Nghệ nhân 'mũi người' đầu tiên trên thế giới

Nghệ nhân 'mũi người' đầu tiên trên thế giới
TP - Đến thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), tôi tình cờ gặp anh - một nghệ nhân nổi tiếng vì tài biến những khúc gỗ lũa thành hình mũi người đầu tiên trên thế giới.

Trọn một ngày trò chuyện, dẫu chưa dài nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận được một phần về con người và công việc của nghệ nhân “mũi người” Zorollah Bin Silin mà người dân Malaysia thường gọi trìu mến là Zoro.

Nghệ nhân đến từ thung lũng Kajang

Trong khi đang đứng đợi taxi để đến trụ sở Ban quản lý lao động ngoài nước của Việt Nam tại Malaysia ở cửa khách sạn Nikkon gần Tháp Đôi tại Kuala Lumpur một cô gái gốc Ấn tay cầm cuốn ablum chạy đến giới thiệu với tôi về những tấm ảnh chụp hình mũi người khá đặc biệt.

Sau một hồi trò chuyện, cô gái bảo hãy đến chiêm ngưỡng những tác phẩm kỳ diệu đó của nghệ nhân Zoro. Tôi hỏi địa chỉ, cô gái chỉ đến Khu liên hợp nghề Thủ công mỹ nghệ Malaysia.

Qua những tấm ảnh, tôi thấy một người đàn ông da ngăm ngăm đen đang chỉ tay giới thiệu những chiếc mũi người được khắc từ gỗ với nhiều kích cỡ nhỏ, to khá bắt mắt. Đưa mấy chiếc ảnh hỏi Tùng - đại diện cho một Cty xuất khẩu lao động tại Malaysia, Tùng bảo: “Chính là nghệ nhân chế tác mũi người bằng gỗ lũa đầu tiên trên thế giới”.

Tùng giỏi tiếng Malaysia nên khi gọi điện bảo có một phóng viên Việt Nam muốn gặp Zoro đồng ý ngay. Zoro cho biết đang ở gian triển lãm tại Khu liên hợp nghề Thủ công mỹ nghệ Malaysia.

Chiếc taxi chở chúng tôi đỗ xịch ngay trước một toà nhà khá sang trọng, trưng bày hàng nghìn sản phẩm được làm từ đồ gỗ. Phòng trưng bày của nghệ nhân Zoro là một căn nhà nằm tách biệt trong khuôn viên Khu liên hợp với những sản phẩm trưng bày... không giống ai.

Từ ngoài nhìn vào, hàng trăm chiếc mũi người làm bằng gỗ lũa được treo lủng lẳng thành từng hàng xung quanh căn nhà.

Zoro người tầm thước, cởi mở và rất giỏi tiếng Anh. Rót trà mời khách, Zoro cho biết, anh sinh ra và lớn lên tại một vùng hẻo lánh thuộc thung lũng Kajang, bang Selangor. Tuổi thơ của Zoro gắn liền với những khu rừng bao bọc lấy ngôi làng và tình yêu thương của mọi người.

Hồi đó, khi rảnh rỗi, anh thường sưu tầm những cành khô từ khu rừng ven làng và đẽo chúng thành những vật khác nhau rồi cho chúng vào bộ sưu tập đem giới thiệu với bạn bè.

Anh thích hướng khả năng sáng tạo của mình để biến những miếng gỗ bỏ đi thành những hình tượng nghệ thuật làm đẹp cho những ngôi nhà biệt thự sang trọng hoặc những nhà hàng, khách sạn nổi tiếng. Anh chính là người đã mang lại tình yêu nghệ thuật về sưu tập, điêu khắc từ gỗ lũa tại Malaysia.

Để hoàn thiện ước mơ trở thành một nghệ nhân điêu khắc gỗ hàng đầu, Zoro đã bỏ công đi khắp đất nước Malaysia để sưu tập các mẩu gỗ mà với nhiều người là “những thứ vô tri vô giác” còn với anh là “những tác phẩm nghệ thuật diệu kỳ”.

Cảm hứng nghệ thuật đến từ câu chuyện tình yêu của một cô gái Việt

Nghệ nhân 'mũi người' đầu tiên trên thế giới ảnh 1
Các tác phẩm tại gian triển lãm của Zoro

Được sự khích lệ của bạn bè và gia đình, Zoro bỏ lại sau lưng công việc với đồng lương ổn định, mạo hiểm dành hết thời gian lao vào nghệ thuật điêu khắc gỗ.

Thông qua Kraflang Malaysia (Cty quảng cáo đồ thủ công Malaysia), dưới sự tác động của Bộ Văn hoá - Nghệ thuật và Di sản Malaysia - nơi có rất nhiều chương trình quảng cáo phát triển và đẩy mạnh nền kinh doanh mỹ nghệ, Zoro thuê một quầy hàng bên ngoài Khu liên hợp nghề Thủ công mỹ nghệ Malaysia để triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của mình.

