Nghiệt ngã kiếp phu trầm - Kỳ 7: Sống nơi rừng thẳm

Nghiệt ngã kiếp phu trầm - Kỳ 7: Sống nơi rừng thẳm
TP - Khi đã bước vào cửa rừng, muốn giữ được tính mạng, những người tìm trầm phải nằm lòng những quy ước bất thành văn mà không một chế tài của pháp luật nào điều chỉnh. Hai chữ “luật rừng” mà dân gian hay dùng để chỉ những hành vi ngoài vòng kiềm soát của pháp luật có lẽ xuất phát từ đây!

> Vụ thảm sát 5 phu trầm: Hé lộ nghi can thứ 4?
> 131 giờ phá án vụ giết dã man 5 phu trầm
> Vụ thảm sát năm phu trầm: Sát thủ người Lào khai gì?

“Luật rừng”

Mặc dù cái chết của 5 phu trầm được xem là gây rúng động, nhưng hình như không làm cho giới phu trầm chùn bước. Ngay ở những ngôi làng có 5 phu trầm bị giết hại một cách dã man, chúng tôi bắt gặp nhiều nhóm thanh niên đang chuẩn bị hành trang để lên đường vào lại rừng sau khi đưa tiễn những “đồng đội” xấu số.

Tôi gặp lại Nguyễn Văn Sang (người đã đồng ý cho PV Tiền Phong theo chân trải nghiệm tìm trầm cách đây gần 3 năm) trong một chiếu rượu ở ngay thôn Minh Tiến. Sang nói, anh đang tìm trầm ở vùng rừng Xà Khía thuộc huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) thì nghe tin những người anh em bị giết hại nên vượt rừng về thắp nén hương tiễn biệt.

Giới phu trầm bao giờ cũng vậy, rượu là thứ không thể thiếu mỗi khi ra khỏi cửa rừng, và giờ mọi người đang “tẩy trần” để vào lại rừng. Thường họ đắm mình trong men rượu trước khi lên đường để bù lại những ngày tháng biền biệt nơi rừng sâu, núi thẳm.

Còn nhớ ngày cùng Sang vào rừng tìm trầm, anh cẩn thận chỉ bày cho tôi từ lời ăn tiếng nói, cho đến cách đi lại trong rừng nhằm tránh những tai ương bất chợt có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tên của những cây cỏ, muông thú như: Con rắn thì gọi là con dài, con hổ thì gọi là ông ngài, đoạn đường đi gọi là khâu rạ (rựa)... được Sang nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

 PV Tiền Phong trong một lần theo Sang vào rừng trải nghiệm nghề tìm trầm
PV Tiền Phong trong một lần theo Sang vào rừng trải nghiệm nghề tìm trầm.

Mới 40 tuổi nhưng Sang có thâm niên tìm trầm đã trên 20 năm. Những đêm ở rừng, nằm gần nhau trên những chiếc võng, Sang đã kể nhiều câu chuyện của phu trầm mà anh từng trải nghiệm như là một thông điệp để tôi rút ra kinh nghiệm cho mình trong những ngày sống ở rừng.

Theo Sang, việc tối quan trọng của dân phu trầm đầu tiên là chọn nơi đóng lán trại. Địa điểm được chọn, thường phải ở gần bên suối cho tiện sinh hoạt, nhưng cũng phải là trung tâm nhất để phu trầm tỏa ra các hướng đạp cội tìm trầm.

Ngoài ra, nơi ở phải giữ gìn vệ sinh như là một sự tôn kính sơn thần thổ địa và tránh sự xung đột giữa các nhóm tìm trầm đóng lán cùng khe suối. Dân tìm trầm phải đối mặt với biết bao nhiêu khắc nghiệt nên rất nóng tính, dễ kích động, lại thêm giữa rừng núi hoang vu nên họ dễ dàng lấy mạng nhau dù chỉ là một xích mích nhỏ. Đã có người mất mạng chỉ vì sự bừa bãi.

Khi phu trầm vào đó phóng uế ngay đầu nguồn suối, những người đóng lán ở dưới bắt gặp, ngay lập tức họ vác dao rựa, cuốc xẻng lên “hỏi chuyện” và chuyện gì đến sẽ đến.

