Một nông dân hiến thận cứu người dưng

Anh Vũ Quốc Tuấn và vết mổ để hiến thận
Anh Vũ Quốc Tuấn và vết mổ để hiến thận
TP - Anh Vũ Quốc Tuấn vạch chiếc áo cho tôi thấy một vết sẹo dài bên hông, dấu ấn của viết mổ ngọt...

Vết mổ ấy diễn ra vào một ngày tháng mười của năm 2008, người đàn ông làm bảo vệ của Bệnh viện Nhi trung ương này đã tự mình viết lên câu chuyện nhân tình khi lên bàn mổ để hiến cho người dưng một quả thận. Tôi lặng đi khi nghe anh Tuấn kể.

Anh Vũ Quốc Tuấn và vết mổ để hiến thận
Anh Vũ Quốc Tuấn và vết mổ để hiến thận .

Vượt cửa ải

Ngày ngày trông xe ở Bệnh viện Nhi, anh Tuấn chứng kiến nhiều cảnh ngộ đau lòng. Bao nhiêu ông bố bà mẹ từ nông thôn, miền núi về đây, bán thóc, bán nhà để níu giữ mạng sống mong manh của con em họ mà bệnh tật cứ chờ chực tước đi. Anh đã thấy nhiều hài nhi bé bỏng lìa đời, những gương mặt trẻ thơ hồn nhiên ngay cả khi từ giã cõi đời, đôi mắt như hãy còn trong veo...

Cửa ải cuối cùng có lẽ khó vượt qua nhất. Một gia đình giàu có ở Hải Phòng đã tìm đến gặp người trông xe của Bệnh viện Nhi này và đề nghị, nếu anh đồng ý cho con họ quả thận, họ sẽ bồi dưỡng 50 nghìn USD... 

Người bảo vệ trông xe này vẫn thường thấy hai mẹ con chị Thanh, cháu Hà dắt xe đạp liêu xiêu đi vào Bệnh viện Nhi lọc thận. Tạ Thị Thu Hà nhà ở Gia Lâm, Hà Nội, 6 năm rồi, cứ mỗi tuần ba lần em phải vào đây chạy thận nhân tạo.

Hà đang học lớp 12, da xanh rớt cứ nhói lên mỗi lần chiếc kim to tướng chọc vào cánh tay. Người mẹ ngồi bên giường bệnh, nước mắt rơi theo từng cơn đau của con gái. Người mẹ ấy đã khóc lả đi khi hay tin con gái bị suy thận nặng, khó lòng qua khỏi nếu như không được thay thận. Tìm đâu ra một quả thận khỏe mạnh để thay? Cuộc sống của Hà gần như chỉ được tính bằng ngày.

Hình ảnh cô học trò mặt xanh lét đang sắp thi đại học nhưng đã bị bệnh tật tuyên án “tử hình” khiến anh Tuấn mất ngủ mấy đêm liền. Hà bằng tuổi Kiều Oanh, con gái Tuấn - cuộc đời như mầm cây đang lên... Chẳng lẽ Hà lại phải chết? Câu hỏi ấy cứ ám ảnh anh khôn nguôi.

Anh Tuấn bắt xe ôm, sang tận nhà mẹ con Hà để tìm hiểu gia cảnh. Khi tận mắt thấy gia cảnh của cô bé lòng anh càng trĩu nặng. Bố thương binh, bị hỏng một mắt, sức khỏe yếu, mẹ bệnh hen, phải gồng mình buôn thúng bán mẹt ngoài chợ nuôi con. Khi Hà phải chạy thận, gia đình càng thêm khốn khó, chạy ăn từng bữa toát mồ hôi, nói gì đến những mơ ước xa vời ghép thận.

Sau chuyến “vi hành” ấy, anh đã có quyết định gây sốc: hiến cho cháu Hà một quả thận.

Biết mình sẽ bị người nhà phản đối, nên anh giấu biệt mà lén lút đến gặp bác sỹ Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi đề đạt nguyện vọng. Bác sỹ Liêm nhìn anh thật lâu rồi hỏi: “Anh đã nghĩ kỹ chưa?”.

Dáng chừng thấy người đàn ông này không có vẻ gì đang nói đùa, bác sỹ Liêm bảo: “Việc hiến thận không hề đơn giản, mà phải trải qua quá trình xét nghiệm và theo dõi hết sức phức tạp, nếu hai cơ thể có những chỉ số tương thích, mới thành công”.

Anh Tuấn gật đầu: “Tôi đã suy nghĩ kỹ và chấp nhận tất cả”.

Một nông dân hiến thận cứu người dưng ảnh 2

Tiếp theo đó, hành trình của 68 lần xét nghiệm như 68 cửa ải phải qua, cửa ải nào cũng gian nan, lắm phiền toái và nhiều khi đau đớn tột cùng về thể xác. Cửa ải đầu tiên: thử máu. Như định mệnh sắp đặt, Tuấn và cháu Hà có cùng nhóm máu O, nhóm máu có thể cho tất cả các nhóm máu khác, nhưng chỉ nhận được nhóm máu cùng nhóm với mình.

Sau đó, một cửa ải khác, không liên quan gì tới dao kéo, kim tiêm. Bác sỹ tâm lý tới gặp Tuấn, hỏi han, trò chuyện. Họ muốn kiểm tra xem người đàn ông này có vấn đề gì về thần kinh không, ý tưởng hiến thận có thực sự nghiêm túc hay chỉ “nói đùa”. Cả ba lần kiểm tra tâm lý thì cả ba lần bác sỹ đã ra về trong tâm trạng vừa ngạc nhiên vừa xúc động.

