Ngoại giao nhân văn đấu ngoại giao chuyên nghiệp

Ngoại giao nhân văn đấu ngoại giao chuyên nghiệp
TP - Ông Nguyễn Khắc Huỳnh từng là thành viên đoàn đàm phán Paris cho đến khi Hiệp định được ký kết. Sau 40 năm, nhà ngoại giao kỳ cựu này nhớ về cuộc đàm phán Paris với những câu chuyện cô đọng của một người trong cuộc.

> Một cuốn sách hay về ngoại giao Việt Nam

Cuốn sách “Nghệ thuật ngoại giao Việt Nam với cuộc đàm phán Paris”. Ảnh: K.N
Cuốn sách “Nghệ thuật ngoại giao Việt Nam với cuộc đàm phán Paris”. Ảnh: K.N .

Tôi gặp ông Nguyễn Khắc Huỳnh vào dịp rét đậm kéo dài. Bữa đó dù sức khỏe không được tốt, nhưng khi nghe nhắc đến cuộc đàm phán Paris, nhà ngoại giao kỳ cựu tuổi đã ngoại tám mươi hoạt bát hẳn lên.Cuộc đàm phán Paris bắt đầu từ tháng 5-1968 do đồng chí Xuân Thủy làm trưởng đoàn.

Thời kỳ đầu, ông chưa tham gia đoàn mà cùng một số đồng nghiệp khác ở trong nước làm nhiệm vụ theo dõi và nghiên cứu các đề án đấu tranh cho đoàn ta ở Hội nghị Paris.

Nói cho dễ hiểu, đoàn ta tại Paris khi đó là tiền tuyến, còn những người như ông Huỳnh ở hậu phương. Tháng 6-1969, ông Huỳnh được bổ sung vào đoàn đàm phán Hội nghị Paris.

“Cuộc đàm phán Paris là cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai nền ngoại giao. Một bên là nền ngoại giao chuyên nghiệp của Mỹ với những chuyên gia sắc sảo, mưu mẹo. Trong khi đó nền ngoại giao của ta mới hình thành từ năm 1945, chủ yếu dựa trên tính nhân văn trong cách xử thế. Đoàn ta chưa ai có học vị tiến sĩ như của họ” - ông Huỳnh nói.

Rồi ông liệt kê thêm: Họ có quan hệ với rất nhiều nước trên thế giới, trong khi quan hệ của ta khi đó chủ yếu với những nước xã hội chủ nghĩa. Nếu có việc cần liên lạc, Mỹ chỉ mất một phút là có thể gọi ngay về Washington để xin ý kiến.

Trong khi ta phải đánh mật mã về Hà Nội, sau đó, giải mã rồi mới trả lời nên chậm hơn họ khá nhiều. Khi cần xin ý kiến của Chính phủ, người của đoàn Mỹ bay từ Paris về chỉ mất vài giờ, trong khi ta từ nơi đàm phán về nước phải mất vài ngày… Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn đó, đoàn đàm phán của ta biết đánh vào điểm yếu chí tử của đối phương là họ đi gây tội ác và không được lòng nhân dân Mỹ cũng như các tổ chức tiến bộ trên toàn thế giới.

Ông Huỳnh kể: Có lần, cố vấn Lê Đức Thọ yêu cầu nhóm chuyên viên chúng tôi soạn những bài báo của Mỹ lên án tội ác và yêu cầu Chính phủ Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh.

Đến khi cuộc gặp gỡ giữa cố vấn Lê Đức Thọ với Henry Kissinger diễn ra, đồng chí đưa những bài báo đó ra làm dẫn chứng để lập luận của ta mạnh mẽ hơn.

Thực tế này khiến Kissinger lúng túng, nhưng ông ta không hổ danh là một chuyên gia ngoại giao mưu mẹo khi nói: “Chúng ta đến đây để bàn chuyện chấm dứt chiến tranh, chứ không phải bàn luận chuyện các nhà báo nói”. Chuyện này sau đó được giới truyền thông biết và tiếp tục thông tin khiến phía Mỹ tiếp tục mất điểm.

Việc thông tin cho giới truyền thông là một trong những điều khiến ông Nguyễn Khắc Huỳnh nhớ mãi. Số là Hội nghị Paris kéo dài gần 5 năm nhưng đàm phán thực chất chỉ khoảng 6 đến 7 tháng, còn phần lớn thời gian là để đấu tranh dư luận. Điều này cũng phải khi trong nhiều cuộc đàm phán, bên này nói thì bên kia không muốn nghe vì mục đích quá cách xa nhau.

Vì vậy hai bên chủ yếu dồn sức vào việc nói cho dư luận quốc tế nghe qua các bài phát biểu chính thức, các cuộc họp báo được chuẩn bị công phu, các cuộc tiếp xúc chính trị bên ngoài xã hội… “Về mặt này, đoàn Việt Nam tỏ rõ sự sắc sảo, hấp dẫn hơn khi tiến hành được gần 500 cuộc họp báo mà đối phương không làm được như vậy. Sở dĩ chúng ta làm được việc này bởi dựa trên tính chính nghĩa, nhân văn của cuộc đấu tranh. Đây là nguyên nhân lớn góp phần làm dư luận quốc tế rất quan tâm tới cuộc đàm phán Paris” - ông Huỳnh nói.

Bản lĩnh Việt Nam

 Trong quãng thời gian công tác gần 60 năm của mình, tôi có rất nhiều kỷ niệm, nhưng cuộc đàm phán Paris là kỷ niệm lớn nhất trong cuộc đời 

Câu chuyện trở về thời điểm giữa năm 1972, khi cuộc đàm phán Paris đi vào giai đoạn thực chất.

