Về nơi đất lành phát tích

Ngày trở về của một Hoàng đế - Kỳ 2

Ngày trở về của một Hoàng đế - Kỳ 2
TP - Dẫu chẳng có thông báo nào về thời điểm khâm lẫn liệm, nhưng thời khắc khuya khoắt là thế (hơn 1 giờ sáng ngày 25-1) dòng người ùn ứ đợi để được chen vào căn phòng nơi để thi hài và cũng là nơi sẽ thực hiện việc khâm liệm nhà vua vẫn cứ dài dặc.

>> Kỳ I: Giờ khắc thiêng ở Bảo tàng Lịch sử

Cánh cửa hẹp được đóng, lại có mấy anh an ninh đứng chắn nhưng vẫn có người lách được. Nhẹ rồi xẵng cũng chả xong…

Ngày trở về của một Hoàng đế - Kỳ 2 ảnh 1
Hai bát hương hóa đồng thời giữa tiết trời mưa ẩm ướt

Trong căn phòng đặc biệt

Ông Lê Văn Tam, không rõ thời gian điều hành công việc với chức danh Tổng Giám đốc rồi Chủ tịch HĐQT Liên doanh mía đường Lam Sơn có khi nào bối rối như lúc này? Ông được cắt cử chủ sự phần liệm chắp tay lại nói như khóc: Tôi xin các ông các bà các anh các chị, đây là phần quan trọng nhất của việc tang. Cũng như nhà có đám, người lạ không nên có mặt khi khâm liệm. Vậy xin các vị lánh ra để dòng họ Lê tôi lo phận sự kẻo trời sắp sáng mất rồi…

Không biết có phải do không gian đặc quánh khói hương hay do phần bi thương lẫn bối rối mà ông Chủ tịch Hội đồng Họ Lê Việt Nam sụt sịt thật sự. Sự sụt sịt cùng những lời khẩn khoản chân thành ấy lại đâm hiệu quả!

Người phụ nữ duy nhất có mặt trong phòng này nhờ ông Tam rải ra cơ man nào là những tấm những đoạn thêu rồng phượng lung linh các sắc mầu. không biết là bao nhiêu lượt như thế. Rồi mới tới những áo những quần cũng lóng lánh rồng phượng.

Trong tay bà là chiếc kéo nhỏ. Âm thanh những mảnh vải đỏ được róc ra để chút nữa làm đai buộc vang lên nghe kỳ bí thế nào... Đó  là bà Lê Bích Thắng, tiến sĩ môi trường, người được dòng họ Lê cắt việc sắm sửa triều phục cho đức ngài.

Tôi biết bà Thắng từ rất lâu đã đôn đáo nghiêm cẩn hai việc lớn. Mà việc nào cũng quan trọng như nhau. Một là, sắm sanh cho đủ (đủ nhưng không được thừa) hàng chục món đồ để phục vụ cho việc khâm lẫn liệm (Bà đã đến nhiều tiệm vải tiệm may nổi tiếng trong nước rồi cả nước ngoài để tham khảo chất liệu dùng cho đồ liệm.

Khi vô Huế, ra Hà Nội khi vào xứ Thanh để đặt thứ hàng may đặc biệt này. Đêm hôm trước, Mồng 9 tháng Chạp, công đoạn cuối cùng là bà phải giám sát việc thêu 9 con rồng trên tấm vóc màu vàng phủ quan tài).

Hai là, phải thuộc lòng những công đoạn tuần tự của việc khâm liệm, nhất là việc liệm. Thứ nào trước thứ nào sau, cấm không được nhãng ý thất thố!

Đèn được tắt hết, những người khâm liệm thận trọng vào việc trong ánh sáng lờ mờ của dàn nến trên bàn thờ ở trong phòng. Gian phòng khoảng hơn 30 m2 này hàng bao nhiêu năm lưu giữ thi hài ngài có một giàn lạnh cùng hai máy điều hòa hình như hai chiều.

Nghe đâu lại có cả khí nitơ chi đó được bơm vào hòm kính để trợ giúp trong việc bảo quản long thể của ngài và nhiều phương tiện hiện đại khác nhưng có lẽ ở một môi trường nhiệt đới đầy bất trắc này, nhiều thứ không muốn đã xảy ra!

Vậy nên trong làn ánh sáng huyền ảo kia, tôi thoáng thấy hình hài long thể của ngài có vẻ khác với thời điểm phát lộ năm 1964 mà sau này nhiều người được chứng kiến qua những bức hình đen trắng? Bặt đi ánh sáng cũng là để bớt đi những sự tò mò hay so sánh này khác? 

