Ngược Nậm Nơn săn nhà sàn, cổ vật

Ngược Nậm Nơn săn nhà sàn, cổ vật
TP - Tôi ngược dòng Nậm Nơn vào thung lũng của lòng hồ thủy điện bản Vẻ trong những ngày cuối năm lạnh giá. Nay mai, người dân nơi đây phải dời về nơi ở mới nên ai nấy tranh thủ tận thu tất cả những gì có thể Người hì hục chặt gỗ rừng, người đóng bộ khung nhà sàn mới để mang về xuôi bán…
Ngược Nậm Nơn săn nhà sàn, cổ vật ảnh 1
Tàu đào vàng đang ngày đêm đục khoét lòng sông

Và cũng không ít “đầu nậu” nhanh chân về đây tìm mua nhà sàn, cổ vật của đồng bào dân tộc dọc hai bờ sông Nậm Nơn  thuộc  huyện Tương Dương (Nghệ An).

Tan hoang rừng đôi bờ

Từ thượng nguồn sông Lam, chiếc thuyền máy nhỏ lướt sóng vun vút về phía công trường bản Vẻ. Để ngày mai miền Tây xứ Nghệ có thủy điện lớn nhất miền Trung, dòng Nậm Nơn tươi đẹp sẽ biến mất, chỉ còn trong huyền thoại.

Chiếc thuyền máy tiếp tục  lao  sâu qua các bản làng của đồng bào dân tộc. Đi trên dòng sông thấy rõ một không khí hối hả. Trên mỗi chuyến thuyền đều chật ních người và đồ đạc.

Bản Xốp Pột, bản Kim Hoà, xã Kim Đa nơi đồng bào Ơ đu ở chỉ còn mảnh đất trống. Cách bản người Ơ đu không xa, bản người Thái cũng đang ngày đêm hối hả dỡ nhà, dỡ cửa, gom đồ đạc chất lên từng chiếc thuyền, hoặc kết thành bè cho trôi theo dòng nước về xuôi để sang xã Thanh Hương, Hạnh Lâm và Thanh Thịnh thuộc huyện Thanh Chương gần biên giới Việt –Lào để tái định cư.

Người đi đã đành, người ở lại đang hoang mang, không biết cuộc sống ngày mai sẽ ra sao? Vì thế một số dân bản nằm trong lưu vực lòng hồ thủy điện bản Vẻ đang cố tranh thủ tận thu những gì còn sót lại ở lưu vực hai bên sông. 

Ngồi trên thuyền máy, ông Vi Văn Toàn - một người dân địa phương bảo bản làng mọc dài theo dòng Nậm Nơn đến gần cả trăm cây số, đôi bờ Nậm Nơn có các xã: Hữu Khuông, Hữu Dương, Kim Đa, Kim Tiến, Luân Mai, Nhôn Mai và Mai Sơn.

Đây là con sông huyết mạch giao thông duy nhất ở vùng cao này. Đồng bào sinh sống tại đây chủ yếu là 3 dân tộc Thái, Khơ mú và Ơ đu. Khi chưa có thuyền máy, phải chèo chống thuyền nhỏ mất cả tuần lễ mới ra đến trung tâm huyện lỵ - thị trấn Hòa Bình.

Khi ngược sông để về lại bản làng cũng phải mất 15 –20 ngày. Đó là chưa kể quãng thời gian đi bộ theo đường rừng từ trong bản ra bến sông, ngày nắng mất khoảng 5 tiếng, ngày mưa 9 tiếng đồng hồ.

Hiện nơi này đang ngày đêm thay đổi. Trên bờ cây cối trơ trụi, nhiều bản làng xơ xác vì đã chuyển đi vùng tái định cư. Trên sông, thỉnh thoảng người ta nghe tiếng mìn nổ  long trời lở đất của những tay “sát thủ” cá. Trước đây ở dòng sông này không bao giờ người ta nghe thấy tiếng  mìn...

Ông  Lương Quảng Ba - Phó Chủ tịch UBND cùng một số cán bộ xã Hữu Khuông tỏ ra xót xa khi mỗi ngày phải chứng kiến hàng trăm cây gỗ, có cả cây cổ thụ bị đốn ngã.

Ông Ba bức xúc: “UBND tỉnh Nghệ An đã cho phép địa phương khai thác tận thu những sản phẩm trong lòng hồ thủy điện. Lợi dụng chủ trương này, người ta đã khai thác tan hoang, thậm chí cả trên những vùng đồi mà tương lai mực nước lòng hồ thủy điện không bao giờ ngập đến”.

Đi dọc hai bên bờ sông, chúng tôi thấy từng bãi gỗ lớn nằm phơi san sát chờ thuyền bè vận chuyển trôi xuôi. “Chưa bao giờ chúng tôi thấy gỗ được chất ra hai bên sông nhiều đến vậy” - Một người dân địa phương nói thế.       

Từ ngày xây dựng thủy điện, ngày nào dọc sông Nậm Nơn cũng có bè gỗ nối nhau về xuôi và rừng cũng ngày một tan hoang. Lợi dụng chủ trương của tỉnh Nghệ An cho phép khai thác tận thu gỗ ở lòng hồ thủy điện, “đục nước béo cò” nhiều người đua nhau chặt phá rừng trái phép.

Săn tìm vàng…

Sau khi làm tan hoang cả thượng nguồn sông Lam (vùng lòng hồ của dự án thủy điện Khe Bố –Tương Dương trong tương lai), các ông chủ vàng tiếp tục tìm đến dòng sông Nậm Nơn để khai thác. 

