Náo loạn chuyện cô đồng và 'nhà nhạy cảm' tìm hài cốt liệt sỹ

Náo loạn chuyện cô đồng và 'nhà nhạy cảm' tìm hài cốt liệt sỹ
TP - Xã Sa Sơn (Sa Thầy – Kon Tum) những ngày này nóng lên bởi bà Loan được báo mộng chỉ ra hài cốt liệt sĩ dưới chuồng bò nhà mình.

Chuyện chẳng ai tin nếu không có “nhà nhạy cảm” từ Hà Nội về nêu danh tánh 10 liệt sĩ rồi Phòng Nội vụ – LĐ&TB-XH huyện Sa Thầy đưa vào nghĩa trang huyện ang táng.

“10 hài cốt” dưới chuồng bò cũ

Chiều muộn, 12/10/2007 chúng tôi đến xã Sa Sơn. Cả tuần nay lãnh đạo xã luôn túc trực cơ quan đề phòng những chuyện bất ổn xảy ra qua việc bà Loan lên đồng.

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Sa Sơn - ông Trần Văn Định cho biết: Ngày 6/10/2007, xã được tin tại vườn bà Nguyễn Thị Loan (sinh năm 1962) có việc đào bới tìm hài cốt liệt sĩ. Đây là chuyện tâm linh nhạy cảm nên lập tức xã cử một số cán bộ đến xem xét nếu chính xác là nơi hy sinh của bộ đội, du kích thì hỗ trợ gia đình tìm, vừa quan sát thực hư.

Tìm hài cốt liệt sĩ thường do ngành LĐ – TB&XH hay bên quân đội tổ chức, đằng này lại do bà Loan, một người thần kinh không bình thường làm. Trước đó mấy ngày, xã Sa Sơn nhộn nhạo bởi một nhóm người từ Thái Bình rước thờ tổ vào đây lập đàn cúng tế liên tục 3 ngày đêm ròng rã.

Ông Nguyễn Văn Hiệp – Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, người bà con và đồng hương Thái Bình cùng đi kinh tế mới năm 1986 với bà Loan vào Sa Thầy kể: Do nhà ở gần nên trong quá trình đào bới ông thường xuyên có mặt ở hiện trường.

Lúc đầu bà Loan khoanh một vùng hình vuông mỗi cạnh chừng 5m bảo mọi người đào. Bà nói đêm qua nằm mộng có người mặc áo vàng tự xưng là Trần Văn Hốt cậu ruột bà, đi bộ đội hy sinh mất tích trong kháng chiến chống Mỹ về báo rằng ông đang nằm ở đây, cùng 11 đồng đội do bị trúng bom.

Trời mưa sụt sùi, bùn đất nhão nhoét, nhưng đám trai làng vẫn đào bới toát mồ hôi. Đào mãi đến tận cùng đất cứng không có, bà Loan lại thắp nhang, khấn vái, lên đồng chỉ khu vực bên cạnh. May quá đào đến chập choạng tối thì Phong (một người tham gia đào tìm hài cốt) thấy ụ đất đen khác lạ.

Theo ông Hiệp đấy là tổ mối cũ. Nhưng Phong hào hứng hô “Đây rồi, đây rồi”, lập tức bê ụ đất lên. Bà Loan như vớ được vàng kêu mọi người che bạt cho “liệt sĩ” nằm.

Cô đồng Loan bảo trong đống đất này là hài cốt 6 liệt sĩ bị bom chết chồng lên nhau, lúc chết làm nhiệm vụ đặc biệt, mặc quần đùi. Rồi họ thắp hương đèn suốt ngày đêm trước sự tò mò của người dân trong xã. Ngoài đống đất đen này, không tìm được bất cứ dấu tích, vật dụng gì để chứng tỏ rằng nơi đây từng có người hy sinh.

Nghĩ tính bà Loan đồng bóng, từng cởi quần áo lang thang ngoài đường nên lãnh đạo xã Sa Sơn không tin, cũng chẳng báo về huyện, chỉ vận động nhân dân đừng mê muội tin theo. Tuy nhiên một số người vẫn kéo đến thắp hương, cúng lễ.

Bà Loan được “bề trên” cho lộc?

Chiều tối 12/10, tôi được ông Hiệp chở bằng xe máy vào vườn bà Loan, hiện trường khai quật. Bà ở nhà một mình, đang dọn cơm tối. Nhà cửa ọp ẹp. Bà Loan thanh minh với khách: Từ năm ngoái khi Kỳ con trai của bà tự tử chết, cả gia đình đều ngủ phòng này, vừa thờ, vừa tiếp khách vừa ăn uống. Gian buồng chỉ có đứa con nuôi cùng tuổi Kỳ ngủ.

