Ngày trở về của một Hoàng đế

Ngày trở về của một Hoàng đế
TP - Cuối giờ Tý ngày 11 tháng chạp Kỷ Sửu đã là thời khắc của ngày 25 tháng giêng 2010, rón rén bước chân chầm chậm, tôi bám theo các nhà chức việc của Bộ VHTT & DL, UBND tỉnh Thanh Hóa và đại diện dòng tộc họ Lê Việt Nam vào khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử.

Cánh cửa gian phòng cuối nhà Bảo tàng suốt 40 năm quàn thi hài vua Lê Dụ Tông đã mở toang. Ngài ở đâu trong mấy cái hòm nghiêm cẩn phủ vải đỏ vải vàng?

Ngày trở về của một Hoàng đế ảnh 1
Quang cảnh chuẩn bị di quan vua Lê Dụ Tông tại Bảo tàng Lịch sử rạng ngày 25-1-2010. Ảnh: X.B

Cơ man nào những lăng những mộ thứ giả thứ thật nhưng vua Lê Dụ Tông là đại biểu duy nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam tồn tại trên 1.000 năm mà người đời nay còn cơ may được nhìn thấy hình hài.

Thử tạm tính, có khoảng gần 100 vị vua, chúa nhiều triều đại chỉ còn mỗi ngài đây phát lộ đến đầu thế kỷ 21. 45 năm sau sự kiện Thủ tướng Phạm Văn Đồng chứng kiến việc mở quan tài vua Lê Dụ Tông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bằng chỉ dụ 7618/VPCP-KGVX thể theo đề nghị của Bộ VHTT&DL và UBND tỉnh Thanh Hóa cùng dòng tộc họ Lê Việt Nam, đã quyết định hoàn táng thi hài nhà vua về nơi cũ.

Bên tôi là các thành viên của ban tổ chức lễ hoàn táng chứ không hẳn là là lễ an táng. Gọi thế, bởi cứ như tiền lệ chưa có một cái lễ hoàn táng nào tầm cấp nhà nước như thế này?

Dạo đưa hài cốt vua Duy Tân về Huế là dạng an táng bởi thể phách ngài từng bao năm lưu trú mãi ở xứ người. Còn đức vua đây, dịp này là đưa ngài về lại nơi cố quận Thanh Hoa.

Ông Trần Chiến Thắng, vị trưởng nam của nhà báo Hoàng Tùng, đêm nay nghiêm cẩn trong tư thế của một Thứ trưởng Bộ VHTT&DL thay mặt cho nhà nước CHXHCN Việt Nam là Trưởng ban hoàn táng. Phó là ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Các ủy viên là GĐ Sở VHTT&DL Thanh Hóa, chủ tịch xã Xuân Giang nơi hoàn táng ngài, và đại diện dòng tộc họ Lê, doanh nhân Lê Văn Tam.

Những làn hương thẳng tắp cứ bốc mãi lên suốt từ cuối giờ Tý qua giờ Sửu rồi bắt sang giờ Dần. Tôi không rõ trước và sau khi khâm liệm ngài có bao nhiêu công đoạn nhưng có một đoạn lễ trọng biểu hiện sự cảm thông giữa vị hoàng đế với người phàm trần đang quần tụ bên ngài.

Tới đoạn liệm, tất thảy đèn được tắt hết. Chỉ có động thái sột soạt khẽ khàng của nhân viên y tế đang thi hành phận sự. Một thôi lâu như thế. Có ai đó khẽ gieo đôi tiền chinh. Nhiều tiếng thở phào. Như vậy ngài đã thuận chuẩn việc hậu duệ đưa mình về lại nơi phát tích, cũng như cả cái việc bất cẩn đã phát lộ ngài năm 1958.

Đồng thời, ngài cũng đã chuẩn thuận lẫn miễn trách việc ngài từng ngần ấy năm ngự trên cái giá gỗ trong căn phòng của đất Hà thành để các nhà khảo cổ, các nhà khoa học nghiên cứu trên chính long thể của mình!

