Một thời tranh đấu qua những lá thư giữa hai miền

Một thời tranh đấu qua những lá thư giữa hai miền
TP - Trên khắp cả nước, chắc chắn có rất nhiều bức thư của những chiến sĩ cách mạng – người thân gửi cho nhau, trong những năm đánh Mỹ.

Có thể là giữa vùng giải phóng và vùng địch chiếm, giữa hai miền Nam - Bắc. Đó là những tài liệu chứa đựng những giá trị lịch sử, tinh thần to lớn.

Một thời tranh đấu qua những lá thư giữa hai miền ảnh 1
Giáo sư Dương Tiềm (phía sau) tháp tùng Hòa thượng Thích Đôn Hậu thăm Mông Cổ (1969).

Đầu thập niên 1990, nhà giáo Tôn Thất Dương Tiềm, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục thành phố Huế, trao lại cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân một số ảnh tư liệu và một lá thư.

Lá thư là của giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, người anh con ông bác ruột, gửi từ căn cứ Trung ương cục miền Nam cho Tôn Thất Dương Tiềm, người em con ông chú, đang ở miền Bắc. Thư viết tay, kín hai mặt tờ giấy pơ-luya gấp đôi, đề ngày 21-7-1969.

Khi ông Dương Kỵ ra miền Bắc (1965) thì ông Dương Tiềm đang ở Huế. Sau Tết Mậu Thân (1968), ông Dương Tiềm tham gia Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và Hoà bình thành phố Huế rồi ra Bắc thì ông Dương Kỵ đã vượt Trường Sơn trở lại miền Nam. Giáo sư Dương Kỵ viết:

Chúng mình xa nhau như thế là đã mấy năm rồi Tiềm nhỉ? Rảnh rỗi là mình lại thương nhớ đến Tiềm, đến những ngày đêm hoạt động với nhau đến đêm mình bị địch rượt đuổi, nửa khuya nhảy vào nhà Tiềm...

Nhớ đến các bạn D.Tr (các anh ấy hồi này ra sao?); đến tờ Ngày mai. “Ngày mai trời sẽ tạnh” Tiềm đã viết như vậy, nay thì đã gần thành hiện thực rồi, chúng mình sẽ gặp lại nhau ở miền Nam.

Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ sinh năm 1914 tại làng Vân Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thời trai trẻ ông kiên trì tự học và trở thành một học giả uyên thâm cả Tây học lẫn Nho học.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ là thư ký Hội Trí thức Cứu quốc Thừa Thiên - Huế (1945-1946). Từ năm 1947 đến năm 1955, ông dạy học tại Trường Khải Định (Trường Quốc Học Huế).

Ông đã truyền bá tư tưởng cách mạng cho nhiều lớp thanh niên học sinh. Năm 1949, giáo sư đã cùng một nhóm nhà giáo, văn nghệ sĩ tiến bộ sáng lập tạp chí Tiến Hóa - cơ quan tranh đấu văn hóa - chính trị của trí thức miền Trung.

Sau khi Tiến Hóa bị địch đóng cửa, năm 1954 giáo sư lại lập ra tờ Ngày Mai - Cơ quan tranh đấu của phong trào đòi hòa bình, hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà ở miền Trung. Một trong những người cầm trịch tờ Ngày Mai hiện đang sống ở Huế là giáo sư - tử tù Côn Đảo Lê Quang Vịnh.

Ngày Mai bị chính quyền Ngô Đình Diệm đóng cửa, giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ bị bắt giam. Năm 1955, ra tù, giáo sư Dương Kỵ vào Sài Gòn dạy học tại các trường Marie Curie, Đại học Văn khoa. Năm 1962, giáo sư lại bị địch bắt, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ ông mới được thả ra.

Từ khi bọn nó tống xuất (người viết nhấn mạnh) mình - bấy giờ bị đột ngột quá, mình không kịp thư từ gì cho Tiềm, cho các bạn ở Huế cả. Mình sống gần một năm ở miền Bắc thân yêu rồi đi Campuchia làm như độ nọ ở Huế với Tiềm, bị bắt, tù, trục xuất qua Lào ngồi tù. Ở Lào trục xuất về lại Campuchia, lại ngồi tù ở đấy. Cuối cùng về vùng giải phóng như Tiềm đã biết. Tóm tắt là thế đấy, từ khi chúng mình xa nhau.

Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ được Đại hội Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cử vào Ủy ban Trung ương với bí danh là Dương Kỳ Nam. Trong thời gian này giáo sư tiếp tục sống hợp pháp và hoạt động ở Sài Gòn.

Ông cùng những người yêu nước khác lãnh đạo phong trào Dân tộc tự quyết Việt Nam với cương vị Ủy viên Ban chấp hành và Ủy ban Vận động hòa bình Việt Nam với cương vị Tổng thư ký. Không bao lâu, phong trào Dân tộc Tự quyết bị đàn áp, Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ cùng nhiều nhân sĩ đồng sự của ông bị bắt và bị tống xuất ra miền Bắc.

Cuộc tống xuất đó đã được nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân ghi lại trong Hồi ký Ba năm tranh đấu ở đô thị  (sắp xuất bản) được tóm lược lại sau đây:

Phong trào Dân tộc tự quyết bị chính quyền Sài Gòn ngăn cấm, trấn áp. Thủ tướng dân sự Phan Huy Quát đã cách chức 300 công chức tham gia phong trào Tranh đấu bảo vệ Hoà bình và Hạnh phúc Dân tộc, và bắt giữ gần 100 người, trong đó có bác sĩ Phạm Văn Huyến, nhà báo Phi Bằng (Cao Văn Chiếm), giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ.

Đối với bác sĩ Phạm Văn Huyến, nhà báo Phi Bằng và giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, chính quyền Sài Gòn đã bày một trò “cân não” để dằn mặt trí thức sinh viên miền Nam lúc ấy. Ba ông là người miền Bắc và miền Trung nên chính phủ giao cho chính quyền Vùng I chiến thuật, do tướng Nguyễn Chánh Thi cầm đầu, giải quyết.

Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ là một trí thức yêu nước tiêu biểu của Huế trong hơn hai thập kỷ trước đó. Chính quyền Sài Gòn nghĩ rằng “Trừng trị, khuất phục được Tôn Thất Dương Kỵ thì bọn trí thức sinh viên học sinh Huế sẽ chùn bước đấu tranh”. Nhưng chúng đã nhầm.      

Nguyễn Chánh Thi có ý định buộc ba nhà lãnh đạo phong trào Hòa bình và Tự quyết vào dù, rồi cho máy bay chở họ ra miền Bắc, thả xuống. Chủ trương thả dù có mục đích khủng bố tinh thần ba nhà trí thức được Nguyễn Chánh Thi giải thích: “Phải làm như thế ba ông trí thức mới tởn và không dám đòi hoà bình, tự quyết nữa”.

Thế nhưng Thủ tướng Phan Huy Quát không đồng ý vì sợ dân chúng trong nước và thế giới lên án.  Ông Quát không tin biện pháp ấy có thể khuất phục được ba nhà trí thức mà ông ta biết rất rõ là họ “bất khuất”.

Tướng Thi lại nói: “Vậy thì cho họ ra miền Bắc mà bất khuất với Cộng sản”. Nhiều người làm việc gần tướng Thi cho biết: Ông ta bảo rằng ba nhà trí thức miền Nam đã quen cuộc sống sung sướng ở đô thị, ra miền Bắc đang bị chiến tranh phá hoại, cực khổ, thế nào họ cũng xin ở lại”.

Vào sáng ngày 19-3-1965, tướng Thi cho tổ chức một cuộc tụ tập dân chúng, trí thức sinh viên học sinh Huế bên bờ nam cầu Hiền Lương để xem chính quyền Vùng I Chiến thuật “đày” ba thành viên cao cấp của phong trào Hoà bình và Tự quyết ra miền Bắc.

Ý đồ của tướng Thi là muốn cho giới “tai mắt” của Huế tận mắt thấy ba ông trí thức sẽ cầu xin được xách bót trở lại miền Nam và hứa sẽ không dám đòi “hòa bình” “tự quyết” nữa.

Buổi lễ bắt đầu, tướng Thi đọc “tội trạng” gây trở ngại cho công cuộc chống Cộng của ba nhà trí thức và đó là lý do khiến chính quyền Vùng I “đày” họ ra miền Bắc. Tướng Thi vừa đọc xong, lính quân cảnh mở cửa sau chiếc xe thùng bịt kín đẩy ba nhà trí thức đến đầu phía Nam cầu Hiền Lương. Dân chúng chăm chú nhìn theo.