Anh Lữ  Kim Kha – người dân Kim Đa đi cùng chuyến chỉ cho tôi thấy từng đống đất lô nhô ở thượng nguồn sông Lam. Trên dòng sông, chỗ đất đá nhô lên, chỗ khác nước bị đổi dòng chảy, có chỗ sông ngoạm sâu vào cả khu vực vườn cây cối của dân, gần ta luy âm của QL7. Chỉ cần một trận lũ nhỏ, hậu quả sẽ thật khó lường.

Trong khi người dân địa phương hai bên bờ sông Nậm Nơn thuộc lòng hồ thủy điện bản Vẻ chưa đi hết về vùng tái định cư. Hiện nay, mỗi ngày còn có hàng nghìn lượt người thuộc 7 xã của vùng lòng hồ đi lại trên sông với mối hiểm nguy đang rình rập. Đó là chưa kể việc khai thác vàng đang gây ô nhiễm nặng tới môi trường.

Ông Lô Văn  Lý - người lái thuyền ở bến Thượng Lưu, xã Kim Đa cho hay:  “Bến sông này mỗi ngày có hàng trăm chiếc thuyền lớn nhỏ tập trung để chở hàng, chở khách. Lâu nay những ngày nước sông bình thường còn có thuyền lật chết người, huống hồ nay có hàng chục tàu khai thác vàng ngày đêm móc ruột sông. Nhiều đoạn sông các tay lái thuyền thậm chí  còn không định được hướng của dòng chảy nữa”.

Trên chiếc thuyền máy nhỏ lướt theo dòng Nậm Nơn trong đêm trăng lờ mờ, tôi đã suýt chết khi xuôi qua bản Mà, xã Kim Tiến. Thuyền đang trôi theo dòng bỗng lao vọt lên bãi cát nằm nghiêng, tôi và anh bạn bị văng ra bãi cát, còn ông lái thuyền có tên Vi Văn Hải rơi xuống sông. Chân vịt của thuyền bị bẻ gãy.

...và nhà sàn, cổ vật

Ngược Nậm Nơn săn nhà sàn, cổ vật ảnh 2
Ngôi nhà sàn này sắp được dỡ chuyển về xuôi

Theo chân một tay buôn đồ cổ ở TP Vinh, chúng tôi ngược lên vùng Xuân Mai, Nhôn Mai và Luân Mai kiếm hàng. Biết bà con sẽ rời quê về khu tái định cư ở nơi khác, nhiều “đầu nậu” đồ cổ và nhà sàn đã nhanh chân ráo riết lùng mua những thứ quý giá của đồng bào nơi đây.

Vùng đất này vốn có truyền thống văn hóa lâu đời nên rất nhiều cổ vật. Vào bản Hiển, bản Muộn (xã Hữu Khuông), thấy nhiều ngôi nhà sàn cổ rất to và đẹp.

Trong vai một người đi mua nhà sàn,  tôi dạm mua nhà mang về xuôi. Nhiều người đồng ý bán, nhưng bảo phải đợi đến ngày họ nhận được nhà mới của Nhà nước cấp đã.

Một số người dân vùng tái định cư ở Kim Đa cho biết: Từ khi bắt đầu có dự án xây dựng thủy điện, nhiều người ở TP Vinh, thậm chí  tận TP HCM, Hải Phòng, Hà Nội...  cũng lặn lội đến tìm mua nhà sàn cổ.

Ban đầu chưa biết giá cả thế nào, thấy người ta mua với giá hàng chục triệu, bà con tưởng thế là được giá nên nhà này học theo nhà kia… lần lượt bán hết với giá chỉ khoảng 40 đến 60 triệu đồng/ngôi. Trong khi đó, một số người không bán, khi chuyển về khu ở mới Thanh Chương chuyển cả nhà theo và chỉ tính số gỗ đã bán được hàng trăm triệu đồng.

Tôi có gặp một số “đầu nậu” vào các bản làng săn tìm mua nhà sàn với giá rẻ. Tại bản Kim Hồng,  xã Kim Tiến một “đầu nậu” tên là Hùng (quê Yên Thành), mua được nhà sàn của một người dân bản với giá 38 triệu đồng.

Chủ nhân ngôi nhà này đã chuyển về Thanh Chương từ hơn 3 tháng, nay mới quay về để bán nhà. “Chuyến này trúng đậm, vì cột gỗ còn ngon lắm. Về Vinh bán lại ít cũng phải được 120 triệu đồng” - Hùng tiết lộ.

Thời điểm này, người dân vùng lòng hồ thủy điện bản Vẻ hầu hết đang tìm cách bán nhà sàn cũ cho các “ đầu nậu”. Bán xong họ lại vào rừng chặt những cây gỗ to mang ra hai bờ sông thuê người đục, đẽo làm lại bộ nhà sàn mới để mang về xuôi.

Bên cạnh việc săn lùng nhà sàn cổ, một số “đầu nậu” còn tìm mua cổ vật. Tranh thủ bà con di dời nơi ở, nhiều tay săn cổ vật vào dạm mua những hiện vật của gia đình như: chum, chóe, mâm, thau, bình hoa… bằng đồng. Đây là việc buôn bán siêu lợi nhuận nên rất nhiều người ham.

Dòng Nậm Nơn mai đây sẽ trở thành một hồ nước mênh mông, phục vụ cho công trình thủy điện. Đó là điều tốt cho tương lai. Nhưng thủy điện chưa thành hình mà bao thứ quý giá đã mất đi.

Tương Dương, tháng 12/2006

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".