Ngày làm việc đầu tiên của Bộ Công Thương

Ngày làm việc đầu tiên của Bộ Công Thương
TP - Chưa đến giờ làm việc hành chính buổi sớm, chỗ để xe của tòa nhà 54 Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã đầy ắp. Có một thay đổi nhỏ trên tấm biển đồng phía trước cổng ra vào của tòa nhà được nhiều người chú ý, dòng chữ Bộ Công nghiệp đã được thay bằng Bộ Công Thương.
Ngày làm việc đầu tiên của Bộ Công Thương ảnh 1
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển tại Lễ bàn giao nhiệm vụ của Bộ CN và Bộ TM cho Bộ Công Thương. Ảnh: Lê Kình Thắng

Chính thức đi vào hoạt động vào hôm qua, lúc 8 giờ sáng ngày 8/8, Bộ Công Thương đã ghi tên mình vào lịch sử Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII với tư cách là Bộ đầu tiên hoàn thành việc hợp nhất và vận hành theo như quyết nghị của Quốc hội.

“Đầu tàu”

Liên lạc với ông Nguyễn Tiến Vỵ, Chánh Văn phòng Bộ Công nghiệp (cũ) để tìm hiểu việc đầu tiên trong ngày làm việc đầu tiên của Bộ Công Thương là gì?

“Tại trụ sở Bộ Công nghiệp cũ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng có cuộc họp quan trọng đầu tiên với các Thứ trưởng, tiếp đó là cuộc họp với thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Bộ.

Từ hôm nay, Bộ Công Thương chính thức sử dụng con dấu mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã quyết định sử dụng cách viết tên Bộ Công Thương với cả ba chữ cái đầu là chữ hoa” - Ông Vỵ nói.

Chạy sang trụ sở Bộ Thương mại (cũ), ngoài cổng Bộ, chữ trên tấm biển đồng cũng đã được đổi thành Bộ Công Thương, trong Bộ đang diễn ra Hội nghị sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm 2007.

Không phải thành phần tham gia Hội nghị, nhưng nhìn vào, tôi bắt gặp dáng hình quen thuộc của nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, lúc này ông đang nói lời chia tay với những người đã cùng ông làm việc trong gần hai nhiệm kỳ qua...

Lân la hỏi chuyện anh bảo vệ thường trực, mới hay ông Bộ trưởng “ấn tượng 2006” đã thu dọn phòng làm việc và bàn giao các tài liệu cần thiết cho Văn phòng từ nhiều ngày trước.

Anh bảo vệ nói: “Tôi thấy Bộ trưởng bàn giao rất nhanh, dường như Bộ trưởng không có nhiều đồ đạc cá nhân”!

Phải chăng thói quen “quyết rất nhanh” của nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển như đã có lần ông trả lời báo giới, đã góp phần đưa Bộ Công Thương trở thành Bộ đầu tiên hoàn thành việc tiếp nhận, chuyển giao, sớm ổn định và đi vào hoạt động?

Thế còn Phó Thủ tướng trẻ nhất của Chính phủ khóa XII Hoàng Trung Hải và nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã gửi gắm những gì cho vị tân Bộ trưởng Công Thương, trong lễ bàn giao nhiệm vụ của hai Bộ nay dồn vào một Bộ?

Tôi hỏi anh bạn làm ở Văn phòng Bộ Thương mại (cũ) “Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói Bộ mới cần hoà hợp, thống nhất nhanh để khẳng định vị trí đầu tàu trong sự nghiệp đưa đất nước tiến cùng thời đại; còn nguyên Bộ trưởng Tuyển nhấn mạnh rằng gắn sản xuất với thị trường, nếu kết hợp tốt thì thị trường trong nước sẽ ổn định, mạnh lên, xuất khẩu sẽ tăng trưởng và hội nhập kinh tế thế giới sẽ nhanh hơn.

Ngành công nghiệp đang chiếm 41% và thương mại dịch vụ chiếm 22% GDP của các nước. Bộ Công Thương là một bộ kinh tế lớn với vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước” - Anh bạn tường thuật lại.

“Phi công bất phú, phi thương bất hoạt”!

“Hôm nay (9/8), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ đi khảo sát hai trụ sở làm việc của Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại, để quyết định vị trí làm việc chính thức của Bộ Công Thương” - Thứ trưởng Bộ Thương mại (cũ) giờ đây là Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cho biết như vậy sau khi tham dự phiên họp quan trọng đầu tiên của Bộ Công Thương.

Dạm hỏi cuộc họp đầu tiên của “bộ kinh tế lớn” có gì bí mật không, Thứ trưởng Vĩnh vui vẻ trả lời: “Từ 8 giờ đến 9 giờ 30, lãnh đạo Bộ và người đứng đầu các vụ chủ chốt đã nhóm họp để thống nhất một số công việc quan trọng trước mắt.