Nhưng 60 lần xét nghiệm đang đợi anh phía trước.

Mỗi lần xét nghiệm, anh được Bệnh viện Nhi hết sức tạo điều kiện vì trong lịch sử nơi này, chưa có ai tình nguyện hiến thận cho người dưng. Ngay cả người thân hiến tạng cho nhau cũng trở nên hiếm hoi. Nhớ lần chụp động mạch thận, Tuấn phải nằm bất động 8 tiếng đồng hồ trong phòng. Kẻ gian lấy cả quần áo lẫn điện thoại của anh.

Nhớ lần bác sỹ cầm cây kim to như chiếc đũa chọc vào tủy sống, bây giờ nghĩ lại anh vẫn thấy toát mồ hôi lạnh... Bốn tháng liền, anh phải bỏ tất cả công việc, toàn bộ thời gian chỉ đi xét nghiệm. Vừa bắt xe ôm sang Bệnh viện Bạch Mai, lại phải tới Viện 108... hành trình quá đủ mệt mỏi để bất cứ một người kiên trì nào cũng có thể ngã lòng. Có lúc, anh toan bỏ cuộc, nhưng nghĩ tới những giọt nước mắt của mẹ con cháu Hà, anh lại gồng mình lên...

Từ chối 50 nghìn USD để cứu cô gái nghèo

Cửa ải 68 đã qua, anh chỉ chờ ngày lên bàn mổ.

Nhưng lại tiếp cửa ải thứ 69. Cửa ải cuối cùng có lẽ khó vượt qua nhất.

Một gia đình giàu có ở Hải Phòng đã tìm đến gặp người trông xe của Bệnh viện Nhi này và đề nghị: nếu anh đồng ý cho con họ quả thận, họ sẽ bồi dưỡng 50 nghìn USD...

Anh Tuấn kể: “Tôi nói với họ: Người nhà quê chúng tôi, 50 ngàn đô la là cả một giấc mơ, nhưng nếu tôi nhận 50 ngàn đô la thì tôi thấy mình không bằng một gã ăn mày. Nếu có 50 ngàn, ông bà đi đâu cũng có thể mua được thận để ghép cho con, chứ gia đình kia, không có quả thận của tôi bé Hà sẽ chết”. Tuấn vượt qua cửa ải 69.

Một khi đã vượt qua cửa ải 69, chẳng còn gì có thể ngăn cản anh lên bàn mổ nữa.

Trước ngày hiến thận, gia đình cháu Hà dè dặt: “Chúng tôi biết bồi dưỡng chú thế nào”.

Nhìn vẻ mặt lo lắng của họ, anh vừa buồn, vừa giận, vừa thương. “Nếu tôi làm việc này vì tiền thì gia đình anh chị không thể đủ tiền. Vì thế đừng hỏi tôi chuyện tiền bạc. Tôi chỉ nhờ nhà mình trông nom tôi khi tôi hiến thận xong, vì người nhà tôi không ai biết chuyện này”.

20-10-2008, anh không bao giờ quên được ngày ấy! Sau 8 tiếng hôn mê trong phòng cách ly, tỉnh dậy hãy còn choáng, anh hỏi bác sỹ Nguyễn Thanh Liêm, “Cháu Hà thế nào hả bác?”, “Cháu Hà đã tiểu tiện được, cuộc phẫu thuật đã thành công”. Anh thở phào nhẹ nhõm, cái nhẹ nhõm của một người vừa hiến đi một phần thân thể mình cho một sự sống hồi sinh.

Anh nằm viện một tháng chờ sức khỏe hồi phục mà không có người thân bên cạnh. Bố cháu Hà chăm sóc anh. Gia đình ông có biếu anh một ít tiền nhưng anh gửi lại để chăm sóc cháu Hà.

Giấy ra viện của anh Tuấn
Giấy ra viện của anh Tuấn.

Anh còn giữ cái giấy ra viện ấy trong ví như một kỷ niệm không thể nào quên. Anh lấy cho tôi xem. Tôi đọc: “Vào viện ngày 08 tháng 10, 2008, ra viện 04-11-2008. Chẩn đoán: hiến thận”. (Chắc bệnh viện không có mẩu giấy ra viện cho người hiến thận, nên đành phải ghi: “Chẩn đoán: hiến thận).

Nếu có gì bất thường hoặc cấp cứu (liên hệ bác sỹ Tình, đã cho điện thoại).

Ngày ra viện, Hà Nội đang chìm trong cơn đại hồng thủy lịch sử, thì chiếc xe cấp cứu của Bệnh viện Nhi lội nước đưa anh về quê ở thôn 8 xã Minh Phú, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ. Cả gia đình không hiểu sao “mất tích” cả tháng nay, bây giờ lại trở về nhà trên chiếc xe cấp cứu.

Mẹ anh nắm lấy tay, hỏi: “Đi đâu mà không tin tức điện đóm gì về nhà hả con?”. Anh cười bảo: “Con bị ốm, phải điều trị nhưng bây giờ khỏe rồi, bác sỹ cho xe chở con về nhà. Mẹ yên tâm nhé”.

Mẹ nhìn anh ngờ ngợ. Linh cảm của người mẹ đã cho bà biết con trai bà có gì đang cố giấu...

Kỳ tiếp: Một quả thận và gánh nặng áo cơm

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.