Nhớ buổi trưa thứ bảy (ngày mồng 9 âm lịch), tôi có điện cho ông Lê Văn Tam, một doanh nhân cũng là yếu nhân trong dòng họ Lê được giao nhiều trọng trách trong công cuộc hoàn táng ngài. Mấy lần chuông đổ nhưng không ai bắt máy.

Mãi hơn một tiếng sau, điện thoại của vị hậu duệ họ Lê này gọi ra... Tôi được biết ông đang tham gia một cuộc lễ trọng ở Thái Miếu nhà Lê ở Bố Vệ, Thanh Hóa (vua Lê Dụ Tông trước nay vẫn được thờ ở Thái Miếu) ông Tam cũng thở phào và hoan hỉ rằng, tại lễ cúng tế ở nhà Thái Miếu, ngài đã chuẩn thuận việc hoàn táng.

Qua ông Tam, tôi cũng được biết, ngoài việc cúng tế ở nhà Thái Miếu, con cháu nhà Lê, đặc biệt là những người được họ Lê giao các trọng trách việc hoàn táng, ngày hôm nay cũng đã kính cẩn chu đáo hoàn thành việc cúng tế ở các đền miếu thiêng tại đất Thăng Long lẫn xứ Thanh!

Chợt nhớ năm 1996, các thủ tục cho việc hoàn táng đã hoàn tất, trong đó sẽ diễn ra trọng thể một lễ rước ngài đến tế ở chùa Chân Tiên, Hà Nội. Thế nhưng, mọi sự đâm nhỡ nhàng đình hoãn lại bởi một nhà khoa học tầm cỡ nói rằng ông chưa được nghiên cứu thi hài nhà vua!

>> Vua Lê Dụ Tông yên nghỉ giữa lòng đất mẹ

Lần này, chắc để giản tiện với tiết kiệm, không có cuộc tế hoành tráng ở chùa Chân Tiên nhưng con cháu ngài đến cúng đến bạch có lẽ cũng đủ sự trang trọng chu toàn!

Tấm rèm phòng khâm liệm lách khẽ. Tôi nhận ra nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rồi tiếp là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Chiếc kim giờ đã chỉ sang con số 2. Các vị khẽ khàng đứng bên các ông Nguyễn Văn Lợi, Mai Văn Ninh, Bí thư và Chủ tịch Thanh Hóa và nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ.

Như vậy, nguyện vọng hằng bao nhiêu năm của những người lãnh đạo xứ Thanh của con dân xứ Thanh đi làm ăn xa nay đã được thỏa. Chiếc quan tài sắc nâu trầm bằng gỗ ngọc am chuyên dùng làm áo quan cho các bậc vua chúa kia thì vẫn tiếp tục lưu lại để hậu sinh diễn tiếp việc nghiên cứu.

Lần trở về này dòng họ Lê đã chu tất sắm sanh cho ngài cỗ hậu sự cũng bằng chất liệu gỗ ngọc am, thứ gỗ nghe đâu lấy tận núi rừng miền Trung. Công phu vậy vì xứ ấy mới tìm ra thứ thụ mộc trân quý hơn cả tứ thiết.

Người được giao trọng trách lo cỗ hậu sự mới nặng gần một tấn đang lừng lên thứ hương quý giá kia là người con trai của họa sĩ Hoàng Tuấn Phổ, anh Hoàng Tuấn Liêm. Cha con anh danh tiếng đều trội nổi vượt khỏi xứ Thanh Hoa. Riêng Liêm là tay cự phách chuyên dựng đền chùa. Một nửa khu phục chế điện Lam Kinh cũng một tay Công ty Liêm đảm trách.

Ngày trở về của một Hoàng đế ảnh 2
Thi hài vua Lê Dụ Tông đã được hoàn táng tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) sáng 25-1. 
Ảnh: Hoàng Lam

Sắc phục vừa được dùng để liệm ngài là cả một trường đoạn của những tử tế công phu. Những chất liệu tơ lụa tế nhuyễn thời buổi này chả phải là hiếm. Nhưng kỳ khu là cái việc may cắt! Việc đo kích cỡ y phục để vừa với long thể của ngài là cả một việc bí mật khó kể ra đây... Việc may cắt cũng vậy.

