Một vòng cao nguyên đá

Một vòng cao nguyên đá
TP - Năm 2008, có nhiều đoàn khảo sát đã đi qua những hoang mạc đá khô cằn của huyện Đồng Văn. Ngoài những giá trị to lớn về địa chất, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều cảnh quan đá kỳ thú, có thể sánh ngang tầm với rừng đá Thạch Lâm ở Vân Nam (Trung Quốc).

Viện Địa chất và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đang lập hồ sơ trình UNESCO công nhận cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên địa chất thế giới.

Một vòng cao nguyên đá ảnh 1

Ở cột cờ thiêng Lũng Cú

Nếu việc đặt chân lên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được tính từ khi vượt “Cổng trời” Cán Tỉ ở Quản Bạ - nơi có góc nhìn Núi Đôi đẹp nhất, giống như cặp “tuyết lê” căng tràn sức sống dưới thung lũng kiêu hãnh  vươn lên - thì kết thúc một vòng cao nguyên đá theo quốc lộ 4C chiều từ tây sang đông cũng ở địa điểm này.

“Chưa lên cột cờ Lũng Cú, chưa đi Đồng Văn, Mèo Vạc là coi như chưa đến Hà Giang” - Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Giang Lò Thị Mỷ đã khích tôi trong bữa đêm ấm cúng mềm môi bởi thứ rượu ngô men lá, đặc sản nức tiếng của đồng bào Lô Lô ở Quản Bạ quê chị.

Không bỏ lỡ cơ hội hiện thực hóa mong ước suốt nhiều năm làm báo, tôi quyết định lãng du khám phá cao nguyên đá duy nhất của Tổ quốc ngay sáng hôm sau.

May mắn là anh bạn, một lãnh đạo còn rất trẻ ở huyện Vị Xuyên, đã giúp ngay phương tiện và “quy hoạch” luôn lộ trình cho chuyến lãng du một vòng cao nguyên đá của tôi. Vừa bắt đầu tan sương mù buổi sớm, tôi và Việt-cậu lái xe trẻ kiêm hướng dẫn viên bất đắc dĩ- xuất phát trên “con tuấn mã”  Zace, trực chỉ  Đồng Văn.

Lên Đồng Văn vào cuối đông, khi những nương lúa, rẫy ngô đã qua mùa thu hoạch, màu xanh cây rừng cũng tìm nơi tránh rét mới cảm nhận hết cái khắc nghiệt của đá núi. Mở mắt là thấy đá.

Từ Đồng Văn đến đỉnh chóp Lũng Cú miên man đá, đường đi cheo leo bên vách, bên vực sâu, nhìn lên cao, nhìn xuống thung lũng đều xa ngút tầm mắt. Những vạt hoa kim ngân, hoa bạc hà phớt tím ken dầy ở vài rẻo đất hiếm hoi ven đường.

Lũng Cú, núi đá chất ngất lưng trời. Cây ngô tựa vào hốc đá mà lên, cây đậu, cây cải nảy mầm đơm hoa trong vách đá. Mùa đông trên cao nguyên đá này chỉ  mênh mông một màu xám của  đá. Đá xếp thành bờ rào canh con thú dữ, bảo vệ nương ngô tươi tốt,  những hốc đá chắt chiu từng giọt nước nuôi con người qua những mùa đông khắc nghiệt khô cằn...

Đá mọc thành rừng trên sườn núi, ngoi tầng tầng, lớp lớp dưới mỗi lòng suối, con sông, nhảy cả vào nhà xếp thành giường, thành bàn, thành ghế, rồi quây thành ruộng nương, vườn tược.

Vậy mà ở độ cao một ngàn bảy trăm mét, giữa điệp trùng đá xám lại hiện ra một thung lũng bằng phẳng đến kinh ngạc- cánh đồng Thèn Pả. Ngọn núi Rồng sừng sững ở mỏm Lũng Cú tột bắc (chữ của nhà văn Nguyễn Tuân) nổi lên giữa cánh đồng, tách biệt với  miên man núi đá vây quanh.

