Một nông dân hiến thận cứu người dưng - kỳ 2

Một nông dân hiến thận cứu người dưng - kỳ 2
TP - Sau khi hiến thận, Vũ Quốc Tuấn bước vào cuộc mưu sinh nhọc nhằn với một quả thận trong cơ thể, sức khỏe ngày càng giảm sút, trong khi gánh áo cơm ngày càng đè nặng. Đã thế, người đàn ông nhiều lần quên mình cứu người dưng này lại hay bị mất trộm...
Anh Tuấn bần thần trước phòng trọ của con, khi hay tin con bị mất trộm hết đồ. Ảnh: P.N
Anh Tuấn bần thần trước phòng trọ của con, khi hay tin con bị mất trộm hết đồ.
Ảnh: P.N.


Hai lần quên mình cứu người

Ngôi nhà của người đàn ông hiến thận cho người dưng được lợp bằng mái tranh, nền đất... Đống gạch chủ nhân tự đóng để thay thế những tấm ván gỗ mối mọt thưng quanh nhà hãy còn để ngổn ngang trước sân vì chưa có tiền. Chỉ cần gật đầu với đôi vợ chồng người Hải Phòng, anh có 50 nghìn đô la, thừa dựng lên toà ngang dãy dọc ở mảnh đất này. Nhưng anh dường như đã quên chuyện đó, về với mẹ trong ngôi nhà tranh, lần đầu tiên sau một tháng ở Hà Nội, anh mới có một giấc ngủ sâu đến thế. Sáng hôm sau tỉnh dậy, anh lại nghĩ đến con đường trở lại Hà Nội mưu sinh.

Là nông dân vậy mà bây giờ anh không cầm nổi cày cuốc nữa. Sức lực của người đàn ông đang độ tuổi sung sức này đã giảm nhiều từ khi cơ thể chỉ còn một quả thận. Nhưng gánh nặng cơm áo lại đang đè lên vai. 30 triệu đồng vợ Tuấn vay để đi xuất khẩu lao động ở Malaysia hãy còn chưa trả hết. Hai con đang học đại học và cao đẳng ở Hà Nội, mỗi tháng cũng phải chu cấp vài triệu đồng. Dù có những lúc phải đi vay tiền để gửi cho con nhưng anh vẫn quyết phải gắng hết sức cho hai đứa ăn học nên người.

Tuấn từng ôm mộng đèn sách, thi vào Đại học Bách khoa nhưng bị trượt, đành về quê làm bạn với ruộng đồng. Tuấn lấy vợ sinh con, quanh năm đầu tắt mặt tối nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, túng quẫn.

Tôi nhìn kỹ đôi tay anh. Đôi bàn tay có một cánh tay phải bị liệt nhẹ, như thế cũng đủ để gặp bao phiền toái trong những công việc chân tay hàng ngày. Nhưng ít ai biết, cơ thể người đàn ông này còn có những chiếc xương sườn bị gãy, vì một lần anh liều mình cứu mạng một đứa trẻ...

Đó là một lần đi lễ ở Tuyên Quang, trời đã gần trưa, anh nghỉ chân ven sông Lô. Cảnh tượng diễn ra trước mắt khiến Tuấn hoảng hốt: một đứa trẻ đứng giữa hai con trâu chở mía đang giương hai cặp sừng nhọn hoắt sắp lao vào húc nhau chí tử. Chỉ cần chậm tích tắc, đứa bé chắc sẽ bị trâu húc chết. Nhưng nếu lao vào cứu thì có thể sẽ bị trâu đâm lòi ruột. Không chút suy tính, anh lao vào bế đứa trẻ ra đúng lúc hai cặp sừng nhọn hoắt sắp chạm nhau với sức mạnh ghê người. Đứa bé được cứu thoát trong gang tấc, nhưng Tuấn bị trâu húc gãy mấy xương sườn phải vào viện cấp cứu.

Vết đau mãi không lành, tháng 7-2007, anh phải xuống Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ để khám. Trong lúc chờ bên hành lang bệnh viện để đến lượt mình, anh nhìn thấy một gia đình đang khóc rất thảm thiết. Hỏi ra mới biết gia đình đang làm phẫu thuật cho con gái nhưng bị thiếu máu. Nhóm máu O.

Không hề đắn đo, toan tính, anh đến phòng mổ chìa cánh tay mình ra, xin được hiến máu. Hiến xong, anh choáng váng ngã xuống. Ngồi nghỉ một lúc, anh lặng lẽ ra về, bỏ cả việc chờ bác sỹ khám những chiếc xương sườn đang đau tê người.

Chẳng hiểu sao những số phận đang đứng trước lằn ranh giữa sự sống và chết lại cứ như vô tình trùng hợp gặp anh. Mỗi lần như thế, anh lại chọn phần đau đớn, thua thiệt về mình để cứu người mà không hề cân nhắc, tính toán.

Tôi hỏi: “Tại sao anh lại làm như vậy?”. Anh nói luôn: “Vì tôi nghĩ nếu tôi không làm vậy họ sẽ chết”.

Quả thật, nếu anh không làm vậy thì chắc đã có ba đứa trẻ lìa đời, nhưng anh lại không bị gãy xương sườn, mất máu và mất một quả thận. Nhưng anh chỉ đơn giản nói với tôi: “Kể cả tôi chết mà cứu được người, tôi cũng sẵn lòng, cần gì mất thời gian phải so đo tính toán thiệt hơn, gãy xương sườn, mất máu, hay mất một quả thận là chuyện nhỏ, mạng người mới là chuyện lớn. Tôi làm không hề mong muốn được trả ơn”.