Trong thời khắc đang chuyển sang rạng ngày, trong làn khói hương trầm mặc thơm ngát, những gương mặt đượm nét kính cẩn xúc động của những người đến dự, tất thảy  như đang toát lên vẻ thiêng liêng của sự giao hòa kim cổ!

Qua ông Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa Lê Xuân Kỳ, tôi được biết thêm trực hệ của Vua Lê Dụ Tông rất nhiều người mang họ Lê Duy và có không ít người có mặt trong buổi lễ trọng này. Nhiều người áo truyền thống gấm đỏ, dấu hiệu của con cháu trực hệ.

Tuy nhiên, chủ trì chính công việc là các quan chức trong Ban tổ chức và Hội đồng Họ Lê Việt Nam bởi có lẽ hoàng đế Lê Dụ Tông không còn thuộc chỉ riêng một dòng họ một chi phái, một địa phương nào, Ngài đã thuộc về một phần của lịch sử!

Một vị hoàng đế khoan hòa, sáng danh với hai niên hiệu như tên gọi Vĩnh Thịnh và Bảo Thái. Nhiều dòng trong chính sử đã tôn vinh cái đức vị vua này, chẳng hạn việc ban bố chấm dứt hình phạt chặt tay chặt chân rùng rợn dằng dặc hàng bao năm.

Đánh giá về Lê Dụ Tông sách Lịch triều tạp kỷ ghi Bấy giờ thừa hưởng cơ nghiệp thái bình, không xảy ra binh đao, trong nước vô sự, triều đình có làm được nhiều việc. Pháp độ được rất đầy đủ, kỷ cương thi hành được hết. Xứ xa lạ thì dâng lễ vật tỏ lòng thành, thượng quốc thì trả lại đất. Có thể gọi là đời cực thịnh. Nhà vua rủ tay áo ngồi ở trên, không phải khó nhọc mà mọi việc đâu ra đấy.

Khoảng sân con con trước phòng khâm liệm đã biến thành nơi quần tụ của con cháu Họ Lê khắp nước và những người đến viếng. Quãng ba rưỡi sáng, ông Trưởng ban lễ hoàn táng - Thứ trưởng Trần Chiến Thắng có một bài phát biểu ngắn nêu đủ công đức sự nghiệp của vị hoàng đế Đại Việt. Rồi tại sao ngài lại ở đây và duyên do việc ngài trở lại vĩnh viễn xứ Thanh Hoa lần này!

Tiếp liền là bài bái biệt nhà vua của vị lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử, trong đó ông có cẩn cáo về hiện trạng và giá trị của những vật dụng thu được khi khai mở quan tài xưa kia, nay Bảo tàng xin phép được tiếp tục lưu giữ để bảo vệ lâu dài...

Sau thời điểm lễ siêu sinh tịnh độ cho ngài, việc chuyển cữu bắt đầu. Đội tiêu binh sắc phục trắng của đoàn nghi lễ Quân đội do đại tá Ngô Chí Doanh phụ trách đêm nay cử 40 chiến sĩ phục vụ trân trọng nâng những vòng hoa của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng... kính viếng đức ngài và chung tay chuyển cỗ cữu nặng hơn bảy tạ...

Ngày trở về của một Hoàng đế - Kỳ 2 ảnh 2
Ông Hoàng Tuấn Liêm đang chỉ đạo việc táng huyệt mộ nhà vua

Hồi cố hương

Gần 4 giờ sáng. Chiếc xe chở cữu có xe cảnh sát dẫn, nối sau là một đoàn xe dài dặc (sau này mới tường thêm là hơn trăm chiếc mà hết thảy chả ai mời đều tự nguyện tham dự việc tháp tùng đưa vua Lê Dụ Tông về hoàn táng ở đất Thanh), theo lối đường Láng Hòa Lạc bắt vào đường Hồ Chí Minh.

Bảy giờ sáng, đoàn xe có xe cảnh sát giao thông lên xuống điều chỉnh đội hình bắt vào địa đầu Thanh Hóa là huyện Thạch Thành. Tỉnh nhà chu đáo đã bố trí xe dẫn đường xe chở chiêng trống đón rước...

Tiết trùng cửu lẫn song thập đã qua đã lỡ, chỉ còn mươi bữa nữa bắt sang tiết lập xuân, nếu ai đó còn lăn tăn thì có lẽ cũng nên mừng bởi ban tổ chức đã chọn được ngày ấm tạnh như hôm nay sau liên miên mấy ngày mưa dầm! Những giọt mưa vàng mưa bạc cho cây trái vụ đông lẫn an lành cho trà mạ sớm vụ lúa xuân.

Đoàn xe qua Lăng Trung Túc Vương Lê Lai có ý chạy chậm để ngài cùng lớp hậu sinh hết thảy chiêm bái anh linh của vị anh hùng nhà Lê tiết liệt trung nghĩa.