Dưới chân núi có hai hồ nước, nhỏ thôi, nhưng không bao giờ cạn. Người Lô Lô tin rằng ngọn núi là đỉnh đầu rồng, còn hai hồ nước chính là mắt rồng. Có lẽ vì vậy mà Lũng Cú còn được gọi là Long cư (nơi rồng ở) chăng!

Trên đỉnh núi Rồng, lá quốc kỳ kiêu hãnh bay giữa mây trời lộng gió biên cương khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Lá quốc kỳ 54 mét vuông, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em của dải đất hình chữ S, nhìn từ xa trông như một ngọn lửa đang cháy sáng.

Sau chặng đường dài ngót hai trăm cây số vượt điệp trùng núi đá với những dốc, những cổng trời, những cua tay áo, rồi leo bộ thêm 283 bậc đá, tôi đã đứng dưới chân cột cờ thiêng Lũng Cú. Chính ngọ.

Khác hẳn với xúc cảm khi leo lên đỉnh núi Phú Sĩ ở xứ Phù Tang bằng ô tô, dù độ cao ở đó hơn nhiều, đứng dưới cờ thiêng Tổ quốc tại chính mỏm Lũng Cú tột bắc này, tôi cảm thấy tự hào và kiêu hãnh, cảm nhận được đến tận cùng sự hùng vĩ, của đất trời nước Việt. Mà tôi đoan chắc rằng bất cứ ai là con dân đất Việt đứng ở đây đều trào dâng cảm xúc này!

Bốn chục năm trước,  nhà văn Nguyễn Tuân đã viết hộ hậu sinh:  “Cái đỉnh núi đã được đất nước, ông bà giao cho cái trọng trách đặt một chiếc nón lá lên đầu người khổng lồ Tổ quốc...

Lũng Cú đây đích thị là cái chóp nón, một cái nón bài thơ muôn đời”. Các nhà địa chất mới đây đã chứng minh rằng cột cờ Lũng Cú đặt trên đỉnh núi đá vôi hệ tầng Chang Pung- loại đá hình thành sớm nhất, cách đây 545 triệu năm, cổ nhất trên cao nguyên đá Đồng Văn!

Lái xe Việt đã dăm lần đứng dưới cờ thiêng, ngắt dòng cảm xúc của tôi bằng thông tin: những người lính biên phòng ở trạm Lũng Cú vẫn chăm sóc lá cờ thành nếp thiêng giống như chuyện khói nhang trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình.

Mỗi sáng, họ thay nhau leo lên 283 bậc đá, căng mắt mà soi từng xăng ti mét vải để kiểm tra. Nghe bảo, trên cao một ngàn bảy trăm thước, gió hú quanh năm, lá cờ nào lâu nhất cũng chỉ trụ được nửa tháng.

Cuộc mưu sinh trên đá

Người Mông và Lô Lô ở Lũng Cú dường như sinh ra là để chống chọi với khắc nghiệt của tự nhiên: Nắng, tuyết, khô hạn, bệnh tật, tăm tối, đói ăn, nhạt muối. Rồi cả những cuộc “thiên di” lớn đi tìm miền đất hứa, chuyện dòng tộc và các hủ tục đã nhiều lần làm cho Lũng Cú xanh xao kiệt sức. May thay chuyện ấy chỉ còn trong quá khứ...

Con người ở đây sống chất phác, kiên gan chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, mang lại hạt lúa, hạt ngô, hạt tam giác mạch nuôi sống con người. Con người ở đây bền chí giữ vững và dựng xây phên giậu của Tổ quốc.

Lô Lô Chải, bản nhỏ bình yên tột bắc nép mình dưới chân núi Rồng, ẩn hiện những nếp nhà trình tường, lợp ngói âm dương của bảy chục hộ người Lô Lô, nơi đang lưu giữ đôi trống đồng cổ (trống đực và trống cái) cùng ngân vang mỗi khi vào hội.

Trống đồng Lô Lô Lũng Cú thuộc dòng trống đồng Đông Sơn (muộn), là báu vật thiêng của thôn bản, dòng họ người Lô Lô từ ngàn đời. Nghe  nói vài năm trước có kẻ lùng săn đồ cổ dưới xuôi mò lên đây gạ mua với giá rất cao, nhưng đồng bào khinh ghét đã đuổi ra khỏi bản...

