ngầm vào trung tâm thành phố. Chia tay người phụ nữ cùng màu da tốt bụng, tôi bắt đầu  chuyến phiêu lưu của mình.

Khu phố cổ trung tâm Brussels nườm nượp khách du lịch, nhưng tôi lẻ loi một cách kỳ lạ bởi chẳng có ai đi một mình như tôi. Rất may là có rất nhiều đoàn khách Nga có hướng dẫn viên thuyết minh, tôi bám theo để nghe vì dùng được thứ tiếng này.

Những người Nga lúc đầu nhìn tôi nghi ngại nhưng sau khi tôi đặt câu hỏi về lai lịch bức tượng “Cậu bé tè” (mặc dù rất bé nhưng rất nổi tiếng, gần như là biểu tượng của Brussel với truyền thuyết về một cậu bé đã cứu Thủ đô bằng cách tè vào mồi lửa bùi nhùi của quân địch khiến cho chúng không khai hỏa bắn pháo phá hủy thành phố được) thì họ hiểu ra và cười nhìn tôi thân thiện. Thế là tôi nghiễm nhiên trở thành thành viên của đoàn du khách Nga.

Kết thúc tua xem thành phố, tôi rời đoàn du khách Nga qua khu phố bán đồ lưu niệm mua sắm một lúc rồi lần đến ga tàu điện ngầm trung tâm. Đã gần 5 giờ chiều, tôi gọi điện cho người ở Brussels mà bạn tôi ở Paris giới thiệu.  Trong lúc chờ người đó đến đón, tôi đi qua một cổng vòm, vào một vườn hoa nhỏ chỉ độ hơn 300 mét vuông có ghế đá ngồi đợi. Túi du lịch để bên cạnh.

Ngồi một lát nắng chiếu thẳng vào mặt, tôi xoay người đi tránh, chiếc túi thành ra ở sau lưng. Khoảng 5 phút sau, có một thanh niên da đen ngồi ở ghế cách khoảng 7 - 8 mét đứng lên hỏi giờ. Tôi xem giờ trả lời xong cậu ta cười đi nhanh sang phía bến tàu điện ngầm.

Một lát sau, tôi bỗng giật mình khi thấy sau lưng mình trông trống. Quay lại thì chiếc túi du lịch đã không cánh mà bay. Tôi nhìn quanh, mấy đôi thanh niên ôm nhau tâm sự, mấy người già ngồi sưởi nắng. Người đi lại không đông nhưng liên tục. 

Tôi dáo dác như gà con lạc mẹ nhưng chẳng ai để ý. Thôi, chẳng trình báo làm gì. Chỉ mất hết quần áo, đồ dùng cá nhân và quà tặng vừa mua thôi. Tiền, hộ chiếu và vé tàu, vé máy bay tôi để trong các túi áo khoác trên người. May phúc bảy mươi đời cho tôi, mới chiều hôm trước ở Paris trời lạnh tôi mới mua cái áo khoác mỏng ấy. Còn trước đó, tôi vẫn để tiền nong, vé máy bay trong cái túi du lịch đó.

Sau này, mấy tay thạo châu Âu phân tích cho tôi rằng cái gã da đen hỏi giờ đó là đồng bọn của tên ăn cắp. Chính vào lúc gã hỏi tôi để thu hút sự chú ý, tên thứ hai đã nẫng chiếc túi. Và gần như ai cũng kể được vài trường hợp mình bị mất cắp hoặc người quen của mình bị mất cắp ở Pháp, ở Bỉ, ở Ý... Họ bảo, châu Âu giờ trộm cắp nhiều vì dân nhập cư từ các nước nghèo phải tìm mọi cách để kiếm sống.

Một lần làm người Việt ba lô giữa châu Âu ảnh 2
Một phố trong khu đèn đỏ ở Amsterdam - Ảnh lấy từ Internet

Ấm áp Amsterdam

Xuống ga trung tâm Amsterdam, theo lời khuyên của người bạn ở Paris, tôi vào ngay văn phòng hướng dẫn du lịch ngay trong ga, tâm trạng khá lo lắng. Đã gần tối, không biết có kiếm được chỗ trọ không. Chú em cùng cơ quan kể hồi đến đây trúng dịp lễ, khách sạn đắt quá, phải ra ga nằm ngủ. Nhưng đó là đi có hội, đằng này tôi chỉ một mình.

Trước tôi là hai cô gái người Anh, ba lô đeo lưng to như núi. Nhìn cách hướng dẫn của các cô tư vấn du lịch xinh đẹp, bao nhiêu lo lắng trong tôi tan biến. Đến lượt mình, tôi đặt vấn đề thuê khách sạn rẻ tiền, không quá xa trung tâm. Họ tìm ngay trên máy tính mấy địa chỉ.

Địa chỉ thứ nhất, 35 euro/ngày đêm nhưng hết phòng.

Địa chỉ thứ hai, 40 euro.

 “OK, xa không? - Tôi hỏi.

15 phút đi bộ đến trung tâm thành phố. Thật là một món quà ngoài sức tưởng tượng! Tôi vội vàng đồng ý. Sau tôi mới hiểu 15 phút đi bộ đó là của người Hà Lan, còn đối với người Việt “ăn nhanh, đi chậm, hay cười” thì phải mất hơn 30 phút guồng chân hết sức.

Nhưng như thế cũng vẫn là quá may mắn. Cô hướng dẫn bảo tôi nộp tiền thuê hai ngày rồi giao cho tôi tờ biên lai sơ sài vài dòng số tiền, địa chỉ, điện thoại... và chữ ký, tuyệt nhiên không có dấu má gì. Trước khi tôi rời, cô còn giải thích cặn kẽ cách đi về khách sạn, tư vấn về các loại phương tiện giao thông trong thành phố và cách dùng loại vé nào thì tiết kiệm nhất; các tua du lịch Amsterdam và vòng quanh nước Hà Lan và ngỏ ý sẵn sàng đặt vé giúp (đương nhiên là có lệ phí).

Khách sạn mang tên khá kêu: ABBA, nằm ở phố Overtoom, ngay bến tàu điện, cách ga trung tâm chừng 15 phút tàu. Một anh chàng lễ tân nói tiếng Anh lắp bắp đưa chùm chìa khóa giải thích cho tôi rằng tôi toàn quyền đi lại theo lối cầu thang riêng của khách bất cứ giờ nào, nhưng phải tự mở ba lần cửa: Cửa ra vào bằng sắt, cửa căn hộ và cửa buồng.

Các ổ khóa đều cực chắc. Tôi phải tự lên buồng của mình. Đó là một phòng rộng chừng 10 mét vuông, có giường đệm, tủ, TV và cả ban công, nhưng chung phòng tắm và phòng vệ sinh với buồng bên cạnh. Không nước uống, không cốc chén. Nhưng với giá 40 euro thì cũng chẳng mong gì hơn.

Hai ngày ở Amsterdam là hai ngày thú vị nhất trong những những chuyến du lịch tôi từng đi. Tôi thấy du lịch theo lối “ba lô” ở Tây là quá đơn giản. Tôi ngao du trên hệ thống kênh rạch của Amsterdam chằng chịt chả kém Đồng bằng sông Cửu Long, tha thẩn trong các bảo tàng Van Gogh, nhà của cô bé viết nhật ký người Do Thái Anne Frank nổi tiếng, nhà của danh họa Rubbens, chơi chợ đồ cũ Amsterdam, lang thang đến rạng sáng trên các phố trung tâm Amsterdam, xem khu phố đèn đỏ rộng mênh mông, trò chuyện với những tay đầu bù tóc rối sẵn sàng rủ rê mình đi hút cần sa... 

Tôi rời Amsterdam lòng vẫn luyến tiếc không có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu thành phố tươi tắn mà phần đông dân cư đi xe đạp này.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.