Ngược cung đường ma túy Tây Bắc - Kỳ III

Ngược cung đường ma túy Tây Bắc - Kỳ III
TP - Tiếp giáp với vùng Tam Giác Vàng, cuộc chiến chống ma tuý ở cung đường từ cửa khẩu Tây Trang đến thành phố Điện Biên diễn ra vô cùng khốc liệt.
Ngược cung đường ma túy Tây Bắc - Kỳ III ảnh 1
 Bia liệt sỹ Phạm Văn Cường trên “con đường vàng”

>> Kỳ I: Máu và “đạn bọc đường”

>> Kỳ II: Chuyện lạ ở  “ốc đảo”  ma túy

Trên “con đường vàng” đó, có tấm bia tưởng niệm người chiến sỹ công an đã ngã xuống sau loạt đạn của một băng nhóm ma tuý.  Nhưng cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn…

Khi cảnh sát giao thông bắt ma túy

Na Ư - một bản của đồng bào dân tộc Mông, hiện lên trước mắt chúng tôi với những mái nhà sàn mờ ảo trong khói đốt nương và mây mù Tây Bắc. Vẻ thanh bình ấy khiến ít ai nghĩ nơi đây từng là một tụ điểm ma túy khét tiếng cả nước.

Ma túy từ Tam Giác Vàng theo đường ngắn nhất là qua Phông-xa-lỳ đến cửa khẩu Tây Trang. Đoạn đường  chừng 30 km từ cửa khẩu Tây Trang về thành phố Điện Biên được mệnh danh là “con đường vàng” của bọn buôn bán “hàng trắng”.

Na Ư nằm trên  “con đường vàng” đó, trong số khoảng 500 dân của cả bản, số người nghiện hút, buôn bán và làm “cửu vạn” vận chuyển ma túy thuê lên đến hàng trăm.

Sau khi đường dây buôn bán ma túy của Vũ Xuân Trường, Nguyễn Văn Tám bị triệt phá, lượng “hàng trắng” lưu thông trên “con đường vàng” tuy có giảm nhưng vẫn “nhộn nhịp” một cách ngấm ngầm.

Có lẽ vì vậy mà ở tỉnh Điện Biên cảnh sát giao thông bắt ma túy trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Và bắt ma túy nhiều đến mức “gây sốc”.

Chẳng hạn như năm 2000,  phòng cảnh sát giao  thông (PC26) bắt 33 vụ vận chuyển, thu 51,82 kg thuốc phiện. Năm 2001, bắt 28 vụ với 22 đối tượng, thu 54,17 kg thuốc phiện, gần 1 kg heroin và 94 viên hồng phiến.

Có thời điểm, PC 26 đã bắt giữ tới 12 kg “hàng trắng” của các đối tượng khi chúng đang vận chuyển về Hà Nội.

Như đã thành phản xạ, mỗi khi yêu cầu một chiếc ôtô hay xe máy dừng lại, sau khi kiểm tra giấy tờ, các cảnh sát giao thông lại… kiểm tra ma túy. Để phát hiện ra ma túy là điều không hề đơn giản, bởi loại hàng đặc biệt này thường được “ngụy trang” rất kín đáo.

Chẳng hạn có chuyến xe chở đệm mút Thái Lan, các chiến sĩ phải dùng thuốn kiểm tra hàng chục chiếc đệm mút và cuối cùng phát hiện ra 6 kg thuốc phiện giấu trong đệm.

Nhưng nhiều khi bắt được ma túy không có ai nhận vì đối tượng đã nhanh tay vứt đi.  Như vụ bắt ma túy tại km 87 đèo Cổng Trời, lúc ấy đã 5 giờ sáng, trời mưa to, tổ cảnh sát kiểm tra xe máy của 2 đối tượng Nguyễn Văn Tuyến và Tẩn A Pao ở Sìn Hồ.

Không có ma túy nhưng anh em ngửi thấy mùi thuốc phiện. Hai anh Tuấn, Thái quay lại kiểm tra đoạn đường đối tượng vừa đi qua phát hiện thấy gói thuốc phiện bị vứt bên vệ đường.

Làm thế nào để bắt quả tang chúng? Lấy cớ phương tiện không có giấy tờ các anh giữ đối tượng lại nhưng giả vờ sơ hở để tên Tẩn A Pao trốn thoát. Tên Pao tưởng đã thoát, quay lại ôm gói thuốc phiện ra vẫy đồng đội thì bị bắt ngay tại chỗ.

Trên chuyến xe ngược “con đường vàng” lên cửa khẩu Tây Trang hôm ấy, cùng đi với chúng tôi có trung tá Ngô Thị Thủy, Phó phòng PC 17 Công an tỉnh Điện Biện - người được  T.Ư Hội LHPN Việt Nam trao giải phụ nữ Việt Nam tiêu biểu năm 2006 vì thành tích chống ma túy.

Chị Thủy thuộc cung đường này như lòng bàn tay và có thể “đọc vị” những đối tượng buôn “hàng trắng” ở tuyến này. Chị tâm sự với tôi trong tiếng xe ôtô rù rì vượt đèo:

“Không chỉ vận chuyển ma túy trên các phương tiện giao thông xuôi theo đường này, bọn buôn ma túy con đưa hàng đi bằng đường rừng, đường tiểu ngạch.