Đồng bào Mông, Lô Lô ở Lũng Cú không còn nhà nào đói nữa, song nghèo thì vẫn còn trên năm mươi ba phần trăm. Không đói vì vẫn có ngô làm mèn mén để mà ăn, nhưng vẫn còn thiếu nhiều thứ quá nên nghèo. Nhưng nay, việc trồng ngô, trồng lúa và nuôi gia súc có thể giúp đồng bào Mông, Lô Lô ở đây vượt qua ngọn “núi nghèo”! Mà không ngọn núi nào cao hơn đầu gối người Mông đâu, đồng bào ở đây nói giản dị như vậy.

Cao nguyên đá Đồng Văn rộng hơn 2.354 km2 (bao gồm 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) với bốn phần năm diện tích là núi đá vôi đặc trưng cho địa hình karst (dạng địa hình thể hiện quá trình phong hóa đá vôi) như: vòm tháp, nón, chóp, đến các mũi đá, rãnh đá (cánh đồng carư) đủ hình thái có tuổi từ 545 triệu năm trước cho đến các hố karst rất trẻ.

Cao nguyên đá Đồng Văn chứa đựng những giá trị thiên nhiên nổi bật, đó là các trầm tích mang trong mình các hóa thạch cổ sinh gồm cả nghìn loài, 120 giống và 17 nhóm sinh vật.

Đặc điểm này nổi trội hơn cả 2 di sản thiên nhiên thế giới là Vịnh Hạ Long và Phong Nha - Kẻ Bàng. 

Giản dị như khi họ nói về con em mình, chàng kỹ sư nông nghiệp Vàng Mí Cấu mới ngoài ba mươi tuổi đã làm chủ tịch xã này qua hết một nhiệm kỳ 5 năm.

Tôi vào chợ phiên Lũng Cú. Chợ thuộc loại lớn nơi địa đầu cực bắc, mới được xây ngay trung tâm xã, thuộc bản Thèn Pả, cách chân núi Rồng chỉ dăm trăm mét.

Trên vai thiếu nữ Mông xuống chợ, chiếc quẩy tấu đầy những sản vật của đá. Đỗ trọng, hoàng tinh đỏ, mật ong bạc hà... đều được “chắt” ra từ đá. Giờ thì xe máy  đã thay thế kha khá cho ngựa ở phiên chợ Lũng Cú.

Ngoài cổng chợ, trên con đường mới dẫn lên núi Rồng,  đám đàn ông tụ tập thành nhóm thổi khèn lá, khèn bè, đàn môi mời gọi bạn tình, rượu ngô trong vắt rót tràn bát để mời nhau bên những nồi thắng cố sôi sùng sục trên bếp lửa...

Mùa đông, cái lạnh khắc nghiệt của vùng cao làm cho miền đá trơ ra, xám xịt. May thay, còn có hoa bạc hà tím mềm thân núi. Cây bạc hà mỗi năm mọc và nở một lần hoa rồi lại ẩn mình vào đá cho tới năm sau. Hoa bạc hà được ong mật hút lấy nhụy, quyện hơi sương núi để “chắt” thành vị ngọt. Cho nên, đi khắp nơi không ở đâu có thứ mật vàng ươm, tinh khiết, thơm mát, tốt và quý như ở cao nguyên đá...

Với Vương Minh Lân- anh bạn vong niên của tôi - người Mông đích thực ở cao nguyên đá, sinh ra ở Phố Bảng (và hình như có dây mơ rễ má với dòng dõi nhà Vương ở Sà Phìn), thì việc yêu cao nguyên đá Đồng Văn có thể chỉ vì cái sự mê mẩn loài hoa tam giác mạch, nở vào mùa thu mà một số người cũng đã mê mẩn theo anh.

Hoa của loài cây thân mềm, mỏng mảnh phủ trên các triền núi, trên những thửa ruộng bậc thang rất quyến rũ.  Tam giác mạch mọc tràn trên sườn núi, thành nương hoa trải ra bên vệ đường, cứ như là mọc hoang dại. Nhưng nó lại không phải là hoa dại mà là loại cây lương thực cho hạt để làm bánh.

