Mưu sinh giữa đêm lạnh

Bán bánh chưng rán tại chợ Đồng Xuân
Bán bánh chưng rán tại chợ Đồng Xuân
TP - Những đêm đông, nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội xuống 7-8 độ C. Trong cái lạnh cắt da, cắt thịt ấy, vẫn tất bật những kiếp người gồng mình mưu sinh…

>> Cao nguyên Đồng Văn trong giá lạnh

Mẹ con chị Liễu chờ bốc vác tại chợ Long Biên
Mẹ con chị Liễu chờ bốc vác tại chợ Long Biên, Hà Nội.

Áo mỏng đêm đông

Hà Nội vào đêm rực sáng, lung linh những ánh điện xanh đỏ nổi lên giữa các con phố. Đã qua 10 giờ đêm, khi nhiều gia đình trong chăn ấm, đệm êm, những người bán dạo, xe ôm, lao động tỉnh lẻ hay người lao công… vẫn phải tất bật vì cuộc mưu sinh.

Đi dọc con phố Cầu Giấy, Xuân Thủy, Dịch Vọng Hậu, Hồ Tùng Mậu…, nhiều đống lửa nhen lên cạnh quán cóc với năm ba cái đầu túm tụm xuýt xoa. Hàng trăm xe đẩy hoa quả, ngô, khoai luộc, nướng lúc vội vã, lúc chậm rãi tỏa đi các hướng.

Chúng tôi gặp Diệu, quê ở Mỹ Đức (Hà Nội) co ro bên chiếc xe đẩy tỏa mùi thơm thoảng của ngô, khoai trong hơi lạnh, cạnh chân cầu vượt Dịch Vọng. Chân không tất, xỏ trong đôi dép tổ ong ố vàng, chỉ bận chiếc áo khoác mỏng cũ kỹ, Diệu rúm ró vì rét.

Bán bánh chưng rán tại chợ Đồng Xuân
Bán bánh chưng rán tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội.

Diệu tâm sự: Em cùng chị gái lên Hà Nội bán ngô từ khi chưa học hết lớp 8. Nhà nghèo, đông con nên chẳng ai học hết cấp 3. Em bán chủ yếu từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm. Hiện chị gái em bị thấp khớp, đi bữa được, bữa không, nên các khoản ăn uống, thuê nhà, thuốc men cho chị và tiền gửi về cho bố mẹ đều dựa vào xe ngô này.

"Trời lạnh, nhưng em có dám sắm sửa gì đâu. Hôm đắt hàng còn bán được 70 bắp và 2 cân khoai, lãi cũng được gần 100.000 đồng, còn hôm nào lạnh như thế này, đường phố chưa ngủ đã vắng hoe, ít người mua nên chỉ được dăm ba chục thôi", Diệu nói.

Câu chuyện của Diệu bị ngắt quãng bởi tiếng gọi thất thanh của một người đàn ông bán dâu tây cạnh đấy: "Công an! Công an!". Diệu oằn người đẩy xe, thả câu chào vội vã chúng tôi rồi đạp xe hòa vào đoàn xe ngô rời khu vực cầu vượt.

Chợ đầu mối Long Biên khi về khuya càng nhộn nhịp, tấp nập. Hàng trăm ô tô rau, quả từ Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa… xếp dãy, mở thùng sẵn. Khi đồng hồ chỉ sang thời khắc chuyển ngày, cũng là lúc chợ sôi động nhất. Xe đẩy hàng chất từng thùng, bao hoa quả thành khối vuông vức chuyển từ trong chợ ra ngoài cửa khẩu cho các chủ hàng.

Trời lạnh tê tái, nhưng trán lấm tấm mồ hôi, Thắng (22 tuổi, quê ở Hưng Yên), xởi lởi nói: "Em với thằng bạn vừa đánh được 2 chuyến, gần 50 thùng hàng. Xe này chở khoảng 5 tạ nhưng bọn em vẫn nai thêm 7 tạ đến 1 tấn. Khó nhất là đẩy hàng qua dốc cửa khẩu, có khi đuối quá phải nhờ thêm người nữa mới qua được. Lên tới dốc toàn thân lử đi, bở hơi tai".

Thắng cho biết, chủ hàng ở đây trả công theo thùng hàng vận chuyển. Mỗi thùng các-tông là 800-1.000 đồng/thùng, thùng xốp từ 1.000 đến 1.500 đồng/thùng, còn nếu đóng thành các kiện hàng bằng nứa thì 2.000-2.500 đồng/kiện. Thùng hàng được đóng kín bưng, chủ hàng mua ngay tại cửa thùng xe tải, rồi thuê người chuyển qua ngoài cửa khẩu. Tuần trước (mồng 1, và rằm âm lịch hằng tháng), là lúc hàng về nhiều nhất. Mỗi đêm thường được khoảng 50.000 đồng, có ngày đến 100.000 đồng.

Ngồi ở một góc khuất, hai mẹ con chị Lê Thị Liễu (23 tuổi, Văn Giang, Hưng Yên) đang nói chuyện tiền thuốc men cho người nhà ở quê bên chiếc xe kéo tay. Mẹ chị Liễu năm nay ngoài 60 vẫn theo con gái lên Hà Nội làm cửu vạn chỉ mong có tiền chữa bệnh cho chồng.