Vì siêu lợi nhuận, bọn chúng rất hung dữ, sẵn sàng xả súng khi bị bao vây. Thậm chí băng nhóm buôn ma túy Na Ư đã từng treo giải 60.000 USD cho mạng sống của Trung tá Sùng A Hồng (khi đó là phó phòng PC 17, người trực tiếp chỉ huy nhiều vụ đánh ma túy)”.

Xe dừng lại ở lưng chừng đèo gần cửa khẩu Tây Trang. Một chiếc bia mộ hiện ra trong nắng chiều. Nơi đây, trinh sát Phạm Văn Cường thuộc phòng PC 17 Công an tỉnh Điện Biên đã ngã xuống sau loạt đạn của một băng nhóm  ma túy ở Na Ư.

Bia liệt sỹ trên “con đường vàng”

Sau khi tốt nghiệp trường Cảnh sát nhân dân I, Phạm Văn Cường tình nguyện lên Điện Biên công tác và được phân công về phòng PC17. Vóc người nhỏ, dáng điệu thư sinh nhưng nhanh nhẹn, thông minh, Cường nhanh chóng trở thành chiến sỹ trinh sát mà cuộc chiến chống ma túy nóng bỏng ở Tây Bắc không cho anh có đủ thời gian tập sự.

Về PC17 tháng 10/1998, tháng 12 năm đó, anh tham gia chuyên án đầu tiên. Vào thời điểm ra quân vây bắt, do những tình huống bất ngờ, Cường đã xung phong đóng vai trẻ chăn trâu để tiếp cận đối tượng, hỗ trợ cho đồng đội.

Thế rồi, gần như tất cả các chuyên án của PC17 Cường đều được tung vào trận với vai trò trinh sát nội tuyến.

Khi trong vai kẻ buôn bán, vận chuyển thuê, khi trong vai họ hàng cháu chắt, anh “lặn” sâu  vào các tổ chức tội phạm, nắm quy luật hoạt động, phương thức thủ đoạn, tham mưu cho chỉ huy cách đánh.

Gương mặt lạ ở vùng cao, thông minh, nhanh nhẹn, Phạm Văn Cường thực sự là cách tay đắc lực của PC 17 Công an Điện Biên.

Chuyên án 291 G - chuyên án cuối cùng mà Cường tham gia – có tính chất cực kỳ nguy hiểm. PC 17 phát hiện một đường dây ma túy lớn từ  Na Ư đi Điện Biên và Hà Nội.

Đường dây này do Lý Giống Minh, Lý A Va, Và A Tùng cầm đầu. Chúng lấy hàng của tên Gấu người Lào vận chuyển vào Na Ư rồi sau đó chuyển cho Uyên cụt, Lý Đôn ở Điện Biên.

Các trinh sát đã mai phục bắt được Và Trù Tú, Và A Say vận chuyển 2 bánh heroin từ Tây Trang xuống Điện Biên,  thu một khẩu súng  K54. Và Trù Tú ngoan cố không khai ra đồng bọn.

Để tiếp tục phá bằng được băng nhóm tội phạm này, Ban chuyên án quyết định đưa Phạm Văn Cường thâm nhập đường dây. Phạm Văn Cường đã vào vai rất “ngọt”, sau 45 ngày tiếp cận anh đã cung cấp nhiều thông tin về băng Na Ư.

Đêm hôm ấy,  trên đỉnh đèo Tây Trang, các mũi phục kích  của PC17 đã sẵn sàng để bắt gọn những tên đầu sỏ của đường dây ma túy Na Ư. Trời tối như mực, các đồng đội chỉ hỗ trợ từ xa, Phạm Văn Cường một mình vào trận để câu nhử đối tượng.

Nhưng với bản chất cực kỳ tàn bạo và manh động bọn Và A Say, Lý A Va, Sình A Páu bất ngờ xả súng bắn vào Cường rồi nhanh chóng lẩn trốn vào rừng.

Người trinh sát ấy ngã xuống ở tuổi 25. Trong di cảo của anh, đồng đội chưa tìm thấy một lá thư tình nào.

Không ai ở Điện Biên quên đám tang với hàng ngàn người xếp hàng ở trụ sở công an tỉnh. Bao nhiêu hoa hồng thắm tươi trong căn phòng xưa là chốn anh đi về. Bao nhiêu hoa hồng trên mộ anh… 

Chúng tôi đứng lặng im, cúi đầu trước nấm đất nơi anh hùng liệt sỹ Phạm Văn Cường hy sinh. Trong bóng chiều, cỏ cây núi rừng của miền biên ải này có vẻ gì đó thật bình yên, diệu vợi. 

Nhưng đối với những người như Trung tá Ngô Thị Thủy, ở một lùm cây, một góc rừng nào đó trên “con đường vàng” rất có thể vẫn còn những tên tội phạm đang vận chuyển heroin và những họng súng hắc ám của chúng đang nhắm vào những người hàng ngày hàng giờ đối mặt ma túy…

Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn nhưng chưa bao giờ chị Thủy và các đồng đội ngán ngại “con đường vàng”… Họ đang ngày đêm gắng sức để “con đường vàng” trở thành tử địa của những kẻ buôn “cái chết trắng”.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.