Cư dân trên cao nguyên đá đã gieo chúng trên những dải, những mom đá để rồi thành các triền hoa hút  hồn lữ khách. Hoa vẫn mọc lên từ đá và sự sống vẫn cứ sinh sôi!

Một vòng cao nguyên đá ảnh 2
Thung lũng Sà Phìn. Ảnh: T.N

Trên đỉnh Mã Pì Lèng nhớ dấu sử kỳ tích  thanh niên

Chúng tôi dừng lại ở đỉnh đèo Mã Pì Lèng để mở rộng tầm mắt tới những khoảng không bao la, núi non hùng vĩ. Từ đỉnh đèo, ngắm dòng Nho Quế quanh co ẩn hiện dưới lũng sâu cách mặt đường hàng ngàn thước, trông như một dải lụa màu lục nhạt vắt hờ hững trên eo thon thắt đáy lưng ong của thiếu nữ Kinh Bắc ngày khai hội! Đôi chỗ dòng Nho Quế đi qua những hẻm vực, hai bên bờ là vách đá dốc đứng, mà Mã Pì Lèng có lẽ là hẻm vực sâu và hoành tráng nhất Đông Nam Á.

Ngạc nhiên là giữa nơi hoang dại, heo hút với cái tên rất vùng cao là Mã Pì Lèng lại có một dòng sông vắt mình vào sườn núi và thung sâu có cái tên rất thơ mộng là Nho Quế.

Đọc tấm bia đá mòn dấu thời gian thấy tri ân lớp cha anh đi trước. Con đường qua đèo hôm nay là kỳ tích lao động quên mình của hàng nghìn thanh niên từ nhiều địa phương trong nước.

Hơn bốn chục năm trước, công trường làm đường, phá đá vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam, chinh phục cao nguyên cao nhất Việt Nam - cao nguyên Đồng Văn.

Hai triệu ngày công của hàng vạn lượt người trong 8 năm ròng (từ 1959-1965) với tay búa tay choòng phá đá bằng cách thủ công nhất, trong thời gian lâu nhất, để mở gần hai trăm cây số đường ô tô lên cao nguyên Đồng Văn - Mèo Vạc, nơi hoang sơ mà từ buổi hồng hoang đến năm 1965 chỉ có lối mòn cho ngựa thồ và người đi bộ. Riêng đoạn đèo Mã Pì Lèng, công nhân phải treo mình để chinh phục đá. Công việc đó diễn ra trong suốt 11 tháng trời.

Những kỳ quan đâu thua kém Rừng Đá Trung Hoa

Năm 2008, có nhiều đoàn khảo sát của các nhà khoa học đã đi qua những hoang mạc đá khô cằn của huyện Đồng Văn, những thung lũng và phễu karst tiếp nối, xen giữa điệp trùng những đỉnh núi dạng chóp và dạng tháp.

Ngoài những giá trị to lớn về địa chất, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều cảnh quan đá kỳ thú, có thể sánh ngang tầm với rừng đá Thạch Lâm (Rừng Đá) ở Vân Nam (Trung Quốc). 

Dọc Phố Bảng, Phố Cáo, Lũng Cú, Đồng Văn đây đó nổi lên các cụm cột, tháp, trông như những toà tháp đá cổ… Từ Vần Chải đến Lũng Chinh, từ Lũng Táo đến Khâu Vai, ở đâu  cũng gặp những cánh đồng đá đa dạng và đặc sắc, muôn hình vạn trạng có thể hình tượng hóa thành muôn vẻ theo góc nhìn và trí tưởng tượng phong phú của mỗi người.

Và cũng thật lãng mạn khi các nhà địa chất đã tìm thấy và đặt cho nhiều địa danh của cao nguyên đá những cái tên hấp dẫn: rừng đá Lũng Táo, vườn hoa đá  Khâu Vai, vườn thú đá Lũng Pù, bãi hải cẩu Vân Chải (bãi đá lạ với phong hóa karst tạo thành lớp lớp các phiến đá tròn nhẵn xếp gối lên nhau, trông giống hệt đàn hải cẩu cả nghìn con đen bóng tựa vào nhau ngủ trên bãi biển vắng).

