Sài Gòn-chuyện tử tế - Bài cuối:

Ngôi nhà đặc biệt và 'đặc sản' miễn phí

Ông Nguyễn Ngọc Cần, chủ thư viện sách miễn phí.
Ông Nguyễn Ngọc Cần, chủ thư viện sách miễn phí.
TP - Có một mái nhà ở Sài Gòn dành cho những bà mẹ đơn thân, những cô gái mang thai bị bạn trai và gia đình chối bỏ, những người đồng tính bị bạo hành... Đó là căn nhà của tình thương, của sự sẻ chia và đồng cảm, nơi thắp lên hy vọng cho những người tuyệt vọng, khổ đau.

“Hy vọng xanh” cho mẹ đơn thân

Chủ của “nhà tạm lánh” này là chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu, sinh năm 1983, quê ở Vĩnh Long. Chị Giàu cho biết năm 2013, cuộc hôn nhân của chị đổ vỡ. Đau khổ, tuyệt vọng, chị cùng với đứa con trai chưa đầy 2 tuổi trở về quê. Nhờ ông bà ngoại chăm con giúp, chị nuốt nước mắt vào trong để trở lại Sài Gòn tìm hướng đi mới cho bản thân mình. Bao vất vả, khó khăn của sự tái khởi đầu nhưng chị cố gắng vượt qua.

“Tôi lao đầu vào làm việc, để khuây khỏa nỗi đau của đời mình nữa”, chị Giàu tâm sự. Rồi cũng từ đó, chị bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội, đi thăm hỏi và giúp đỡ những mái ấm, nhà mở, gặp gỡ và trò chuyện với những hoàn cảnh khó khăn.

Sau nhiều đêm trăn trở, vào tháng 6/2014 chị Giàu quyết định khởi động dự án “Hy vọng xanh” nhằm giúp đỡ những bà mẹ đơn thân, những phụ nữ mang thai bị gia đình và người yêu chối bỏ. Căn “nhà tạm lánh” của chị hình thành và hiện có hơn 10 cặp mẹ con cùng chung sống. “Có những người tới “nhà tạm lánh” này khi đã sinh con, cũng có người tới khi còn chưa thấy bụng. Họ tìm đến xem nơi đây như cứu cánh, bởi người yêu thậm chí cả gia đình đã quay lưng với họ”, chị Giàu nói.

Chị Ngọc (26 tuổi, quê ở Bình Dương) cho biết chị tới ở “nhà tạm lánh” vào cuối năm 2014, sau khi trót “ăn cơm trước kẻng” với người yêu. “Khi ấy, tôi mới tốt nghiệp, việc làm chưa ổn định. Biết mình có bầu, tôi gọi điện thông báo cho bạn trai thì ngay sau đó anh cúp máy và “quất ngựa truy phong”.

Biết mình đã tin lầm người, lại không dám nói sự thật với gia đình, bạn bè, chị từng nghĩ đến việc sẽ phá bỏ cái thai, nhưng rồi sau khi tìm hiểu được thông tin về mái ấm này, chị đã liên lạc với chị Giàu và được chị giúp đỡ từ đó tới giờ. “Hiện, con trai tôi đã hơn một tuổi nhưng tôi vẫn chưa thể đưa cháu về thăm ông bà ngoại vì vẫn còn mặc cảm và sợ những lời dị nghị từ những người xung quanh”, chị Ngọc buồn tủi kể về cuộc đời mình.

Ở ngôi “nhà tạm lánh” này, tất cả mọi người sống với nhau rất hòa thuận. Bởi hơn ai hết, những người phụ nữ ấy đều có hoàn cảnh giống nhau, nên họ hiểu và đồng cảm. Mỗi khi có ai đau ốm hay bé nào phải đi viện thì ngôi nhà chung ấy mất ăn mất ngủ vì lo lắng. Tiền viện phí, thuốc thang mọi người cùng đóng góp, chia sẻ.

Ngôi nhà đặc biệt và 'đặc sản' miễn phí ảnh 1

Các thành viên trong “nhà tạm lánh” luôn gắn kết, sẻ chia với nhau.

Chị Giàu cho biết “nhà tạm lánh” của chị hỗ trợ hoàn toàn miễn phí mọi chi phí như nhà ở, đồ ăn thức uống, kể cả tiền viện phí... Không chỉ vậy, chị Giàu còn đóng vai trò như một chuyên gia tâm lý, thường xuyên chia sẻ và tư vấn để mọi người cảm thấy nhẹ nhõm và  không còn dằn vặt bản thân. Có không ít trường hợp các bà mẹ đơn thân đã được trở về với gia đình sau khi được chị Giàu trò chuyện, trao đổi và kết nối.

“Đón nhận khác biệt - chia sẻ yêu thương”

Đó là tôn chỉ của Open Group- “nhà tạm lánh” dành cho người đồng tính bị bạo hành. Được thành lập vào tháng 10/2010, đến nay Open Group đã có tổng cộng 8 cơ sở lớn nhỏ tại TPHCM, Tây Ninh, Bình Dương và Đà Nẵng. Những người tìm đến đây có khi trên cơ thể còn chưa lành sẹo, có khi tinh thần vẫn hoảng loạn, sợ hãi vì bị gia đình, người thân ngược đãi, bạo hành.

Chủ của dự án này là anh Phan Thanh Nhàn, 28 tuổi, ngụ ở TPHCM. Anh Nhàn cho biết nhà tạm lánh ra đời sau cái chết đau lòng của một người bạn thân. “Đó là T., một chàng trai năng động và nhiệt tình trong các hoạt động xã hội. Sau khi gia đình biết T. là người đồng tính thì đã bắt T. đi chữa bệnh và buộc T. phải lấy vợ. Đau khổ, tuyệt vọng T. tìm đến cái chết”, anh Nhàn buồn bã kể lại.

Từ cái chết của người bạn, anh Nhàn hiểu ra rằng những người đồng tính họ không chỉ cô đơn vì bị xã hội miệt thị, mà còn bị chính gia đình, người thân ngược đãi, tra tấn tinh thần. Ý nghĩ đó thôi thúc anh xây dựng một môi trường hòa đồng, có sự yêu thương để bảo vệ những người đồng tính. Đó là lí do mà Open Group ra đời. “Nhà tạm lánh” là hoạt động phi lợi nhuận nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người dễ bị tổn thương ở Việt Nam. Đây là nơi mang lại môi trường sống bình yên, thuận lợi cho những người đồng tính bị bạo hành, giúp họ ổn định tâm lí và tìm kiếm việc làm trong thời gian ngắn. Từ tháng 9/2014 đến nay, số hồ sơ tạm trú tại “nhà tạm lánh” gần 130 người.

Mái nhà chung này còn dang rộng vòng tay đón nhận những trường hợp khác như phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, hay những bà mẹ đơn thân có cuộc sống khó khăn… Tuấn Anh, một tình nguyện viên tích cực của Open Group cho biết cậu cũng từng là nạn nhân của nạn bạo hành. Sau khi được bạn bè đưa vào “nhà tạm lánh”, được anh Nhàn và mọi người quan tâm, chăm sóc và ổn định được tâm lí, Tuấn Anh quyết định gắn bó lâu dài với nơi này.

 “Đặc sản” miễn phí

Ngoài một Sài Gòn ồn ã, nhộn nhịp người ta còn biết đến một Sài Gòn bao dung, sẵn sàng dang rộng vòng tay để đón nhận những người con tứ xứ đổ về. Một Sài Gòn nghĩa tình, thân thương đến lạ, một Sài Gòn của rất nhiều… miễn phí.

Với dòng chữ “đọc sách miễn phí, cho mượn đĩa, kinh sách, bán sách giá gốc, mua rồi được quyền đổi và trả lại”, tiệm sách của ông Nguyễn Ngọc Cần (63 tuổi), tại số 21 đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người. Đây chính là một thư viện thu nhỏ với khá nhiều đầu sách bổ ích và ý nghĩa.

Ông Cần mở tiệm sách này để thỏa ước mong của một thời tuổi trẻ. Ông kể, ngày bé rất ham đọc sách, cứ thấy mảnh giấy báo nào có chữ là ông ngồi đọc ngấu nghiến. “Nhà tôi nghèo lắm, tôi là con thứ 8 trong gia đình có 15 anh chị em. Ba mẹ tằn tiện lắm cũng chỉ đủ tiền cho đi học, cái ăn cái mặc còn chẳng đủ thì nói đâu tới chuyện mua sách về đọc. Nhiều khi “thèm” đọc quá, tôi ra mấy hiệu sách ngồi coi cả buổi, xin người ta trông xe rồi tranh thủ đọc sách miễn phí luôn”- ông Cần nhớ lại.