Về lãnh đạo Bộ, Bộ Công nghiệp có 4 thứ trưởng (Bùi Xuân Khu, Đỗ Hữu Hào, Châu Huệ Cẩm, Lê Dương Quang), Bộ Thương mại có 3 Thứ trưởng (Lê Danh Vĩnh, Nguyễn Thành Biên, Nguyễn Cẩm Tú), tinh thần là những đồng chí Thứ trưởng hai Bộ sẽ trở thành Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Về phía Bộ Thương mại, những phần việc của nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển và nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân (nay giữ chức Bộ trưởng Bộ LĐ -TB&XH) tạm thời bàn giao một phần, tôi phụ trách thị trường châu Âu, đồng chí Biên phụ trách hội nhập kinh tế, đồng chí Tú điều hành xăng dầu”.

Một trong những vấn đề được dư luận cho là “khó” nhất khi hợp nhất tổ chức các bộ là: Sáp nhập các vụ có cùng chức năng và phân công người đứng đầu cấp vụ cũng đã được lãnh đạo Bộ Công Thương “quyết” luôn trong phiên họp đầu tiên.

Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh cho biết các Vụ: Tài chính kế toán; Kế hoạch đầu tư; Tổ chức cán bộ; Thanh tra Bộ; Văn phòng Bộ... đã được nhanh chóng hợp nhất và tạm thời chỉ định người đứng đầu.

“Dĩ nhiên trước mắt các Thứ trưởng và người đứng đầu các đơn vị chỉ là bổ nhiệm tạm thời, tới đây Bộ sẽ làm quy trình theo đúng quy định để bổ nhiệm chính thức. Vậy dưới địa phương, việc hợp nhất các Sở Thương mại, Sở Thương mại - Du lịch, và Sở Công nghiệp, như thế nào?".

“Chúng tôi sẽ bàn với Bộ Nội vụ để có hướng dẫn cụ thể, đồng thời cũng để xử lý các vấn đề tồn tại” - Thứ trưởng Vĩnh nói. Lại hỏi về tiêu chí bổ nhiệm người đứng đầu các đơn vị chức năng được hợp nhất, trong khi ở mỗi bộ các đơn vị đó đều đã có người đứng đầu?

Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh cho biết: “Đối với các đồng chí cấp phó thì không có vấn đề gì, nhưng sắp xếp các đồng chí đứng đầu các đơn vị đó đúng là chúng tôi phải tính. Ví như, Bộ Thương mại có đồng chí Vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán, theo tôi là rất giỏi chuyên môn, nhưng vừa qua đồng chí đó đã đến tuổi nghỉ hưu.

Bộ Thương mại đã chủ động không bố trí người khác, mà để đồng chí ở lại thêm một thời gian, đến lúc hợp nhất Bộ Công Thương thì bàn giao công việc cho đồng chí Vụ trưởng bên Bộ Công nghiệp.

Hay một đồng chí Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư của Bộ Thương mại rất có năng lực, được quy hoạch Thứ trưởng, lãnh đạo Bộ Thương mại đã bổ nhiệm đồng chí này làm Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh thay một đồng chí vừa về hưu. Như vậy, khi hợp nhất hai bộ, vị trí phụ trách Vụ Kế hoạch - Đầu tư của Bộ Công Thương cũng sẽ do đồng chí bên Bộ Công nghiệp đảm nhiệm”.

Là người đã gắn bó với ngành thương mại gần 10 năm trời, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh tâm sự rằng, cảm nghĩ của ông trong ngày làm việc đầu tiên của Bộ Công Thương là, làm sao Bộ mới hợp nhất ngày càng phát triển nhưng truyền thống của ngành Thương mại cũng như của ngành Công nghiệp không bị mờ nhạt theo năm tháng.

“Bộ Công Thương đang có nhiều thuận lợi. Không phải ngẫu nhiên mà từ xa xưa nhà bác học Lê Quý Đôn đã nói rằng phi nông bất ổn, “phi công bất phú, phi thương bất hoạt” và “phi trí bất hưng”.

Tôi nhớ rằng vào năm 1981 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta có 380 triệu rúp và đô la, đến năm 1991 là 2 tỷ USD, còn trong năm 2006 vừa qua cả nước xuất khẩu 39,6 tỷ USD. Như vậy xuất khẩu của cả năm 1981 chỉ bằng 3 ngày hiện nay, ít nước trên thế giới có được sự tăng trưởng xuất khẩu nhanh như vậy”-Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh nói khi chia tay tôi.

Nhìn vào lịch điện tử ở cổng ra vào Bộ Công Thương, mới hay sau phiên họp đầu tiên vào buổi sáng, các Thứ trưởng của Bộ cũng như các vụ, phòng ban chức năng đã quay lại với những công việc chuyên môn quen thuộc.

Chiều muộn, liên lạc với tân Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ông bảo: “Mình đang họp ở Bộ Nội vụ bàn về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu bộ máy của bộ Công thương, chắc rất muộn mới kết thúc”.

Chợt nhớ, trước khi công du các nước Đông Nam Á, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ và các bộ mới phải hoàn thiện dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ  của từng bộ trước ngày 15/8 này... 

Ghi nhanh của Võ Văn Thành

MỚI - NÓNG