Vất vả xới tung cả cánh rừng để mưu sinh và hy vọng đổi đời
Vất vả xới tung cả cánh rừng để mưu sinh và hy vọng đổi đời.

Những người tìm trầm thường phải giữ cho mình những bí quyết riêng để có thể tồn tại dài ngày ở trong rừng. Từ cành cây, ngọn cỏ có thể thay lương thực, nước uống cần phải thuộc tên, biết mặt, rồi kỹ năng, dụng cụ bắt thú luôn phải mang theo mình. Với Sang, dù có lạc trong rừng cả tháng thì anh vẫn tồn tại như thường.

Trầm tìm được chỉ giao cho trưởng nhóm cất giữ ở nơi bí mật, không bao giờ mang về lán. Những thành viên trong nhóm cũng không được biết nơi giấu trầm. Quy ước trên là nhằm tránh bọn trấn cướp đột nhập vào lán lấy đi, hoặc bắt cóc thành viên tra hỏi để tìm ra nơi giấu trầm.

Khi gặp cướp, nếu tương quan lực lượng thì chiến đấu để sinh tồn, còn yếu thế nên “tẩu” càng nhanh, càng tốt. Với chúng không có chuyện đứng đó để nói chuyện phải trái, xin xỏ chỉ có mất mạng.

 Cũng vì miếng cơm, manh áo thôi chú à, chứ mỗi khi bọn hắn ra khỏi nhà, đêm nằm là tui cứ nghĩ khôn, nghĩ dại không tài nào ngủ được.

Nguyễn Thị Thí nói

Nguyễn Văn Thủy, (SN 1982) người ở thôn Cồn Nâm, cách thôn Minh Tiến một con sông là người có thâm niên xuất ngoại tìm trầm kể: Rừng ở các nước như Thái Lan, Malaysia, Myanma... còn rậm rạp và nguyên sinh hơn rừng Việt Nam mình nhiều.

Đi tìm trầm ở các nước này chủ yếu là tìm cây dó còn sống, chứ không như ở mình giờ phải tìm trầm trên những bãi đất đã bị đào đi, xới lại không biết bao nhiêu lần. Ở nước ngoài, trấn cướp chưa nhiều nhưng sợ nhất là gặp người của cơ quan chức năng nước sở tại hoặc thú dữ.

“Người của cơ quan chức năng mà bắt gặp, nếu mình bỏ chạy là sẽ bị bắn chết. Nhưng sợ nhất vẫn là thú dữ. Ở miệt rừng đó, hổ còn nhiều lắm, chúng em gặp thường xuyên.

Theo kinh nghiệm của những người đi trước, thông thường hổ sợ người, nhưng con nào mà đã một lần ăn thịt người thì hắn dạn dĩ và hung hãn lắm. Hổ rình mồi rất tinh ranh, nhưng cũng dễ phát hiện.

Khi hổ đến gần mình, bao giờ chim chóc, muông thú cũng cất tiếng kêu hàng loạt, nó càng đến gần thì nghe cả tiếng ruồi nhặng bám theo kêu vù vù.

Những lúc như thế, nếu bỏ đi thì con hổ vẫn theo mình đến cùng, nên phải bình tĩnh, xác định vị trí con hổ và giả vờ không hay biết. Khi hổ lao vào vồ mình thì không được chống đỡ mà tìm cách né tránh. Nếu vồ trật, nó sẽ bỏ đi mà không bao giờ quay lại. Em thoát chết bao nhiêu lần là nhờ kinh nghiệm rứa đó” - Thủy kể.

Đối mặt lục lâm thảo khấu

Theo Sang, kinh tế càng khó khăn thì người vào rừng kiếm kế sinh nhai càng nhiều và trấn cướp cũng theo đó mà hình thành. Trấn cướp ở rừng xuất hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ngày đó, những người tìm trầm thường mang theo súng, và khi có cơ hội là họ thanh toán lẫn nhau để cướp trầm. Dần dà có nhóm không chịu tìm trầm nữa mà hình thành những băng nhóm trấn cướp chuyên nghiệp.

Bẵng đi một thời gian chừng mươi năm, tình trạng trấn cướp lắng xuống. Khoảng hai năm trở lại đây, chúng lại mọc lên như nấm, hoạt động bài bản hơn, hung hãn hơn. Chúng lập ra những trạm chốt thu “tiền luật” của người vào rừng, trấn cướp nhóm nào trúng trầm, thậm chí là bắt cóc đòi tiền chuộc, mà đỉnh điểm là vụ 5 phu trầm ở huyện Quảng Trạch bị giết.

Việc bị nhóm đại ca này làm luật, nhóm đại ca khác cướp bóc là chuyện gần như thường ngày của các phu trầm. Nguyễn Văn Bắc, người ở thôn Cồn Nâm kể: “Ngoài việc chuyến nào vào rừng cũng phải làm luật, thì năm ngoái, 3 cha con của tui bị cướp 3 lần. Bọn hắn hay đi từ 2 đến 3 tên và luôn có súng, cứ ngồi đợi sẵn ở lán, khi thấy cha con tui là xông ra dùng súng khống chế, lấy hết cơm gạo, điện thoại, tiền bạc mang theo để phòng thân... Những lần gặp cướp, cha con tui lại nhịn đói vượt rừng về nhà, tiếp tục vay mượn đóng cùi để lên đường”.

Giới phu trầm vẫn sợ nhất các băng nhóm trấn cướp ở vùng rừng giáp ranh Quảng Bình và Quảng Trị. Bà Nguyễn Thị Thí (thôn Minh Tiến) hiện có 3 con là phu trầm chuyên nghiệp khẳng định, con bà chuyến nào đi vào cũng bị “đại ca” làm luật, cướp bóc, thậm chí có chuyến về nhà chỉ còn độc chiếc quần đùi. “Cũng vì miếng cơm, manh áo thôi chú à, chứ mỗi khi bọn hắn ra khỏi nhà, đêm nằm là tui cứ nghĩ khôn, nghĩ dại không tài nào ngủ được” - bà Thí nói.

Bọn chúng rất xảo quyệt, nhóm này làm luật rồi thì nhóm khác đi lùng cướp, nhưng cuối cùng đều về nộp lại cho tên Đợt để chia nhau. Những phu trầm nhận định, rất có thể người của Đợt đã gây ra vụ giết dã man 5 phu trầm ở huyện Quảng Trạch mới đây.

Ngày 4/2/2013, nhóm 5 phu trầm của anh Nguyễn Cao Cường ở thôn Minh Tiến đang dựng lán tại khu vực rừng Xà Cày, huyện Lệ Thủy để tìm trầm, thì gặp 2 tên cướp bịt mặt cầm súng AK xuất hiện. Chúng khống chế tất cả mọi người, trói lại rồi lấy hết tiền bạc, áo quần, chăn màn... và một ít trầm mà nhóm vừa tìm thấy.

Theo những phu trầm thì ở vùng giáp ranh hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị rất nhiều băng nhóm trấn cướp, nhưng khét tiếng nhất vẫn là băng của tên Đợt, người Lào. Dưới trướng của Đợt quy tụ vài chục tên, đa số là người Việt đã từng có tiền án, tiền sự.

Chúng được trang bị súng và rất hung hãn. Khi gặp những nhóm trầm lạ là chúng dọa nạt, đánh đập dã man để lần sau nhớ mà tự giác tìm chúng làm luật.

Bọn chúng rất xảo quyệt, nhóm này làm luật rồi thì nhóm khác đi lùng cướp, nhưng cuối cùng đều về nộp lại cho tên Đợt để chia nhau. Những phu trầm nhận định, rất có thể người của Đợt đã gây ra vụ giết dã man 5 phu trầm ở huyện Quảng Trạch mới đây.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Đối tượng Thành tại cơ quan công an.
Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố
TPO - Ngày 19/4, Công an thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng cho biết, vừa ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Trung Thành (SN 2000, trú tại phường Hợp Giang, TP Cao Bằng) về hành vi “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.