Theo Viện Địa chất Việt Nam, ngọn tháp đá Kim Pải Lủng (gần đèo Mã Pì Lèng) được  coi là phòng thí nghiệm địa chất- kiến tạo ngoài trời, có giá trị cao về tham quan nghiên cứu, là cảnh quan hiếm có không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Những kỳ quan đá thiên tạo ấy làm mê đắm lòng người. Trải nhiều triệu năm gió mưa tác động, những kiệt tác đá hình thành. Phải cảm ơn thiên nhiên - người nghệ sỹ vô hình nhưng miệt mài - đã để lại những tác phẩm mà con người dù tài giỏi mấy cũng khó tạo tác nổi.

Hiện nay, Viện Địa chất Việt Nam và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đang lập hồ sơ trình UNESCO công nhận cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên địa chất thế giới. Song tôi vẫn thấy chạnh lòng khi chợt so sánh cao nguyên đá Đồng Văn với thắng cảnh Thạch Lâm ở tỉnh Vân Nam bên nước bạn (Vân Nam cũng là láng giềng của tỉnh Hà Giang) mà người Trung Quốc coi là “Thiên hạ đệ nhất kỳ quan”.

Thạch Lâm thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới và kiếm về bộn tiền cho cộng đồng người dân tộc Di ở đó. Năm 2004, Thạch Lâm được UNESCO công nhận là Vườn địa chất thế giới. Nhưng trước đó hai chục từ năm, Thạch Lâm đã được Chính phủ Trung Quốc phê chuẩn là Khu thắng cảnh trọng điểm quốc gia.

Một vòng cao nguyên đá ảnh 3
Phiên chợ người Mông. Ảnh: T.N

Khúc buồn cho miền đá khát

Có một thực tế là rất nhiều kỳ quan đá trên miền cao nguyên này  đã và đang bị người dân phá hủy không thương tiếc vì mưu sinh. Tại xã Lũng Pù (Mèo Vạc)  từng có vách đá hình con gấu khổng lồ nhưng do người dân đẽo dần, đá gấu đã bị phá gần hết.

Quá muộn khi đến nay ta vẫn chưa có luật di sản thiên nhiên để bảo vệ những giá trị mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Đáng tiếc là do nhu cầu khai thác đá, các giá trị mà tự nhiên mất hàng chục triệu năm thậm chí hàng trăm triệu năm mới tạo nên và để lại dấu ấn cho vùng đất này đang có nguy cơ mất vĩnh viễn.

Bất chợt, tôi rùng mình khi nhớ lại câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm mười mấy năm trước  Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô Thị nó vừa nung vôi…

Tiếng hót của những chú chim họa mi trong lồng lúc gần khuya mà Hải, cậu cán bộ thuế rất trẻ vừa luân chuyển từ Vị Xuyên lên tăng cường cho Đồng Văn, nhờ tôi chuyển về tặng vợ khiến trong tôi trào lên nhiều liên tưởng - sự  liên tưởng của những người thích xê dịch, lãng du và khám phá. Mong sao mai này Đồng Văn, Mèo Vạc bớt nghèo khó, không còn diệu vợi và  xa ngái!

Đồng Văn-Hà Nội 12/2008

Tháng 4/2008, tại Hà Giang diễn ra Hội thảo khoa học tầm cỡ quốc gia về cao nguyên đá, nhiều nhà khoa học cho rằng cần lập hồ sơ để công nhận cao nguyên đá Đồng Văn - Mèo Vạc là di sản thiên nhiên hay công viên địa chất thế giới. 

Đã phát hiện  gần 40 điểm di sản có giá trị trên cao nguyên đá Đồng Văn, trong đó có 7 di sản về lịch sử tiến hóa vỏ trái đất; 3 điểm quan sát toàn cảnh; 7 điểm về vườn đá, rừng đá; 6 điểm di sản về vách đá dốc đứng 200- 600m; 7 di sản về hang động...

Đặc biệt, tại vùng núi đá vôi đã phát hiện nhiều hệ sinh thái độc đáo, trong đó có 52 loài thú, chim, bò sát có ý nghĩa khoa học và giá trị bảo tồn cao trên thế giới.

MỚI - NÓNG