Náo loạn chuyện cô đồng và 'nhà nhạy cảm' tìm hài cốt liệt sỹ ảnh 1
Nơi cô đồng Loan đào tìm liệt sĩ

Cách thờ phụng của cô đồng Loan cũng lạ, 1 bàn nhỏ thờ tấm lịch trên bàn có 3 bát nhang nghi ngút khói và 1 chiếc đĩa đựng tiền khách đến phúng, một bàn thờ khác có một bát nhang, 1 con vịt loại bong bóng nhựa đồ chơi trẻ con bà giải thích là nơi thờ bổn mạng mình.

Gợi chuyện, bà Loan thao thao, huơ tay múa chân. Bà kể chuyện nhân thân từ lúc mới sinh ở tuổi Nhâm Dần (1962) đến 20 tuổi lấy chồng đẻ con, bị điên mấy lần. Vợ chồng bà Loan có 2 trai, 4 gái 1 trai chết từ nhỏ, người con trai còn lại 22 tuổi tự tử chết năm 2006. Con trai chết, bà Loan lại điên. Vợ chồng không chuyên tâm làm ăn nên gia cảnh vì thế túng quẫn.

Cô đồng Loan kể với tôi rằng, thánh thần cho bà cái lộc biết 4 điều mà người thường không biết trong đó có khả năng tìm mộ liệt sĩ, xem bói. Loan còn khoe thánh thần chỉ cho mình kho vàng Mỹ để lại, vùng này còn 36 hài cốt lính ngụy chết. Vì thế oan hồn thường về quấy phá dân lành.

Năm ngoái Sa Sơn có 4 người bị tai nạn giao thông và 1 người tai biến chết và con trai bà tự tử đều do âm hồn bắt. Từ đầu thôn đến nhà bà có đường giao thông hào rất nhiều người chết, ai tin nhờ bà sẽ tìm cho. Như ông Khoa ở gần đấy có đứa con gái đang học lớp 10 bỗng mắt bị mờ, tai điếc do dưới nhà ông Khoa có 3 hài cốt!?

Chuyện âm phủ khó kiểm chứng, song chuyện dương gian thì bà Loan nói sai hết. Một đồng nghiệp báo Nông thôn ngày nay giả học sinh lớp 12 đến nhờ bà lên đồng xem hậu vận.

Bà Loan cũng khấn, lạy, gõ chuông, gõ mõ bảo: Mày năm nay thi Đại học Y nhưng sẽ rớt. Hiện đang có cô gái tóc dài để ý… Trong khi đồng nghiệp tôi đã 30 tuổi, tốt nghiệp đại học 6 năm, vợ con đề huề, chỉ vóc người thư sinh trắng trẻo nên cô đồng nhầm.

“Nhà nhạy cảm” đọc được tên liệt sĩ (?)

“Hài cốt liệt sĩ” đào lên nhưng cán bộ xã không ai tin bảo đó chỉ là tổ mối, dân bán tín bán nghi. Bực mình bà Loan gọi điện di động số 0984… cho “nhà nhạy cảm” (cách nói của bà Loan) tên Thuận về thẩm định.

Ba ngày sau, lúc 16 giờ 15 phút ngày 9/10/2007, một xe ôtô biển số 19L 6658 đỗ trước UBND xã Sa Sơn, người trên đó nói có một gia đình trong xã báo đã tìm được 6 hài cốt liệt sĩ không rõ danh tánh, yêu cầu các nhà ngoại cảm tìm hộ.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Bùi Quốc Tưởng giải thích rõ nội tình địa phương, yêu cầu xuất trình giấy tờ và có việc cần hãy liên hệ với huyện trước. Một người đưa giấy giới thiệu bản photocopy của Hiệp hội KH-TTNC tính năng con người số 85/TT do Giám đốc Nguyễn Thị Tuyết Mai ký và một giấy đi đường cấp cho nhà ngoại cảm Nguyễn Hữu Thuận.

Ông Thuận cùng một số người trên xe quay ra huyện, rồi khoảng 30 phút sau cùng bà Trần Thị Chinh – Phó Phòng Nội vụ – Lao động – TBXH về xã vào hiện trường khai quật.

Ông Tưởng và nhiều cán bộ xã đi theo nhưng đứng ngoài, thấy nhà ngoại cảm gọi điện cho ai đó rồi bắt đầu cho tên từng liệt sĩ. Đống đất gọi là hài cốt liệt sĩ được mở ra, mỗi lần cho một tên là xúc 1 xẻng đất bỏ vào quách và bọc vải đỏ lên.