Đoàn xe dừng lại tại đất thiêng Lam Kinh hồi lâu. Một cuộc tế lễ mau lẹ nhưng nghiêm cẩn việc kính cáo với các bậc tiên đế nhà Lê rằng Hóa Hoàng đế Lê Dụ Tông, vị vua thứ 23 của nhà Lê nay lại về với nơi đất lành phát tích! Nơi mà cụ tổ ngài đây, Bình Định Vương Lê Lợi đã dấy binh viết nên trang sử oai hùng của Đại Việt và cũng là nơi an nghỉ đời đời của các bậc tiên đế nhà Lê.

Lễ tất. Chúng tôi trong thế rồng rắn nối theo xe chở cữu về xã Xuân Giang, nơi sinh phần đang đợi ngài...

Cơ man nào người với xe ken chật một vùng đất mênh mông nghe nói từ khi còn nhọ mặt người đã xôm tụ thế này. Cứ ngó số biển xe đủ biết người thiên hạ dồn tụ.

Hiệu ứng của việc tâm linh có sức mời gọi lạ kỳ chỉ là nghe nói nghe đồn thôi mà đã đầy chật một góc vùng Lôi Dương tên cũ của huyện Thọ Xuân bây giờ! Khó mà nhận ra vuông vườn nhà bà Kính nơi phát lộ phần mộ ngài tháng trước chúng tôi tới...

Mấy hộ, trong đó có gia đình bà Kính đã lặng lẽ rời đi từ tháng trước để nhường chỗ cho phần đất được dùng làm lăng mộ. Chiếc quách mà người xưa tạo nên từ hợp chất  đặc biệt (vôi, cát, mật mía trộn với giấy bản và vỏ sò, vỏ ốc, vỏ hến được nung và nghiền nhỏ) bị hư hại 50% trong quá trình khai quật, tháng trước đã được chế thêm và hàn gắn chu tất.

Công trình này lại cũng do Hoàng Tuấn Liêm đảm trách. Trên nền quách, lại thêm những hoa văn rồng phượng vờn quanh do chính tay Liêm trổ.

Lễ hoàn táng chuyển sang những chi tiết cuối sau lời cáo kỵ (như một dạng điếu văn) của Thứ trưởng Trần Chiến Thắng và văn tế của ông Phó Chủ tịch tỉnh Vương Văn Việt.

Đúng 11 giờ, nghi thức hạ huyệt bắt đầu. Trên không trung nhè nhẹ buông những giọt mưa bụi, những giọt lành muôn thuở! Thêm nhiều mãi nén hương và những động thái thành kính có lẽ cầu mong cho ngài vĩnh viễn âm phần cùng vững bền miếu duệ?

Có lẽ lần này phần mộ ngài sẽ yên tĩnh vĩnh viễn.

Đất Lôi Dương sắp vào tiết xuân

Cả hai bát hương đều hóa

Sau phần lễ trọng thể của Ban Tổ chức, khi quan tài nhà vua đã được đặt trở lại vào quách, chuẩn bị sang phần lễ tế theo truyền thống của dòng tộc Họ Lê Việt Nam, cả hai bát lương lớn bày trên hương án và bàn thờ đều hoá.

Ngọn lửa cháy rất mạnh bốc cao dù lễ diễn ra  trong khoảng gần một tiếng rưỡi đồng hồ dưới trời mưa phùn khá ẩm ướt. Nhiều người trầm trồ: Ngài thiêng thật!

Cuộc tập hợp lực lượng của Họ Lê Việt Nam

Theo số liệu của Văn phòng Hội đồng Họ Lê Việt Nam thì Lễ hoàn táng thi hài Vua Lê Dụ Tông là dịp tập hợp được nhiều đoàn đại biểu Họ Lê các tỉnh nhất từ trước đến nay, mặc dù Ban Tổ chức và Hội đồng Họ Lê Việt Nam không có điều kiện hỗ trợ kinh phí cho bất kỳ đoàn nào. Tổng cộng có đến 25 đoàn Họ Lê cấp tỉnh về dự, trong đó xa nhất là từ TP Hồ Chí Minh, Đắc Lắc, Gia Lai...

Ngoài ra còn nhiều đoàn cấp quận huyện. Trong các lần họp mặt toàn quốc Họ Lê Việt Nam trước đây, nhiều nhất cũng chỉ có 22 đoàn về tham dự. Sau lễ Hoàn táng tại Bái Trạch, Xuân Giang, Thọ Xuân, các đoàn tụ về Thái Miếu Nhà Lê ở Đông Vệ Thành phố Thanh Hoá để làm lễ Hoàn Linh vị Hoàng đế Lê Dụ Tông về Thái miếu.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.