Năm 2006, khi con cái an cư lạc nghiệp, ông cũng đến tuổi nghỉ hưu, vì thế ông bàn với vợ mở một tiệm sách nhỏ, chủ yếu là sách sưu tầm và là nơi để bạn bè lui tới hàn huyên, đàm đạo. Theo thời gian, số lượng sách của ông tăng dần lên. Lại nhớ về thời bé không có tiền mua sách đọc, thương những người cùng hoàn cảnh nên ông quyết định cho mọi người vào đọc và mượn về miễn phí.

Hiện tại, tiệm sách của ông có hơn 5.000 đầu sách được sắp xếp gọn gàng và phân chia theo từng loại như: kỹ năng sống, sức khỏe, hạt giống tâm hồn, Phật pháp, tác phẩm văn học…

Hơn 20 năm qua, từ sáng thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, những cựu chiến binh là y bác sĩ ở phường 10, quận 3 đều có mặt ở phòng khám bệnh nhân đạo mà họ lập ra. Nơi đây trở thành địa chỉ khám bệnh tin cậy của những bệnh nhân nghèo, bởi vừa không mất tiền điều trị lại vừa được đội ngũ lương y trách nhiệm, nhiệt tình chăm sóc.

Là một trong ba người sáng lập ra phòng khám, ông Viên Hữu Đức (78 tuổi, phó phòng khám), kể lại: “Trước đây, phòng khám này là căn nhà cấp 4 rộng chưa đầy 50 m2, bên cạnh là bãi đất trống. Chiều chiều mấy anh em cựu chiến binh chúng tôi hay ra đây chơi cờ tướng, uống trà. Từng công tác trong lĩnh vực y tế, chứng kiến nhiều người nghèo không có tiền chữa bệnh đành phải về nhà chờ chết, thế là tôi mạnh dạn đề xuất chính quyền địa phương tổ chức nơi đây thành phòng khám miễn phí.

Ông Đức cho biết khi mới thành lập phòng khám chỉ có một giường sắt, một tủ gỗ và hai cái bàn. Sau này, do hoạt động tích cực và có sức lan tỏa nên các mạnh thường quân, và chính quyền địa phương tặng thêm thiết bị điều trị hiện đại như máy châm cứu từ trường, giường tủ… Ngôi nhà cấp bốn ngày nào giờ được nâng cấp thêm một lầu, cộng với 15 giường phục vụ cho nhiều người bệnh.

Hiện tại, toàn phòng khám có 7 y bác sĩ làm việc. Hầu hết mỗi người đều làm từ 3 đến 4 buổi trong một tuần. Mỗi ngày phòng khám tiếp nhận từ 20 - 30 người đến chữa bệnh. Phần lớn họ là những người nghèo từ các tỉnh lên thành phố làm việc kiếm sống.

Từ nhiều tháng nay, con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn giao với đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh bỗng trở nên nhộn nhịp hơn vào mỗi sáng sớm. Hơn 200 chiếc bánh mì được cho vào tủ kính, phía trên có dán dòng chữ “từ thiện - miễn phí - một người một ổ”.  Tủ bánh mì ấy chính là tấm lòng của cô Xuân Lan, 50 tuổi, chủ một thẩm mỹ viện gần đó chia sẻ đến với những người lao động nghèo. “Mình không có nhiều tiền đi từ thiện thì làm những việc nhỏ bé như thế này vậy”- cô Lan nói.

Ở một góc khác trên đường Thái Văn Lung và Bùi Thị Xuân (quận 1), hai thùng bánh mì từ thiện “người một ổ” được chị Bùi Uyên “nhân bản” từ việc làm của cô Lan. Mỗi thùng gồm 50 chiếc, do chính tay chị Uyên bao gói cẩn thận cùng với phần bơ và mứt ăn kèm. Khi thành phố lên đèn, cũng là lúc chị Uyên mang thùng bánh mì của mình ra để bên đường. Chị bảo, Sài Gòn vốn là thành phố không ngủ, có những người mưu sinh về đêm nên những phần bánh mì như thế xem như là suất ăn đêm của họ.

Sài Gòn bao giờ cung vậy, là mảnh đất khiến những người đã gắn bó lâu nay luôn tự hào, những người mới đến thì ấn tượng, thêm yêu mến và những người chưa đến thì luôn khao khát được đặt chân đến một lần.

Chị Giàu nói sẽ mở một Spa chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé mà nhân viên sẽ là những bà mẹ đơn thân ở ngôi nhà này sau khi được đào tạo. “Đó cũng là cách tạo công ăn việc làm cho họ”- chị Giàu chia sẻ.

MỚI - NÓNG