Có 6 xẻng đất được bỏ như vậy. Được 6 hài cốt thì hết. Nhà ngoại cảm giậm 1 chân xuống đất yêu cầu đào xuống 3 nhát rồi hốt đất lên, nói đó là hài cốt liệt sĩ. Đào 3 chỗ như vậy nữa. Mỗi lần gọi 1 hài cốt ông ghi ra 1 tờ giấy đưa cho 1 người dân đứng gần đó cầm.

UBND xã thu được tên 9 liệt sĩ này do ông Thuận cho là: Trần Văn Hà – hy sinh (HS) ngày 4/11/1970, quê Hà Sơn Bình, Lê Văn Thảo HS ngày 21/9/1971 quê Giao Thủy – Nam Định, Bùi Văn Hách HS 2/8/1972 quê Hà Nam, Trần Văn Hiền HS ngày 14/12/1971 quê Đông Anh, Hà Hội, Bùi Văn Tiệm (Tiệp), HS ngày 11/4/1972, quê Phú Xuyên – Hà Tây, Hoàng Văn Tải HS ngày 6/6/1967, quê Nghĩa Hưng – Nam Định, Hoàng Văn Thức HS ngày 1/1/1972 quê Thanh Hóa giáp Quảng Bình, Hà Văn Cảnh HS ngày 6/8/1971, quê Lâm Thao – Phú Thọ, Đỗ Bá Khanh HS ngày 2/9/1968 quê Thanh Trì – Hà Nội.

Bà Chinh – Phó Phòng Nội vụ LĐ-TB&XH còn cho tôi tên 1 liệt sĩ nữ là Bùi Thị Nhung HS 24/8/1971 quê Kiến An – Hải Phòng, mà không có trong danh sách khi đọc tên ở xã.

Ông Nguyễn Văn Hiệp kể: Lúc đầu nhà ngoại cảm đọc có tên liệt sĩ Trần Văn Hốt là cậu bà Loan nhưng ông phản đối vì cho rằng ông Hốt cùng đơn vị với ông, hy sinh ở Quảng Trị sao lại có hài cốt ở đây. Ngay đêm đó số hài cốt này được đưa về nghĩa trang liệt sĩ huyện an táng.

Cán bộ xã có cơ sở để không tin vào kết quả do nhà ngoại cảm cung cấp bởi thời gian hy sinh của các liệt sĩ là từ 1967-1972 trong khi đó nguyên nhân chết lại do bom chụp xuống hầm, lẽ ra tất cả phải chết cùng ngày cùng giờ.

Đồng bào địa phương cho biết trước năm 1975 khu vực này không có căn cứ nào của Cách mạng làm sao có hài cốt nơi này. Với lại người cõi âm nhầm thế nào lại bảo LS Thức quê Thanh Hóa giáp Quảng Bình?

Bí thư Huyện ủy Sa Thầy – ông Võ Trọng Khoa bất ngờ trước tin Sa Sơn tìm thấy 10 hài cốt liệt sĩ. Ông Khoa nói nhà ngoại cảm Thuận vừa qua cũng tìm hài cốt trong khuôn viên Huyện ủy, bắt cán bộ huyện đào mãi không thấy gì, cuối cùng hốt 1 nắm đất đưa về nghĩa trang.

Đào trong khuôn viên Huyện ủy thấy có tấm bia mộ ghi tên T. D My, quê Nam Sách, Hải Dương song dưới đó không tìm ra hài cốt, huyện không rõ tấm bia ở khu vực này hay xe đổ đất xúc từ nơi khác đến.

Một cán bộ huyện thấy nhà ngoại cảm Thuận 3 lần về nghĩa trang Sa Thầy đọc tên liệt sĩ ở các tấm bia vô danh (mỗi lần 10 người) nên tin tưởng mời về tìm giúp. “Nhà ngoại cảm” Thuận bảo liệt sĩ này tên là Nguyễn Duy Mỹ nằm cách nơi đặt tấm bia 1,5m về hướng tây, đào xuống sẽ có ống xương. Song đào mãi không có gì, cuối cùng đem nắm đất về nghĩa trang.

Xã Sa Sơn đang nóng bỏng chuyện đồng cốt, mê tín. Làm sao có cơ sở để khẳng định đống đất đen kia là các liệt sĩ. Và khi chưa xác định chính xác đã vội đưa vào nghĩa trang thiêng liêng sẽ gây mất niềm tin của người dân về nơi tôn kính này.

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.