Múa lân để làm người

Múa lân để làm người
TP - Có người nói với võ sư Từ Tiết Hằng, mấy chục năm theo đuổi lân sư rồng, ông được gì, không vợ con, gia đình, chỉ mấy cái đầu lân. Từ Tiết Hằng cười bảo: Tui không có vợ, nhưng tài sản của tui là hơn 100 đứa con ở Hằng Anh Đường đó thôi!...

Tiếng trống thất tinh cổ (trống bảy sao) trên tay vị trưởng đoàn Từ Tiết Hằng (Lương Tấn Hằng) lúc dập dồn lúc ngưng đọng, theo từng bộ pháp của đoàn Lân – Sư - Rồng tại nhà biểu diễn đa năng Đà Nẵng.

Hơn chục phút biểu diễn của Châu Hưng Tiền và Nguyễn Quang Bảo trong tiết mục Lân lên Mai Hoa Thung là chừng ấy thời gian khán giả hầu như đứng tim trước những pha nhào lộn. Điểm nhấn là bước nhảy giữa hai trụ cách nhau đến ba mét.

Tiếng trống trên tay võ sư Từ Tiết Hằng nhẹ trầm, rồi bất ngờ dập dồn xen lẫn với thanh la, chõm chọe khi hai diễn viên vừa kết thúc thành công màn nhảy ngoạn mục cùng những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả.

“Đây là lần thứ ba đến với Đà Nẵng. Lần này chúng tôi mang theo những tiết mục đặc sắc nhất, tiết mục làm nên tên tuổi của đoàn Hằng Anh Đường, Lân lên Mai Hoa Thung.

Tiết mục này đã đạt được bước nhảy cao nhất và chúng tôi đang chuẩn bị đăng ký để được ghi vào sách kỷ lục thế giới Guinness. Kỷ lục của các đoàn trước lập chỉ khoảng 2,5m” – Võ sư Từ Tiết Hằng kể.

Mai Hoa Thung vốn là một trong những tiết mục yêu thích của các đoàn Lân – Sư - Rồng. Theo truyền thuyết, để phân định thứ bậc trong giang hồ, mỗi năm cứ độ xuân về, các bậc cao thủ trong võ lâm hẹn nhau đến Mai Hoa Thung tranh tài cao thấp.

Khu rừng mai này được cưa cành chỉ còn trơ lại gốc. Người đấu phải di chuyển từ gốc mai này sang gốc mai khác, chân không được chạm đất. Nếu chạm đất hoặc ngã xuống thì thua. Thay vì các gốc mai, ngày nay, người ta mượn các chiếc cột để các con lân, sư tử đứng tấn lúc biểu diễn.

Độc đáo không kém là tiết mục khí công của võ sư Trần Văn Bình (30 tuổi, quê TPHCM). Anh mình trần nằm trên bàn chông, đặt ngang bụng tấm ván cho đội lân đứng trên biểu diễn... “Mình mời người yêu đi xem biểu diễn nhiều lần nhưng người ta sợ không dám coi”, Bình nói.

Múa lân để làm người ảnh 1
Đoàn Lân – Sư - Rồng Hằng Anh Đường luôn gây được sự chú ý đối với khán giả

Vươn lên số phận

Gạt mồ hôi trên mặt sau giờ biểu diễn, Nguyễn Quang Bảo (sinh năm 1985, quê Bình Dương) tâm sự: “Để tập luyện được tiết mục Lân lên Mai Hoa Thung, em phải mất cả năm trời.

Chỉ riêng bước nhảy ba mét cũng mất cả sáu tháng và phải duy trì tập luyện thường xuyên mới ổn định”. Hay với màn biểu diễn khí công của Trần Văn Bình, anh phải mất ba năm.

Ban đầu lấy những vật nhọn bình thường chích vào bốn điểm trên người, rồi tập luyện khí công... “Để nằm trên bàn chông, chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến chấn thương”- Bình nói.

“Hơn 50 em mồ côi, không người chăm sóc, được chúng tôi đón nhận đào tạo và tạo việc”, võ sư Từ Tiết Hằng tâm sự.

Ông Hà Văn Bông (54 tuổi, quê Bình Dương) từng là cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ lúc chín tuổi. Ông sống nhờ ông nội, rồi bắt đầu cuộc đời lang thang kiếm sống.

Chặng đường mưu sinh cứ dài đằng đẵng, hết ở đợ, lại làm bánh mì, rồi lang bạt làm thuê tại bến xe TPHCM. “May mắn được một người xe ôm ở bến xe giới thiệu vào đoàn của anh Hằng”... 20 năm gắn bó trong đoàn, ông Bông là võ sư khí công khét tiếng với nhiều ngón nghề đặc biệt.

Không riêng gì trường hợp ông Bông, các thế hệ sau như anh Trần Văn Bình, các võ sư nhí Lê Văn Mẫn, Nguyễn Thành Tân... đều chung cảnh đời mồ côi, cơ cực.

Cả những trường hợp ăn chơi, nghiện hút, võ sư Từ Tiết Hằng vẫn mở rộng đón nhận vào đoàn Lân – Sư - Rồng của mình. Anh Huỳnh Hoài Chung (sinh năm 1980, quê TPHCM), là năm năm nghiện hút. Vào Hằng Anh Đường, anh còn được võ sư Từ Tiết Hằng tin tưởng giao trọng trách Phó đoàn Lân- Sư- Rồng.

Cha của 100 đứa con

Đưa những đứa trẻ một thời nghịch ngợm, quậy phá vào đoàn, võ sư Từ Tiết Hằng không ít lần bị công an hỏi thăm. “Mình phải nhìn các em là người tốt thì mới phát hiện được những tính tốt tiềm ẩn để vực các em đứng dậy. Không cho các em một cơ hội, làm sao các em khắc phục và trưởng thành được”, võ sư Hằng tâm sự.

Võ sư Từ Tiết Hằng, người đàn ông gốc Hoa 47 tuổi với dáng vóc nhỏ gọn, lanh lẹn, vừa được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Anh nói bằng tấm lòng chân thành, chính mình trước kia cũng như thế, trải nghiệm tuổi thơ đầy nhọc nhằn.

Những ngày thơ ấu cơ cực, theo mẹ phụ bán xôi, trứng lộn, vé số, đêm đêm anh tìm đến Tinh Anh Đường học võ. Suốt 36 năm gắn bó với nghề, anh được thầy truyền dạy nhiều bí kíp trở thành một trong những tên tuổi nổi tiếng của TPHCM.

Năm 1990, võ sĩ Hằng tách khỏi Tinh Anh Đường, thành lập Hằng Anh Đường. Đến năm 2007 tiếp tục phát triển thành Cty TNHH Thương mại & Dịch vụ Nghệ thuật Hằng Anh.

Giới chơi Lân – Sư - Rồng TPHCM biết đến Hằng Anh Đường như đơn vị tiên phong biết kết hợp điểm mạnh của các nước có truyền thống về lĩnh vực này như Trung Quốc, Singapore... để tạo nên phong cách riêng trong Lân – Sư - Rồng của mình.

Ngoài việc tập luyện võ thuật biểu diễn, võ sư Hằng còn cho anh em làm đầu lân xuất khẩu, ký những hợp đồng nhận thêm tổ chức sự kiện, quay phim, chụp ảnh để tăng thu nhập cho mọi người.  

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.