Tôi cố gạn mấy vị chức sắc trong dòng tộc họ Lê được giao trọng trách này kể cả ông Lê Văn Tam nhưng vị nào cũng lắc đầu cứ như thể thiên cơ bất khả lậu?! Mãi sau rồi cũng vớt được chút bật mí rằng phải nhờ thợ may tận trong Huế!

Đơn giản vì ở xứ thần kinh sông Hương núi Ngự ấy thì mới có hậu duệ còn sót lại mà cụ kỵ họ từng được tin cẩn chuyên may đo các loại triều phục của hoàng gia. Tính sơ sơ, tiền bạc chắc có lẽ cũng khá, nhưng nội thời gian để chi dùng cho việc đôn đáo, trù liệu đồ khâm liệm đã khấu đi không ít thời giờ!

Ấy là chưa kể những sự chùng chình do dự trong việc bàn định địa điểm hoàn táng ngài nên đã nhỡ mất tiết trùng cửu lẫn song thập được coi là hanh thông nhất của việc hoàn táng?

Còn việc khoác cho ngài bổ phẩm phục mới đêm nay ra sao trong khi tình trạng thi hài của ngài suốt 40 năm qua bất đắc dĩ phải bảo quản ở một môi trường trần thế là cả một sự công phu bí ẩn. Tất nhiên chả phải là bí mật quốc gia nhưng là bí mật của cả một dòng họ Lê và thuộc dạng tâm linh chưa thể công khai hết trong lúc này!

Tất nhiên, dẫu có chu tất gắng gỏi thế nào cũng chả thể y chang rập khuôn sự chu tất của các bậc tiền nhân.  Xin biên ra đây vài đoạn trích trong tài liệu của nhà Bảo tàng Lịch sử vào thời điểm khai mở quan tài có sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng:   

+ Phần khâm là 100 gấm bông bọc quanh xác, có các cuộn bông hoặc tấm vải cuộn thành gói, chèn ở 2 bên cổ và hông.

+ Phần đại liệm là 1 tấm gấm thêu bạc, may kép 2 lần, dài 5m, rộng 1,50m gấp 2  bên, còn ở 2 đầu gấp từ trên đầu xuống và từ dưới chân lên, gói gọn thi hài ở trong.

+ Phần tiểu liệm dài 2,30m, rộng 1,70m cũng may bằng gấm, may kép 2 lần bằng gấm.

- Một áo hoàng bào thêu kim tuyến, may theo biểu 5 thân, có 2 cánh 2 bên nách, thêu 1 rồng lớn ở vạt áo trước, 1 rồng lớn ở sau, và ở 2 bên tay, mỗi bên 2 rồng. Ngoài ra cũng thêm nhiều rồng nhỏ và vân mây sóng nước ở thân áo và tay áo. Tất cả rồng được thêu có 5 chân móng...

Tay chân đều được bao trong 1 cái túi bằng lụa, chân đi đôi giày gấm thêu Phật ở 4 góc. Ngoài ra để trong ống tay áo có: Một quạt giấy to; Một bút lông đựng trong 1 túi gấm; Một quyển sách bìa gấm, giấy trắng không có chữ (hay chữ đã mờ); Một túi đựng trầu cau; Một hộp gỗ tròn trong có đựng 1 chất sáp mềm; Bốn túi nhỏ đựng răng rụng và móng chân móng tay; Để trong quan tài lại còn có các gối bông và hàng trăm thước vải mỏng và vải thô, chèn xung quanh  để thi hài khỏi di chuyển khi chôn cất.

Thi hài nhà vua được ướp bằng dầu thơm (dầu thông pha dầu khuynh  diệp, dầu bạch đàn...) trong môi trường kín nên không bị ảnh hưởng của khí hậu bên ngoài.

Gần 80 món đồ tùy táng. Nhưng tiếc thay hầu hết đã bị thời gian cộng với điều kiện bảo quản hủy hoại!

Nêu một vài chi tiết ra như thế để tường thêm việc khâm lẫn liệm cùng việc an táng một bậc hoàng đế nhà Lê thời đó.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).