Sau cái lần hiến máu cứu người ở Bệnh viện tỉnh Phú Thọ, anh trở về và quên khuấy chuyện đó, nhưng người nhà cháu bé thì vẫn nhớ. Anh nhận được thư cảm ơn của gia đình anh Khang cháu An (lúc đó anh mới biết tên) và kèm theo một lời đề nghị xin việc cho anh.

Công việc chẳng có gì sang trọng hay thu nhập cao, chỉ là một chân trông xe ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Nghĩ việc đó cũng phù hợp với mình và thu nhập còn hơn làm ruộng, ngày 19 - 3 -2008, anh xuống trông xe ở Bệnh viện Nhi. Tại đây, một lần nữa người đàn ông mang nhóm máu O này đã hiến một quả thận cho cô học trò bằng tuổi con gái mình chỉ vì “nếu tôi không làm cháu sẽ chết”.

Một nông dân hiến thận cứu người dưng - kỳ 2 ảnh 2


“Có công ty nào cần bảo vệ không?”

Sau khi được ghép thận, sức khỏe của Hà dần hồi phục. Quả thận của người nông dân Vũ Quốc Tuấn đã có thể “chung sống hòa bình” trong cơ thể của cô gái này. Nhưng sức khỏe của Tuấn thì ngày một giảm sút một cách rõ rệt. Trước đây, anh có thể mang vác 60 -70kg nhưng bây giờ chỉ nâng vật nặng cỡ 30 kg cũng cảm thấy khó khăn.

Nước da xanh xám, thân hình gầy gò, tôi có cảm giác như một quả thận trong cơ thể anh đang gồng lên làm việc bằng hai, nhưng sự gắng gỏi đó có vẻ sẽ không được bền lâu.

“Có lúc nào anh tiếc quả thận của mình? ”. Anh cười, trả lời câu hỏi của tôi: “Quả thận là một phần cơ thể tôi, cho đi tôi cũng thấy nhớ, đôi khi cảm giác có lỗi với bản thân, nhưng tôi không hối tiếc vì đã cứu được một mạng người”.

Tôi gặp anh đúng lúc báo chí đang rộ lên tin có mấy thanh niên nghèo phải lén lút đi bán thận ở bệnh viện. Giờ đây ngay cả những bộ phận trong cơ thể con người đang sống sờ sờ ra đấy cũng có thể được chính họ biến thành hàng hóa. Anh hay tin, giọng buồn hẳn: “Cũng là bước đường cùng họ mới phải làm thế, nhưng sao nghe xót xa quá”.

 “Có lúc nào anh tiếc quả thận của mình?”. Anh cười, trả lời câu hỏi của tôi: “ Quả thận là một phần cơ thể tôi, cho đi tôi cũng thấy nhớ, đôi khi cảm giác có lỗi với bản thân, nhưng tôi không hối tiếc vì đã cứu được một mạng người”.

Trong tôi lại có cái gì đó như một niềm xót xa. Sau khi hiến thận, anh trở về với công việc trông xe rồi làm chân bảo vệ kiêm phòng cháy chữa cháy ở Bệnh viện Nhi. Lương mỗi tháng 2 triệu, tự lo cơm ngày ba bữa. Anh ở trong một cái góc nhỏ của bệnh viện, những ngày đầu hè nóng như lò nung, muỗi bay vè vè.

Thu nhập như thế, tằn tiện lắm, anh cũng không đủ để chu cấp cho hai người con đang ăn học ở Hà Nội. Anh làm thêm nghề xe ôm trước cổng bệnh viện. Nhưng người đàn ông này thường vẫn chở miễn phí hay chỉ lấy tiền xăng cho những người nghèo ở quê lên. Bệnh viện Nhi có quá đông người nghèo vì thế mà nghề xe ôm của anh thường bị lỗ.

Một hôm tôi gọi cho anh nghe giọng anh lạc đi trong điện thoại: “Kẻ gian vừa phá cửa phòng trọ con gái tôi lấy đi chiếc máy tính và nhiều đồ dùng”.

Cả gia đình tằn tiện mãi mới mua được cho con gái chiếc máy tính xách tay, giờ bị trộm mất khiến anh tiếc ngẩn ngơ mấy ngày liền. Ở hiền gặp lành, vậy mà cha con anh Tuấn đã mấy lần bị trộm.

Nhưng ngay cả trong lúc khốn khó ấy, điều anh ấp ủ lại là một ý tưởng “vác tù và hàng tổng”: Thành lập tổ tư vấn ghép thận. Ý tưởng của anh được BV Nhi ủng hộ. Ngày 26-5-2009, tổ tư vấn ghép thận ra đời, có 5 thành viên gồm Tuấn cùng 4 người từng hiến thận và nhận thận. Tổ tư vấn hoạt động hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, không có sự tài trợ của bất cứ tổ chức nào. Những trải nghiệm của 68 lần vượt qua cửa ải để lên bàn mổ, của một người đàn ông đang sống với một quả thận đủ cho anh trở thành một chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực này...

Nhưng hình như Tuấn cũng đang cần được tư vấn cho cơ thể chỉ còn một quả thận đang yếu dần? Và cho một lối thoát mưu sinh để có tiền nuôi con ăn học.

Anh nhắn tin cho tôi: “Làm ở đây lương thấp quá không đủ nuôi hai cháu, anh có biết công ty nào cần bảo vệ thì giới thiệu cho tôi”.

Tôi cứ nghĩ bất cứ công ty nào cũng cần một người bảo vệ như anh. Còn tìm đâu ra được người bảo vệ đáng tin cậy hơn thế?

MỚI - NÓNG