Người xuất hiện đầu tiên là nhà báo Phi Bằng, rồi đến bác sĩ Phạm Văn Huyến và giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ. Cả ba ông đều rất tỉnh táo không lộ vẻ sợ hãi gì cả.  Ba người mang theo 3 cái xắc đựng vài cặp quần áo với đồ dùng cá nhân nhẹ nhàng.

Tướng Nguyễn Chánh Thi chờ đợi giây phút ba vị trí thức quay đầu và chắp tay lạy ông Thi để được ở lại “miền Nam tự do”. Không ngờ ba ông không những không xin ở lại mà khi qua đến nửa phần cầu thuộc miền Bắc thì ngoái lại giơ tay chào đồng bào và hẹn sẽ gặp lại sau ngày giải phóng miền Nam. Đồng bào và sinh viên học sinh có mặt hôm đó rất khâm phục tư cách của ba nhà trí thức. Họ muốn vỗ tay tán thưởng nhưng sợ chính quyền làm khó dễ nên chỉ nhìn nhau trao một nụ cười kín đáo mà thôi.

Hiên ngang đi bộ qua cầu Hiền Lương ra miền Bắc, từ miền Bắc giáo sư Dương Kỵ lại vượt Trường Sơn trở về miền Nam hoạt động. Sau tết Mậu thân - 1968, giáo sư được cử làm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và Hoà bình Việt Nam. Cuối lá thư gửi ông Dương Tiềm,  giáo sư Dương Kỵ viết:

Mình vừa mới tiếp được thư của thầy Đôn Hậu (Hoà thượng Thích Đôn Hậu, Ủy viên Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, lúc đó đang ở miền Bắc -NV), thì giờ gấp quá, tay mình lại đau viết chữ xấu như ri e bất tiện.

Nhờ Tiềm thưa lại với thầy mình xin trân trọng gửi lời cảm ơn thầy đã phúc đáp thư mình, và mình sẽ biên thư thăm thầy nay mai. Cho mình gửi lời thăm cụ Đoá (Phó Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam -NV), anh Hảo (giáo sư Lê Văn Hảo) và tất cả các vị trong Liên minh nhé... -Tư Nhiên

Viết thư cho mình thì đề tên ấy, rồi gởi cho ông Nguyễn Văn Hiếu – 53 Samdich Panu, Phnompenh. Nhờ giao lại cho Tư Nhiên. Nếu viết theo địa chỉ ấy là thành công khai đó Tiềm nghe. Nhớ ký (tên-NV) Thiếu-Đào chứ đừng ký Tiềm, và không nói hết được lòng đâu. Ở Campuchia kiểm duyệt nó theo chỉ (thị-NV) ở Sài Gòn.

Thư viết ngày 21-7-1969 nhưng chưa chuyển ngay – có lẽ do chưa có đợt chuyển thư tín theo đường giao liên (?). Vì phía dưới có mấy dòng tái bút: Mình đã tranh thủ viết thư cho thầy Đôn Hậu rồi, Tiềm khỏi thưa như mình dặn.

Nhà giáo Tôn Thất Dương Tiềm đã qua đời nên chúng tôi không kiểm chứng được phải mất bao nhiêu ngày lá thư này mới đến tay người nhận. Nhưng nếu để ý tìm hiểu, dù lá thư để lại chỉ khoảng 600 chữ nhưng chứa đựng rất nhiều thông tin về phong trào đấu tranh ở đô thị nói riêng, phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam nói chung.

Trong đó còn có cả cuộc đời, sự nghiệp và gia cảnh của một trí thức lớn khi dấn thân vào sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và độc lập dân tộc, thống nhất đất nước như giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ. Đoạn nói về gia cảnh, giáo sư Dương Kỵ viết:

Thím Tiềm và các cháu (lúc đó đang ở Huế -NV) ra sao? Tiềm có tin tức gì không? Còn gia đình mình thì vợ chồng Huế bị tù, Trai bị bắt mất tích, đang tìm mà chưa có tin. Cháu Huyền rút vào bí mật. Hoạt động của các cháu ở trong nớ là vậy. Đánh Mỹ thì tự nhiên phải gian khổ thôi, và cũng tất thắng thôi.

Sau ngày đất nước thống nhất, giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ được bầu làm Ủy viên thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông mất năm 1987.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.