Người 10 năm nói chuyện dưới cờ

Người 10 năm nói chuyện dưới cờ
TP- Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, thứ Hai nào cũng vậy, ông lão 78 tuổi Hoàng Hồng Kỳ lại lóc cóc xe đạp đến các trường để nói chuyện với học sinh.

Ông Hoàng Hồng Kỳ ở bản Néo, xã Thanh Sơn huyện Sơn Động- Bắc Giang làm việc này với mong muốn giữ những học sinh tốt trước những cám dỗ của cái xấu. Ông còn viết ca khúc “Tự hào thanh niên Hồ Chí Minh”

“Hãy coi tôi như một đoàn viên!”

Là một cán bộ lão thành tham gia hoạt động cách mạng từ thời chống Pháp đến nay đã có 58 năm tuổi Đảng, 78 tuổi đời nhưng ông Hoàng Hồng Kỳ- nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Sơn Động (Bắc Giang) đã nói nhiều lần như thế với các anh chị ở Huyện Đoàn Sơn Động.

“Các đồng chí cứ coi tôi như một đoàn viên, có chương trình hoạt động gì cứ gửi cho tôi biết với để nói với các em cho trúng, vận động cho hiệu quả!”.

Bất cứ khi nào Đoàn Thanh niên cần ông lại có mặt để cùng sinh hoạt Đoàn và nói chuyện truyền thống quê hương, cách mạng. Vốn đã từng là một cán bộ Đoàn nên khi biết ở xã mình vẫn còn có những chi đoàn trắng, ông cùng Bí thư Đoàn xã lóc cóc xe đạp đến từng nhà vận động, thuyết phục.

Ở Trường THCS Thanh Sơn có một học sinh bị các thầy cô phạt kiểm điểm vì đã trót ăn cắp, em này vì xấu hổ với bạn mà bỏ học, ông Kỳ lại tìm đến tận nhà để thuyết phục em trở lại lớp và đã thành công.

Ngày này qua tháng khác, năm này qua năm khác ông cứ lặng lẽ vun xới chăm bẵm thế hệ trẻ của quê hương mình như thể chăm những mầm cây non. Ông bảo: “Tuổi trẻ bây giờ có nhiều cái mới nên cũng có nhiều cái xấu phát sinh từ đó. Phải cố gắng giành giật những em có nguy cơ sa ngã trước cám dỗ của cái xấu”.

Hàng trăm buổi nói chuyện dưới cờ!

Những ngày đầu, khi ông liên hệ với nhà trường để xin chút ít thời gian nói chuyện với học sinh trong giờ chào cờ, các thầy ở trường Tiểu học và THCS xã Thanh Sơn huyện Sơn Động thấy lạ.

Người 10 năm nói chuyện dưới cờ ảnh 1
Ông Hồng Kỳ và cô trò trường THCS xã Thanh Sơn trước ngôi nhà nhỏ

Các em học sinh cũng vậy, tự dưng lại thấy có ông già dự lễ chào cờ và lên bục phát biểu, nói chuyện. Hơn mười năm trôi qua, hình ảnh một ông già ngồi cùng băng ghế với các thầy cô và lên bục nói chuyện đã trở nên quá thân thuộc, gần gũi. 

 Những câu chuyện mà ông nói đó là tấm gương về Bác; truyền thống, lịch sử quê hương, dân tộc; chữ Nhân, chữ Lễ ở đời và rất rất nhiều chủ đề khác như tệ nạn xã hội, an toàn giao thông...

Tùy theo thời điểm hay sự kiện, ông Kỳ chọn những chủ đề khác nhau. Đợt học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hay vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác thì ông dành nhiều thời lượng để kể những câu chuyện về Người; ngày thành lập Đoàn 26/3 sẽ nói về thanh niên với tổ chức Đoàn; ngày 30/4, 1/5, 7/5, 27/7, 20/11… đều có chủ đề, chủ điểm.

Muốn học sinh không cảm thấy mệt mỏi vì bài nói chuyện dài hoặc khô cứng, ông Kỳ biên soạn và lựa chọn cẩn thận và tìm cách gói lại sự kiện qua một câu chuyện cụ thể nào đó. Trong câu chuyện ấy có thể đan xen những mẩu chuyện vui hoặc một ca khúc gì đó nhằm thay đổi không khí.

Thầy Nguyễn Huy Thiềng- Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Động số 3 nói rằng “Cụ là người bạn lớn của trường chúng tôi. Hiệu quả lời nói của cụ rất lớn".

Mà không chỉ giờ chào cờ, nhiều khi trong giờ học môn Sử các thầy cô cũng mời cụ ra để giúp cho cả thầy và trò hiểu thêm bối cảnh, địa hình và cả những thuật ngữ như thế nào là lỗ châu mai... Để cho sinh động, khi cô giáo đề nghị, cụ Kỳ lại dành cả buổi chiều ngồi làm mũi mác để học trò được mục sở thị mũi mác nó như thế nào.