Ông Nguyễn Khắc Huỳnh cho biết: Đàm phán tựu trung lại có hai loại vấn đề quân sự và chính trị. Đi vào đàm phán thực chất, suốt mấy tháng liền Mỹ vẫn không chịu bàn các vấn đề chính trị. Họ muốn giữ nguyên chế độ Sài Gòn.

Trước tình hình đàm phán không tiến triển và có nguy cơ bế tắc, cuối tháng 9-1972, Bộ Chính trị thấy cần tháo gỡ bế tắc nên chỉ thị cho đoàn ở Paris: Tranh thủ chấm dứt chiến tranh trước bầu cử Mỹ, ép Hoa Kỳ ký hiệp định ngừng bắn, rút quân, thả tù binh. Đây là một sách lược có tầm cỡ lớn, dũng cảm, hiệu quả cao.

Ta tạm gác vấn đề chính trị gai góc, khó thoả thuận mà tập trung giải quyết các vấn đề quân sự buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân, đạt yêu cầu "đánh cho Mỹ cút".

Nhờ sách lược lớn này mà lập trường hai bên gần nhau và chỉ trong 12 ngày đã đạt được thoả thuận Hiệp định bằng văn bản ký ngày 20-10-1972.

Cũng từ tháng 10-1972, nhằm đảm bảo bí mật, địa điểm gặp riêng để đàm phán được chuyển về Gif sur Yvette, cách trụ sở đoàn ở Choisy – le - roi gần 40 km.

Những ngày có cuộc họp, đoàn đàm phán và một số chuyên viên của ta phải kín đáo di chuyển đến nơi họp để tránh sự chú ý của mọi người, kể cả các nhà báo.

Ông Huỳnh kể: “Một lần, tôi cùng anh Đoàn Huyên đi xe tới chỗ họp thì biết có một xe chở phóng viên đi theo sau. Chúng tôi bèn nói với lái xe chuyển hướng đưa vào một siêu thị. Vài chục phút sau, các bạn Pháp cho xe khác tới đón chúng tôi đến chỗ họp, đảm bảo bí mật”.

Sau ngày 20-10-1972, khi Mỹ lại không chịu ký hiệp định theo thời hạn thoả thuận, phía ta đưa tình hình và kết quả đàm phán ra công khai.

Lúc này, các phóng viên quốc tế cũng đã biết rõ địa điểm này là nơi diễn ra các cuộc đàm phán bí mật giữa hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ.

Đây là một ngôi nhà thuộc về một hoạ sĩ tên Fernand Leger (một đảng viên Đảng Cộng sản Pháp). Lúc đó, người dân địa phương rất ngạc nhiên khi thấy quanh ngôi nhà có rất nhiều người vây quanh, đồng thời còn dựng cả giàn giáo. Hoá ra quanh nhà có một hàng cây cao nên các phóng viên phải dựng cả giàn giáo và đứng lên đó để tác nghiệp.

Ba mươi năm sau, năm 2002, ông Nguyễn Khắc Huỳnh có dịp trở lại Paris và đã đến thăm ngôi nhà này. Đó là ngôi nhà đến nay được nhiều người biết đến, vì đó là nơi diễn ra các cuộc gặp để đưa ra một dự thảo mà sau này được xem là mấu chốt dẫn đến sự thành công của Hiệp định Paris.

Sau các cuộc gặp giữa cố vấn Lê Đức Thọ và Kissinger tại ngôi nhà trên, Hiệp định Paris lẽ ra đã được ký kết sớm hơn nếu không có sự lật lọng của chính quyền Mỹ.

Ngày 15-12-1972, khi cố vấn Lê Đức Thọ lên đường về nước thì một ngày sau Kissinger liền tổ chức họp báo đổ cho ta kéo dài đàm phán.

Ngày 18-12-1972, cố vấn Lê Đức Thọ về đến Hà Nội cũng là lúc Mỹ dùng máy bay B52 đánh phá Hà Nội, nhằm buộc chúng ta phải chấp thuận những điều kiện ngặt nghèo hơn của họ trên bàn hội nghị.

Nhưng Nhà Trắng đã hoàn toàn thất bại trong trận Điện Biên Phủ trên không tại Hà Nội, dẫn đến việc phải tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc đồng thời nối lại cuộc đàm phán Paris.

Ông Nguyễn Khắc Huỳnh nhớ lại: Đầu năm 1973, phiên họp lại đầu tiên có nét đặc biệt khi đoàn ta không bố trí người đón đoàn Mỹ ở cổng như các lần trước.

Suốt một giờ đồng hồ, đoàn ta phê phán việc Mỹ phá thoả thuận ngày 20-10-1972, đàm phán lại đòi sửa đổi nhiều, rồi tàn bạo ném bom miền Bắc, giết hại nhiều thường dân... Đoàn Mỹ ngồi lặng người chịu trận.

Kissinger chỉ nói: “Tôi nghe những tính từ...tôi đề nghị không dùng tính từ đó”. Cố vấn Lê Đức Thọ phản bác lại: “Tôi dùng những tính từ đó cũng là kiềm chế lắm rồi. Dư luận thế giới, các nhà báo và chính các nhân vật ở Mỹ còn dùng những câu dữ dội hơn nhiều”. Cuối cùng, Hiệp định Paris được ký kết ngày 27-1-1973.

Nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh cho biết, cuối năm 2012, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia vừa Xuất bản cuốn “Nghệ thuật ngoại giao Việt Nam với cuộc đàm phán Paris” của ông.

Cuốn sách là tập hợp những bài viết, bài nghiên cứu đã được chọn lọc xuất bản của ông trong những năm gần đây cùng một số bài tham luận tại các hội thảo trong nước và ngoài nước nhân dịp kỷ niệm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG