Một mặt nữa của Bayon

Một mặt nữa của Bayon
TP - Chầm chậm lối lên tháp chính, tôi phải ghìm nhịp thở tuổi tác đằng sau một mỹ nhân. Đương lẩn thẩn miên man, một mùi hương vỡ òa ra từ ngách đá...

Sừng sững trước tôi là Bayon bốn mặt. Chân sải chầm chậm mà tâm trí cứ vẫn vít những câu thơ của Chế.

Em là tháp Bayon bốn mặt/ Giấu đi ba còn lại đấy là em/ Chỉ một mặt mà nghìn trò cười khóc/ làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình

Bỏ ra đến ba ngày, chân luôn bước, tai luôn nghe, mồm luôn hỏi mà vẫn không ra khỏi được sông mê bến lú trước những Angkor Wat, Angkor Thom rồi ngơ ngẩn lâu nhất vẫn là Bayon 4 mặt! Cái chết người là sự lầm tưởng bởi vẻ hao hao của những công trình tôn giáo trên đất Ấn!

Lại càng hoang mang hơn khi người hướng dẫn thạo rành tiếng Anh tiếng Pháp và cả tiếng Việt nữa khăng khăng với một bà người Ái Nhĩ Lan rằng Angkor Wat, Angkor Thom và Bayon đây không phải do người Ấn Độ xây dựng. Lịch sử Campuchia không hề bị Ấn xâm lăng mà chỉ chịu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ mà thôi!

Kiến thức, lòng tự hào dân tộc cùng với sự hoạt ngôn của người hướng dẫn dường như đã khai nhỡn cho những thứ du khách vốn rất mù mờ, như tôi chả hạn? Tỷ như ông cho hay, tổ tiên người Miên ngày nay có lẽ cùng một dòng với người Môn ở nam Miến Điện, hòa hợp với vài dân tộc ở dãy Trường Sơn...

Ta sẽ thấy dưới ánh trăng huyền ảo có cặp mắt long lanh như cười loài người khờ dại; có cặp mắt ươn ướt như khóc nhân thế trầm luân.

Đầu kỷ nguyên, người Trung Hoa gọi xứ Cao Miên là Phù Nam (Fou Nan). Từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VII vương quốc Phù Nam phát triển mạnh, giao thương cả với Ấn Độ và Trung Hoa. Giữa thế kỷ thứ VI có nội loạn, một vua chư hầu có tên là Kambuja chiếm hết bờ cõi, dựng đô ở gần Kompong Thom. Do tên Kampuja đó mà có tên Campuchia ngày nay.

Bayon thờ Phật Avalokitecvara bốn mặt (mới đầu người Miên theo đạo Bà La Môn rồi sau theo đạo Phật, phái Tiểu thừa. Bốn vị thần Phật được họ thờ là:

Thần Brahma sinh ra muôn loài.
Thần Vichnou giữ gìn cho muôn loài khỏi bị tiêu diệt.
Thần Civa tàn phá và kiến thiết.
Phật Avalokitecvara, vị Phật của chu kỳ hiện tại.

Trong bốn vị đó, ba vị sau được thờ phụng nhiều hơn. Phật Avalokitecvara có bốn mặt quay về bốn phương trời để cứu nhân độ thế). Bayon, một ngôi đền cực kỳ vĩ đại, tân kỳ.

Chuyện kể rằng mãi đến năm 1914 hay 1913 gì đó, một tốp nghiên cứu người Pháp thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ (Ecol Francaise D’Extrême) do ông Pierre Loti phụ trách đã phát hiện ra Bayon 4 mặt này. Cơn cớ nào mà một công trình vĩ đại này lại bị lãng quên nhiều thế kỷ như vậy? Và dường như lịch sử Campuchia đã có một khoảng trống?

Một mặt nữa của Bayon ảnh 1
Một mặt nữa của Bayon ảnh 2
Một mặt nữa của Bayon ảnh 3
Một mặt nữa của Bayon ảnh 4
Một mặt nữa của Bayon ảnh 5

Có thuyết con tạo mầu nhiệm tự dưng làm cho một thế hệ người Campuchia lãng quên tổ tiên lẫn kinh đô thành quách một thời! Để đến mức đầu thế kỷ XX phải có người ngoại quốc làm cái việc khai sơn phá thạch chém phá những gai góc, dây leo, len lỏi mới chạm mặt được với Bayon vì “rừng ôm chặt lấy nó ở khắp phía, bóp nghẹt nó, nghiến nát nó; những cây đa chễm chệ ngồi trên nóc tháp như ngồi trên bệ, đã hoàn thành công việc tàn phá”.

Một cái bệ không cao, một chiều 160 thước, một chiều 140 thước. Trên bệ là ba dãy phòng bao bọc chung quanh.

Dãy ở ngoài đã bị thời gian tàn phá, chỉ trơ những cột đá cao độ hai thước và vài bức tường chạm đủ các hình sinh hoạt thời xưa của người Miên đời các vị vua chúa, các ông lục, quan lại, dân chúng, lính tráng.

Tiện đây cũng xin trích ra một đoạn cảm tưởng của nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê, tháng hai năm 1943 đi thăm Đế Thiên Đế Thích (Angkor Wat Angkor Thom) cùng Đền  Bayon 4 mặt.

Nhưng phải tới đây một đêm trăng mới thấy được cái vô cùng thần diệu, cái vô cùng kỳ dị của cảnh, thấy được cái tài tưởng tượng và sáng tác không tiền khoáng hậu của nghệ sĩ.

Ta sẽ thấy dưới ánh trăng huyền ảo có cặp mắt long lanh như cười loài người khờ dại; có cặp mắt ươn ướt như khóc nhân thế trầm luân; có cặp môi như trêu cợt mỉa mai; có cặp môi như mấp máy muốn nói; có nụ cười từ bi, có nét mặt vỗ về; lại có cặp mắt như động lòng nhắm lại, có vẻ mặt như thương tâm mà quay đi.

Trăm bảy mươi hai mặt cùng một khuôn mà trăm bảy mươi hai vẻ! Quả thực là một thế giới kỳ dị trong thần thoại do những sinh vật hoàn toàn khác chúng ta dựng nên.

Ta thẫn thờ trước cảnh và tự hỏi: Làm sao họ chở được cả những núi đá đó qua biết bao rừng sâu, đồng lầy từ dãy núi Kulen tới đây; rồi dùng vôi cát gì để gắn mà trải mấy trăm năm không đổ, không hề dùng máy đóng cừ mà nền dưới sức nặng thế kia vẫn không sụt; họ mài làm sao, xếp làm sao mà nhiều chỗ hai phiến đá khít nhau đến nỗi ta lầm là một phiến; và đục chạm làm sao mà nét đều, sắc như vậy; trăm mặt Phật giống nhau như vậy?

Sở dĩ trích ra một khúc hồi ức của nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê để phần nào nói hộ cảm tưởng của du khách thời ấy và có vận vào thời nay cũng chả sợ sái! 

Nắng trưa cứ rờ rỡ trên những nhịp sa thạch xám, những khúc quanh của đá cùng vô số luồng ánh sáng ngoắt ngoéo khúc xạ càng làm điệp trùng huyền ảo thêm bao gương mặt Phật.

Chầm chậm lối lên tháp chính,  tôi  phải ghìm nhịp thở tuổi tác đằng sau một mỹ nhân. Đương lẩn thẩn miên man, một mùi hương từ một ngách đá òa ra... Thì ra mỹ nhân đằng trước quay lại đang nhờ tôi bấm hộ cho mấy kiểu ảnh...

Sực tỉnh một bản năng Việt rằng mỹ nhân đi đâu có một mình? Bạn trai hay người nhà đâu rồi? Một bản năng Việt nữa là tiện tay, mỗi khi ấn xong một kiểu trên chiếc máy ảnh mini (mà hình như máy cũng tỏa ra cái mùi hương như chủ nó) tôi nâng chiếc máy kềnh cành đang tòn ten bên ngực lên... Thoáng một cái cười của đối tượng chụp như khuyến khích nên tôi càng bấm càng ấn già công tắc máy mỹ nhân lẫn máy mình...

Rồi cũng nhoáng nhoàng như mùi hương hồi nãy òa ra, mỹ nhân đã khuất dạng vào một ngách đá! Tha thẩn lần xuống từng bậc đá, tôi có chút chi đó bàng hoàng, hình như người đẹp vừa nãy thoắt hiện ra đã nhập vào một mặt đá trên những trùng điệp này của Bayon!

MỚI - NÓNG