Khi lĩnh vực điêu khắc gỗ trở thành trào lưu mới tại Malaysia, Zoro tập trung vào ba loại biểu tượng chính: Parangs (một loại dao rựa hay những con dao thường thấy được sử dụng rất sớm ở đảo Malaysia); những khuôn mặt nghiêm nghị của các vị thần và những chiếc mũi người.

Giải thích lý do vì sao lại chọn ba loại biểu tượng này, Zoro nói: Tượng gỗ Malaysia xuất phát từ nhiều mẫu và hình dạng. Đấy là những mô típ từ những bang khác nhau ở Malaysia và có những kiểu cách thiết kế khác nhau, mang đầy đủ đặc trưng của từng vùng, miền. “Một vài những hình điêu khắc được sản xuất rất khéo, có quy mô lớn và đã được thương mại hoá. Thậm chí, nhiều nhà máy đã có dây chuyền sản xuất chúng” - Zoro nói.

Theo Zoro, mỗi hình gỗ điêu khắc được để vào những nơi thích hợp sẽ gây cho du khách những ấn tượng không thể quên. Với Zoro, bức tượng Parang mang lại những ký ức về ông nội, những vật dụng mà ông nội đã từng dùng để đi săn... Bức tượng Mặt cú mang Zoro trở lại với những ngày thanh bình tại khu rừng ngoài thung lũng Kajang.

Việc Zoro chọn điêu khắc những cái mũi được bắt nguồn từ nhiều cảm xúc khác nhau. Nhưng cảm xúc chính cho các tác phẩm của mình xuất phát khi anh làm việc với một đôi bạn rất thân từ năm 2002. Zoro tâm sự: “Họ đã kết hôn với nhau.

Anh ấy là một người Pháp, chị ấy là một người Việt Nam. Họ đã có một bé gái 6 tuổi. Cháu bé mang một vẻ đẹp sắc nét, có một chiếc mũi đẹp, dễ thương được thừa hưởng từ bố mẹ.

Tôi rất hay véo vào mũi của cô bé. Chính mối tình của họ đó đã mang đến cho tôi niềm yêu thích để học và khắc các kiểu mũi khác nhau của con người ở những nơi khác nhau trên thế giới”.

Zoro dẫn chúng tôi đi một vòng khắp gian trưng bày. Anh giới thiệu khá tỷ mẩn về những tác phẩm của mình. Anh cho biết, từ năm 2002 đến nay, anh đã khắc hơn 600 bức tượng mũi.

Mỗi bức tượng là sự mô tả rộng rãi, đa dạng về các kiểu mũi khác nhau và hơn 400 bức tượng trong số đó đã được bán cho nhiều du khách - những người đã từng đến tham quan gian triển lãm của anh. Zoro cho biết, giá một bức tượng mũi loại thấp nhất từ 60 - 400 RM (Ringgit; 1 RM khoảng 5.000 đồng).

Những khách hàng mua tượng mũi người của anh chủ yếu là khách của Hoàng gia, Chính phủ Malaysia và những du khách đến từ mọi miền trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Anh cũng là người giữ kỷ lục của rất nhiều cuốn sách hướng dẫn du lịch tại Malaysia. Zoro tiết lộ: “Những cuốn sách đó là những “bằng cấp của tôi” vì qua những cuốn sách đó họ biết đến tên tuổi và tài năng.

Nhiều sản phẩm, đặc biệt là Parang đã từng được bán và tặng như là những món quà lưu niệm tới những người đứng đầu của Chính phủ các nước khi đến thăm và làm việc tại Malaysia”.

Theo Zoro, để tạo nên những tác phẩm mũi người ấn tượng cần phải biết cách chọn loại gỗ lũa đặc biệt. Đây là khâu quan trọng nhất của người làm nghề điêu khắc gỗ. Các tác phẩm của anh thường được làm từ những loại gỗ hết sức đặc biệt.

Với những tác phẩm quan trọng, anh thường sử dụng loại gỗ cứng Merbau, còn với những tác phẩm bình thường anh hay dùng loại gỗ Rengas.

Để tìm được những loại gỗ đặc biệt này, Zoro đã phải bỏ công đi khắp đất nước để tìm kiếm, mua lại hoặc đặt hàng với những người chuyên kinh doanh, buôn bán gỗ may ra mới có được.

Zoro cho rằng, những loại gỗ lũa này ở Việt Nam có rất nhiều và nếu có cơ hội, anh sẽ mở một cuộc triển lãm tại Thủ đô Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.