Thiếu ông Kỳ là thấy nhớ

Trong ngôi nhà nhỏ tường đất ở bản Néo, xã Thanh Sơn, mọi đồ dùng vật dụng hết sức đơn sơ nhưng ảnh Bác được treo trang trọng giữa gian chính. Tài sản có giá nhất là chiếc ti - vi các con ông Kỳ mới mua cách đây vài tháng.

Trước khi có ti- vi ông vẫn sử dụng chiếc đài nhỏ và sách báo như một kênh quan trọng để cập nhật thông tin, bổ sung vào bài nói chuyện với các cháu để “không bị lạc hậu so với lớp trẻ”.

Mỗi khi có đơn đặt hàng, ông thường chuẩn bị rất kỹ xem nên nói cái gì và nói như thế nào. Chiếc bàn viết của ông - một phần của bàn máy khâu cũ kê sát giường là nơi ông dồn tâm sức cho mỗi lần chuẩn bị nói chuyện. 

Tôi đã được xem những bài ông soạn trong hai cuốn sổ dày đặc. Ở đó có bài nói về chữ Nhân và chữ Lễ, về tấm lòng của Bác với thương binh- gia đình liệt sỹ, về chiến thắng Điện Biên…

Tôi cũng đã được dự buổi chào cờ có ông Kỳ nói chuyện và thầm thán phục bởi sự cần mẫn, lòng nhiệt huyết phương pháp tuyên truyền rất có nghề.

“Nếu không lựa chọn, chắt lọc và cụ thể hóa qua những mẩu chuyện, sự kiện thì khó có được hiệu quả. Hơn nữa, mình nói chuyện với nhiều đối tượng khác nhau, có thể là cán bộ thôn, xã, các thầy cô giáo hay các em ĐVTN, học sinh… nên không thể dập khuôn một bài được. Thế mới cần phải dày công biên soạn, chuẩn bị. Dù sao thì bài nói chuyện chỉ nên trong khoảng mười lăm hai mươi phút và có thể xen vào mẩu chuyện vui hay…một bài hát để thư giãn!" - Ông Kỳ tâm sự.

Nói về bài hát, dù chỉ biết không nhiều về nhạc lý và đã 78 tuổi nhưng ông Kỳ cũng đã có dăm bảy ca khúc như “Năm học mới”, “Vang lên bài ca”, “Sơn Động Anh hùng ca”.

Mới đây ông Kỳ còn viết bài “Tự hào thanh niên Hồ Chí Minh” khá hay, rất phù hợp để tuổi trẻ ca lên, nhất là trong “Tháng Thanh niên” này.

Ông Kỳ nói Bác bằng sự kính trọng thiết tha đặc biệt: “Càng nghiên cứu, tìm hiểu về Bác lại càng thấy kính trọng, yêu thương Bác hơn. Học tập và làm theo Người chẳng dễ chút nào!”

* * *

Buổi chiều thứ Hai vừa rồi, như thường lệ, vào giờ chào cờ của Trường THPT Sơn Động số 3, ông Kỳ đã có mặt từ trước đó. Chưa đến giờ chào cờ, ông tranh thủ sang Trạm y tế xã ở cạnh trường để khám bệnh vì gần đây ông thường cảm thấy tức ngực, khó chịu. Huyết áp khá cao: 180/90.

Bác sỹ của Trạm chưa khám xong thì ông Kỳ nghe tiếng trống liền nhỏm dậy sang trường dự chào cờ. Cuối buổi ông lại lên bục nói chuyện. Vi Văn Xem, học sinh lớp 12 E- Trường THPT Sơn Động số 3 nhận xét: “Ông nói chuyện rất gần gũi, nhẹ nhàng mà lại rất đúng rất hay! Thứ Hai nào thiếu ông Kỳ là lại thấy nhớ!”.

Bài nói chuyện về học tập làm theo lời Bác kết thúc bằng giai điệu ca khúc “Tự hào thanh niên Hồ Chí Minh” do chính ông hát và nhạc đệm là nhịp vỗ tay của thầy trò nhà trường. Không khí ấy đã mang lại cho tôi một cảm giác xốn xang, xúc động đặc biệt.

Tôi thầm nghĩ, nếu như có một người làm công việc ông Kỳ đang làm trong một tháng, một năm đã quý biết bao. Vậy mà ông- một người đã 78 tuổi vẫn đều đặn mười mấy năm ròng lên bục… miễn phí!  Hàng trăm bài nói chuyện và phần thưởng lớn nhất là những tràng pháo tay của các thầy và các em ĐVTN, học sinh!

“Tuổi trẻ hành động vì cộng đồng- Xã hội chăm lo bồi dưỡng thanh niên”- Biểu ngữ ấy tôi đã thấy ở rất nhiều nơi nhưng có lẽ ở đây, giữa  bạt ngàn màu xanh của núi rừng, biểu ngữ ấy như thắm đỏ hơn, sáng đẹp hơn bởi có những người như ông Hồng Kỳ.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.