Chị Liễu tâm sự: "Hai mẹ con làm từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng gần như không nghỉ cũng chỉ được 200.000đồng. Sáng về nghỉ được 3 tiếng rồi lại ra chợ bán rong trứng vịt lộn. Lãi nhiều được năm bảy chục, ít được hai ba chục ngàn đồng thêm vào tiền rau mắm".

Hai mẹ con chị đều phong phanh trong chiếc áo khoác nhẹ. Chị Liễu bảo: Lúc làm việc đổ mồ hôi ra là nóng ngay nên không cần mặc áo ấm. Một chủ hàng vẫy đi làm, chị và mẹ lại tất tả kéo xe khi sương đã ướt đẫm trên vai áo.

Chị Nguyễn Thị Phụng bán nước trước cổng sân vận động Mỹ Đình
Chị Nguyễn Thị Phụng bán nước trước cổng sân vận động Mỹ Đình.

Chống chọi với rét

Gần 1 giờ sáng, cái lạnh xuyên qua từng lớp áo, chúng tôi tê cóng bước vào quán bánh chưng rán khu vực chợ Đồng Xuân. Bà chủ quán có mái tóc hoa râm quê ở Nam Định, buôn bán nhỏ quanh khu vực chợ Đồng Xuân được 7 năm. Mùa hè bán nước, còn mùa đông quay sang bán bánh chưng rán. Bán từ lúc 11 giờ đêm cho đến 7 giờ sáng. Trung bình một buổi bán được 120 cái bánh, lãi hơn 100.000 đồng.

"Nghe dự báo có không khí lạnh, tôi bận những đến mấy cái áo khoác nên đêm nay ngồi thoải mái không sợ lạnh. Đáng nhẽ ra, 65 tuổi phải được nghỉ ngơi, đằng này tại chồng ốm yếu, con cái cũng hoàn cảnh, nên tôi phải nai lưng ra làm. Không biết đến mùa đông sang năm có còn đủ sức khỏe để mà làm nữa không", bà nói.

Bụng đã ấm, chúng tôi vòng xe chạy ngược lên sân vận động Mỹ Đình tìm quán nước chè. Hơn 2 giờ sáng, chị chủ quán chuẩn bị dọn hàng nhưng thấy có khách nên ngồi nán lại. Chị Phụng, năm nay 40 tuổi, người làng Phú Đô (Từ Liêm, Hà Nội). Ngồi thu lu bên đống lửa đã tắt, chị bảo: "Đang dọn hàng nên tắt lửa rồi. Chứ ngồi từ 7 giờ tối đến 2 giờ sáng mà không có ngọn lửa đó thì chết rét".

Con trai cả của chị học Đại học Bách khoa năm thứ 2, con trai thứ học lớp 8. Vợ chồng đều là công nhân, chị tranh thủ đi bán nước buổi đêm để kiếm thêm tiền học cho con cái. Chính cái quán nước nhỏ này đã đưa con trai cả của chị vào đại học, rồi sau này sẽ là đứa con thứ hai của chị.

Tảng sáng. Những chuyến hàng đêm vãn đi cũng là lúc những dòng xe chở đầy rau quả hối hả ra chợ. Những người lao động nghèo, đêm mai mọi thứ lại bắt đầu...

Nhiều nơi lạnh dưới 10 độ C

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do tác động của đợt gió mùa đông bắc tăng cường mới, khoảng giữa tuần tới, nhiều nơi ở miền Bắc có thể lạnh dưới 10 độ C, ngưỡng nhiệt độ có thể khiến học sinh nhiều trường phải nghỉ học theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Ngày 9-1, cả miền Bắc lại chìm sâu trong cái rét cắt da, cắt thịt bởi không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ giảm khoảng 2 độ C so với ngày 8-1. Đã thế, từ trung tâm lục địa châu Á lại có một khối không khí lạnh nữa đang di chuyển xuống phía nam.

Khoảng thứ ba tới, ngày 11-1, đợt gió mùa đông bắc này sẽ tăng cường mạnh hơn kèm theo mưa nhỏ, mưa rào nhẹ nên nhiệt độ sẽ còn tiếp tục xuống thấp hơn, phần lớn các địa phương miền Bắc sẽ xuống dưới 10 độ C, nhiều nơi thuộc vùng núi cao nhiệt độ sẽ xuống xấp xỉ và có nơi dưới 0 độ C. Khi đó, không chỉ Mẫu Sơn, nhiều vùng núi cao sẽ có băng tuyết.

Khoảng cuối tuần này đến giữa tuần sau, tức ngày 15-1 và 19-1, sẽ còn tiếp tục có đợt gió mùa đông bắc bổ sung. Vì thế, đợt rét này có khả năng kéo dài qua ngày 20-1, tức là kéo dài tới 20 ngày.

Được biết, trong lịch sử miền Bắc từng có hai lần rét kéo dài xấp xỉ và trên một tháng. Đó là đợt rét vào tháng 2-1968 (28 ngày) và tháng 1 và 2-2008 (40 ngày).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG